Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Di tích cấp tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Di tích Đình Ba Chãng, xã Phúc An, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

15/05/2017 14:44:00 Xem cỡ chữ Google
Ngày 22/12/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 3653/QĐ-UBND công nhận đình Ba Chãng, xã Phúc An, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Đồng chí Tô Thị Ánh - Phó Chủ tịch UBND huyện trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh cho xã Phúc An

1. Tên Di tích:

- Di tích lịch sử - văn hóa đình Ba Chãng, xã Phúc An, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

2. Loại hình Di tích:

- Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

3. Quyết định công bố Di tích:

- Quyết định số 3653/QĐ-UBND ngày 22/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận đình Ba Chãng, xã Phúc An, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Biểu diễn văn nghệ chào mừng Lễ công bố Quyết định và đón nhận bằng xếp hạng Di tích đình Ba Chãng

 

4. Địa điểm và đường đến Di tích:

- Di tích lịch sử - văn hóa đình Ba Chãng tọa lạc tại xã Phúc An, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái có diện tích khoanh vùng bảo vệ 7.925,6m2.

- Đến di tích đình Ba Chãng, xã Phúc An, huyện Yên Bình bằng đường bộ và đường thủy đều thuận tiện.

* Đi bằng đường bộ:

- Từ Quảng trường 19 tháng 8 (km 5) đi đường Đinh Tiên Hoàng đến km 9 (ngã ba Hà Nội - Lào Cai), đi tiếp Quốc lộ 70 Yên Bái - Hà Nội khoảng 20km (ngã ba Cát Lem), rẽ trái đi Quốc lộ 37 khoảng 25km (hướng đi thị trấn Thác Bà) đến cầu Thác Ông, đi tiếp đường Tỉnh lộ 170 (Thác Bà - Cẩm Nhân) khoảng 20km đến địa điểm thác Ô Đồ, xã Phúc An, từ địa điểm thác Ô Đồ đi đường liên thôn Làng Cại - Khuôn Đát khoảng 5km theo biển hướng dẫn để đến Di tích.

- Từ trung tâm huyện lỵ đi Quốc lộ 70 khoảng 16km đến ngã ba Cát Lem, đi theo hướng dẫn để đến di tích đình Ba Chãng.

- Từ Trung tâm xã Phúc An, đi Tỉnh lộ 170 (Phúc An - Thác Bà) khoảng 5km đến địa điểm thác Ô Đồ, tiếp tục đi theo hướng dẫn để đến di tích đình Ba Chãng.

* Đi bằng đường thủy:

Xuất phát từ Cảng Hương Lý (thị trấn Yên Bình) đi khoảng 30 hải lý đến bến Phúc An, đi theo biển chỉ dẫn đến UBND xã Phúc An, rồi căn cứ theo hướng dẫn trên đường bộ là đến Di tích.

5. Sơ lược lịch sử Di tích:

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một bộ phận cư dân người Cao Lan ở vùng Sơn Dương - Tuyên Quang di cư khai phá vùng đất mới, đến xã Vô Tha (xã Phúc An ngày nay) thấy thổ nhưỡng phù hợp, tài nguyên thiên nhiên phong phú, cư dân bản địa (chủ yếu là người Tày, Dao) dễ mến, sống chan hòa, nên các cư dân người Cao Lan đã chọn vùng đất này làm nơi định cư, phát triển lâu dài. Dân tộc Cao Lan làm nông nghiệp lúa nước là chính, cho nên từ các hoạt động mưu sinh tới nghi lễ, tín ngưỡng và đời sống tình cảm của họ đều gắn liền với môi trường và thời tiết. Trong truyền thống cũng như hiện đại, các làng Cao Lan đều duy trì sinh hoạt thờ tự của cộng đồng ở các đình làng, cứ di cư đến đâu thì dân tộc Cao Lan lập đình thờ thần và Thành Hoàng ở đó.

