Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền
và nhân dân huyện Văn Chấn luôn coi trọng sự nghiệp “trồng người” và công tác
xã hội hóa giáo dục. Bên cạnh ưu tiên dành nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước
để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục, Văn Chấn đã huy động được các nguồn
lực xã hội khác để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học.
Ông Phan Thanh Hải - Phó trưởng phòng Giáo
dục và Đào tạo huyện cho biết: “Giai đoạn 2010 - 2014, Văn Chấn đã đầu tư trên
193 tỷ đồng từ nguồn vốn Nhà nước và xã hội hóa để xây mới 351 phòng học, 179
phòng công vụ cho giáo viên, 63 phòng bán trú học sinh, 33 bếp nấu, 72 công trình
vệ sinh, cải tạo nâng cấp được 338 hạng mục công trình các loại. Từ chương
trình kiên cố hóa trường lớp học, sự huy động từ mọi nguồn lực trong công tác
xã hội hóa giáo dục đã tạo sự thay đổi lớn về cơ sở vật chất, cảnh quan môi
trường của các đơn vị trường học”.
Được chia tách từ trường liên cấp tiểu học
và trung học cơ sở Bình Thuận năm 1998, Trường THCS Bình Thuận lúc bấy giờ chỉ
có 2 lớp học tranh tre nứa lá, điều kiện học tập khó khăn, đường sá đi lại cách
trở là lý do khiến tỷ lệ chuyên cần của nhà trường đạt thấp.
Thầy giáo Đào Xuân Tuấn - nguyên Hiệu
trưởng Trường THCS Bình Thuận - người đặt những viên gạch đầu tiên cho nhà
trường chia sẻ: “Từ những khó khăn ban đầu như vậy, Ban giám hiệu nhà trường đã
chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phối hợp với hội cha mẹ phụ huynh học
sinh truyên truyền, vận động sự hỗ trợ đóng góp từ nhân dân, các đơn vị doanh
nghiệp trên địa bàn cho công tác giáo dục của địa phương. Sự đồng thuận của nhân
dân, sự đóng góp của các nhà hảo tâm, các phòng học bây giờ đã được thay bằng
hai dãy nhà hai tầng khang trang với đầy đủ phòng học chức năng, trang thiết bị
dạy học”.
Diện tích, quy mô ban đầu từ 4.800m2
đến năm học 2014 - 2015 tăng lên 1,1ha, cán bộ và giáo viên nhà trường có ngôi
nhà công vụ với 18 phòng ở khép kín. Nhà trường vinh dự được công nhận trường
chuẩn quốc gia năm học 2012, đạt kiểm định chất lượng mức độ 2. Cùng với sự đầu
tư của Nhà nước, từ năm 2010 - 2014, nhân dân xã đã đóng góp cho nhà trường gần
1 tỷ đồng.
Dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn,
đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% dân số nhưng xã Thanh Lương luôn xác
định, đầu tư cho giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu. Từ nguồn vốn của các chương
trình, dự án và nguồn xã hội hóa trong nhân dân, đến nay, Thanh Lương đã cơ bản
xóa được phòng học tạm, học nhờ. Các phòng học, phòng làm việc, nhà công vụ của
các bậc học đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Cấp ủy, chính quyền địa
phương thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp thực hiện có hiệu quả
chủ trương xã hội hóa giáo dục.
Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, xã đã xây
dựng thêm được 3 gian nhà kiên cố cho các cháu Trường Mầm non bằng nguồn vốn xã
hội hóa. Đặc biệt, địa phương đã huy động tốt sức dân cùng chung tay đầu tư cho
sự nghiệp giáo dục. Khu vui chơi khang trang, sạch đẹp và vườn rau an toàn được
tạo nên từ diện tích đất sản xuất mà chính nhân dân xã hiến tặng cho Trường Mầm
non.
Bà Đặng Thị Ngát đã hiến 350m2 đất
cho nhà trường đồng thời vận động cha mẹ học sinh đóng góp ngày công, vật liệu
xây dựng khu vui chơi cho trẻ với tổng số tiền 125 triệu đồng hoàn toàn từ
nguồn xã hội hóa trong nhân dân.
Với chương trình kiên cố hóa trường lớp
học, từ năm 2008 đến nay, Văn Chấn được đầu tư xây dựng 9 phòng công vụ, 159
phòng học với tổng mức đầu tư trên 51 tỷ đồng. Công tác quản lý, sử dụng trang
thiết bị, qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, các đơn vị trường học thường xuyên
bảo trì, bảo dưỡng đồ dùng học tập, khai thác tối đa giá trị cơ sở vật chất.
Đồng chí Đặng Duy Hiển - Phó chủ tịch UBND
huyện Văn Chấn cho biết: “Huyện Văn Chấn phấn đấu đến năm 2020 cơ bản sẽ xóa
các phòng học tạm, học nhờ. Vì vậy, huyện tiếp tục kêu gọi nguồn lực từ các
chương trình dự án, sự ủng hộ và đồng thuận từ nhân dân. Cùng với sự huy động
mọi nguồn lực xã hội hóa giáo dục, Văn Chấn đã triển khai hiệu quả phong trào
“Đỡ đầu trường học”. Các chi, Đảng bộ, Đảng bộ khối cơ quan nhận đỡ đầu các trường
bán trú và các trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn góp phần tạo điều kiện để
đội ngũ thầy, cô giáo và học sinh vượt khó, vươn lên dạy tốt, học tốt”.