Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở xã Đại Sơn

07/03/2015 10:15:19 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở xã Đại Sơn huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái là một nét đẹp văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử và có tính chất giáo dục đối với thế hệ trẻ về cội nguồn quá trình thiên di của người Dao, do đó nghi lễ này đã được đồng bào dân tộc Dao nơi đây bảo tồn và duy trì từ nhiều đời nay.

Các nghi thức được tiến hành tuần tự, hòa theo nhịp điệu của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn.

Xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái không chỉ nổi tiếng bởi hương cay nồng của vị quế mà còn nổi tiếng là mảnh đất của những lễ hội, các nghi lễ văn hóa dân gian truyền thống. Một trong những nghi lễ dân gian truyền thống vẫn giữ được tính nguyên bản, độc đáo riêng có và được lưu giữ đến tận ngày nay là lễ cấp sắc (hay còn gọi là lễ Lập Tịnh) của dân tộc Dao Đỏ.

Lễ cấp sắc là một nghi lễ truyền thống thể hiện nét văn hóa độc đáo riêng có của dân tộc Dao. Người Dao quan niệm rằng, người con trai phải trải qua lễ cấp sắc từ 3 đèn trở lên mới có tâm, có đức để phân biệt phải trái, mới được công nhận là đã trưởng thành và là con cháu của “Bàn Vương” - tổ tiên của người Dao. Lễ cấp sắc có nhiều bậc, bậc đầu tiên được cấp 3 đèn và 36 binh mã; bậc 2 được cấp 7 đèn và 72 binh mã; bậc 3 được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Bất cứ người đàn ông Dao nào muốn được công nhận là “Người lớn” thì phải làm lễ cấp sắc. Tuy nhiên, riêng lễ cấp sắc 12 đèn thì không bắt buộc vì muốn lên được bậc 3 này thì người đàn ông phải học rất nhiều và phải có một chức thầy cúng nhất định.

Lễ cấp sắc 12 đèn gồm rất nhiều lễ thức như: lễ đón thầy, lễ khai đàn để báo cáo tổ tiên biết lý do của buổi lễ, lễ dâng đèn và thủ tục thông báo tên tuổi, chức vụ của người được cấp sắc, lễ xuất binh, lễ ăn chay, bước học làm thầy và điệu múa rùa, lễ lên đàn cấp dấu… Các nghi thức trên được tiến hành đúng theo thứ tự, các thầy sẽ đánh trống, chiêng, thổi kèn trong mỗi nghi thức. Sau đó, thầy cúng cùng với mọi người ra ngoài sân thổi Tù và, gọi thông báo cho Ngọc Hoàng biết đã vào nghi lễ chính thức của lễ cấp sắc 12 đèn và mời Ngọc Hoàng đến chứng giám. Tiếp đó thầy cúng sẽ làm lễ truyền dạy đạo làm thầy cho các trò, dặn dò các trò sau lễ cấp sắc đã trưởng thành, được làm thầy thì phải có tâm, có đức thì mới đem lại may mắn, phúc, lộc cho gia đình, dòng họ, mới phải đạo lý làm người, làm con cháu của “Bàn Vương”.

Các điệu múa trong lễ cấp sắc rất đặc sắc, nó có sự đan xen hòa quyện giữa yếu tố lao động trần thế và tôn giáo thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới. Một trong các điệu múa đặc sắc, vui nhộn nhất tại lễ cấp sắc là điệu “Múa Rùa”. Điệu múa này được bắt nguồn từ truyền thuyết về một con rùa tinh đến phá phách làng bản, mùa màng, reo rắc bệnh tật...thương xót chúng sinh, muốn trừ được dịch họa, xưa kia những người đàn ông con trai khỏe mạnh đã hợp sức, đồng lòng đánh đuổi rùa tinh, điệu múa rùa bắt đầu từ đó. Múa Rùa diễn ra trong không khí vui tươi, những động tác múa nhịp nhàng, khỏe khoắn của các chàng trai miêu tả lại việc đuổi rùa, tìm rùa, bắt rùa, giết rùa. Qua điệu múa, người Dao gửi gắm ước nguyện cầu mong “Bàn Vương” phù hộ cho gia đình, dòng họ, bản làng được sống yên vui, hạnh phúc, mùa màng, cây cối bội thu. Kết thúc màn “Múa Rùa” tất cả mọi người đều hồ hởi, phấn khởi và tin tưởng rằng những gì xấu xa nhất đã bị loại trừ, con người sẽ được sống vui vẻ, mùa màng sẽ tốt tươi...

