Với chức năng là cơ quan
tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên lĩnh vực Báo
chí - xuất bản và Thông tin đối ngoại, Bưu chính - Viễn thông; Công nghệ thông
tin, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND,
UBND ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật sát với thực tiễn. Các quy
hoạch, chiến lược trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông được tập trung
nghiên cứu xây dựng và định hướng chiến lược phát triển từng lĩnh vực của ngành
và lĩnh vực chung của toàn tỉnh. Qua đó tăng cường, nâng cao năng lực, hiệu quả
quản lý Nhà nước, giải quyết những vấn đề thực tiễn đời sống xã hội đang đòi
hỏi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí, các
doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông, CNTT, in và phát hành có bước phát triển
mạnh mẽ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để ngành Thông tin và Truyền thông
tiếp tục phát triển.
Về lĩnh vực báo chí và
xuất bản, trong năm 2014, Sở Thông tin và Truyền thông đã tập trung tham mưu
xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tích cực thực hiện công tác kiểm tra,
theo dõi, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động báo chí - xuất bản;
triển khai cấp phép hoạt động báo chí - xuất bản theo đúng quy định. Do đó,
hoạt động báo chí và xuất bản tại địa phương tiếp tục thực hiện theo đúng các
quy định của pháp luật, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng tốt
hơn nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn góp phần tích cực vào việc
thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của xã
hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của địa
phương.
Yên Bái hiện có 3 cơ
quan báo chí địa phương là Báo Yên Bái, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tạp
chí Văn nghệ Yên Bái; 04 cơ quan thường trú, đại diện báo Trung ương đóng trên
địa bàn tỉnh gồm Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Nông nghiệp Việt Nam,
Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc tại Yên Bái; 9 Đài Truyền
thanh - Truyền hình cấp huyện, thị xã, thành phố; 175 Đài truyền thanh cơ sở;
25 bản tin; 01 Cổng Thông tin điện tử tỉnh với 38 trang thành viên và trên 50
trang thông tin điện tử. Trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa có Nhà xuất bản; có 3
cơ sở in được cấp phép hoạt động in; 03 Công ty in sản phẩm xuất khẩu ra nước
ngoài; 150 cơ sở in, photocopy tư nhân; 02 đơn vị chủ lực cung ứng cho thị
trường sách của tỉnh; trên 50 cửa hàng phát hành xuất bản phẩm, cho thuê
truyện; 02 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ chuyển phát báo chí in. Số
lượng thuê bao truyền hình trả tiền hiện nay đạt 31.000 thuê bao; tỷ lệ dân số
được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và xem Đài truyền hình Việt Nam đạt 93%; sản
lượng phát hành báo chí đạt 5.912.532 tờ/cuốn; thời lượng phát thanh bằng tiếng
dân tộc đạt 1.913 giờ; thời lượng truyền hình tiếng dân tộc đạt 288 giờ; tỷ lệ
phủ sóng truyền hình địa phương đạt 95%; tỷ lệ phủ sóng phát thanh địa phương
đạt 85%; tỷ lệ dân số được nghe, xem Phát thanh -Truyền hình Yên Bái đạt 70%;
thời lượng phát sóng kênh chương trình truyền hình Yên Bái trên vệ tinh 17
giờ/ngày (Trong đó chương trình tự sản xuất có thời lượng là 6 giờ 30
phút/ngày); số bản sách bình quân/đầu người/năm đạt 3 bản/người/năm.
Trên lĩnh vực Bưu chính
- Viễn thông, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn
thông thực hiện việc đảm bảo an toàn an ninh trong dịp tết, lễ hội, các kỳ thi,
hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, phát
triển mạng lưới. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 8
doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, trong đó có 05
doanh nghiệp Viễn thông gồm: Viễn thông Yên Bái, Chi nhánh Mobifone Yên Bái,
Chi nhánh Viettel Yên Bái, Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Doanh nghiệp hiện
không có Chi nhánh và đại diện ở Yên Bái), 01 cơ quan đại diện (Vinaphone) và
Công ty Cổ phần Viễn thông FPT- Telecom. 03 doanh nghiệp Bưu chính gồm: Bưu
điện tỉnh, Bưu chính Viettel tại Yên Bái và Công ty Cổ phần chuyển phát nhanh
Hợp Nhất Miền Bắc tại Yên Bái. Tổng số điểm phục vụ là 183 điểm; số điểm Bưu
điện văn hóa xã 149 điểm; số xã có báo đến trong ngày 154 xã. Tỷ lệ bưu gửi,
hàng gửi đạt chỉ tiêu thời gian chuyển phát toàn trình do doanh nghiệp công bố
từ 80% đến 98%; Tổng số điện thoại trên toàn tỉnh là 478.950 thuê bao, đạt mật
độ 62 thuê bao/100 dân; tổng số thuê bao internet 115.875 thuê bao đạt mật độ
15 thuê bao/100 dân.
