Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hoạt động chỉ đạo điều hành >> Văn bản mới

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Yên Bái

18/12/2016 07:44:45 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Nhằm nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt, bảo đảm cho các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học, tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, UBND tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm 100% học sinh người DTTS được tăng cường tiếng Việt, trong đó đặc biệt quan tâm đến số học sinh học lớp 1, lớp 2 người DTTS

Trong giai đoạn 2016 – 2020 tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em ở cấp học mầm non tại 88 xã/7 huyện với 87 trường, 39.404 trẻ DTTS; Cấp học tiểu học tại 79 xã khó khăn với 52.890/52.890, 100% học sinh người DTTS được tăng cường tiếng Việt; trong đó, đặc biệt quan tâm đến số học sinh học lớp 1, lớp 2 người DTTS. Duy trì 100% học sinh DTTS đến trường được học 2 buổi/ngày, tham gia các hoạt động tăng cường và giao lưu tiếng Việt. Tiếp tục từng bước hình thành văn hóa đọc trong toàn bộ học sinh tiểu học, tổ chức ngày hội sách hàng năm cho học sinh. 100% các trường mầm non và tiểu học có trẻ DTTS thực hiện tăng cường tiếng Việt theo mô hình điểm, xây dựng bản đồ ngôn ngữ các DTTS của tỉnh nhằm hỗ trợ công tác quản lý triển khai thực hiện kế hoạch.

Đến năm 2025 có ít nhất 50% trẻ em DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ DTTS trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp với tuổi. Đối với cấp học tiểu học, hàng năm 100% học sinh người DTTS được tăng cường tiếng Việt, trong đó đặc biệt quan tâm đến số học sinh học lớp 1, lớp 2 người DTTS.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn tỉnh, tỉnh sẽ tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; tổ chức tốt công tác phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện Kế hoạch. Chỉ đạo các huyện xây dựng kế hoạch có lộ trình thực hiện cụ thể, khả thi, đạt mục tiêu kế hoạch, tăng tỉ lệ trẻ được thụ hưởng và nâng cao chất lượng thực hiện.

Tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”; mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch thực hiện đối với tỉnh Yên Bái, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS.                        

Bổ sung, thay thế, cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, học liệu, phần mềm dạy học tiếng Việt phù hợp cho tất cả các nhóm, lớp, điểm trường mầm non, tiểu học ở các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn có trẻ em người DTTS. Phát động phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi tại các đơn vị, khuyến khích các bậc cha mẹ trẻ và trong cộng đồng dân cư nơi có trẻ DTTS cùng sưu tầm nguyên vật liệu, làm đồ dùng, đồ chơi để bổ sung, tăng cường cho các nhóm, lớp. Các nhà trường phối hợp cha mẹ trẻ, già làng, trưởng bản biên tập sổ tay từ ngữ tiếng dân tộc để giúp giáo viên có tài liệu học tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học có trẻ em người dân tộc thiểu số, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ cho trẻ em người dân tộc thiểu số. Đưa nội dung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học trong trường Cao đẳng Sư phạm của tỉnh.

Xây dựng môi trường tiếng Việt trong các trường mầm non, tiểu học có trẻ em người DTTS. Triển khai thí điểm mô hình về tăng cường tiếng Việt tại các địa bàn phù hợp với điều kiện, đặc điểm vùng miền để cán bộ quản lý, giáo viên tham quan, học tập, triển khai nhân rộng mô hình. Đẩy mạnh việc phối hợp tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt từ ngay trong gia đình trẻ, trong các trường mầm non, tiểu học. Tăng thời lượng dạy tiếng Việt ở các cơ sở giáo dục.

Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách đối với giáo viên thực hiện tăng cường tiếng Việt theo quy định; quan tâm hỗ trợ giáo viên theo điều kiện vùng miền, thực tế tham gia và hiệu quả thực hiện; hỗ trợ các hoạt động biên soạn tài liệu địa phương, kết hợp với các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển văn hóa địa phương.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân trong, ngoài tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS. Lồng ghép các chương trình, dự án khác nhau trên cùng một địa bàn và huy động hợp lý nguồn lực của nhân dân; tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong, ngoài tỉnh  nhằm thực hiện tốt Kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 của tỉnh.

MỤC TIÊU

1. Đến năm 2020, cấp học mầm non có ít nhất 35% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, 90% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo; trong đó 100% trẻ em DTTS trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi.

2. Đến năm 2025, có ít nhất 50% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó 100% trẻ em DTTS trong các cơ sở GDMN được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi.

3. Hằng năm, 100% học sinh tiểu học người DTTS được tăng cường tiếng Việt.

4. Phấn đấu 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và tiểu học dạy vùng DTTS được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt; được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng tiếng DTTS tại địa phương để giao tiếp, giáo dục học sinh; cha mẹ trẻ người DTTS được hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn phương pháp tăng cường Tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng.

5. Phấn đấu 100% các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học tại các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn có học sinh cần tăng cường tiếng Việt được bổ sung cơ sở vật chất, cơ bản đủ trang thiết bị, phần mềm, tài liệu, học liệu, đồ dùng phục vụ dạy học.

3718 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h