Một nghi thức chứa đựng vẻ kì bí góp phần làm tăng thêm tính linh thiêng của lễ cấp sắc đó là nghi thức đưa các trò đi gặp Ngọc Hoàng. Trong nghi thức này các học trò chuẩn bị mỗi người một bộ đài xin âm dương, 1 chiếc tù và, 1 chiếc chuông, kiếm, 1 cối hương, 7 chén nhỏ, 1 thẻ, 1 gậy, khi chuẩn bị xong lễ vật trên, các trò cầm thẻ hương và chuông múa vòng quanh nhà và bàn thờ sư tổ…Sau khi làm lễ trong nhà xong, các thầy trò đi ra đàn, tay cầm gậy và tù và, thầy trò múa và khấn trước bàn thờ sư tổ. Thầy cả đến bên bàn thờ tổ làm lễ và thổi tù và báo hiệu xin phép Ngọc Hoàng. Cùng lúc đó, trong nhà chiếu được trải ra và đặt mỗi chiếu 1 chiếc gối được đan bằng nứa bọc giấy màu ở bên ngoài gọi là “gối mơ”. Trên đầu chiếu được xếp 7 chiếc chén, mỗi chiếc chén úp trên 1 đồng tiền xu, cuối mỗi chiếu được dặt 1 cối hương. Bên ngoài, sau khi làm lễ xong và xin âm dương thành công thì tiến hành hóa vàng, sau đó các trò tiến vào cửa và được các thầy dắt vào nằm thẳng ngay ngắn và đặt một chiếc mặt nạ và một đôi đũa lên mặt theo chiều từ trên xuống và 1 chiếc thẻ đặt trên bụng trên chiếu theo thứ tự. Các thầy đi 3 vòng quanh trò vừa đi vừa khấn đồng thời bỏ mặt nạ của trò ra. Lúc này các học trò đang đi âm nên ngủ rất say. Sau đó thầy cả đến chỗ nằm của từng học trò, ngậm 1 ngụm nước chè nhỏ rồi phun vào bụng, vỗ vào ngực học trò rồi đỡ từng người dậy ngồi vào ghế. Khi thức dậy, các học trò ngồi lên ghế, các thầy đi theo sau thầy cả, tay cầm hai nắm tiền âm đến trước mặt các học trò và khấn. Các học trò cùng đứng dậy lấy tay lật 7 chiếc chén trên đầu, cầm tiền xu và ghế cất đi.

Để thử thách lòng dũng cảm của các trò, trong lễ cấp sắc có một nghi lễ rất linh thiêng là “đi trên đá nóng”. Vào lễ, đá và lưỡi cày được nung trong bếp lửa hồng khoảng 3 tiếng. Bắt đầu lễ, thầy cúng trước bàn thờ và có một chậu nước, đã được làm phép mà các thầy trò phải rửa tay chân vào đó để không bị bỏng khi cầm và đi trên vật nóng. Khi thầy cúng xong, lưỡi cày được mang ra khỏi bếp và để giữa nhà, lần lượt các trò sẽ nắm lưỡi cày đã nung đỏ hồng đó. Nếu ai nắm được coi như là được lộc lớn. Đá nung đỏ được xếp thành hàng 12 viên, thầy và các trò phải chạy qua bằng chân không trên đá. Điều này ngoài mang ý nghĩa thử lòng dũng cảm, gan dạ của các trò còn có ngụ ý xua đuổi tà ma không được đến phá hoại cuộc sống của đồng bào.

Nghi lễ quan trọng trong lễ cấp sắc là nghi thức cấp bằng, đây là bằng ghi tên công nhận người được cấp sắc. Bằng do thầy cúng phát cho là một bản sắc bằng chữ Nôm, trong đó ghi lai lịch cá nhân, lý do cấp sắc, điều giáo huấn và tên tuổi những thầy cúng đã làm lễ cấp sắc cho người thụ lễ đó. Thầy cúng sẽ cấp cho người thụ lễ hai bản sắc, một bản sẽ được đốt sau khi thầy cúng đã trình báo với các thần linh, tổ tiên, còn một bản giao cho người thụ lễ. Người được cấp sắc sẽ phải giữ bản sắc này suốt cuộc đời, khi qua đời sẽ được đốt trong đám tang để thánh trời nhận ra và thu nạp họ.

Lễ cấp sắc kết thúc, bà con dân bản cúng nhau mở tiệc chúc mừng những người được cấp sắc. Các thầy và những người đến dự cùng nhau ăn uống chúc mừng thành công của đại lễ.

Lễ cấp sắc của người Dao đỏ xã Đại Sơn huyện Văn Yên chứa đựng nhiều giá trị to lớn về ý nghĩa giáo dục, triết lý nhân sinh quan, hướng con người tới cái thiện, tới cội nguồn tổ tiên. Đây là phong tục văn hóa dân gian độc đáo riêng có của dân tộc Dao cần phải được lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

 

3346 lượt xem
Hồng Hạnh

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h