Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Tour du lịch tâm linh “đất ngọc”

12/03/2015 11:08:14 Xem cỡ chữ Google
Trong tiết trời mùa xuân ấm áp, cùng với đoàn du khách thập phương về thăm vùng “đất ngọc” Lục Yên, chúng tôi đã tới thăm những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của mảnh đất giàu tiềm năng văn hóa - du lịch này. Điểm đến đầu tiên trong hành trình du lịch tâm linh của đoàn chúng tôi là quần thể di tích đền Đại Cại tọa lạc bên tỉnh lộ 134 thuộc xã Tân Lĩnh. Cụm di tích này bao gồm: đền Đại Cại, thành Nhà Bầu, núi Hắc Y.

Phấn thi đi khà kheo trong phần Hội Lễ hội đền Đại Cại (LY).

Đền Đại Cại nằm dưới chân núi Vua Áo Đen, bên hữu là sông Chảy, trước mặt là suối Đại Cại. Tương truyền, đền được xây dựng hơn 300 năm trước, thờ bà Vũ Thị Ngọc Anh - một nữ tướng văn võ song toàn dưới thời hậu Lê. Bà được triều đình phong chức Tổng binh, sau này được nhà vua phong sắc nữ tướng. Bà là người đắp lũy xây thành chống giặc nhà Mạc và cũng là người lập ra chợ búa cho nhân dân vùng này. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay, đền vẫn giữ được lối kiến trúc đẹp.

Trong đền có đủ các đồ thờ tự như: bát nhang đồng, ngai thờ sơn son thếp vàng. Đặc biệt, những tảng đá kê cột đình, cột đền được chạm trổ hình mặt trăng, hoa sen, lá đề, mỗi tảng đều nặng hơn 100kg. Đền có chiêng đồng, chuông đồng, sắc phong của vua Cảnh Phong và vua Tự Đức. Năm 2001, đền được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Hàng năm vào ngày 16 tháng Giêng, lễ hội đền Đại Cại được tổ chức.

Khi tới thăm đền Đại Cại, du khách đều sẽ nhìn thấy núi Hắc Y, trên núi có vườn cây, ao cá, bàn cờ tiên… Tương truyền, thần Hắc Y là tướng thời Trần, có công đánh giặc bị thương rồi về “hóa” tại đây. Nằm trong cụm di tích còn có thành Nhà Bầu là phần thành đất, bãi quần ngựa… - đây là nơi luyện quân một thời oanh liệt trong lịch sử của dân tộc ta.

Rời đền Đại Cại, theo chân những hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình, mến khách, chúng tôi tới chùa Hương Thảo tọa lạc trên địa phận xã Tân Lập. Theo tương truyền, động chùa được phát hiện từ thời vua Hùng Vương thứ 6. Trong một chuyến kinh lý tới đây, nhà vua thấy thế núi long chầu hổ phục, có hang động đẹp nên đã đem di hài thái mẫu lên hung cát ở đây. Nay vẫn còn cung thái mẫu vua Hùng Vương thứ 7 ở trong động. Đến thời tiền Lê, có một nhà vua đến động này và đặt tên là “Động Hương Thảo Tự”.

Hương Thảo Tự có ba động: Động Chào Hạ (Đền Hạ) là một động thiên tạo trong lòng núi rộng chừng vài trăm mét vuông, có khu ngoài và khu trong. Khu ngoài là nhập môn (cửa vào) nơi để nghỉ ngơi, sửa sang lễ vật. Đi sâu vào khu trong, là một thủy cung mê lộ. Có bàn thờ Thập bát long chầu (mười tám vị thần dưới nước), có cung thờ vua An Dương Vương, công chúa Mỵ Châu và có cả tượng chàng Trọng Thủy buồn rầu đi tìm vợ… tất cả đều do thiên tạo. Đi tới lưng chừng núi là động Chùa Trung (đền Trung) trước cửa động là các chuông bằng đá lớn buông xuống, gõ vào âm vang như trống đồng. Vào trong động với những khu rộng bằng phẳng, vòm động cao chừng mươi, mười lăm mét buông xuống muôn vàn nhũ đá với muôn hình vạn trạng. Các tinh thể đá ánh lên như muôn vì sao. Ở đây có nhiều hình tượng bằng nhũ đá như: Nàng Vọng phu, hang Tâm tình, Thánh Gióng cưỡi ngựa… Ngoài ra, còn có hàng chục hình tượng: sư tử, voi, trâu thần bằng đá khổng lồ huyền ảo.

Ở góc cao cửa động có đường lên trời là một hốc đá lộ thiên buông ánh sáng huyền ảo xuống động. Rời đền Trung leo dốc chừng mươi phút là tới động chùa Thượng (đền Thượng). Đây là một tập đoàn hang động và là nơi bồng lai tiên cảnh được gắn vào các sự tích lịch sử như: đền bà Âu Cơ đẻ trăm trứng, động bầu sữa mẹ Âu Cơ, cung thái mẫu vua Hùng Vương thứ 6, động Sơn Tinh, Thủy tinh giao chiến.

Đặc biệt khu động đền thờ Hai Bà Trưng rộng chừng 300m2 vuông được thiên tạo như thật: trước mắt là hai con voi trắng khổng lồ có vòi, tai với những cái chân to hơn voi thật. Đầu voi có hình người cưỡi ở tư thế lao về phía trước. Dưới chân voi có hồ thần nông được thiên tạo be bờ uốn lượn nghệ thuật. Hồ rộng chừng 2m2 sâu khoảng 20cm nước trong vắt. Dưới hồ là những tràn ruộng bậc thang nhỏ xíu người ta gọi là những cánh đồng thần nông. Cạnh đó là giếng tiên không bao giờ cạn nước và dòng suối nhỏ chảy nhẹ vào khe đá.

Đặc biệt, phía cuối động có hồ giải oan rộng chừng hơn 1m2. Cách mặt nước chừng 30cm có hình một con đại bàng giang cánh ủ rũ. Ở giữa động có một gò đá nổi lên như hòn non bộ cao chừng 2m có nhiều tượng bằng nhũ đá, bát hương tự nhiên. Đó là Vọng thiên đài (Đài cầu trời). Du khách đến đây có thể dừng chân thắp hương cầu lộc, cầu tài, cầu  bình an, hạnh phúc.

Cùng với việc tới thăm những di tích lịch sử nói trên, đến với Lục Yên, chúng tôi còn có dịp đến thăm đền Suối Tiên thuộc xã Tô Mậu, lên xã Khai Trung - nơi được mệnh danh là bình nguyên xanh, về thị trấn Yên Thế thăm chợ đá quí, đến khu du kích Cổ Văn ở xã Mường Lai, tới thăm gò cọ ở thôn Tông Áng, xã Khánh Thiện -  nơi ghi dấu sự ra đời của Trung đoàn 165 (“Trung đoàn Thành đồng biên giới” - danh hiệu do Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng)…Thông qua chuyến du lịch với nhiều điểm đến hấp dẫn, ý nghĩa đã giúp chúng tôi không chỉ cảm thấy được bình an, thư thái, mà còn thêm yêu quý và trân trọng mảnh đất, con người nơi đây hơn.

2805 lượt xem
(Theo Hồng Oanh/Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h