Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái: Phát huy hiệu quả các chính sách dân tộc

23/02/2015 08:44:54 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trước đây nhắc đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số người ta thường nghĩ đến vùng đất xa xôi với biết bao khó khăn vất vả đói nghèo và lạc hậu. Xuân này đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ta thấy diện mạo đã thay đổi, mọi người ai cũng hăng say lao động sản xuất, khuôn mặt rạng rỡ, cho thấy đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, tất cả đang chung sức vươn lên mạnh mẽ cùng với sự phát triển chung của tỉnh, của đất nước. Có được điều đó là nhờ trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã luôn quan tâm đến công tác dân tộc và thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Nhờ thực hiện có hiệu các chính sách dân tộc nên đời sống vật chất tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên

Là tỉnh có trên 53% dân số là người dân tộc thiểu số, quán triệt quan điểm của Đảng về công tác dân tộc, trong những năm qua Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái luôn xác định công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc là nội dung quan trọng, gắn liền trong mọi lĩnh vực, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương; là điều kiện tạo cơ hội để đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hộ nghèo vùng khó khăn ổn định cuộc sống phất đấu vươn lên.

Cùng với việc tập trung triển khai, đảm bảo mọi chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số kịp thời đi vào cuộc sống, tỉnh Yên Bái đã xây dựng, ban hành trên 30 đề án, chính sách, bố trí ngân sách địa phương bình quân hàng năm trên 180 tỷ đồng nhằm bổ sung chính sách khuyến khích phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng đặc biệt khó khăn; trong đó, có những nội dung hết sức thiết thực đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đi trước chính sách của Nhà nước được đánh giá cao, như: Mô hình trường bán trú dân nuôi, hỗ trợ học sinh nội trú gạo ăn, hỗ trợ học phí khi học chuyên nghiệp, hỗ trợ phục tráng, bảo tồn văn hoá truyền thống.

Đồng thời để nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư cũng như hiệu lực điều hành, quản lý chính sách dân tộc, Ban chỉ đạo các Đề án cấp tỉnh, cấp huyện đã được thành lập, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, các cơ quan trong triển khai thực hiện. Công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, được tăng cường; nhiều chương trình phối hợp thực hiện chính sách dân tộc từ công tác điều tra, rà soát xây dựng kế hoạch, triển khai đến công tác kiểm tra, giám sát đã được các sở,  ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thống nhất ký kết. Bên cạnh đó, công tác thanh kiểm tra và đổi mới lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc thực thi nhiệm vụ, thái độ phục vụ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số đã được quan tâm. Trong 5 năm qua, nhiều đoàn công tác liên ngành đã thành lập, tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi của tỉnh; qua thanh tra, kiểm tra, giám sát cho thấy cơ bản các chương trình, chính sách, dự án dân tộc đều được triển khai đúng mục tiêu, đúng địa bàn, đúng đối tượng đem lại hiệu quả  góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

Những thành tựu quan trọng

Trong những năm qua, UBND tỉnh Yên Bái đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả trên 15 chính sách lớn đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 4.956 tỷ đồng.

Thông qua việc triển khai các chính sách về công tác dân tộc, từ năm 2009 - 2014 đã có 682 lượt hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi từ các dự án định canh định cư với tổng kinh phí 55,234 tỷ đồng; đã thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng 34 công trình nước sinh hoạt tập trung quy mô xã, thôn, bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho các hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí 45,259 tỷ đồng; hỗ trợ làm nhà ở cho 7.145 đối tượng là hộ nghèo, trong đó hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 87,18% với tổng kinh phí 149,199 tỷ đồng.

Với tổng số vốn trên 755 tỷ đồng, Chương trình 135 đã đầu tư xây dựng được 1.063 công trình, trong đó: Xã đặc biệt khó khăn 265 công trình; thôn, bản đặc biệt khó khăn 535 công trình; duy tu và bảo dưỡng các công trình sau đầu tư 272 công trình; thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho 5.685 lượt hộ nghèo; tập huấn cho gần 37.443 lượt cán bộ xã, thôn bản, người dân; dạy nghề cho 2.520 thanh niên dân tộc thiểu số; hỗ trợ trên 37.687 lượt học sinh con hộ nghèo trong học tập.

Chính sách cho hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất được quan tâm. Trong 5 năm (2009 - 2014) Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai cho vay các chương trình tín dụng với 122.880 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, với tổng doanh số trên 1.822 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 32/2008/QĐ-TTg và Quyết định 54/2012/QĐ-TTg, đã thực hiện cho vay tại 128 xã /132 xã vùng khó khăn thuộc 8 huyện, thị xã đối với 3.490 hộ DTTS nghèo, đặc biệt khó khăn với tổng nguồn vốn trên 20,1 tỷ đồng, để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, trang bị công cụ sản xuất và khai hoang ruộng nước.

Thực hiện Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 81,64 tỷ đồng, hỗ trợ cho 886.327 lượt khẩu nghèo vùng khó khăn, với các hình thức hỗ trợ tiền mặt và hỗ trợ hiện vật gồm: phân bón, giống cây trồng, vật nuôi giúp cho các hộ có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất.

Với nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo cơ hội và sự an tâm để các hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu  giai đoạn 2009 - 2020. Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn 2 huyện nghèo Trạm Tấu và Mù Cang Chải, Vốn đầu tư cho Chương trình 30a trong 5 năm 2011 - 2015 là 456.461 triệu đồng, trong đó: vốn đầu tư phát triển 319.959 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 136.502 triệu đồng. Đã đầu tư xây dựng 49 công trình; trong đó, 23 công trình thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp với vốn đầu tư là 93.232 triệu đồng; 20 công trình thuộc lĩnh vực giao thông với vốn đầu tư là 215.015 triệu đồng; 5 công trình thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo với vốn đầu tư là 11.309 triệu đồng; 01 công trình khác với vốn đầu tư là 403 triệu đồng. Từ đó từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, các công trình thủy lợi đã đáp ứng một phần nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông lâm nghiệp, hệ thống giao thông phục vụ đi lại thuận tiện, trao đổi và giao lưu của nhân dân; góp phần giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Thực hiện chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, đã cấp 1.911.709 lượt thẻ BHYT với kinh phí trên 912 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người dân tộc thiểu số ở các xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho đồng bào tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe đã được ngành y phối hợp với các ngành, các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh triển khai tổ chức thực hiện tới đồng bào các dân tộc thiểu số với nhiều hình thức bước đầu đã mang lại kết quả tích cực.

Ngoài ra các chính sách, chương trình, dự án đầu tư khác cũng đang được lồng ghép triển khai thực hiện  có hiệu quả trên địa bàn, qua đó đã làm cho bộ mặt nông thôn miền núi có sự thay đổi tích cực, toàn diện.

Với truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giữ gìn bản sắc không cam chịu đói nghèo của đồng bào các dân tộc thiểu số, tin tưởng rằng đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái luôn đoàn kết, đổi mới, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.

3058 lượt xem
Nguyễn Hiên

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h