Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Lễ hội mùa xuân trên quê hương Yên Bái

09/03/2015 12:32:34 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về đem theo một bầu không khí mới, thời tiết mát mẻ, dễ chịu, cây cỏ đâm chồi nảy lộc, nở hoa, con người lại cảm thấy phấn khởi rạo rực, nhịp sống như được tăng lên gấp bội. Mùa xuân cũng là mùa của lễ hội. Cũng như mọi năm, xuân Ất Mùi này, người người lại nô nức trảy hội du xuân.

Lễ hội Đền Đông Cuông

Đến Yên Bái vào mùa xuân du khách sẽ được chìm đắm vào không khí rộn ràng của những lễ hội rực rỡ sắc màu cùng những trò chơi truyền thống như: Ném pao, tung còn, chơi đu, đẩy gậy, đua mảng, kéo co, đua ngựa, đánh quay…

Những ngày đầu xuân, du khách thập phương đổ về huyện Văn Yên không chỉ để tận hưởng cảnh đẹp hùng vĩ của mùa xuân ở vùng Tây Bắc mà còn để tham dự lễ hội Đền Đông Cuông để được sống lại những giờ phút lịch sử với lễ mổ trâu khao quân, lễ rước Mẫu sang sông và cùng tham gia các trò chơi dân gian như đánh đu, ném còn, kéo co…

Lễ hội đền Đông Cuông mở đầu bằng lễ mổ trâu tế Mẫu, được thực hiện vào thời khắc đầu tiên của ngày mão đầu năm. Trâu dùng để tế lễ là trâu trắng được tuyển chọn kỹ từ nhiều tháng trước. Trâu mổ ra lấy 9 chén tiết trâu xuống bến sông để tế, sau đó trâu được thui và được chủ tế dâng lên cầu mưa thuận gió hoà mùa màng tốt tươi, người dân khoẻ mạnh, làm ăn phát tài…

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 9 tháng giêng âm lịch hàng năm, đông đảo bà con nhân dân cùng du khách thập phương lại nô nức về dự hội Đền Mẫu Thác Bà thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái. Tương truyền từ thời các vua Hùng, có nàng công chúa tên gọi Minh Đạt được cắt cử trông coi vùng sông Chảy Thác Bà, dạy dân khai khẩn đất hoang, trồng lúa, dệt vải. Khi bà mất được nhân dân tôn kính, lập đền thờ phụng tại Thác Bà.

Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội Đền Mẫu Thác Bà gồm hai phần chính: phần lễ và phần hội. Phần lễ với những nghi thức truyền thống trang trọng, mở đầu là phần rước kiệu, sau đó là lễ tế mẫu, lễ dâng hương kính mẫu, lễ dâng hoa, dâng quả, lễ dâng tửu… Tất cả mọi nghi lễ rước, tế, dâng hương đều nói lên tấm lòng thành kính, biết ơn của dân làng đối với người xưa.

Sau phần lễ nghiêm trang là phần hội sôi nổi và vui nhộn với các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, chọi gà, ném còn, cờ tướng v.v…

Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, từ đền Thác Bà phóng tầm mắt nhìn ra, hồ Thác Bà giống như một vịnh Hạ Long thu nhỏ, với động Thủy tiên say đắm lòng người bởi nhũ đá muôn hình vạn trạng. Đi giữa mênh mang biển hồ, du khách được chiêm ngưỡng phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, được tận hưởng không khí trong lành giữa làn gió mơn man mạn thuyền sóng vỗ để tạm quên đi những ồn ào phố xá nơi thị thành.

Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, vùng đất Ngọc, Lục Yên - Yên Bái lại trở lên rộn rã bởi không khí của lễ hội Chọi trâu diễn ra hàng năm vào 2 ngày 14 và 15 tháng giêng Âm lịch. Lễ hội nhằm biểu dương và khơi dậy lòng tự hào, tinh thần yêu nước, hăng say lao động và tinh thần thượng võ của người dân nơi đây

Lễ hội Đình làng Dọc là lễ hội dân gian mang đậm sắc thái của người Kinh và người Tày cổ. Đây là dịp nhân dân huyện Trấn Yên, Yên Bái cầu cho mạ xanh lúa tốt, cuộc sống an lành, nhà nhà no ấm.

Đình làng Dọc nằm ở làng Dọc, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, Yên Bái. Đình được xây dựng từ thế kỷ 19 và được ban sắc phong đời vua Khải Định . Hàng năm, Lễ hội thường được tổ chức 2 kỳ trong năm, vào mồng 3 mồng 4 tháng Giêng âm lịch (gọi là lễ Hạ điền) và 13, 14 tháng 7 âm lịch (lễ hội cầu Thần Nông). Lễ hội có sự pha trộn giữa nghi thức tế lễ của người Kinh với các điệu múa xòe then của dân tộc Tày.

Trải qua thăng trầm của lịch sử và sự tàn phá của chiến tranh, lễ hội đình làng Dọc đã đi vào tiềm thức mỗi người dân, minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một lễ hội mang đậm giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, đậm nét tâm linh của đồng bào các dân tộc Trấn Yên, Yên Bái. Đây cũng là dịp thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc Tày, Kinh, Thái, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, và tưởng nhớ đến tổ tiên ông cha đã có công khai khẩn ra mảnh đất này.

Với người Tày ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, Hội Lồng Tồng (hay lễ hội cầu mùa) chính là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc lớn nhất, vui nhất của dân tộc Tày được tổ chức trong dịp đầu xuân năm mới. Lễ hội được tổ chức vào đúng ngày rằm tháng Giêng nhằm gửi gắm ước mong của dân làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, người người ấm no và hạnh phúc.

Đến với Yên Bái du khách còn được tham gia các lẽ hội khác như Lễ hội đền Đại Cại diễn ra  ở xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái với Ngày chính lễ tiến hành vào ngày rằm tháng Giêng; Lễ hội Hoa Ban – Mường Lò được tổ chức vào ngày 5/2 âm lịch hàng năm; lễ họi Cầu mùa của người Dao đỏ…

Mùa xuân, mùa của lễ hội gắn với các thiết chế tín ngưỡng tôn giáo được dân gian thờ phụng, cúng viếng, tôn vinh. Sản phẩm của xã hội Việt Nam cổ truyền, một hình thức lễ và hội mang nhiều nét truyền thống của sinh hoạt văn hóa dân tộc Việt đang ngày càng được cách tân và cải biến nội dung, hình thức để phù hợp với tâm lý và nguyện vọng của quần chúng nhân dân trong đời sống hiện đại hôm nay.

2252 lượt xem
Nguyễn Hiên

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h