Thậm chí, nhiều gia đình đã vươn lên làm
giàu từ cây ngô với thu nhập 60 - 70 triệu đồng/năm. Chính vì vậy, người dân ở
nơi vùng đất dốc này thường ví von cây ngô của mình là cây "vàng".
Từ cây "nghị quyết"…
Diện tích tự nhiên của huyện Trạm Tấu rộng
tới trên 76.600ha nhưng đa phần là đất dốc. Dân số huyện chỉ khoảng 28.000
người. Trong số 11 dân tộc anh em cùng chung sống thì đồng bào dân tộc Mông chiếm
gần 80%. Trước đây, do phong tục, tập quán một năm, đồng bào Mông chỉ trồng duy
nhất một vụ lúa và một vụ ngô. Phương thức canh tác lạc hậu, sử dụng giống cũ
và phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên mùa được, mùa mất... khiến Trạm Tấu
luôn là huyện có tỷ lệ hộ nghèo, đói cao của cả nước. Trước thực tế đó, quyết
tâm không để đói, nghèo tiếp tục đeo bám đồng bào vùng cao, UBND tỉnh đã dành
sự quan tâm đặc biệt với huyện Trạm Tấu thông qua nhiều chính sách hỗ trợ của
Chính phủ, của tỉnh.
Đặc biệt, việc tăng cường cho Trạm Tấu lực
lượng cán bộ nông nghiệp đủ về tận xã, bản làm công tác khuyến nông đã giúp cho
ngành nông nghiệp của huyện "30a" này dần khởi sắc. Từ những diện
tích nhỏ lẻ nhằm khảo nghiệm, xây dựng mô hình thí điểm ban đầu, cây ngô trông
trên đất dốc ở Trạm Tấu đã được lan rộng, trải đều trên khắp các xã, từng thôn
bản… Đặc biệt, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2011 - 2015 đã thông
qua Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây ngô, trong đó, theo chương trình hành
động chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành sản xuất nông, lâm nghiệp, đến 2015 sẽ
gieo trồng ngô và hình thành vùng trồng tập trung ở một số xã: Xà Hồ, Bản Mù,
Trạm Tấu, Pá Hu, Tà Xi Láng… Nghị quyết triển khai đã thực sự đi vào cuộc sống,
được các cấp ủy Đảng, đảng viên nghiêm túc thực hiện, nhân dân nhiệt tình hưởng
ứng, bắt tay vào sản xuất…
Kết quả, năm 2014, tổng diện tích ngô huyện
Trạm Tấu gieo trồng được 3.450,25ha (tăng 0,25ha so với kế hoạch); sản lượng
ngô đạt 8.005,91tấn (tăng 164,81 tấn so với năm 2013; tăng 131,82 tấn so với kế
hoạch). Trong đó: ngô xuân 2.500,25ha (tăng 16,25ha so với năm 2013), đạt
100,01% kế hoạch), năng suất đạt 24,66 tạ/ha, sản lượng đạt 6.165,62 tấn (tăng
169,37 tấn so với năm 2013, tăng 115,53 tấn so với kế hoạch); ngô hè thu gieo
trồng được 950ha (đạt 100% kế hoạch), năng suất đạt 19,37 tạ/hạ, sản lượng đạt
1.840,29 tấn (tăng so với kế hoạch 16,29 tấn)...
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản
phẩm, các mô hình thí điểm để nhân rộng đã được tiến hành, gồm: mô hình thử nghiệm
các giống ngô lai LVN66, LVN152, LVN 146, LVN 855 kết hợp sử dụng phân vi sinh
bón lót trên đất đồi dốc tại xã Trạm Tấu quy mô 2ha (5 hộ) đã cho thấy giống
LVN 146, LVN 855 chịu hạn kém, giống ngô lai LVN66, LVN152 chịu hạn tốt hơn và
được đưa vào ứng dụng; mô hình thâm canh ngô lai NK66, NK 4300 tại xã Xà
Hồ, Bản Mù, xã Trạm Tấu quy mô 1,5ha (3 hộ) cho thấy giống NK66 đang trong cơ
cấu sản xuất của huyện và giống NK 4300 đang sản xuất thử nghiệm có nhiều ưu
điểm về chịu hạn, chống chịu sâu bệnh, khả năng cho năng suất cao; mô hình ngô
NK 66 vụ hè thu tại xã Trạm Tấu với quy mô 0,5ha, cho thấy đây là giống ngô
sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu của địa
phương, năng suất đạt 55 - 60 tạ/ha...
