Ước mơ về con đường kết nối Yên Bái với các
tỉnh trong khu vực và với cả khu vực Đông Nam Á nhanh và thuận tiện hơn
đã thành hiện thực trong mùa xuân này. Niềm vui này không chỉ riêng người dân
Yên Bái mà còn cả người dân miền Tây Bắc khi thời gian di chuyển rút ngắn xuống
chỉ còn một nửa, hơn thế tính an toàn cũng cao hơn.
Nắm bắt được những tác động mạnh mẽ của
tuyến đường mang lại sau khi đưa vào khai thác, Yên Bái đã nhanh chóng xây dựng
quy hoạch chi tiết kết nối đường cao tốc với các khu công nghiệp, thương mại,
trung tâm du lịch trong tỉnh như mở tuyến đường tránh ngập thành phố Yên Bái
kết nối với Cụm công nghiệp Đầm Hồng, Khu công nghiệp phía Nam và xây dựng quy hoạch
mở rộng các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư.
Không giấu được niềm phấn khởi, ông Đỗ Văn
Dự - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đánh giá: “Tuyến đường hoàn thành là niềm
mong mỏi bấy lâu đối với nhân dân trong vùng, giúp các địa phương thu hút nguồn
lực đầu tư, phát triển kinh tế và giao thương quốc tế, tạo điều kiện cho sản phẩm,
hàng hóa các tỉnh trong khu vực tiếp cận thị trường. Yên Bái vẫn được xem là
tỉnh miền núi xa xôi, nhưng giờ đây đi lại rất thuận tiện, có thể đi về giữa Hà
Nội - Yên Bái, Yên Bái - Lào Cai trong một buổi sáng. Tuyến đường đã góp phần
tháo gỡ điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng giao thông, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế cho
các địa phương”.
Thực hiện chính sách ưu tiên phát triển kết
cấu hạ tầng giao thông vận tải ở miền núi của Đảng và Nhà nước, trong những năm
qua, Yên Bái đã chú trọng đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống giao thông hợp
lý, đủ mạnh để phục vụ kịp thời nhu cầu của nền kinh tế đang bước vào giai đoạn
hội nhập.
Theo tuyến đường Yên Bái - Khe Sang được
thảm nhựa phẳng phiu từ huyện Trấn Yên đến các xã vùng tả ngạn sông Hồng của
huyện Văn Yên, sự đổi thay hiển hiện qua các khu dân cư ven đường, với nhà xây
mái tôn xanh đỏ. Chỉ mới năm trước đây, tuyến đường qua hai huyện là tuyến nội tỉnh
khó khăn nhất, đường xuống cấp, đá lởm chởm bụi bặm vào mùa hè, sình lún trơn
trượt vào mùa mưa. Nay, đường được thảm nhựa phẳng lỳ hai bên là màu xanh
ngút ngàn của những cánh rừng trồng và những nương sắn, nương ngô.
Trên đường, những chuyến xe chở nông sản
tấp nập ngược xuôi không những làm “sống lại” các chợ miền núi, tại các trung
tâm cụm xã trên toàn tuyến giao thông mà hoạt động kinh doanh cũng trở nên sôi
động. Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên Hà Đức Anh phấn khởi chia sẻ: “Đường giao
thông chính là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các xã miền núi, tạo
điều kiện thuận lợi cho sự giao lưu về văn hóa giữa các vùng, các dân tộc và
nâng cao trình độ dân trí”.
Ngoài tuyến đường Yên Bái - Khe Sang, năm 2014, nhiều tuyến đường nội tỉnh đã
được đưa vào khai thác như: Yên Thế - Vĩnh Kiên dài gần 100 km được nâng cấp
kết nối kinh tế giữa các xã vùng Đông hồ Thác Bà; quốc lộ 32C được nâng cấp sửa
chữa, kết nối thành phố Yên Bái với các huyện, thị phía Tây của tỉnh…
Đặc biệt, từ phong trào làm đường và
kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, miền núi, mạch máu giao thông đã lan
tỏa khắp các vùng quê. Đến nay, 100% số xã trong tỉnh đã có đường đến trung
tâm, nhiều xã vùng cao như đã có đường bê tông để đi lại. Khó có thể diễn tả
hết niềm vui của người Mông Nà Hẩu (Văn Yên), Phình Hồ, Làng Nhì (Trạm Tấu),
Nậm Khắt (Mù Cang Chải)... mừng đón những con đường mới như thế nào. Đường về đánh
thức các vùng quê.
Có đường, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ
phát triển kinh tế - xã hội được tiếp tục đầu tư dễ dàng hơn. Giao thông
đi lại thuận tiện, các loại sản phẩm từ bàn tay lao động cần cù của người Thái,
người Mông, người Tày... đã thành hàng hóa, đem về cuộc sống ấm no hơn cho bà
con. Hơn thế, nhiều loại phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất và sinh hoạt như:
máy cày, máy bừa, xe ô tô đặc biệt là phương tiện mô tô, xe máy được mua sắm,
trở thành phương tiện hữu dụng của nhiều gia đình đồng bào dân tộc, làm giảm
bớt những khó khăn vất vả đồng thời tăng năng suất, hiệu quả lao động của người
dân.
Một năm mới nữa lại về, trên khắp nẻo đường
xuân, đường vào nhà máy, về nông thôn, miền núi hay vùng cao hôm nay nhộn nhịp
người qua lại. Mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối từ đông sang tây chính là
đòn bẩy, là động lực cho kinh - tế xã hội Yên Bái cất cánh trong năm mới
2015.
(Theo Báo Yên Bái)