Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải đáp những chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới

14/01/2015 16:42:19 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT – Trong Chuyên mục” Giải đáp chính sách” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái tháng 1/2015, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải đáp các ý kiến của nhân dân về việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Ông Mai Mộng Tuân – Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái giải đáp những chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên Cổng TTĐT tỉnh

* BTV: Thưa ông! Trong thời gian qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được tỉnh Yên Bái triển khai một cách đồng bộ và đạt được những kết quả quan trọng, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi mới. Tuy nhiên trong quá trình triển khai các địa phương cũng còn gặp khó khăn cần tháo gỡ, xin ông cho biết cụ thể những khó khăn này?

* Ông Mai Mộng Tuân – Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, Chánh Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới tỉnh Yên Bái:

Các khó khăn khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

1) Điểm xuất phát của tỉnh Yên Bái khi tiếp cận triển khai Chương trình là rất thấp, chủ yếu các xã mới đạt được các tiêu chí về: hệ thống chính trị, an ninh trật tự, y tế, giáo dục, văn hoá, các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, kinh tế phần lớn đều chưa đạt.

2) Nhận thức của một số bộ phận cán bộ các cấp và người dân về Chương trình chưa đầy đủ, vẫn còn tâm lý thụ động, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Chưa thực sự phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư.

3) Nhìn chung, cán bộ, nhân dân ở cơ sở còn lúng túng trong cách làm và trong huy động nguồn lực.

4) Trình độ đội ngũ cán bộ địa phương, nhất là cấp cơ sở ở một số nơi còn hạn chế so với yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

5) Vấn đề phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân được xác định là tiêu chí trọng tâm, mang tính cốt lõi của Chương trình. Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện vẫn còn chậm, chưa thực sự nổi bật và còn thiếu tính bền vững.

6) Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn nhiều nơi còn chưa được giải quyết; năng lực ứng phó với thiên tai còn nhiều hạn chế.

7) Nguồn lực Trung ương và huy động nguồn lực xã hội cho Chương trình còn thấp rất nhiều so với yêu cầu thực tế.


* BTV: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới thì nông nghiệp, nông dân và nông thôn có mối quan hệ hữu cơ với nhau, trong đó: Nông dân là chủ thể của quá trình phát triển và phát triển toàn diện, hiện đại hoá nông nghiệp là then chốt; Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, được tỉnh ta xác định hướng phát triển như thế nào trong xây dựng NTM, thưa ông?

* Ông Mai Mộng Tuân – Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, Chánh Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới tỉnh Yên Bái:

Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, được xác định định hướng phát triển trong xây dựng NTM là:

1) Phát triển nông nghiệp theo quy hoạch một cách toàn diện, đa dạng theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa, chất lượng cao.

2) Đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất; ưu tiên phát triển công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và cơ giới hóa trong sản xuất; tổ chức lại sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch, sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng cao.

3) Ưu tiên phát triển công nghiệp các ngành chế biến gắn với lợi thế về nguồn nguyên liệu của địa phương; củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp.

4) Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, du lịch, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống của cư dân nông thôn.

5) Khuyến khích liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo hợp đồng; Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng các tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ nông dân hiện có; vận động nông dân tham gia thành lập mới các loại hình kinh tế hợp tác phù hợp.


* BTV: Yên Bái là một tỉnh miền núi, điều kiện sinh sống còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, đời sống của một bộ phận dân cư nông thôn còn thấp trong khi đó nguồn lực để xây dựng nông thôn mới là rất lớn, bên cạnh đó nguồn đóng góp của nhân dân còn hạn chế. Vậy tỉnh Yên Bái đã có những cơ chế hỗ trợ như thế nào để Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt hiệu quả và đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

* Ông Mai Mộng Tuân – Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, Chánh Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới tỉnh Yên Bái:

Tuy là tỉnh nghèo, nguồn lực đầu tư trong xây dựng nông thôn mới chủ yếu dựa vào nguồn vốn của Trung ương là chính. Tuy nhiên, trong những năm qua tỉnh Yên Bái cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Cụ thể:

1. Đối với xây dựng cơ sở hạ tầng

Trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, tỉnh Yên Bái đã lựa chọn, xác định tập trung vào phát triển giao thông nông thôn làm khâu đột phá. Vì tiêu chí giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí khó trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, đặc biệt là đối với tỉnh miền núi như tỉnh Yên Bái. Do đó, để hỗ trợ các xã từng bước hoàn thành tiêu chí này, tỉnh Yên Bái đã xây dựng, phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015, với phương châm thực hiện là "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Cơ chế hỗ trợ chủ yếu theo hình thức: Nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí, nhân dân đóng góp 40% kinh phí thực hiện.