Khi di cư đến vùng đất Vô Tha cũng vậy, tộc người Cao Lan không quên mang theo văn hóa, tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của dân tộc mình. Đến năm 1928, khi cuộc sống dần ổn định và hòa đồng với các cư dân bản địa, một số dòng họ người Cao Lan đã đứng ra kêu gọi dân làng cùng nhau lập Đình để phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng nhằm xua đi các rủi ro về dịch bệnh, mùa màng thất thu và những điều không may trong sinh hoạt hàng ngày… Kể từ đó đình Ba Chãng được hình thành.

Khởi nguồn đình Ba Chãng được khởi dựng là ngôi Đình cổ người Cao Lan, có kiến trúc hình chữ “Nhất” gồm 3 gian, cột gỗ, mái lợp cọ, không tường, tọa lạc trên vùng đất bằng phẳng thuộc thôn Ba Chãng, xã Vô Tha, tổng Ẩm Phước, phủ Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang (nay là xã Phúc An, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Do vùng đất Ba Chãng hay xảy ra mưa lớn, ngập lụt đường đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến các hoạt động lễ hội và hương khói định kỳ trong Đình, nên đến năm 1934, Đình được giữ nguyên kiến trúc và chuyển đến địa điểm mới thuộc thôn Khuôn Đát (cách địa điểm đình cũ 2,5km) để thờ tự. Với không gian rộng, thoáng nên các hoạt động tổ chức lễ hội, hương khói định kỳ diễn ra rất thuận tiện, thu hút được nhiều người dân địa phương và các vùng lân cận đến tham quan, chiêm bái.

Từ năm 1934 đến nay, đình Ba Chãng bị xuống cấp và hư hỏng nhiều lần do ảnh hưởng của thời tiết và mối, mọt xâm hại. Nhưng được sự quan tâm và bảo vệ của người dân địa phương, những hư hại đó được khắc phục và tu sửa lại. Hiện nay, kiến trúc đình Ba Chãng vẫn giữ được nguyên vẹn theo kiến trúc ban đầu khi khởi dựng Đình. Hiện trạng đình Ba Chãng có kiến trúc 3 gian, mỗi gian dài 3m, cột bằng gỗ, các hoa văn trang trí trên đầu hồi và các điểm nối gép cột và xà chủ yếu là hoa văn trang trí hoa, lá, hai xà chính được khắc câu đối bằng chữ hán nôm, mái Đình lợp fibro xi măng, không tường, nền bằng xi măng. Các ban thờ được làm bằng gỗ thiết kế cao 1,5m so với mặt đất, quanh khu vực Đình được người dân trồng cọ và các loại cây lâu năm khác.

6. Các nhân vật được thờ tự:

* Đền Ba Chãng Thờ Sơn thần (hai ngọn núi lớn là núi Đèo Nu và núi Cao Biền)

- Núi Đèo Nu (thuộc địa phận xã Phúc An) là ngọn núi có sự ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của toàn bộ cư dân trong vùng. Các khe suối bắt nguồn từ trong núi như những đường huyết mạch cung cấp nguồn nước chính cho hoạt động sinh hoạt, tưới tiêu của vùng đất. Đình Ba Chãng được khởi dựng bên sườn núi Đèo Nu như một điểm chấn giữ tâm linh, để điều hòa các dòng chảy trong mùa mưa bão không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Từ đó, dân làng thần thánh hóa núi Đèo Nu và tôn thờ tại di tích đình Ba Chãng.

