Những
năm gần đây, để đưa chăn nuôi thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã có nhiều
chính sách phát triển chăn nuôi, góp phần từng bước đưa ngành này chuyển dịch
theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, những bất lợi về thời tiết, dịch bệnh
cùng với chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ hay những bất cập về giống, thức ăn chăn nuôi
đang là "rào cản" khiến ngành chăn nuôi chưa thực sự phát triển. Để
phát triển bền vững, nâng cao giá trị chăn nuôi trong nông nghiệp, hình thành
và phát triển tốt mối liên kết trong sản xuất chăn nuôi, việc tái cơ cấu chăn
nuôi là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
"Cú
hích" cho chăn nuôi
Để đưa
chăn nuôi thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã quan tâm
đầu tư cho lĩnh vực chăn nuôi thông qua các chương trình, dự án. Việc ứng dụng
khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi được áp dụng
rộng rãi và phát triển, nhờ đó mà năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất chăn
nuôi đã tăng trưởng nhanh. Đến hết năm 2014, tổng đàn gia súc chính toàn tỉnh
đạt 622.013 con, trong đó đàn trâu 98.226 con, đàn bò 18.752 con, đàn lợn
505.035 con và trên 3,751 triệu con gia cầm. Tổng sản lượng thịt hơi xuất
chuồng đàn gia súc chính đạt 28.000 tấn.
Để chăn
nuôi phát triển, từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích
đẩy mạnh chăn nuôi trang trại như: hỗ trợ mô hình chăn nuôi lợn thịt với mức
20-30 triệu đồng/cơ sở có quy mô 50-100 con hoặc 10-20 con lợn nái; hỗ trợ 15
triệu đồng/cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô 1.000 con; mở rộng, nâng cấp các
cơ sở sản xuất con giống... Nhờ cơ chế kích cầu chăn nuôi mà đã có rất nhiều
nông dân trở thành những "triệu phú làng". Trang trại lợn rộng
hơn 300m2 tại xã Minh
Quân (Trấn Yên) của gia đình ông Lê Ngọc Châu là một điển hình.
Bắt tay
vào chăn nuôi hàng hóa từ năm 2009 với quy mô sản xuất 100 con lợn thịt/lứa,
nhờ áp dụng đúng quy trình chăn nuôi an toàn, lứa lợn đầu tiên xuất chuồng gia
đình ông thu về 25 triệu đồng. Số tiền lãi này ông tiếp tục tái đầu tư mở rộng
quy mô chăn nuôi. Cứ thế, lấy lãi lứa trước nuôi lứa sau, sự phát triển về quy
mô trang trại lợn của gia đình ông được người chăn nuôi trong làng coi đó là sự
phát triển "siêu tốc" khi quy mô đàn lợn nuôi lên đến 350 con/lứa.
Trung bình hàng năm, trang trại lợn của ông xuất ra thị trường trên 60 tấn lợn
thịt, trừ chi phí lãi trên 300- 400 triệu đồng.
Ông
Châu cho biết: "Những năm gần đây, giá đầu ra thấp, trong khi đó giá thức
ăn chăn nuôi tăng cao, nếu chăn nuôi nhỏ sẽ có thua lỗ. Chỉ có chăn nuôi quy mô
lớn thì mới tuân thủ tốt công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Quan trọng
nữa là phải chủ động được nguồn giống tại chỗ mới tránh được dịch bệnh".
Những
thành công kể trên là một "bệ phóng" khá vững chắc để người nông dân
cũng như các doanh nghiệp đủ niềm tin đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi theo
hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Từ
chính sách này, đến hết năm 2014, toàn tỉnh đã có trên 1.178 trang trại chăn
nuôi hàng hóa, trong đó phải kể đến những cái tên chăn nuôi công nghiệp quy mô
lớn như: Công ty TNHH Vật tư Nông nghiệp Yên Bái quy mô hơn 300 lợn nái và đực
giống và trên 1.470 lợn thịt; Trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Hòa
Bình Minh quy mô trên 3.500 con lợn thương phẩm và trên 580 lợn nái, đực giống;
Công ty TNHH Đầm Mỏ quy mô trên 1.000 nái sinh sản và lợn thịt; trang trại chăn
nuôi của ông Phùng Quang Hà ở xã Nga Quán (Trấn Yên) quy mô 600 lợn nái; trang
trại chăn nuôi của ông Đỗ Ngọc Lân ở Nam Cường (thành phố Yên Bái) quy mô 1.200
lợn thịt.
Bên
cạnh cơ sở chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn thì còn có 1.773 cơ sở chuyển từ
hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ manh mún sang chăn nuôi quy mô lớn, sử dụng con
giống ngoại chất lượng cao vào sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế
nông nghiệp - nông thôn theo hướng hàng hóa; xóa đói giảm nghèo và làm giàu từ
chăn nuôi. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì cơ cấu
giá trị tăng thêm của lĩnh vực chăn nuôi chiếm 29% trong cơ cấu nội ngành nông
nghiệp. Giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi liên tục tăng, đạt mốc 1.800 tỷ
đồng.
Và
nhiều rào cản
Mặc dù
chăn nuôi đã từng bước phát triển theo hướng hàng hóa với quy mô lớn và vừa
theo phương thức sản xuất công nghệ cao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nên đã tạo
bước chuyển trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nhưng nhìn bức tranh tổng thể thì
ngành chăn nuôi vẫn gặp những khó khăn nhất định.
