Ông Phạm Công
Quyết, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh cho
biết: “Năm nào cũng vậy, cùng với sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành
trong tỉnh, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, Trung tâm cũng luôn chủ động
chuẩn bị mọi điều kiện để lo cho các cụ, các em có một cái tết thật đầy đủ, ấm
áp. Hàng năm, Trung tâm tổ chức cho người già và trẻ em ăn Tết sớm vào ngày
23 Tháng Chạp. Đối với những đối tượng về quê ăn Tết cùng gia đình,
Trung tâm chủ động chuẩn bị quà, hỗ trợ tiền tàu xe và cam kết với
gia đình đảm bảo an toàn đi lại cho đối tượng. Những đối tượng ở lại
đón Tết tại Trung tâm, trong 3 ngày Tết, Trung tâm luôn bố trí kíp
trực và chuẩn bị mâm cơm Tết theo đúng phong tục, tập quán của dân
tộc để các đối tượng được đón Tết Cổ truyền vui tươi, lành mạnh,
đầm ấm như tại gia đình”.
Các cán bộ Trung tâm đang quét vôi ve, chỉnh trang lại nhà cửa để chuẩn bị đón Tết (Ảnh:Thu Nga)
Thật
trân trọng và cảm phục khi được chứng kiến các cán bộ ở trung tâm tận tụy chăm
lo cho các em từng miếng ăn, giấc ngủ, tắm giặt, vệ sinh. Cô Phạm Thị Làn, một
cán bộ đã có nhiều năm công tác tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội
tỉnh Yên Bái chia sẻ: “Những đứa trẻ ở đây mỗi đứa có một hoàn cảnh khác nhau,
nhưng đều rất cô đơn và vô cùng tội nghiệp. Chúng tôi luôn mong muốn bằng tình
cảm của mình sẽ đem lại cho các em cuộc sống gần gũi, ấm áp như trong một gia
đình, đặc biệt là trong những dịp lễ tết”.
Tết năm nay là cái tết thứ 7 của em Giàng Thị Dở tại
Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái.
Hoàn cảnh của Dở rất éo le khi mẹ mất sớm, bố già yếu, không có đủ điều kiện
nuôi dưỡng. Dở cùng với anh trai là Giàng A Lòng được xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu
gửi xuống nuôi dưỡng tại Trung tâm. Những ngày đầu ở nơi này Dở cảm thấy rất
nhớ nhà, nhớ gia đình, nhưng với sự quan tâm, chăm lo tận tình từ bữa ăn, giấc
ngủ rồi đến chuyện học hành của các cô, chú nơi đây, em đã quen dần với môi
trường sống mới. Giờ đây Trung tâm đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của em. Dở chia
sẻ: “Tết năm nào cũng vậy, trước Tết, Trung tâm đều mổ lợn, gói bánh chưng, tổ
chức cho chúng em ăn Tết sớm. Sau khi ăn Tết ở trung tâm, chúng em được gia
đình đón về nhà ăn Tết, lại còn được các cô chú ở cho bánh kẹo các loại mang về
nhà, chúng em vui lắm”.
Bên
cạnh một số ít các em được gia đình đón về ăn Tết thì đa số những đứa trẻ nơi
đây đều đón Tết ngay tại Trung tâm. Em Hảng A Gầu cho biết: “Mẹ em mất sớm, gia
đình lại có đông anh em nên em về ở trung tâm được 6 năm rưỡi rồi. Em thấy Tết
ở đây rất vui, chúng em được các cô chú mua quần áo mới, được ăn bánh chưng và
tham gia rất nhiều trò chơi. Có năm chỉ còn một vài bạn ở lại trung tâm thì
chúng em được các cô, chú đưa về nhà trong mấy ngày Tết, được sống như người
một nhà nên em cảm thấy rất ấm áp”.
Trung
tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái hiện quản lý, nuôi dưỡng 72
trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ khuyết tật; 8 người cao
tuổi thuộc diện gia đình chính sách, neo đơn. Với sự chăm sóc, giúp đỡ tận tình
từ miếng ăn đến giấc ngủ, trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội đã thực
sự trở thành “ngôi nhà chung” ấm áp đối với những mảnh đời kém may mắn.
Gần 80 tuổi,
ông Lê Văn Thọ đã có quá nửa đời người phải chịu nỗi cô đơn lẻ bóng, một thân
một mình xoay sở với số phận, không có người thân chăm nom. Đến năm 2012, ông
được đưa về Trung tâm nuôi dưỡng. Ông Thọ chia sẻ: “Ở đây tôi cảm thấy rất
thoải mái. Các cán bộ ở trung tâm chăm sóc chúng tôi rất nhiệt tình, chu đáo từ
bữa ăn đến giấc ngủ. Vào các dịp lễ, Tết, người già chúng tôi và các cháu ở đây
còn được tặng quà Tết và tham gia đón Tết ngay tại trung tâm. Tôi cảm thấy rất
đầm ấm và ý nghĩa”.
Các cán bộ nơi đây chăm sóc cho các cụ già đang sống tại trung tâm từng bữa ăn, giấc ngủ (Ảnh:Thu Nga)
Cũng
như ông Thọ, bà Nguyễn Thị Hợi, 72 tuổi, trước đây trú tại phường Nguyễn Thái
Học, thành phố Yên Bái đã đến nương tựa tại trung tâm được gần 8 năm. Vì hoàn
cảnh neo đơn, không có người chăm sóc nên bà đã được chính quyền địa phương đưa
về trung tâm chăm sóc. Thật như mơ, cả cuộc đời cơ cực, nay về đây không còn phải
lo bươn trải kiếm từng bữa ăn, lúc ốm đau được khám, chữa tận tình nên bà cảm
thấy rất biết ơn các cán bộ ở đây. Đối với bà Hợi, mỗi dịp xuân về, được đón
Tết quây quần bên mọi người ở Trung tâm đã giúp bà vơi bớt nỗi buồn, sự cô đơn.
Bà cho biết: “Tết ở Trung tâm như Tết trong gia đình lớn vậy, chúng tôi
được đón Tết cổ truyền với đầy đủ bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành,
bánh kẹo và được các cấp, các ngành thăm hỏi, tặng quà, động viên
tinh thần...Đây chính là nguồn động viên lớn đối với những người già
cả, cô đơn như tôi nhân dịp Tết đến, xuân về”.
Có lẽ,
tâm sự của ông Thọ, bà Hợi cũng chính là nỗi niềm, là tiếng lòng của những
người cao tuổi có cùng hoàn cảnh. Điều mong ước của họ thật giản dị, không gì
hơn là những ngày cuối của cuộc đời được chăm sóc, được sống trong tình yêu
thương. Và tại ngôi nhà chung này, những cán bộ của Trung tâm Công tác xã hội
và Bảo trợ xã hội đã và đang góp phần làm tròn vẹn ước mơ tưởng chừng đơn giản
mà khó thực hiện đó.
Rời Trung tâm Công
tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh, ấn tượng còn đọng lại trong tôi là sự ấm áp,
thân thiết, tiếng nói cười rộn rã trong buổi chiều cuối năm. Sự bất hạnh, cô
đơn dường như không còn hiện hữu trong ánh mắt của các cụ già, các em nhỏ nơi
đây. Thay vào đó là niềm tin, ước vọng về một năm mới an lành, gặp nhiều may
mắn. Và tại ngôi nhà chung này, những cán bộ của
Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội đã và đang góp phần làm tròn vẹn
ước mơ tưởng chừng đơn giản mà khó thực hiện đó.