Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo: “Then chốt” là đổi mới quản lý giáo dục - đào tạo

03/01/2015 08:37:14 Xem cỡ chữ Google
Đầu năm mới, trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Yên Bái, ông Đặng Quang Khánh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái khẳng định, đổi mới công tác quản lý GD-ĐT là nhiệm vụ có tính "then chốt" trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị BCH Trung ương 8 (khóa XI) “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Một giờ học theo mô hình VNEN ở Trường Tiểu học Kim Đồng (thành phố Yên Bái).

Ông nhấn mạnh: "Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục quyết định đến chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo".

Ông Đặng Quang Khánh - Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo.

P.V: Ở góc độ cơ quan quản lý giáo dục - đào tạo, Sở đã có những chỉ đạo, thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Quang Khánh: Sở đã chỉ đạo, phân rõ chức năng quản lý Nhà nước với công tác quản trị trường học. Quản lý Nhà nước bằng cơ chế giám sát và quản lý chất lượng: quản lý đầu vào, đầu ra và quản lý quá trình; tăng cường phân cấp quản lý giáo dục cho các địa phương và các cơ sở giáo dục; tiếp tục thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm, quy định về công khai đối với cơ sở giáo dục. Quản lý các hoạt động của nhà trường đã hướng tới xây dựng nhà trường dân chủ, thân thiện, mỗi người làm chủ công việc của mình và hoàn thành nhiệm vụ một cách tự giác, tích cực và trách nhiệm cao nhất; tập trung chỉ đạo chất lượng dạy và học, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn; chấn chỉnh kỷ cương, nề nếp hoạt động dạy thêm, học thêm, thu chi, quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học...

P.V: Thưa ông, thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng là một trong những giải pháp quan trọng, công tác này trong năm thực hiện như thế nào?

Ông Đặng Quang Khánh: Ngành đã thanh tra công tác quản lý tại 5 trường phổ thông cơ sở dân tộc nội trú tại các huyện, 2 trường trung học phổ thông (THPT) của tỉnh. Qua đó, tăng cường một bước về công tác quản lý, sử dụng đội ngũ, quản lý tài chính, cơ sở vật chất; thực hiện chế độ, chính sách... Kiểm định chất lượng giáo dục 537 trường, cơ sở giáo dục; 463 trường hoàn thành tự đánh giá, đạt 86%; 112 trường được đánh giá ngoài, đạt 21%.

P.V: Nói đến công tác quản lý là nói đến con người, ông cho biết cụ thể những kết quả bước đầu nâng cao chất lượng cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo?

Ông Đặng Quang Khánh: Sở đã xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu và quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030. Các trường bố trí giáo viên các cấp học đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và chất lượng, đặc biệt là các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), các trường đạt chuẩn quốc gia; chú trọng nâng cao, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên.

Ví dụ, giáo viên khoa tự nhiên các trường THPT như Nguyễn Huệ, Chuyên Nguyễn Tất Thành, Hoàng Quốc Việt đã hướng tới nâng cao trình độ ngoại ngữ để giảng dạy bộ môn bằng tiếng Anh; bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Anh các cấp để đạt trình độ theo tiêu chuẩn châu Âu thực hiện dạy thí điểm và thực hiện chương trình dạy học tiếng Anh mới sau năm 2015; rút kinh nghiệm các lớp bồi dưỡng qua Internet cho cán bộ quản lý tiểu học và giáo viên trung học cơ sở (THCS) ở thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ.

Sở đã chỉ đạo đánh giá xếp loại nhà giáo, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp gắn với rà soát, sắp xếp lại đội ngũ; thực hiện đồng bộ các khâu đánh giá, xếp loại, bổ nhiệm, luân chuyển, miễn nhiệm cán bộ quản lý. Trên cơ sở đó, tiếp tục khảo sát theo định kỳ và xem xét việc kiểm định giáo viên thông qua kết quả học tập của học sinh. Chúng tôi tổ chức xây dựng ngân hàng đề sử dụng kiểm tra chung học kỳ ở môn học, cấp học. Kiểm định theo hướng từng giáo viên, cán bộ quản lý tự nhận diện chất lượng, hiệu quả giáo dục, từ đó có giải pháp cải thiện chất lượng, quan tâm tới quá trình học tập của học sinh...