Theo bà Nguyễn Thị Duyên - Phó phòng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: "Nếu so với các địa phương đồng bằng
thì năng suất cây ngô ở đây chưa cao. Lý do là thời tiết ở vùng cao Trạm Tấu vô
cùng khắc nghiệt, thay đổi thất thường, trồng trên đất dốc... nên đạt năng suất
như vậy là cả sự cố gắng lớn của người dân và ngành nông nghiệp huyện. Phòng
đang tích cực đưa các giống ngô mới thể hiện được những đặc tính ưu việt như
chống chịu bệnh, rét, hạn, năng suất cao, nhất là giống C919, Bioseed 9698,
AG59… vào trồng đại trà, quyết tâm "bắt" lúa nương, sắn kém hiệu quả
phải nhường đất cho ngô đồi".
...Đến
cây xóa đói, giảm nghèo
Những ngày này, đất trời Trạm Tấu xanh thăm
thẳm, chè trên đồi đang rộ búp trở lại; dưới ruộng, đất đã được chuẩn bị để sẵn
sàng làm mạ; đây cũng là thời điểm người dân thu hoạch vụ ngô hè thu. Đứng ở
bất kỳ xã nào của huyện, phóng tầm mắt nhìn ra bốn phía đều thấy màu xanh vàng
bát ngát đặc trưng của ngô. Ngô chạy tít tắp lên những đỉnh đồi, đỉnh núi, ngô
"bò" cả lên đất có độ dốc đáng kinh ngạc, có nơi trên 40 độ. Vì đất
dốc nên mặt trời cứ như "nghiêng nghiêng" so với dáng người… Tất cả
như một bức tranh tổng thể sống động về sự đổi thay của một trong 62 huyện
nghèo nhất cả nước, màu của ấm no đang đẩy cái đói, cái nghèo lùi dần về quá
khứ.
Tổng sản lượng lương thực có hạt năm
2014 của huyện Trạm Tấu đạt 19.911,2 tấn (tăng 748,81 tấn so với kế hoạch),
trong đó ngô đạt trên 8.000 tấn. Năm nay, thông qua các dự án và Chương trình
mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, người dân Trạm Tấu phấn khởi khi mỗi
xã đều đã được đầu tư mua máy tẽ ngô gắn động cơ. Căn cứ vào diện tích trồng,
các xã sẽ bố trí số máy tách hạt một cách hợp lý để giảm bớt công lao động và
nhanh chóng tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Đa số người dân giữ lại một phần
làm thức ăn cho gia súc và dự trữ, còn lại đều được thương lái thu mua và trả
tiền khi ngô vừa được tách hạt.
Vài năm gần đây, với mức giá thu mua dao
động từ 4.500 - 6.000 đồng/kg ngô, nhiều gia đình đã không còn phải lo đối diện
với cái đói "kinh niên" vào những dịp giáp hạt. Thôn Làng Mảnh,
xã Tà Xi Láng khoảng 4 năm trước có 100% các hộ (84 hộ dân với 430 nhân khẩu) trong
thôn đều là hộ nghèo nên năm nào người dân Làng Mảnh cũng đứng đầu danh sách
cứu đói khẩn cấp của huyện Trạm Tấu. Vài năm trở lại đây, nhờ các chính sách hỗ
trợ đồng bào vùng cao của Nhà nước, Làng Mảnh đang dần thay da đổi thịt.
