Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Văn hóa - Phong tục >> Văn hóa - Xã hội

Nét đẹp văn hóa dệt thổ cẩm của người Thái - Mường Lò

15/09/2017 17:04:27 Xem cỡ chữ Google
Từ bao đời nay, thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân tộc Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ. Những sản phẩm dệt thổ cẩm là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Nó gắn bó với mỗi người dân từ lúc sinh ra, đến lúc lập gia đình và những lúc cuối đời.

Sản phẩm vải dệt thổ cẩm xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ được bình chọn là

Phụ nữ Thái ở Mường Lò - Nghĩa Lộ rất khéo tay trong việc thêu, dệt thổ cẩm. Đến nơi nào có người Thái sinh sống bạn cũng dễ dàng tìm thấy một chiếc khung cửi dệt vải thổ cẩm. Để có được một sản phẩm đẹp người con gái Thái phải trải qua một quá trình lao động, sáng tạo và tích lũy kinh nghiệm lâu dài. Ngay từ thủa lên sáu, lên bảy, các cô bé Thái đã được các bà, các mẹ chỉ bảo, làm quen với việc nhặt bông, se sợi và lớn hơn một chút thì bắt đầu làm quen với việc dệt vải. Theo quan niệm của người Thái, người phụ nữ giỏi thêu thùa và có kỹ thuật dệt tinh xảo sẽ được đánh giá là người phụ nữ giỏi giang và được nhiều chàng trai để mắt tới.

Để dệt được một tấm thổ cẩm đẹp, phải trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và vô cùng tỉ mẩn. Trước đây, để có được những gam màu chủ đạo, người Thái thường nhuộm vải theo cách truyền thống bằng màu của các loại cây rừng. Mỗi màu sắc kết hợp với nhau để dệt nên tấm thổ cẩm đều thể hiện sự tinh túy của đất trời. Màu đen cho đất, màu xanh cho trời, màu vàng biểu hiện cho sự kết hợp hài hòa giữa con người với thiên nhiên, màu đỏ tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của con người. Vì thế mà người con gái Thái phải mất nhiều tháng để trồng bông, trồng dâu, rồi sau nhiều công đoạn mới se được sợi vải để dệt nên tấm thổ cẩm truyền thống.

Từ xưa đến nay, theo phong tục của người Thái khi người con gái về làm dâu, họ phải tự tay mình dệt cho bố mẹ chồng những bộ trang phục mới để thể hiện tấm lòng của mình. Không chỉ có thế họ còn phải chuẩn bị cho phòng tân hôn của mình những bộ chăn, ga, gối, đệm để thể hiện rằng bắt đầu từ đây đôi bàn tay kia sẽ chăm lo, vun vén chu đáo cho hạnh phúc gia đình. Chính vì thế mà  dệt thổ cẩm đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào nơi đây và được lưu truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, không thay đổi theo thời gian, không phân biệt sang, hèn. Đặc biệt những sản phẩm dệt, thêu truyền thống của người con gái Thái có mặt trong tất cả những ngày lễ lớn và trọng đại của dân tộc. Điều đó cho thấy vị trí quan trọng của nghề dệt trong đời sống của đồng bào Thái.

Người Thái có hai kiểu dệt, đó là dệt trơn và dệt hoa văn. Hoa văn Thái bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động của đồng bào nên mỗi tấm thổ cẩm mà người Thái dệt nên chính là một bức tranh sống động phản ánh đời sống, sinh hoạt hàng ngày, được hình thành bằng trí nhớ và tưởng tượng của người dệt. Trên những tấm thổ cẩm ấy có sự kết hợp hài hòa, cân đối giữa đường nét, màu sắc và hoa văn được người phụ nữ Thái xử lý khéo léo, tài tình. Hoa văn của người Thái chủ yếu là hình tượng động vật, thực vật, những hình ảnh trong cuộc sống đời thường. Qua những hình tượng đó, người con gái Thái khéo léo gửi cả tâm hồn mình trong mỗi đường thêu nên rất khó có thể lẫn với hoa văn của dân tộc khác.

Để ca ngợi đôi bàn tay tài hoa và sự siêng năng của người phụ nữ Thái, tục ngữ Thái có câu: "Úp tay thành hoa đào nở/ Mở tay nở bừng hoa gạo". Mỗi người con gái Thái đều có nghệ thuật trang trí độc đáo, thể hiện được phong cách riêng của mình qua từng tấm vải thổ cẩm dệt thêu.

Nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở Mường Lò có từ lâu đời, song trước đây, công cụ dệt vải chỉ là những khung cửi thô sơ làm bằng tre, gỗ nên để tạo ra một sản phẩm bền đẹp, chị em người Thái phải tốn công sức cả năm trời.

Hiện nay, thay vì dệt thủ công, hầu hết các cơ sở dệt trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đều đã sử dụng máy dệt cải tiến. Những máy dệt này đã giúp chị em tiết kiệm được thời gian, công sức mà vẫn tạo ra được những sản phẩm bền đẹp như ý, ngày càng thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, với sự đa dạng của các sản phẩm hàng hóa khác nhau, nhưng những sản phẩm được làm từ thổ cẩm với hoa văn truyền thống như khăn piêu, những chiếc đệm, những tấm rèm che… vẫn được đồng bào giữ gìn phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình đồng thời giúp bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đến nay, các sản phẩm này đã trở thành mặt hàng được nhiều du khách lựa chọn khi đến với vùng đất Mường Lò. Đặc biệt, sản phẩm vải dệt thổ cẩm xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ được bình chọn là "Sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2012”.

9915 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h