Người
truyền lửa nhiệt huyết cho học sinh
Không phải ngẫu nhiên, mỗi tiết dạy Lịch sử
của cô giáo Nguyễn Thị Minh Thạch - Giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên -
HNDN huyện Văn Yên lại thu hút sự chú ý của học sinh. Ở mỗi tiết học, cô không
chỉ giảng những kiến thức trong sách giáo khoa mà còn giới thiệu với các em về
nội dung tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và đưa ra những dẫn chứng cụ
thể về tấm gương sáng của Người. Cô còn lồng ghép kể các câu chuyện lịch sử,
gắn các câu chuyện về Bác vào từng tình huống sư phạm, từng chủ điểm theo
chương trình sách giáo khoa và thực tế cuộc sống hôm nay để từ đó các em rút ra
bài học kinh nghiệm cho bản thân.
Chính những điều ấy đã giúp học sinh, học
viên thích học, hiểu biết và yêu môn học Lịch sử hơn, quan trọng là nhận thức
sâu sắc hơn về việc học tập và làm theo tấm gương của Người. Lồng ghép tuyên truyền
thực hiện cuộc vận động lớn vào giảng dạy đã giúp cho mỗi giờ học sinh động hơn
đồng thời học sinh, học viên cũng tiếp nhận được nhiều kiến thức bổ ích.
Sau mỗi tiết dạy của cô giáo Thạch, các em lại sôi nổi trao đổi về những câu
chuyện kể về tấm gương của Bác.
Theo cô giáo Thạch, không phải bài học lịch
sử nào cũng có thể lồng ghép được mà cần lựa chọn bài thích hợp vì nếu không
chắt lọc kỹ sự kiện thì bài giảng sẽ không đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Nhấn
mạnh để học tập không đơn thuần dừng lại ở lý thuyết mà phải chú trọng làm theo
để cuộc vận động có ý nghĩa hơn song tuyệt đối tránh việc biến tiết học thành
tiết kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Một tiết dạy của cô giáo Nguyễn Thị Minh Thạch
Những năm học vừa qua, cô giáo Nguyễn Thị
Minh Thạch luôn có sáng kiến được Hội đồng Khoa học ngành Giáo dục và Đào tạo
đánh giá đạt loại khá và xuất sắc, như: “Phương pháp sử dụng hệ thống câu hỏi
để phát huy tích cực của học sinh trong tiết dạy lịch sử”; “Kinh nghiệm sử dụng
kênh hình trong sách giáo khoa lịch sử lớp 11”. Đặc biệt sáng kiến “Một vài
kinh nghiệm lồng ghép vào việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh áp dụng dạy môn Lịch sử” được đề nghị tham gia Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật
tỉnh Yên Bái lần thứ V, năm 2011 - 2012. Nỗ lực không ngừng, cô giáo Thạch đã
đạt giải Ba tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2010 - 2011 và vinh
dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Yên Bái, Sở Giáo dục và
Đào tạo tỉnh. Năm học 2011 - 2012, cô được công nhận là “Chiến sĩ thi đua cấp
tỉnh” và được đề nghị khen thưởng trong 5 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi
thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Khát
vọng cống hiến
Là một kỹ sư lâm nghiệp trẻ, dám
nghĩ, dám làm luôn hướng đến cái mới và khát khao cống hiến, Lý A Sử đã cùng
Ban Chấp hành Đoàn TNCS HCM và các đoàn thể quần chúng trong xã La Pán Tẩn tích
cực tuyên truyền vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chuyển
đổi cơ cấu cây trống vật nuôi và xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới,
việc tang ở khu dân cư.
Không cam chịu đói nghèo bản thân
anh cũng trực tiếp làm kinh tế hộ gia đình đạt kết quả tốt như nuôi nhím, trồng
xoài, trồng rau và ngô đông cùng một số sản phẩm nông nghiệp khác mang lại hiệu
quả kinh tế cao. Chỉ tính từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2012 thu nhập từ trang
trại cảu anh là 60 triệu, thu hoạch thảo quả được 20 triệu đồng và thu từ bán
gà lợn các sản phẩm nông nghiệp khác cho thu nhập 100 triệu đồng.
Trong dự án đưa 600 trí thức trẻ về
làm phó chủ tịch xã, tháng 3/2012 Lý A Sử được chọn và cử về công tác tại xã
Nậm Khắt huyện Mù Cang Chải, phụ trách về nông - lâm - chăn nuôi - thú y. Những
ngày đầu về công tác Lý A Sử không khỏi
bỡ ngỡ mặc dù đã thành công trong việc hướng dẫn bà con phát triển kinh tế tại
xã nhà La Pán Tẩn.