P.V: Thời điểm này, số lượng và chất lượng giáo viên của Yên Bái như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Quang Khánh: Có thể nói, số lượng và chất lượng giáo viên đã được nâng lên, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Toàn ngành hiện có 14.746 cán bộ, giáo viên, nhân viên; tỷ lệ nhà giáo đạt chuẩn trở lên là 99,2%, trong đó trình độ trên chuẩn chiếm 56,3%, số có bằng tiến sỹ và nghiên cứu sinh chiếm 10%, thạc sỹ 36%. 

P.V: Về giáo viên, ông thấy đã có những đổi mới nào về phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá?

Ông Đặng Quang Khánh: Về cụ thể thì cần có sự tiếp cận các trường. Về cơ bản đánh giá là đã có những chuyển biến tích cực. Chúng tôi triển khai các chương trình dự án như “Mô hình trường học mới” (VNEN - P.V) cấp tiểu học, phương pháp “Bàn tay nặn bột”; xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn; hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các tình huống thực tiễn...

Các trường chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng dạy học sinh cách học, năng lực tự học, tự đánh giá, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức. Đề thi đã đánh giá việc thông hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn. Trong kỳ thi học sinh giỏi THCS, THPT, tổ chức thi thực hành môn Vật lý; môn Sinh học, Hóa học sẽ thi nói tiếng Anh; tiếp tục triển khai Chương trình đánh giá quốc tế kết quả học tập của học sinh phổ thông (PISA) và học sinh tiểu học (PASEC)...

P.V: Đó là một số kết quả bước đầu. Ngành tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nào trong năm 2015?

Ông Đặng Quang Khánh: Năm học 2014 - 2015 là năm học “bản lề” quyết định việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch, chương trình phát triển giáo dục theo nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Vì vậy, các địa phương, các cơ sở giáo dục tập trung rà soát các mục tiêu chưa hoàn thành, tiếp tục tham mưu và có giải pháp hiệu quả phấn đấu hoàn thành kế hoạch của cả giai đoạn.

Ngành tham mưu và tổ chức thực hiện tốt các chương trình, đề án của tỉnh trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; phối hợp với các ngành lồng ghép, cân đối nguồn vốn đầu tư thực hiện kế hoạch đổi mới đã đề ra. Trọng tâm là chỉ đạo các chương trình hướng về cơ sở giáo dục của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020: phát triển giáo dục vùng dân tộc, duy trì củng cố hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT; nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, xây dựng và phát triển Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành thành cơ sở giáo dục chất lượng cao, trọng điểm của tỉnh; phân luồng, phân tuyến học sinh THCS, THPT; quản lý chất lượng giáo dục, chuẩn hóa đầu ra và các điều kiện bảo đảm chất lượng, thực hiện tốt kiểm định chất lượng giáo dục...

P.V: Còn về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý - chủ đề cuộc trao đổi này, ngành sẽ tập trung vào nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa ông?

Ông Đặng Quang Khánh: Chúng tôi bám sát Chương trình hành động số 70-CTr/TU của Tỉnh ủy để tổ chức thực hiện. Trọng tâm là từng bước bố trí giáo viên các cấp học, cơ sở giáo dục đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, đồng bộ cơ cấu theo môn học quy định; làm tốt công tác đánh giá, xếp loại nhà giáo, cán bộ quản lý theo tiêu chuẩn nghề nghiệp gắn với rà soát, sắp xếp lại đội ngũ; thực hiện đầy đủ chế độ ưu đãi và quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, phấn đấu 5 năm tới 100% cán bộ quản lý đủ các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức về nghiệp vụ quản lý giáo dục, tin học...

P.V: Xin cảm ơn ông!

5801 lượt xem
Theo Tuấn Anh - Thanh Ba/Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h