- Núi Cao Biền (thuộc địa phận xã Vũ Linh) nằm bên tả ngạn sông Chảy (hồ Thác Bà) gồm những dãy núi có độ cao từ 300 - 600m, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Núi Cao Biền là đường phân thủy giữa sông Chảy và sông Lô. Các cư dân địa phương và cư dân vùng lân cận cho biết: Từ xa xưa núi Cao Biền là ngọn núi linh thiêng, ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, trên đỉnh núi có một đền thờ (chưa xác định được nhân vật thờ tự). Những người lên núi hay xảy ra những điều không may, nguy hiểm do thiên nhiên mang lại, cho nên người dân địa phương và các vùng lân cận lập Đình, đền để tôn thờ. Ngoài ra tên gọi núi Cao Biền còn gắn với nhiều truyền thuyết của danh tướng Cao Biền thời nhà Đường đến nay vẫn chưa giải thích được.

Thờ Thành Hoàng

- Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng ở nước ta phát triển khá sớm, từ thời Đường Mục Tông (năm 822) sau đó lan truyền đến các vùng nông thôn và dần in đậm dấu ấn trong văn hóa của người dân làm nông nghiệp lúa nước. Thành Hoàng chính là vị chỉ huy tối linh của làng xã không chỉ về mặt tinh thần mà còn một phần về mặt đời sống sinh hoạt vật chất của dân làng. Cho nên công tác thờ phụng Thành Hoàng chính là sự biểu hiện của luật lệ, lề thói gia phong của làng. Trải qua thời gian dài, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng đã trở thành biểu tượng không thể phủ nhận được của làng, xã.

- Thần Thành Hoàng theo từng vùng miền tôn thờ, có thể là “nhiên thần” hoặc “nhân thần”, là một cá nhân hoặc nhiều cá nhân. Đối với đình Ba Chãng, thần Thành Hoàng là “nhân thần” bao gồm những người có công khai phá vùng đất khi còn sơ khai và những người có công định hướng phát triển cho làng, xã mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho cộng đồng dân tộc cư trú tại vùng đất. Trải qua nhiều thế hệ, những công lao đó được dân làng ghi nhận và lưu truyền, đồng thời suy tôn các vị đó trở thành thần Thành Hoàng cai quản, che chở và bảo vệ cho chính vùng đất khai phá và xây dựng. Do kiêng kị gọi tránh tên húy thần Thành Hoàng, cho nên hiện nay tên, tuổi của các vị đã bị thất truyền. Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng từ khi khởi dựng đình Ba Chãng cho đến ngày nay, mang lại cho người dân ý thức hướng về cội nguồn bằng những biểu hiện sinh hoạt văn hoá truyền thống, lễ hội tại đình. Những giá trị đó giúp bảo tồn và phát huy những di sản văn hoá tại địa phương.

* Thờ thần Nông

- Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, phần tựa lời của Ngô Sĩ Liên chép: “Nước Đại Việt ở phía Nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam - Bắc. Thủy tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông…”. Thần Nông là vị thần được thần thánh hóa từ lâu đời của người dân Việt, tín ngưỡng thờ thần Nông chưa biết xuất phát từ bao giờ, nhưng thần Nông là vị thần gắn bó chặt chẽ với người dân làm nông nghiệp lúa nước từ những thời kỳ đầu phát triển nông nghiệp.

- Trong tiến trình lịch sử phát triển của vùng đất Vô Tha (Phúc An), người dân địa phương luôn đề cao sự hài hòa, gần gũi, gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên, mong ước chính của họ là trông cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, tránh được những thiệt hại do thiên tai mang lại… Vì thế, tín ngưỡng thờ cúng thần Nông là sự bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn của dân làng đối với vị thần gắn liền với nông nghiệp. Tín ngưỡng thờ cúng thần Nông góp phần nâng cao tính cộng đồng, gắn kết những con người sống cùng nghề lại với nhau. Việc duy trì hoạt động thờ cúng thần Nông là nhu cầu của dân làng, nhất là trong điều kiện đời sống kinh tế của địa phương còn dựa chính vào nền nông nghiệp lúa nước.

