Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Ngành Giáo dục - Đào tạo Yên Bái: Khởi sắc nhờ nỗ lực đổi mới

17/02/2015 09:20:44 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế”, và “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân”.

Cô và trò trường PTDTNT tỉnh Yên Bái.

Ông  Trần Xuân Hưng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái

Hội nghị lần thứ Tám BCH Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW chính là hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về giáo dục và đào tạo, nhằm thống nhất nhận thức và hành động; phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân; huy động các nguồn lực đầu tư, sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành và các tổ chức xã hội cho sự nghiệp giáo dục. Cùng với cả nước, ngành giáo dục Yên Bái đang đứng trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đòi hỏi toàn ngành phải đồng thuận, quyết tâm thực hiện các giải pháp nhằm đáp ứng những mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Đầu Xuân mới Ất Mùi 2015, PV Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Xuân Hưng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái xoay quanh nội dung này.

PV: Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị BCH Trung ương 8 (khóa XI) “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Xin ông cho biết,góc độ cơ quan quản lý giáo dục - đào tạo, Sở đã có những chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, thưa ông?

Ông Trần Xuân Hưng: Ngay sau khi có Nghị quyết 29, cùng với việc rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đề xuất, tham mưu với tỉnh về phát triển GD-ĐT, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Sở đã phổ biến, quán triệt tinh thần Nghị quyết 29 và các chủ trương, chính sách của Đảng trong cấp uỷ, chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và trong nhân dân; xây dựng kế hoạch cụ thể của từng cơ sở để triển khai thực hiện.

Tập trung ưu tiên phát triển giáo dục vùng dân tộc, vùng khó khăn, tăng cường tham mưu với cấp uỷ, chính quyền trong việc vận động và giúp đỡ học sinh trên địa bàn ra lớp, huy động các nguồn lực, tập trung ưu tiên cho các trường PTDTNT, PTDTBT. Tổ chức các cuộc vận động để ủng hộ giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất cho học sinh trường PTDTBT và các trường mầm non thuộc các xã vùng cao, vùng sâu của huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Đổi mới căn bản công tác quản lý, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng. Tăng cường thực hiện quy chế dân chủ, quy chế công khai trong trường học.

Tiếp tục phát triển đội ngũ giáo viên, tham mưu với tỉnh trong việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và CBQL giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác.

Tăng cường đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất trường, lớp học theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hoá và chuẩn hoá. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học.

Đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển GD-ĐT. Tập trung chỉ đạo có hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội.

 PV: Quan tâm đầu tư chất lượng giáo dục nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Sở đã đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học ra sao và chỉ đạo, thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng lượng GD&ĐT theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Xuân Hưng: Về cơ bản đánh giá là đã có những chuyển biến tích cực. Chúng tôi triển khai các chương trình dự án như “Mô hình trường học mới” (VNEN - P.V) cấp tiểu học, phương pháp “Bàn tay nặn bột”; xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn; hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các tình huống thực tiễn...

Các trường chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng dạy học sinh cách học, năng lực tự học, tự đánh giá, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức. Đề thi đã đánh giá việc thông hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn. Trong kỳ thi học sinh giỏi THCS, THPT, tổ chức thi thực hành môn Vật lý; môn Sinh học, Hóa học sẽ thi nói tiếng Anh; tiếp tục triển khai Chương trình đánh giá quốc tế kết quả học tập của học sinh phổ thông (PISA) và học sinh tiểu học (PASEC)...

Về chỉ đạo, thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng GD&ĐT theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, ngành đã thanh tra công tác quản lý tại 5 trường phổ thông cơ sở dân tộc nội trú tại các huyện, 2 trường trung học phổ thông (THPT) của tỉnh. Qua đó, tăng cường một bước về công tác quản lý, sử dụng đội ngũ, quản lý tài chính, cơ sở vật chất; thực hiện chế độ, chính sách... Kiểm định chất lượng giáo dục 537 trường, cơ sở giáo dục; 463 trường hoàn thành tự đánh giá, đạt 86%; 112 trường được đánh giá ngoài, đạt 21%.

PV: Năm học 2014-2015 đã đi được một nửa chặng đường, ngành giáo dục & đào tạo tỉnh Yên Bái đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục, xin ông cho biết những kết quả tiêu biểu trong năm 2014?

Ông Trần Xuân Hưng: Năm 2014 là năm có ý nghĩa quyết định việc thực hiện các mục tiêu giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020; dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở, sự đồng thuận của nhân dân và sự quyết tâm của toàn ngành, GD-ĐT Yên Bái tiếp tục có những bước chuyển mình vững chắc, từng bước vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng.

