Xã Hạnh Sơn có tới 70% là dân tộc Thái, còn lại là dân tộc Kinh, Mường và số ít dân tộc khác. Vì đặc thù này mà khi huyện Văn Chấn phát động phong trào sản xuất vụ đông trên đất hai vụ lúa, xã cũng gặp rất nhiều khó khăn như việc bà con chưa tin vào hiệu quả kinh tế; nhiều hộ chưa thực sự tích cực trong sản xuất và thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu mùa vụ; kỹ thuật canh tác còn hạn chế, không tuân thủ lịch thời vụ, làm quảng canh nên năng suất cây trồng vụ đông thấp, dẫn đến tâm lý chán nản. Quỹ đất để làm vụ đông của xã có tới gần 250ha nhưng khai thác chưa được nhiều, dẫn đến lãng phí đất. Sản xuất còn mang nặng về cơ cấu giống cây trồng như: ngô, khoai lang, bí, cà chua, rau xanh nên có những loại cây làm tốt nhưng hiệu quả không cao.
Trước thực trạng đó, 5 năm trở lại đây, Hạnh Sơn đã có nhiều giải pháp và quyết tâm cao để thực hiện thành công sản xuất vụ 3 nhằm mục tiêu tăng hệ số canh tác, giá trị kinh tế trên một diện tích đất ruộng. Đồng thời, xã lấy hiệu quả kinh tế của vụ ba làm nguồn lực cơ bản trong xóa đói giảm nghèo.
Từ mục tiêu này, địa phương đã hướng người dân tập trung phát triển cây ngô đông, trồng các loại rau màu có giá trị kinh tế cao gắn với lợi thế thị trường tiêu thụ; chú trọng hợp tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân ứng dụng vào sản xuất. Điển hình như năm 2013, Trung tâm Học tập cộng đồng đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở tới 16 lớp cho gần 600 lượt người tham gia tiếp cận kỹ thuật canh tác vụ đông đồng thời tập trung duy trì phong trào, xây dựng mô hình điểm sản xuất ở một số thôn mạnh về làm vụ đông như: An Sơn, Phai Lò, Mường Chà, Viềng Công, Lò Gạch.
Đi đôi với việc phổ biến kỹ thuật canh tác, xã đã xây dựng nghị quyết phấn đấu từng bước tăng diện tích vụ đông qua mỗi năm, trong đó nghị quyết cho mượn đất sản xuất vụ đông được ban hành năm 2012 là nghị quyết mang tính đột phá được Huyện ủy, UBND huyện Văn Chấn đánh giá cao. Ông Hoàng Xiến - Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Sơn cho biết, nghị quyết này nhằm mục đích vận động toàn dân sử dụng hết diện tích đất ruộng làm được vụ đông để đưa vào sản xuất. Hộ nào không làm hết thì cho hộ khác mượn đất chứ không để đất trống. Cán bộ, đảng viên gương mẫu vận động gia đình, họ hàng làm tốt để nhân dân làm theo.
Các đồng chí lãnh đạo được phân công phụ trách địa bàn có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc sản xuất ở nơi đó, báo cáo tiến độ và chịu trách nhiệm trước cấp ủy về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Do đó, mấy năm gần đây, trong số 257ha đất ruộng của xã, có tới trên 240ha được đưa vào làm vụ đông, trong đó cây ngô khoảng 185ha đến 190ha. Diện tích ruộng còn lại chủ yếu trũng nước nhưng cơ bản được người dân chuyển sang nuôi cá ruộng.
Đẩy mạnh các giải pháp phát triển sản xuất vụ đông, người dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là chú trọng yếu tố thâm canh, sử dụng kỹ thuật làm đất tối thiểu để giảm công sức và năng động trong cách tính toán làm ăn, lựa chọn giống cây trồng như việc nhà nào có người chuyên đi chợ thì dành một phần đất để trồng các loại rau màu có giá trị kinh tế như trồng bí siêu ngọn, súp lơ xanh, cà chua. Các hộ trồng rau xanh như gia đình ông Đinh Văn Viễn, Hà Văn Khoa, Hà Thắng ở thôn Phai Lò cho biết, sản phẩm tiêu thụ tốt, trong đó cây cà chua cứ trồng khoảng 1.000m2 thì sau khi trừ chi phí cho thu nhập 15 - 16 triệu đồng.
Đồng bào Thái xã Hạnh Sơn trồng rau xanh hàng hóa.