Thờ Thổ Công

- Cộng đồng dân tộc nơi đây quan niệm tổ tiên có vai trò quan trọng như thế nào trong gia đình thì thần Thổ Công có vai trò quan trọng như thế ở Đình làng. Thần Thổ Công là vị thần đất có nhiệm vụ cai quản, bảo vệ mảnh đất của Đình làng và mọi hoạt động diễn ra trên mảnh đất đó. Ngoài ra thần Thổ Công còn phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, cuộc sống bình an…

Thờ vọng Tam Tòa Thánh Mẫu

- Tín ngưỡng thờ vọng Tam Toà Thánh Mẫu được gắn liền với sự tích “Vực Bạch - Đát Ô Đồ” được nhân dân địa phương lưu truyền lại: Ngày xưa cạnh miệng vực có một tràn ruộng nối liền với đồi nương của một ông già Cao Lan nghèo khổ. Một hôm ông bỗng thấy một con trâu bạc đang ăn lúa ở ruộng. Ông rình bắt thì con trâu bạc lồng lên, chạy thục mạng, nhảy xuống vực sâu (Vực Bạch) mất tăm. Ông đành trở về, đến chỗ trâu ăn lúa bắt gặp một đoạn trạc trâu bị đứt rơi bên bờ ruộng, ông đem về lán, để ở cạnh bếp. Sáng ra, ông thấy đoạn trạc trâu đã hóa thành một dây bạc, từ đó nhà ông trở nên giàu có nhất vùng. Vua nghe tin thấy lạ, bèn cho quân lính đến tát cạn vực nước, bắt trâu bạc. Binh lính tát nước ròng rã mấy tháng trời, cuối cùng cũng thấy trâu bạc nằm ở đáy Vực Bạch, nhưng không làm sao kéo lên được. Vua cùng ba cô công chúa đến Vực Bạch xem thực hư thế nào. Ba cô công chúa hiếu động cùng xuống đáy vực xem binh lính bắt trâu. Thấy có sự lạ, trâu bạc rùng mình chạy lồng lên, làm cho mương phai đập chắn bị đổ vỡ. Nước suối trên thượng nguồn đổ xuống ào ào. Binh lính và ba cô công chúa bị nước cuốn chìm, xác trôi ra ngoài sông Chảy. Ông già và bà con thôn bản thương tình ba cô công chúa, nhất loạt nhảy xuống sông cứu vớt, đưa xác ba cô lên chôn cất tử tế và thờ phụng. Vua thấy vậy bèn ban ơn cho dân bản cả vùng được làm nương vườn không phải nộp thuế. Từ đó, vùng đất này được gọi tên là Vua Tha, sau này khi thực dân Pháp xâm lược đổi tên thành Vô Tha (tức là không tha dân làng vẫn phải đóng thuế).

Đền thờ ba vị công chúa được dân làng khởi dựng tại địa điểm thác Ô Đồ (xã Phúc An ngày nay). Tỏ lòng biết ơn đến ba vị công chúa giúp dân làng tránh khỏi kiếp nạn không phải đóng thuế cho vua, người dân đã thần thánh hóa ba vị công chúa đó trở thành ba vị Thánh Mẫu (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải) che chở và bảo vệ cho dân làng vùng đất Vô Tha.

Đình Ba Chãng và đền thờ Tam Tòa Thánh Mẫu xưa kia đều thuộc xã Vô Tha và cách nhau chừng 5 km, nhưng do trước đây đường sá đi lại khó khăn nên các hộ dân sinh sống ở mạn gần đình Ba Chãng đã lập một miếu nhỏ thờ vọng Tam Tòa Thánh Mẫu tại đình Ba Chãng để bày tỏ lòng tôn kính và dễ bề chiêm bái.

7. Các hiện vật trong Di tích:

Theo như lý lịch về di tích đình Ba Chãng, hiện nay không thấy nhắc đến hiện vật còn lại trong Di tích.