Với bao trăn trở, suy nghĩ; đôi chân
Lý A Sử đã ghi dấu trên bao mảnh nương
để khảo sát, nắm bắt tình hình, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con để rồi
kế hoạch dần được vạch ra trong sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền xã.
Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt huyện Mù Cang Chải, Lý A
Sử hướng dẫn bà con kỹ thuật trong buổi tập huấn về trồng rừng
Hướng sản xuất mới mở ra. Qua khảo
sát anh nhận thấy với những diện tích đất trước đây chỉ trồng ngô nhưng cho
năng suất không cao, anh đã vận động Ban quản lý rừng phòng hộ, UBND xã để được
sử dụng nguồn kinh phí của tỉnh phân bổ trồng 70 ha cây Sơn Tra xen cây ngô và
bàn giao cho các hộ gia đình chăm sóc.
Không dừng lại ở đó, anh còn kiến
nghị cấp ủy, chính quyền tiếp tục triển khai dự án trồng rau thương phẩm trên
diện tích đất ruộng một vụ kém hiệu quả sau khi đã khảo sát xong điều kiện tự
nhiên và tìm được hướng tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Bên cạnh đó, trên cương vị mới Lý A
Sử đã đề xuất với Đảng bộ, chính quyền xã Nậm Khắt một số biện pháp quản lý bảo
vệ rừng, phòng chống dịch bệnh cho gai súc, gia cầm. Đặc biệt là chương trình
kế hoạch vận động nhân dân xây dựng gia đình đúng luật hôn nhân và gia dình;
công tác chăm sóc sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình. Hàng năm A Sử đều được
đánh giá hoàn thành xuất sắc chức trách nhiệm vụ được giao.
Với nhiệt huyến của tuổi trẻ và
những đóng góp tích cực của mình, năm 2013 anh vinh dự là 01 trong 119 tập thể,
cá nhân tiêu biểu được tỉnh tuyên dương và là 01 trong 5 tập thể cá nhân tiêu
biểu toàn tỉnh vinh dự được Trung ương biểu dương khen thưởng vì có thành tích
xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Sáng
mãi phẩm chất bộ đội Cụ Hồ
Luôn xác định mình là người lính đã
hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương phải nêu cao tinh thần tự lực tự cường
phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tăng thu nhập cho
gia đình và xã hội, ông Đặng Văn Hãnh, Hội viên hội CCB
thôn Hồng Quân 1 xã Hán Đà, hyện Yên Bình đã
động viên vợ con xây dựng mô hình làm kinh tế
theo hướng sản xuất hàng hóa.
Với mô hình kinh tế vườn ao chuồng,
hiện nay gia đình ông đang nuôi trên 1 nghìn con gà, 150 con lợn, 20 con dê, 4
lồng cá, 2 ha rừng cây, 30 cây bưởi đã cho thu hoạch và nhiều loại rau màu
khác…Cùng với việc tạo việc làm cho người thân trong gia đình, ông còn giúp
người dân trong thôn có thêm việc làm và thu nhập. Trừ các khoản chi phí, gia
đình ông có thu nhập khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm.
Nhờ đó mà cuộc sống gia đình ông
được ổn định, xây dựng nhà của khang trang, trang trại chăn nuôi rộng rãi, khoa
học, mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất.. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia
ủng hộ xây dựng các công trình công cộng như Đài tưởng niệm các anh hùng liệt
sỹ ở đại phương, Đình Phúc Hòa, Nhà văn hóa thôn, Tủ sách văn hóa; các công
trình giao thông; Quỹ khuyến học, giúp đỡ hội việc hội CCB có hoàn cảnh khó
khăn….
Với suy nghĩ việc học tập và làm
theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm thiết thực và cần phải được
tuyên truyền thường xuyên liên tục, ông tự hứa sẽ không ngừng phấn đấu động
viên khích lệ gia đình và bà con nhân dân lao động sản xuất đạt hiệu quả cao
nhằm góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Một mùa xuân mới đang về. Tin tưởng
rằng với sự lan tỏa sâu rộng và sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân
dân, sẽ ngày càng có nhiều điển hình tiến tiến hơn nữa trong việc học tập và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nguyễn Hiên