Đối với các kết cấu hạ tầng khác như: Kiên cố hóa kênh mương nội đồng; trường học đạt chuẩn; trạm y tế xã; nhà văn hóa xã, thôn bản; chợ nông thôn; công trình thể thao thôn bản; công trình cấp nước sinh hoạt tập chung; công trình thoát nước thải khu dân cư; hạ tầng khu sản xuất tập chung, tiểu thủ công nghiệp. Trên cơ sở các văn bản của Trung ương về cơ chế thực hiện Chương trình, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND ngày 19/7/2013 về quy định mức hỗ trợ. Theo đó, nhà nước hỗ trợ từ 60- 90% kinh phí và người dân cũng phải tham gia đóng góp từ 10-40% kinh phí theo từng hạng mục cụ thể.

2. Về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân

Đây là nhiệm vụ được tỉnh Yên Bái xác định mang tính trọng tâm, cốt lõi của Chương trình. Vì vậy, tuy là tỉnh nghèo, nhưng hàng năm tỉnh Yên Bái vẫn bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh khoảng 35 – 45 tỷ đồng hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông lâm nghiệp. Với mục tiêu: Tạo động lực, thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; từng bước đưa nền sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hình thành rõ nét vùng sản xuất các cây trồng vật nuôi có tiềm năng, lợi thế, có khả năng cạnh tranh, phù hợp với quy hoạch và nhu cầu thị trường để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.


*BTV: Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chí xã NTM. Để xây dựng NTM được thuận lợi, tỉnh Yên Bái đã có những cơ chế chính sách gì? Xin ông cho biết một số cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015? Quan điểm, phương châm, mục tiêu xây dựng NTM đến giai đoạn 2020 của tỉnh như thế nào?

* Ông Mai Mộng Tuân – Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, Chánh Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới tỉnh Yên Bái:

1. Về một số chính sách cụ thể hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015:

1) Đối với tất cả các xã, hỗ trợ 100% từ ngân sách Nhà nước cho: Xây dựng trụ sở xã, kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức xây dựng NTM cho cán bộ xã, cán bộ thôn bản, cán bộ HTX.

2) Đối với các xã thuộc huyện nghèo thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, hỗ trợ tối đa 100% từ ngân sách nhà nước cho: Xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, đường giao thông thôn, xóm; giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã; xây dựng nhà văn hóa xã, thôn bản; công trình thể thao thôn, bản; xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, thoát nước thải khu dân cư; phát triển sản xuất và dịch vụ; hạ tầng các khu sản xuất tập chung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản.

3) Đối với các xã còn lại, hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước cho: Xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, đường giao thông thôn, xóm; giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã; xây dựng nhà văn hóa xã, thôn bản; công trình thể thao thôn, bản; xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, thoát nước thải khu dân cư; phát triển sản xuất và dịch vụ; hạ tầng các khu sản xuất tập chung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản.

2. Về quan điểm, mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2020

1) Về quan điểm:

- Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Yên Bái.

- Xây dựng nông thôn mới được thực hiện theo phương châm phát huy vai trò chủ động của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ và quyết định.

- Xây dựng nông thôn mới được thực hiện trên cơ sở kế thừa và lồng nghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình, dự án khác đang triển khai ở nông thôn, có bổ sung dự án hỗ trợ đối với các lĩnh vực cần thiết; có cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế; huy động đóng góp công sức của nhân dân.

2) Mục tiêu:

- Phấn đấu đến năm 2020 có từ 15 -20% số xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

- Phấn đấu hoàn thành một số nhiệm vụ cụ thể sau: Cơ bản hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội cho các xã theo chuẩn nông thôn mới;  Phấn đấu nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn đạt trên 35 triệu đồng vào năm 2020; Giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 50%, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đạt trên 50%; Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 4%; Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đội ngũ cán bộ đủ tiêu chuẩn có năng lực và bản lĩnh chính trị vững vàng để xây dựng nông thôn trên địa bàn tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.


* BTV: Quý vị và các bạn có câu hỏi, ý kiến với cơ quan chức năng xin mời gửi đến mục “Giải đáp chính sách” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh qua địa chỉ thư điện tử banbientapcong@yenbai.gov.vn.

Theo dõi video Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh giải đáp những chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới.

 

3062 lượt xem
Thanh Bình - Tiến Lập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h