8. Phong tục lễ hội:

Lễ hội chính ở đình Ba Chãng được tổ chức vào mùa xuân, mùa vạn vật sinh sôi nảy nở, tiết trời ấm áp. Ngoài sự uy nghiêm của các nghi lễ tế các vị thần thánh trong đình là những trò chơi, diễn xướng dân gian mang đậm sắc thái văn hóa của cộng đồng các dân tộc nơi đây:

Lễ Khai Xuân (Ngày mùng 2 tháng giêng âm lịch)

Hàng năm cứ vào ngày mùng 2 tháng Giêng (âm lịch) đình Ba Chãng tổ chức lễ khai xuân. Mặc dù với kiến trúc không to lớn, đồ sộ như các Di tích Đình làng ở một số địa phương khác, nhưng đình làng Ba Chãng có vị trí quan trọng đối với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của các đồng bào dân tộc cư trú nơi đây.

Vào ngày mùng 2 tháng Giêng, ông Trùm (người được dân làng tin tưởng, giao cho phục vụ công tác thờ cúng tại đình) cùng với các cụ cao tuổi trong làng ra đình từ rất sớm để bao sái đồ thờ tự, quét dọn vệ sinh sạch sẽ trong Đình. Theo tục lệ, ông Trùm phải chuẩn bị hai mâm lễ nhỏ, gồm mâm lễ chay và mâm lễ tạp: Lễ chay gồm có một mâm ngũ quả, xôi nếp và chè...; lễ mặn gồm có gà trống mổ sạch luộc nguyên con để nguyên nội tạng và một mâm xôi nếp cùng rượu trắng. Khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, ông Trùm thắp hương thay mặt cho dân làng cung thỉnh với Thành Hoàng và các vị thần, làm thủ tục xin âm dương để xin phép các vị cho dân làng được mở lễ hội theo lệ hàng năm.

Theo tục lệ, đến khoảng 8 giờ sáng, bà con dân làng chuẩn bị các mâm cỗ tại gia, khẩn cầu xin phép tổ tiên rồi từng hộ gánh lễ đi nối tiếp nhau ra Đình. Các lễ vật tùy theo điều kiện từng gia đình gồm: gà, xôi, thịt, rượu... Đa phần các mâm lễ vào dịp khai xuân thường là những mâm lễ to, có đủ lễ chay và lễ tạp.

Sau khi dân làng gánh lễ ra Đình, các mâm lễ được ông Trùm tập hợp và chọn lựa dâng lên các ban thờ. Trang phục của ông Trùm và ban tế lễ được mặc theo trang phục truyền thống đầu đội khăn, mặc áo chàm... Sau khi hoàn thành xong các thủ tục cần thiết, ông Trùm đại diện cho dân làng bắt đầu thực hiện nghi thức tế lễ. Bài cúng bằng chữ nôm được ông Trùm dịch và khấn theo tiếng địa phương mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, không xảy ra thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến dân làng, mọi gia đình gặp may mắn, an lành, mạnh khỏe... Kết thúc buổi tế lễ vào khoảng 11 giờ, ông Trùm tiến hành xin âm dương để dân làng mở hội Đình, sau đó ban tế lễ cùng dân làng thụ lộc tại Đình.

Phần hội đình Ba Chãng được tổ chức công phu và mang tính cộng đồng cao, gồm những trò chơi dân gian như: Ném còn, kéo co, bắn nỏ… thu hút được sự tham gia của nhân dân địa phương và các vùng lân cận.

+ Hội ném còn: Khi hoàn thành phần lễ, mọi người tập trung rất đông xung quanh cây còn được dựng lên từ trước. Tham gia trò chơi này chủ yếu là các nam thanh, nữ tú. Khi ông Trùm cầm 12 quả còn (số 12 tượng trưng cho 12 tháng trong năm) được chuẩn bị từ trước, tung cao vào giữa đám đông thanh niên đang đứng tập trung ở trước sân đình, cũng là lúc trò chơi ném còn bắt đầu diễn ra. Cuộc chơi rất náo nhiệt, trước sự cổ vũ, hò reo của dân làng. Người ném trúng đích xuyên qua tâm vòng trong sẽ được nhận phần thưởng của làng do ông Trùm trao. Người trúng thưởng sẽ được giữ quả còn mang về đặt lên ban thờ gia tiên để cầu may cho cả gia đình.