Thứ
nhất, sản xuất chăn nuôi mang tính truyền thống, quy mô còn nhỏ lẻ (chiếm 80%).
Với việc chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ dẫn đến việc thực hiện các biện pháp phòng
chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Sản lượng hàng hóa ít, giá trị kinh tế chăn
nuôi thấp; thiếu sự phối hợp giữa sản xuất và thị trường tạo ra chuỗi liên kết
trong chăn nuôi.
Thứ
hai, trong chăn nuôi vẫn thiếu giống tốt. Dân gian có câu: "Tốt nái
tốt một ổ, tốt đực tốt cả đàn". Kinh nghiệm trên cho thấy khâu giống quan
trọng như thế nào trong chăn nuôi. Thế nhưng, người chăn nuôi đang vấp phải
những khó khăn về nguồn giống và chất lượng giống.
Yếu tố
quyết định để chăn nuôi phát triển là làm tốt công tác phòng chống dịch
bệnh. Ảnh: Cán bộ thú y thành phố Yên Bái phun thuốc tiêu độc khử trùng
tại một hộ chăn nuôi.
Bà
Nguyễn Thị Tuyết ở xã Thanh Lương (Văn Chấn) cho biết: "Khi có dịch bệnh
hoặc giá lợn hơi đắt thì giá lợn giống đẩy lên cao mà lại khan hiếm. Do không
tự chủ được con giống nên tôi vẫn phải mua giống trôi nổi trên thị
trường". Hiện, toàn tỉnh có trên 200 cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại (quy mô
10 con trở lên), 2 doanh nghiệp nuôi giữ lợn giống gốc ông bà. Số lợn giống mà
các cơ sở trên cung ứng được khoảng 45%. Việc tăng đàn vẫn phải nhập ở các tỉnh
khác, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao.
Mặc dù
tỉnh đã có nhiều chính sách phát triển chăn nuôi, từ đó giúp nhiều hộ chăn nuôi
có mức lợi nhuận cao, tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn không khỏi lo lắng về thị
trường thức ăn và sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bấp bênh. Thời điểm này năm
2014, giá lợn hơi giảm mạnh khiến nhiều trang trại chăn nuôi giảm đàn hoặc
"treo" chuồng. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, ở xã Văn Lãng (Yên Bình) - một
hộ chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn cho biết: "Hiện không có doanh nghiệp thu
mua chế biến, giá lợn hơi phụ thuộc vào thương lái. Giá ổn định thì mỗi con lợn
xuất chuồng cũng lãi gần 1 triệu đồng. Đầu năm 2014, giá lợn xuất chuồng có lúc
chỉ 35.000 đồng/kg, gia đình nào chủ động được con giống, phòng dịch bệnh tốt
thì may ra hòa, còn đi mua giống thì mỗi con lợn sau thời gian nuôi 4 tháng lỗ
trên dưới 100.000 đồng".
Thông
tin dự báo thị trường còn hạn chế, giá bán sản phẩm chăn nuôi bấp bênh theo cơ
chế thị trường nên người chăn nuôi không yên tâm tổ chức sản xuất và mở rộng
quy mô chăn nuôi. Chính sách hỗ trợ chăn nuôi lợn thịt với mức hỗ trợ 20 triệu
đồng/mô hình chăn nuôi từ 50 con lợn thịt, 10 con lợn nái và 10 triệu đồng/mô
hình chăn nuôi gia cầm có quy mô trên 1.000 con với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì
rất khó tiếp cận vì khó đạt được tiêu chí. Nhiều hộ, trang trại không đủ
lực nhưng cố bắt tay vào làm, khi gặp "bão" giá đã đẫn đến chăn nuôi
thua lỗ, thậm chí phá sản.
Cùng
đàn lợn chăn nuôi đại gia súc không phát triển, tăng trưởng đàn trâu, bò không
ổn định và giảm dần qua các năm. Tính trong giai đoạn 2011-2014, tổng đàn trâu
giảm 5%/năm, đàn bò liên tục giảm trung bình 3%/năm. Hiện nay, diện tích chăn
thả cũng như trồng cỏ còn thiếu do người dân chưa mạnh dạn chuyển diện tích các
cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ thức ăn chăn nuôi.
Công
tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường chăn nuôi làm chưa triệt để; các
bệnh như lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn vẫn còn xảy ra ảnh hưởng đến
phát triển chăn nuôi. Công tác giám sát quản lý chất lượng con giống, thức ăn,
thuốc thú y vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, trên địa bàn chưa có hệ thống giết
mổ, chế biến sản phẩm động vật tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường và kiểm
soát dịch bệnh, an toàn thực vật.
Công
tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được đẩy mạnh,
chưa hình thành được các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chế biến, tiêu thụ
sản phẩm cho người chăn nuôi. Sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tiêu thụ dưới dạng
tươi sống, sơ chế nên giá thấp, thị trường hẹp, do đó sức cạnh tranh của sản
phẩm và giá trị gia tăng sản phẩm không cao. Số trang trại và sản phẩm chăn
nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình VietGAP còn đạt tỷ lệ nhỏ. Tất
cả những yếu tố trên đang kìm hãm chăn nuôi phát triển.
(Theo Báo Yên Bái)