Dự hội nghị có đồng chí Đỗ Văn Chiến
- Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Dương
Văn Thống – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Duy Cường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phạm
Thị Thanh Trà – Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Duy Cường – Phó Bí thư Tỉnh
ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo
huyện ủy Văn Chấn; lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cùng các đồng chí nguyên là Ủy
viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, thay mặt cho Ban
Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Duy Cường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND
tỉnh đã trình bày phương án triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng công
trình cầu Tuần Quán, TP Yên Bái.
Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu
Tuần Quán, TP Yên Bái do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh
phê duyệt tại Quyết định số 1688/QĐ-UBND ngày 31/10/2011. Trên cơ sở ý kiến kết
luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo
tỉnh Yên Bái về việc hỗ trợ vốn cho dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Tuần
Quán, căn cứ vào văn bản của Bộ Tài Chính và Bộ kế hoạch đầu tư về việc thẩm
định nguồn vốn và phần vốn ngân sách Trung ương cho dự án cầu Tuần Quán khả
năng cân đối nguồn lực năm 2015 khoảng 223 tỷ đồng. Hiện nay, UBND tỉnh có
phương án điều chỉnh có điểm đầu tại vị trí giao với nút giao đường tránh ngập
TP Yên Bái, cắt qua khu vực cầu Bảo Lương; điểm cuối tại vị trí giao cắt với
quốc lộ 32C. Tổng chiều dài toàn tuyến là 3,876km. Trong đó chiều dài đường dẫn
hai đầu cầu là 1,716 km; chiều dài cầu là 435m, đoạn nối từ nút giao cầu Bảo
Lương với đường tránh ngập TP Yên Bái là 1,725 km. Theo phương án đã điều chỉnh
thì tổng mức đầu tư xây dựng của dự án là trên 622 tỷ đồng. Việc đầu tư xây
dựng cầu Tuần Quán là hết sức cần thiết trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng
cơ sở phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của TP Yên Bái nói riêng và
của tỉnh Yên Bái nói chung.
Với việc chia tách huyện Văn Chấn
thành 2 huyện, hình thành các huyện mới có quy mô diện tích tự nhiên đủ lớn và
phù hợp với trình độ quản lý, khả năng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông
thôn là yêu cầu cần thiết, khách quan và phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà
Nước, phù hợp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng phía Tây của
tỉnh. UBND tỉnh Yên Bái đã xây dựng 3 phương án chia tách huyện Văn Chấn gồm:
Phương án 1: Điều chỉnh địa giới
hành chính, tách huyện Văn Chấn thành 2 huyện là huyện Văn Chấn/Nam Văn Chấn và
huyện mới (dự kiến tên là Tân Văn/ Nghĩa Văn/ Bắc Văn Chấn). Theo đó huyện Văn
Chấn/Nam Văn Chấn có 14 đơn vị hành chính (2 thị trấn, 12 xã) với diện tích tự
nhiên trên 69.273 ha và dân số trên 80.560 người. Vị trí trung tâm huyện lỵ vẫn
đặt tại xã Sơn Thịnh như hiện nay. Về lâu dài sẽ nghiên cứu để xây dựng trung
tâm huyện lỵ tại Thị trấn Nông trường Trần Phú. Huyện mới có 17 đơn vị hành
chính (gồm 1 thị trấn và 16 xã) với diện tích tự nhiên trên 51.485 ha và dân số
trên 69.600 người. Trung tâm huyện lỵ dự kiến chọn tại xã Nậm Búng hoặc xã Gia
Hội.
Phương án 2: Điều chỉnh địa giới
hành chính của huyện Văn Chấn để mở rộng địa giới hành chính Thị xã Nghĩa Lộ và
thành lập một huyện mới. Theo đó sẽ chuyển 6 đơn vị hành chính cấp xã của huyện
Văn Chấn về Thị xã Nghĩa Lộ. Sau khi điều chỉnh Thị xã Nghĩa Lộ sẽ có 13 đơn vị
hành chính (gồm 4 phường và 9 xã) với diện tích tự nhiên trên 9 nghìn ha và dân số 60.200 người. Sau khi
điều chỉnh 6 đơn vị để mở rộng thị xã Nghĩa Lộ thì sẽ điều chỉnh địa giới hành
chính huyện Văn Chấn để thành lập 2 huyện mới. Huyện Văn Chấn/ Nam Văn Chấn có
14 đơn vị hành chính cấp xã (12 xã, 2 thị trấn) với diện tích trên 69.273 ha,
dân số 80.566 người. Vị trí trung tâm huyện lỵ vẫn đặt tại xã Sơn Thịnh như
hiện nay. Về lâu dài sẽ nghiên cứu để xây dựng trung tâm huyện lỵ tại Thị trấn
Nông trường Trần Phú.