Ứng dụng công nghệ thông
tin trong cơ quan nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh. Việc đảm bảo an toàn, an
ninh mạng được tập trung thực hiện để phòng, chống các cuộc tấn công mạng với
quy mô ngày càng lớn từ nước ngoài. Các đề án lớn tiếp tục được chú trọng triển
khai như: Chỉ thị đẩy mạnh sử dụng hệ thống thư điện tử trong cơ quan nhà nước
trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Quy định đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong
lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị quản lý hành
chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái...
Hạ tầng công nghệ thông
tin của các cơ quan ngày càng được đầu tư, nâng cấp tương đối hoàn chỉnh đảm
bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các nhiệm vụ chuyên ngành
của các cơ quan đơn vị. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị đã có mạng LAN và kết nối mạng Internet tốc độ cao ADSL,
FTTH, trên 92% số máy tính được kết nối mạng internet. Tỷ lệ máy tính trên cán
bộ công chức tại các sở, ban, ngành ước đạt 96%, các huyện, thành phố đạt
88%. Đối với UBND các xã, phường, thị trấn cũng đạt trung bình 6-7 máy
tính/UBND, đa số các xã thuộc vùng thấp cũng đã được kết nối mạng Internet.
Việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đã được chú trọng,
tỉ lệ máy tính cài đặt phần mềm diệt virus tại các cơ quan, đơn vị đạt 90%, tại
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đạt 65%. Hết tháng năm 2014 đã
cung cấp tài khoản thư cho toàn thể cán bộ của 41 sở, ban, ngành, UBND
các huyện, thị xã, thành phố, 100% CBCC cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã,
thành phố có tài khoản thư điện tử. Có 31 cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn
tỉnh sử dụng phần mềm Quản lý, điều hành tác nghiệp trong xử lý nhiệm vụ chuyên
môn, đạt tỷ lệ 85% các cơ quan nhà nước sử dụng phần mềm Quản lý, điều hành
tăng 33,4% so với năm 2013. 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã,
thành phố trực thuộc UBND tỉnh có trang thông tin điện tử....
Việc triển khai ứng dụng
công nghệ thông tin vào công tác cải cách hành chính đã góp phần công khai minh
bạch các dịch vụ cung cấp cho người dân và doanh nghiệp; tạo tính chuyên nghiệp
trong hoạt động hành chính của nhà nước tại địa phương, giảm thời gian đi lại
của công dân; tạo thói quen trong công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công.
Với chức năng quản lý Nhà
nước đối với ngành đặc thù về kỹ thuật và báo chí nên đòi hỏi mỗi cán bộ ngành
Thông tin Truyền thông phải thành thạo về kỹ thuật, công nghệ, trưởng thành về
mọi mặt, phẩm chất đạo đức trong sáng, kiến thức chuyên môn và bản lĩnh chính
trị vững vàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Bước sang năm 2015 - năm
bản lề trong triển khai các chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đồng thời là
năm diễn ra nhiều dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Vai trò, vị trí của
các cơ quan truyền thông từ cấp tỉnh đến cơ sở càng đi vào quy củ cùng nhiệm vụ
chính trị nặng nề. Vì vậy, bên cạnh tuyên truyền nhằm tạo không khí phấn khởi
chung, tạo sự đồng thuận trong nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng,
chính quyền, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ và
giải pháp sau:
Thứ nhất là, sẽ tiếp tục nâng cao vai trò quản lý nhà
nước trong lĩnh vực báo chí, xuất bản trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hoạt động báo
chí - xuất bản phát triển theo đúng tôn chỉ, mục đích, phù hợp với tình hình
thực tế của địa phương, là kênh thông tin chủ lực chuyển tải những chủ trương
đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, thực hiện thắng
lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Kịp thời phát triển tốt cả về chất lượng
và số lượng, phát triển theo xu hướng hiện đại hóa đa truyền thông, tạo điều
kiện cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp cận thông tin một cách tích cực.
Hai là, tiếp tục phát huy vai trò quản lý nhà nước về
lĩnh vực Bưu chính, chuyển phát trên địa bàn, xây dựng các văn bản quy phạm
pháp luật trong lĩnh vực Bưu chính, chuyển phát. Khuyến khích các doanh nghiệp
tham gia thị trường bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện
thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng, phát triển mạng lưới bưu chính,
viễn thông tới các địa bàn trong tỉnh, phát triển các điểm bưu điện văn hóa xã
đạt chuẩn theo quy định nhằm thực hiện thành công đề án xây dựng nông thôn mới.
Chỉ đạo các doanh nghiệp Viễn thông trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ thực hiện
chương trình viễn thông công ích, phát triển thuê bao điện thoại và thuê bao
Internet tại các xã trên địa bàn tỉnh.
Ba là, tham mưu triển khai tốt kế hoạch ứng dụng công
nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước năm 2014; mở các
lớp đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin cho cán bộ công chức cấp tỉnh và
các huyện, thị xã, thành phố, đào tạo nâng cao trình độ nhận thức và kỹ năng
ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của doanh nghiệp; khai thác hiệu
quả Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái. Nâng cấp mở rộng để đáp ứng nhu cầu
phát triển, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bốn là, tăng cường công tác thanh, kiểm tra trên các
lĩnh vực Thông tin và Truyền thông. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành
liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ của Sở Thông tin và Truyền thông.