Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Cảm Ân tập trung phát triển kinh tế nhanh và toàn diện

16/03/2015 16:09:27 Xem cỡ chữ Google
Giữa những ngày tháng 3, chúng tôi có dịp trở lại Cảm Ân, một xã nằm dọc quốc lộ 70 của huyện Yên Bình. Ấn tượng đầu tiên về xã là sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình kinh doanh dịch vụ. Chợ Cảm Ân đã nhộn nhịp như phố huyện với đầy đủ các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân địa phương và các xã lân cận.

Lãnh đạo xã Cảm Ân thăm mô hình nuôi ong lấy mật cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình chị Nguyễn Thị Thoa ở thôn Ngòi Cát.

Dọc quốc lộ 70, đoạn qua trung tâm xã và tuyến đường vào xã Mông Sơn, những ngôi nhà xây mọc lên san sát, trong đó, nhiều ngôi xây cao từ 3 - 4 tầng, đường giao thông vào các thôn đã bê tông hoá và trải nhựa phẳng lỳ; nhiều nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế xây dựng khang trang. Diện mạo nông thôn ở Cảm Ân đã và đang có những đổi thay tích cực.

Bí thư Đảng ủy xã Hà Văn Mạnh phấn khởi khoe: "Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, sự tham gia đóng góp của nhân dân, nhiều công trình điện, đường, trường, trạm trên địa bàn xã đã được xây dựng khang trang. Cùng với đó, nhân dân trong xã đã tích cực thi đua lao động, sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi; tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi".

 Xã đã duy trì diện tích gieo cấy lúa hai vụ gần 110ha; tận dụng diện tích dưới cos 58 hồ Thác Bà để trồng lúa từ 3 - 5ha; năng suất lúa bình quân cả năm ước đạt 101 tạ/ha, gieo trồng trên 100ha cây rau màu các loại, trong đó, cây ngô trên đất 2 lúa chiếm trên 40% diện tích. Trong chăn nuôi, nhân dân trong xã đã thay đổi tư duy từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp sang hình thức chăn nuôi tập trung phát triển theo hướng hàng hóa, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Hàng năm, bán ra thị trường trên 30 con trâu, bò, trên 253 tấn lợn hơi và 156 tấn gia cầm. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế từ cây lâm nghiệp cũng là một trong những thế mạnh của địa phương, nguồn thu từ kinh tế rừng hàng năm đạt trên 2,6 tỷ đồng.

Để  minh chứng cho những điều mình nói, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã  dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông Hà Trọng Bằng ở thôn Đèo Thao, một trong những hộ có kinh tế khá từ trồng rừng. Hiện nay, gia đình ông Bằng có 15ha đồi rừng với đủ các độ tuổi, trong đó, 1ha mỡ trên 30 năm tuổi. Với hình thức trồng gối vụ, hàng năm, gia đình ông khai thác 3ha, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Cùng với đó, gia đình ông còn nuôi 4 con trâu, 8 con bò, không chỉ chăn nuôi để lấy sức kéo mà còn trở thành hàng hóa bán ra thị trường. Năm qua, thu nhập từ trồng rừng và chăn nuôi đã giúp gia đình ông xây cái bếp khang trang, trị giá gần 300 triệu đồng. Các con của ông học hành và thành đạt trong cuộc sống cũng từ tiền hai vợ chồng ông tích cóp từ trồng rừng và chăn nuôi mà ra.

Chia tay gia đình ông Bằng, chúng tôi vào chợ Cảm Ân, tuy không phải ngày phiên nhưng chợ lúc nào cũng tấp nập người mua bán với đa dạng các mặt hàng. Chợ trung tâm xã được quy hoạch, sắp xếp, đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa trong và ngoài khu vực. Toàn xã có trên 200 hộ kinh doanh dịch vụ vừa và nhỏ, tập trung vào cung cấp các mặt hàng như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, vàng bạc, may mặc, điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, tạp hóa...

Bên cạnh đó, các dịch vụ vận tải hàng hóa, xây dựng, thông tin liên lạc, vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn... có bước phát triển mạnh, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản, tạo ra sự giao lưu kinh tế với các vùng trong và ngoài huyện. Theo đồng chí Hà Văn Mạnh, từ một xã thuần nông, đến nay, các ngành nghề và dịch vụ đã chiếm tỷ trọng khoảng 35% trong cơ cấu kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/người/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIX đã đề ra. Cùng với đó, các lĩnh vực về an ninh - quốc phòng, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân cũng được Đảng bộ, chính quyền xã quan tâm, chỉ đạo và thực hiện tốt, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Chia sẻ với chúng tôi về những kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Hà Văn Mạnh cho biết: Đảng bộ luôn bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời tập trung lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung giải quyết những khó khăn ở cơ sở, nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết đề ra. Công tác lãnh đạo cũng cần có nhiều đổi mới, nhất là trong công tác cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ gắn với tình hình thực tế ở địa phương.

Thời gian tới, Đảng bộ xã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng nhanh diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là về giống, kỹ thuật canh tác để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong trồng trọt và chăn nuôi.

Trong phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, tập trung nâng cấp các tuyến đường giao thông; phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới. Cùng với đó, xã tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ; đoàn kết, thống nhất xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phát huy cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Cảm Ân trở thành xã phát triển nhanh và toàn diện của huyện.

2652 lượt xem
Theo Hà Anh/Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h