Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Giúp vùng cao bứt phá

11/02/2015 12:57:31 Xem cỡ chữ Google
Với những đặc thù của tỉnh miền núi, nhiều xã vùng cao điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 72 xã vùng cao khó khăn), năm 2010, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) vùng cao.

Đồng bào vùng cao của tỉnh ngày càng mở rộng diện tích cấy lúa nước hai vụ, góp phần nâng cao sản lượng lương thực.

Qua 4 năm triển khai đi vào hoạt động, BCĐ đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của toàn tỉnh. Tuy nhiên, địa bàn vùng cao của tỉnh vẫn cần tiếp tục được quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.

Thực tế, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung ban hành, triển khai hàng loạt các đề án, chính sách và dành nguồn lực đáng kể hỗ trợ sự phát triển kinh tế, xã hội trên toàn tỉnh, trong đó có địa bàn vùng cao. Có thể nói, các chính sách được ban hành ở nhiều lĩnh vực đã góp phần tháo gỡ những khó khăn cơ bản ở địa bàn vùng cao của tỉnh.

Đó là các nghị quyết về một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội áp dụng đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015; chính sách thu hút, khuyến khích phát triển cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái; Đề án Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú giai đoạn 2010 - 2015; Đề án Phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011 - 2015; Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Yên Bái đến năm 2020; Đề án Phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 - 2015; Đề án Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở…

Cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách, đề án của tỉnh thì việc triển khai hiệu quả các chính sách của Trung ương và sự nỗ lực của nhân dân đã giúp diện mạo vùng cao Yên Bái đã có nhiều thay đổi. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến hết năm 2014, toàn tỉnh còn 40.899 hộ, chiếm 20,56%; trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn 32.654 hộ, chiếm 16,42% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011- 2015.

Trong phát triển kinh tế, sản xuất nông, lâm nghiệp địa bàn vùng cao đã có những chuyển biến tích cực. Dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa, áp dụng đúng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh. Nhờ đó, năng suất và sản lượng lương thực tăng đáng kể. Nhiều địa phương đã làm tốt cuộc vận động đồng bào Mông chuyển đổi diện tích trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi; cấy lúa nước hai vụ, đặc biệt là hai huyện vùng cao. Điển hình, năm 2014, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện Mù Cang Chải đạt 32.867 tấn, tăng trên 7.300 tấn so với năm 2013. Tương tự với huyện Trạm Tấu là gần 20 ngàn tấn, tăng gần 800 tấn so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương cũng đã thực hiện thành công các mô hình thử nghiệm trồng giống ngô mới, lúa mới, trồng su su… phát triển, mở rộng diện tích cây sơn tra trở thành hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Trong chăn nuôi, địa bàn vùng cao của tỉnh đã khai thác tốt lợi thế phát triển mạnh đàn gia súc, gia cầm. Năm 2014, hầu hết các địa phương đều đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng đàn gia súc chính của huyện Mù Cang Chải đạt trên 50 nghìn con, tăng trên 9% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhờ tuyên truyền hiệu quả, nhân dân đã mở rộng phát triển chăn nuôi dê với tổng số trên 4 nghìn con, đạt 133% kế hoạch.

Ngoài ra, các điều kiện về cơ sở hạ tầng ở địa bàn vùng cao của tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Đến nay, 92% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm  và đi lại được trong 4 mùa; trên 92,6% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; các điều kiện về cơ sở trường lớp học, mạng lưới y tế được củng cố; đặc biệt là thực hiện hiệu quả chính sách về xây dựng trường bán trú đã tháo gỡ những khó khăn cơ bản của giáo dục vùng cao…

Mặc dù vậy, theo đánh giá chung, đời sống cũng như các lĩnh vực của đồng bào vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh song chưa bền vững; còn có sự chênh lệch lớn về mức sống giữa vùng cao và các vùng khác trong tỉnh; chất lượng các lĩnh vực y tế, giáo dục, chất lượng cán bộ ở vùng cao còn hạn chế… Chính vì vậy, việc tiếp tục củng cố phát huy hiệu quả hoạt động của BCĐ vùng cao để luôn luôn sát cánh đồng hành vì sự phát triển của vùng cao là hết sức quan trọng.

Mới đây, trong Hội nghị tổng kết công tác vùng cao năm 2014, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu: "Cần xác định được vai trò BCĐ vùng cao của tỉnh cho đúng với vị trí, vai trò; đặc biệt là phân công lại nhiệm vụ cho các ngành thành viên trong BCĐ; làm tốt công tác tuyên truyền vận động để thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, đây là vấn đề mấu chốt quyết định thành công".

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy, cũng ngay tại Hội nghị này, đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo vùng cao tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên BCĐ, các địa phương trên tinh thần lồng ghép, tham mưu và triển khai tích cực nhiệm vụ phát triển vùng cao cùng với nhiệm vụ chính trị của đơn vị để góp phần tạo ra sự thay đổi thực sự mạnh mẽ hơn nữa cho diện mạo vùng cao của tỉnh

 

3028 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h