Ngoài hội thi ném còn, tại Đình diễn ra các hội thi dân gian khác thu hút được nhiều người tham gia như: Kéo co, đẩy gậy, tát yến, bắn nỏ, cờ tướng... và đặc biệt là hội thi hát dân ca. Hát dân ca là môn nghệ thuật dân gian độc đáo của các dân tộc nơi đây. Nội dung thi hát dân ca chủ yếu là hát Sình ca của dân tộc Cao Lan (tình ca nam nữ giao duyên) thu hút được nhiều tốp nam thanh nữ tú. Từng tốp một thi hát đối đáp nhau dưới những tán cây to che bóng mát mang đậm bản sắc văn hóa, có nhiều đôi nam nữ nên duyên vợ chồng khi tham gia hội Đình nơi đây. Các trò chơi cứ thế diễn ra đến khi trời ngả về chiều thì tan hội.

Lễ gieo trồng ngũ cốc, vạn vật (Ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch)

Lễ gieo trồng ngũ cốc, vạn vật ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch được chuẩn bị khá công phu. Các lễ vật tế lễ được trích từ quỹ làng bao gồm: Một con lợn đực, hai con gà, xôi, rượu... Lợn được giết, mổ và để nguyên con dâng lên thần Thành Hoàng, gà được dâng lên ban thần Nông và thần Thổ Công cùng xôi và rượu.

Ông Trùm là người kết nối giữa dân làng và các đấng thần linh, nói lên nguyện vọng của người dân khi bước vào vụ mùa mới. Bài cúng mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật đâm trồi nảy lộc, tránh được những thiên tai, lũ lụt và những điều không may đến với dân làng... Kết thúc buổi tế lễ, các lễ vật được bộ phận hậu cần chế biến để ban tế lễ cùng dân làng thụ lộc tại đình.

* Lễ cúng thần Nông (lễ tạ mùa tháng 8 âm lịch)

Lễ cúng thần Nông diễn ra vào tháng 8 âm lịch, khi mà người dân chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch (vụ Hè -Thu). Ngày cúng thần Nông được ông Trùm xem và ấn định rồi thông báo cho toàn dân làng để chuẩn bị cho công tác tế lễ.

Lễ vật bao gồm: Mỗi hộ gia đình chuẩn bị một con gà đã được chế biến chín và để nguyên con (gà nhỏ từ 3-5gam), lúa mới, xôi, rượu... nếu hộ gia đình nào không có gà thì phải mang thịt lợn thay thế với trọng lượng tương đương. Khi công tác chuẩn bị hoàn thiện, các lễ vật được ông Trùm dâng lên các ban thờ và làm công tác tế lễ. Bài khấn được ông Trùm dịch từ cuốn sách cổ chữ nôm mang ý nghĩa: Cảm tạ các vị thần che chở, bảo vệ, phù hộ cho địa phương đạt mùa màng bội thu, lúa trĩu đầy đồng, gia súc, gia cầm không dịch bệnh... Nay kính dâng cơm mới và những sản vật do chính tay người dân làm ra lên các đấng tối cao để chứng kiến cho lòng thành tâm của dân làng nơi đây...

Buổi lễ kết thúc vào khoảng 12 giờ cùng ngày, sau đó ông Trùm chia lại lúa mới cho các hộ gia đình mang về nấu chín và dâng lên gia tiên báo cáo đạt mùa thu hoạch. Buổi chiều cùng ngày diễn ra hoạt động thi giã cốm và các trò chơi dân gian khác rất sôi nổi.

 (Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái) 

4556 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h