Cùng dự Hội nghị, tại điểm cầu
của Chính phủ có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về
giảm nghèo bền vững; thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững;
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt
Nam; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam...
Về phía điểm cầu tỉnh Yên Bái có
đồng chí Ngô Thị Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2014, ngân sách Trung ương đã bố
trí trên 6.242 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
bền vững, trong đó, chương trình 135 là 3.129,8 tỷ đồng và chương trình 30a là
3.062,2 tỷ đồng, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo là 32 tỷ đồng và dự án nâng
cao năng lực truyền thông và giám sát đánh giá là 20 tỷ đồng. Trong năm, các
chính sách giảm nghèo tiếp tục được bố trí kinh phí để thực hiện. Cụ thể, đối
với chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, đã bố trí khoảng 12.822 tỷ đồng
thực hiện mua thẻ BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số; bố trí trên 7
nghìn tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh nghèo về giáo dục – đào tạo; 200 tỷ đồng thực
hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc
thiểu số…
Với kinh phí được bố trí, các tỉnh đã triển
khai thực hiện các dự án về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các huyện nghèo,
xã nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm
nghèo có hiệu quả. Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo
bền vững giai đoạn 2011-2020, tính đến hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước
giảm từ 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8-6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện
nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014).
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa vững
chắc, tỷ lệ tái nghèo hằng năm còn cao, chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng,
nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng
đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn
trên 60-70%. Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo
trong cả nước; thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu
nhập bình quân của cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến,
đồng chí Ngô Thị Chinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Năm 2014,
tỉnh Yên Bái huy động được trên 3 nghìn tỷ đồng, đạt 118,3 % kế hoạch để thực
hiện chương trình giảm nghèo. Trong đó, ngân sách Trung ương là 948, 9 tỷ đồng,
ngân sách địa phương 150,9 tỷ đồng, vốn cho vay của ngân hàng chính sách xã hội
đạt 1.720 tỷ đồng còn lại là các nguồn vốn huy động khác. Theo đó, tỉnh Yên Bái
đã hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vùng đặc biệt khó khăn và vùng
sản xuất hàng hóa; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội áp dụng đối với các xã,
thôn bản đặc biệt khó khăn của tỉnh; đào tạo nghề cho trên 14 nghìn lao động;
giải quyết việc làm cho trên 18 nghìn lao động. Đồng thời, tạo điều kiện cho
trên 7.500 hộ nghèo và trên 2.100 hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi để sản xuất;
gần 50 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện và hàng chục nghìn hộ khó khăn được
hỗ trợ về nước sinh hoạt và đất sản xuất…. Do vậy, đến nay toàn tỉnh còn dưới
20% hộ nghèo và dưới 10% hộ cận nghèo; giảm gần 5% tỷ lệ hộ nghèo. Trong đó,
huyện 30a giảm trên 9%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Thay mặt tỉnh Yên Bái, đồng chí Ngô
Thị Chinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kiến nghị với Chính phủ cần tiếp tục quan
tâm hỗ trợ nguồn vốn đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với các chương
trình giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 các Bộ, ngành cần xây dựng đề án và các
giải pháp triển khai cụ thể; đề nghị Bộ Lao động, thương binh và xã hội tham
mưu với Chính phủ sớm phê duyệt Đề án rà soát hộ nghèo theo hướng đa chiều và
tổ chức rà soát hộ nghèo 2 lần/ nhiệm kỳ.
Tại Hội nghị, các đại biểu của các
tỉnh cũng đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được và nêu những
tồn tại khó khăn trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo. Đồng thời kiến
nghị đề xuất nội dung, giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo trong thời gian
tới.
Phát biểu chỉ đạo tại
Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao nỗ lực
giảm nghèo của các Bộ, ngành và các địa phương trong thời gian qua. Thủ tướng
cũng nhấn mạnh, trong năm 2015 cả nước cần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới
5%, các huyện nghèo còn dưới 30%. Theo đó, các Bộ, ngành địa phương cần nhận
thức đúng tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, gắn kết quả giảm nghèo với
việc thực hiện các Nghi quyết của Đảng. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát bổ sung
các chính sách giảm nghèo, trong đó, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và
các chính sách về các dịch vụ cơ bản như nhà ở, bảo hiểm y tế, giáo dục,…; huy
động và sử dụng các hiệu quả các nguồn lực. Trước mắt, các Bộ, ngành và địa
phương cần chủ động đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2015 và xây dựng kế hoạch giảm nghèo
giai đoạn 2016 – 2020.