Đặc biệt, việc chuyển đổi diện tích trồng
lúa nương một vụ kém hiệu quả sang trồng các giống ngô mới cho năng suất cao đã
làm đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt, cả thôn không còn hộ nào nằm
trong diện phải hỗ trợ gạo cứu đói khẩn cấp. Thực tế cho thấy, giá trị kinh tế
của cây ngô cao gấp 4 lần so với cùng diện tích trồng lúa nương và gấp 2 lần so
với trồng lúa nước ở chân ruộng bậc thang kém hiệu quả.
Trưởng thôn Làng Mảnh - Vàng A May phấn
khởi khoe: "Với gần 200ha trồng ngô, vụ này toàn thôn thu gần 500 tấn ngô
hạt, Làng Mảnh giờ không sợ đói nữa rồi". Cũng nhờ cây ngô, nhiều gia đình
không chỉ xóa đói, giảm nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu với thu nhập hàng
năm đạt từ 60-70 triệu đồng/năm. Điển hình như gia đình anh Mùa A Páo, Giàng A
Sinh ở thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu; anh Thào A Lồng ở xã Pá Hu; anh Vàng A Kê ở
xã Tà Xi Láng; anh Hờ A Xu ở xã Xà Hồ…
Vì một nền nông nghiệp bền vững
Theo kế hoạch, ngay sau khi thu xong ngô hè
thu, người dân Trạm Tấu lại bắt tay ngay vào làm đất để trồng mới 2.550ha ngô xuân
bằng các giống ngô: Bioseed 9698, NK 54, AG 59, NK 66, NK 4300, DK 6919. Từ
nguồn vốn 30a, huyện đang áp dụng chính sách cấp miễn phí ngô giống cùng 2
triệu đồng/ha tiền phân bón cho diện tích chuyển đổi từ trồng lúa nương, ruộng
bậc thang kém hiệu quả sang trồng ngô đã khuyến khích được người dân tích cực
tham gia.
Có thể thấy, với đà sản xuất như hiện nay,
việc thực hiện nghị quyết về cây ngô mà Đảng bộ huyện đề ra sẽ hoàn thành sớm
và vượt kế hoạch. Quan trọng hơn, về lâu dài, huyện có thể tự cân đối được nguồn
lương thực, giúp đời sống nhân dân ổn định, phát triển, không xâm canh đất rừng
và khai thác lâm sản trái phép…
Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu Vũ Quỳnh Khánh
khẳng định: "Chủ trương phát triển cây ngô là khâu đột phát trong phát
triển kinh tế - xã hội của huyện. Hiệu quả của việc trồng ngô đã giúp đồng bào
xóa đói, giảm nghèo và thay đổi nhận thức trong sản xuất, góp phần bảo đảm an
ninh lương thực trên địa bàn. Sự thành công của cây ngô trên miền đất dốc Trạm
Tấu đã cho thấy hiệu quả các chính sách của Nhà nước đối với người dân. Từ đó
nhân lên niềm tin của đồng bào với Đảng bộ, chính quyền địa phương trong việc
đưa chủ trương, chính sách vào thực tế đời sống ở vùng cao"...
Để nghị quyết được thực hiện thành công một cách bền vững, tạo bước chuyển lớn
trong nhân dân, ban chỉ đạo sản xuất từ huyện đến xã của Trạm Tấu đã được thành
lập ngay từ đầu, phân công cụ thể cho các thành viên phụ trách các xã, triển
khai chỉ đạo các hiệu quả chương trình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt chú trọng
đến cây ngô. Trong đó, việc phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách đến từng xã,
từng thôn bản, bám sát địa bàn, phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương và các
tổ công tác của huyện, thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động theo phương
châm "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) và cầm tay chỉ việc... đã
cho thấy hiệu quả cao trên con đường hướng tới một nền nông nghiệp phát triển
bền vững nơi mảnh đất vùng cao.
(Theo Báo Yên Bái)