Đối với cây ngô, Hạnh Sơn không chỉ trồng riêng ngô tẻ mà có khoảng 30% diện tích trồng ngô nếp. Ai đến Nghĩa Lộ vào mùa thu hoạch ngô đông sẽ thấy trên tuyến đường ở đầu thị xã là cả dãy dài bán ngô tươi, ngô luộc, ngô nướng thì trong số ấy chủ yếu là người ở Hạnh Sơn. Chị Lò Thị Ươm bán ngô nhiều năm ở đây cho biết, nếu ngô nếp được chăm sóc tốt, bắp đều thì cứ đến khi ngô luộc, nướng được sẽ có người đến nhà mua với giá 10 nghìn đồng 3 bắp tự bẻ lấy, còn bán bắp tươi thì khoảng 15 nghìn đồng/kg. Người nào tự nướng, luộc bán thì giá 5 nghìn đồng đến 7 nghìn đồng/bắp tùy loại to, nhỏ.
Riêng với cây ngô tẻ, năng suất ổn định ở mức trên 3 tấn/ha và giá bán trên dưới 6 triệu đồng một tấn. Tuy nhiên, giá trị thật của trồng ngô tẻ thì lớn hơn nhiều bởi thân ngô, cùi ngô đã giải quyết rất lớn chất đốt cho người dân vì Hạnh Sơn không có đồi rừng. Lá ngô bóc tỉa dần là nguồn thức ăn chính cho chăn nuôi trâu, bò vì ở đây không có đồng cỏ mà chủ yếu nuôi theo kiểu bán chăn thả. Ngô hạt hầu hết được chuyển hóa thành thức ăn chăn nuôi lợn và gia cầm, thủy cầm. Từ những lợi thế kinh tế của cây ngô đông mà đàn lợn của Hạnh Sơn luôn đứng đầu toàn huyện với tổng đàn từ 4.500 đến 5.000 con/năm và đàn trâu, bò trên 1.200 con.
Ông Ngọc Phương Hiệp - Trưởng thôn Phai Lò cho biết, ngoài chăn nuôi trâu, bò sinh sản, lấy sức kéo, các hộ làm nghề nấu rượu còn tìm mua trâu phế canh già yếu, nhận trâu gầy từ các lò mổ về nuôi bằng bỗng rượu nấu lẫn bột ngô, trấu xay nghiền nhỏ kết hợp với cỏ trồng để vỗ béo trong vòng 4 đến 5 tháng rồi bán, giao lại cho lò mổ cũng có thể kiếm trên chục triệu đồng mỗi con. Trồng cây ngô nếp bán bắp non, rau xanh thu hoạch sớm nên Hạnh Sơn đã đẩy được thời vụ cấy lúa chiêm xuân, lúa mùa lên sớm hơn để chủ động làm vụ đông và điều bà con rất thích là làm vụ không phải đầu tư thuốc bảo vệ thực vật và khi chuyển sang cấy lúa xuân thì lúa tốt hơn hẳn so với ruộng không làm vụ 3.
Từ thắng lợi của làm vụ đông, ông Hoàng Xiến khẳng định, vụ đông đã thực sự trở thành vụ sản xuất chính của Hạnh Sơn. Đồng thời, vụ đông đã tạo được hiệu ứng khá đồng bộ giữa trồng trọt, chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Hiệu quả kinh tế của vụ đông hiện tại là động lực xóa đói giảm nghèo hữu hiệu nhất vì Hạnh Sơn là xã thuần nông. Qua đó, trong 5 năm trở lại đây, từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, mỗi năm Hạnh Sơn đã giảm được từ 4% đến 5% hộ nghèo và hiện tại hộ nghèo là 39%. Các thôn làm vụ đông mạnh thì tỷ lệ này ở mức trên dưới 30%.
Điều đáng mừng nhất là phong trào làm vụ đông đã phát triển khá đồng đều ở cả 12 thôn. Các hộ đều tận dụng triệt để đất làm được vụ 3 để sản xuất. Đồng thời, bà con coi đây là cơ hội tăng thu nhập vì 2 vụ lúa dù năng suất bình quân đạt tới 12,5 tấn/ha nhưng cũng chỉ để ổn định lương thực nên ra sức phấn đấu làm vụ đông giành hiệu quả cao nhất để tích lũy.
Thiết nghĩ, thành công từ sản xuất vụ ba của Hạnh Sơn sẽ là cách làm, kinh nghiệm quý cho các địa phương trong huyện, trong tỉnh cùng tham khảo để nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, nông thôn.