Huyện mới (có tên gọi dự kiến Tân
Văn/ Nghĩa Văn/Bắc Văn Chấn) có 11 đơn vị hành chính cấp xã (1 thị trấn và 10
xã), trong đó có 10 xã đặc biệt khó khăn, với diện tích tự nhiên trên 45 nghìn
ha, dân số 35.571 người. Trung tâm huyện lỵ dự kiến chọn tại xã Nậm Búng hoặc
xã Gia Hội.
Phương án 3: Điều chỉnh địa giới
hành chính, chia tách huyện Văn Chấn, hình thành 2 huyện mới, có nghiên cứu
phương án điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị xã Nghĩa Lộ và điều chỉnh
địa giới hành chính huyện Mù Cang Chải. Theo đó huyện Văn Chấn/ Nam Văn Chấn
giữ nguyên việc phân chia địa giới như Phương án 1, phương án 2, tức là có
nghiên cứu để điều chỉnh 6 xã về Thị xã Nghĩa Lộ để hình thành huyện mới 14 đơn
vị hành chính cấp xã. Huyện mới có 13 đơn vị cấp xã (có 1 thị trấn và 12 xã)
trong đó có 2 xã Cao Phạ, Nậm Có của huyện Mù Cang Chải.
Đối với việc tổ chức bộ máy, hoạt
động của Nhà nghỉ điều dưỡng cán bộ tỉnh, tỉnh có 2 phương án điều chỉnh bao
gồm: phương án 1 là giữ nguyên Nhà nghỉ điều dưỡng cán bộ là đơn vị sự nghiệp
trực thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Phương án 2 là chuyển giao nguyên trạng tổ
chức, bộ máy, cơ sở vật chất Nhà nghỉ điều dưỡng cán bộ thuộc Ban Tổ chức Tỉnh
ủy về Văn phòng UBND tỉnh hoặc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Qua nghiên cứu các phương án trên,
các đồng chí lãnh đạo nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghỉ hưu
đóng góp ý kiến vào việc lựa chọn các phương án trong việc chia tách huyện Văn
Chấn và tổ chức bộ máy, hoạt động của Nhà nghỉ điều dưỡng trên cơ sở thống nhất
cao về chủ trương. Đối với việc chia tách huyện Văn Chấn, đa số các đại biểu
đều đồng tình với phương án 2 là điều chỉnh địa giới hành chính huyện Văn Chấn
để mở rộng địa giới hành chính thị xã Nghĩa Lộ và thành lập một huyện mới. Các
đại biểu cũng thống nhất cao với phương án giữ nguyên Nhà nghỉ điều dưỡng cán
bộ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Đồng thời bày tỏ sự vui
mừng, phấn khởi khi dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Tuần Quán, TP Yên Bái
được triển khai thực hiện bởi đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan
trọng trong việc hoàn thiện hệ thống cơ
sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố Yên Bái nói
riêng và của tỉnh Yên Bái nói chung.
Phát biểu kết luận hội nghị đồng chí
Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá
cao những ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo nguyên là Ủy viên Ban
Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí nhấn mạnh những ý kiến này sẽ là căn cứ để Tỉnh ủy triển
khai các bước tiếp theo. Đối với mô hình Nhà nghỉ điều dưỡng cán bộ tỉnh, Tỉnh
ủy sẽ tiếp thu ý kiến và có giải trình với Ban Bí thư Trung ương để trước mắt
vẫn giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ của mô hình Nhà nghỉ điều dưỡng cán bộ tỉnh.
Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Tuần Quán, TP Yên Bái, với sự nhất
trí cao, tỉnh Yên Bái sẽ chuẩn bị đầu đủ các điều kiện cần thiết để nhanh chóng
thực hiện dự án. Đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền để công tác giải phóng
mặt bằng cho dự án được thuận lợi.