Trong công tác tham mưu, chỉ đạo, ngành đã tập trung vào việc tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tổ chức rà soát, đánh giá và xây dựng kế hoạch để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2011-2015.

Chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được nâng lên đáng kể: Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường ĐH-CĐ đạt 35,1% (tăng 2,5%). Số giải học sinh giỏi cấp tỉnh tăng 27 giải, trong kỳ thi HSG quốc gia THPT năm 2015, Yên Bái đạt 5 giải nhì, số lượng giải nhì nhiều nhất trong những năm gần đây. Lần đầu tiên, Yên Bái có 2 học sinh được vào thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi khu vực và quốc tế. Tỷ lệ học sinh phổ thông hoàn thành khóa học đạt 93,5% (tăng 0,1%); học sinh xếp loại giỏi đạt tăng 1,2%. Tỷ lệ học sinh bỏ học tiếp tục giảm so với năm học trước và ở mức thấp so với khu vực vùng 1.

Công tác giáo dục dân tộc tiếp tục được quan tâm, chú trọng: chất lượng giáo dục các trường PTDTNT, DTBT đã được nâng lên đáng kể, đặc biệt, chủ trương xây dựng hệ thống trường PTDTBT đã góp phần tăng tỷ lệ huy động ra lớp, chống bỏ học ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc.

Giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng PCGD, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tỉnh đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015.

Về cơ bản ngành Giáo dục - Đào tạo đã hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2014. Những kết quả đạt được đã góp phần vào kết quả chung của tỉnh và là cơ sở để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2015, và thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp GD&ĐT trong giai đoạn tiếp theo.

PV: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện không thể không chú trọng đến công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Công tác này đã được triển khai ra sao trong thời qua?

Ông Trần Xuân Hưng: Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vượt kế hoạch giao 6 trường, tăng 23 trường so với năm 2013. Thực hiện hiệu quả công tác kiểm định chất lượng, Yên Bái được Bộ GD&ĐT đánh giá là một trong 8 tỉnh có nhiều cố gắng trong triển khai, thực hiện hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

PV: Năm học 2014-2015 là năm học tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, cũng là năm học chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Để việc đổi mới đi vào chiều sâu, thực chất, ngành GD&ĐT Yên Bái cần tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nào trong năm 2015?

Ông Trần Xuân Hưng: Năm 2015, quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới, toàn ngành tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý. Trọng tâm là nâng cao hiệu quả của công tác tham mưu trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ GD&ĐT; đảm bảo thực hiện đúng tiến độ các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về GD&ĐT giai đoạn 2011-2015. Tham mưu với tỉnh xây dựng các đề án, dự án thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.

Tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục: Tiếp tục tập trung đầu tư phát triển các trường PTDTNT, PTDTBT. Tích cực chuẩn bị điều kiện để triển khai các đề án giai đoạn 2016-2020. Tăng cường các giải pháp để tiếp tục giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi.

Nâng cao chất lượng đội ngũ: Triển khai có hiệu quả việc đánh giá theo chuẩn; tăng cường công tác bồi dưỡng, từng bước đảm bảo đội ngũ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.

Rà soát, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục; tiếp tục tham mưu đầu tư xây dựng phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng thí nghiệm, thư viện trường học; đầu tư xây dựng nhà bán trú cho học sinh, nhà công vụ cho giáo viên vùng cao, vùng khó khăn.

Tiếp tục chỉ đạo và thực hiện theo hướng giữ vững, nâng cao chất lượng PCGD: Tập trung hoàn thành Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi; rà soát, chuẩn bị các điều kiện đề nghị công nhận tỉnh Yên Bái đạt chuẩn PCGDMN vào cuối năm học 2014-2015 theo kế hoạch. Chú trọng việc xây dựng các trường mầm non, tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II.

PV: Giáo dục đào tạo là sự nghiệp chung của toàn xã hội. Trước thềm xuân mới, ông có đề xuất, nhắn gửi gì?

Ông Trần Xuân Hưng: Trước yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, mỗi cán bộ công chức, viên chức toàn ngành cần ý thức rõ sứ mệnh thiêng liêng cùng trách nhiệm cao cả trong sự nghiệp “trồng người”; khắc phục khó khăn, nỗ lực tự vượt lên mình, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, ủng hộ, đồng thuận của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh; sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn ngành, GD&ĐT Yên Bái đang vững bước trên con đường đổi mới, đồng lòng, chung sức thực hiện tốt đường lối phát triển giáo dục của Đảng: “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho quê hương, đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông.

2475 lượt xem
Thanh Hoa

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h