Mường Lò gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về
Nghĩa Lộ - thị xã miền tây là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng với những di tích lịch sử, những truyền thuyết linh thiêng kỳ bí của nặm tốc tát – nơi nối liền giữa đất với Mường trời, hay ngược dòng Thia nghe câu chuyện tình xưa mà đau đáu một niềm yêu!
Đến với Nghĩa Lộ là đến với vũ điệu nồng say của những đêm xòe bất tận, hay rộn ràng cùng trai mường gái bản đi hội Hạn Khuống… là những sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu của người Thái nơi đây.
Không chỉ có vậy, đến với Nghĩa Lộ du khách còn có dịp được thưởng thức nhiều giá trị ẩm thực độc đáo như rêu đá, cá suối, xôi ngũ sắc… ăn một lần nhớ mãi không quên.
Nghĩa Lộ - miền quê núi hồn hậu dân dã đang vươn mình trỗi dậy xây dựng một thị xã văn hóa – du lịch ngày càng giàu đẹp, văn minh thực sự là một điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá của du khách.
Nghĩa Lộ - Những sắc màu văn hóa
Cánh đồng Mường Lò
Là cánh đồng lớn thứ hai của vùng Tây Bắc nổi tiếng với gạo trắng, nước trong. Mường Lò không chỉ bốn mùa ngút ngàn với màu xanh của ngô, của lúa mà còn rực rỡ sắc màu của hoa ban, hoa đào….những dịp xuân về. Giữa cái không gian bao la đó thị xã Nghĩa Lộ như bừng dậy lỗng lẫy và kiêu sa giữa đại ngàn Tây Bắc. Nghĩa Lộ đẹp và ẩn chứa nhiều huyền tích linh thiêng kỳ bí luôn đợi du khách khám phá, trải nghiệm.
Suối Thia
Suối Thia là không chỉ dòng suối lớn cung cấp chủ yếu nước tưới tiêu cho cánh đồng Mường Lò mà còn mang trong mình một câu chuyện tình đẫm nước mắt. Chuyện xưa kể rằng có đôi trai gái yêu nhau say đắm nhưng bị tên Chúa đất âm mưu cướp cô gái làm vợ. Không cam chịu số phận đôi bạn tình bỏ trốn vào rừng, mệt mỏi, đói khát, thương cho thân phận mình cô gái chỉ biết khóc đến nỗi nước mắt của cô ướt bảy cánh rừng rộng, chín đỉnh núi cao; nước mắt biến thành dòng nước to đổ xuống chân đèo thành suối lớn. Thương cảm tấm lòng của người yêu, sau những lời thề nguyền sống không lấy được nhau thì chết sẽ nguyện ở bên nhau, chàng trai đã nhảy xuống dòng nước xanh biếc ấy trẫm mình. Thân thể chàng trai khi vừa chạm vào dòng nước đã vỡ tan, hóa thành trăm ngàn mảnh đá nằm sâu trong lòng nước. Cô gái cũng trẫm mình xuống dòng nước ấy, mái tóc dài bung ra, mỗi sợi gắn vào một hòn đá tạo thành thứ rêu óng ả, lấp lánh dưới ánh nắng, xao động tựa như ngàn vạn bàn tay vẫy gọi; thứ rêu này người Thái gọi là Cay Hin và lấy về làm thành món ăn thơm ngon, đậm đà trong những bữa rượu hứa hôn hoặc vào ngày xuân ấm áp của đất trời.
Xòe Thái
Xòe là loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái Nghĩa Lộ. Xòe để mùa màng bội thu, cây cối đơm hoa kết trái, xòe trong say đắm tình người.
Truyền thống xòe Thái có nhạc xòe bằng khèn bè trống mõ với ống nứa, gõ vào nhau tạo ra những âm thanh làm nhạc nền cho người múa. Xòe Thái có khăn đỏ dài quàng qua cổ, tô điểm thêm bộ áo váy đẹp và rất riêng. Xòe Thái không gian nhỏ mà khuôn múa lớn, có không gian thu hút tới cả trăm, ngàn người tham gia, gọi là “đại xòe”. Văn hóa Thái còn gìn giữ được sáu điệu xòe cổ. Điệu “khắm khen” tức điệu nắm tay nhau vòng tròn,biểu hiện cho tình đoàn kết các dân tộc anh em trong cộng đồng người Việt. Điệu “khấm khăn mời lẩu” tức nâng khăn mời rượu tỏ lòng yêu quý và mến khách. Điệu “phá xí” tức bỏ bốn, tượng trưng cho bốn phương trời đất, sự đoàn kết trao đổi, tình cảm của con người. Điệu “đổn hôn” tức tiến, lùi và nhào ra phía trước, lùi về sau thể hiện việc dẫu trời đất có giông bão, sóng gió nhưng tình cảm con người với con người luôn gắn chặt bên nhau. Điệu “nhôm khăn” tức tung khăn thể hiện niềm vui mùa lúa thắng lợi, xây nhà mới, sinh con thêm cháu, cưới xin… Điệu “ỏm lọm tốp mư” vòng tròn cổ tay thể hiện sự vui mừng gặp gỡ, bịn rịn khi chia tay nhau sau mỗi cuộc xòe.
Xòe Thái có sự nhịp nhàng uyển chuyển của đôi chân theo nhịp khèn, trống rộn rã đến lúc cuồng nhiệt, ý nghĩa của những điệu xòe Mường Lò du khách dễ hòa nhập, múa xòe làm cho người lạ bỗng thành quen. Ngồi trên nhà sàn uống rượu, vừa múa xòe, nghe hát dân ca nhìn ra cánh đồng Mường Lò mùa lúa chín thì cảm giác thư thái tuyệt vời.
Ẩm thực Nghĩa Lộ
Văn hóa ẩm thực cũng là một trong những đặc trưng của văn hóa Nghĩa Lộ, từ bao đời nay, đồng bào Thái đã tích lũy, xây dựng cho mình một nét văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú và vô cùng hấp dẫn. Có câu nói đã trở thành quen thuộc như “ Muốn ăn gạo trắng nước trong. Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò”, gợi nhớ về một vùng quê trù phú với những sản vật đặc trưng của vùng đất này.
*Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc là món ăn quan trọng không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày trong các dịp lễ tết, hội hè... Những hạt xôi thôm dẻo được đồ bằng gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng. Màu xôi đẹp tự nhiên và hấp dẫn, 5 màu chính của xôi là trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Trắng là màu nguyên của gạo, các màu còn lại được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và củ cây rừng. Những loại lá và củ cây này đều dễ tìm trong rừng, hoặc trong vườn nhà.
Xôi ngũ sắc được bày thành đĩa xôi năm màu: trắng, xanh, vàng, đỏ, tím cẩm trông tựa như bông hoa năm cánh đang khoe sắc. Nó một mùi thơm đặc trưng của cây cỏ, không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác. Hạt xôi bóng đẹp nhưng không ướt, khi nguội hạt xôi se lại nhưng vẫn mềm, dẻo và thơm.
Người xưa quan niệm, xôi ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành: Trắng là màu của kim, xanh là màu của mộc, đen là màu của thuỷ, đỏ là màu của hỏa, màu vàng là màu của thổ. Người ta quan niệm rằng sự tồn tại của 5 chất này làm nên sự tươi tốt của Thiên - Địa - Nhân.
Với người Thái, những ai ăn xôi ngũ sắc trong các ngày lễ, tết thì họ sẽ gặp nhiều điều may mắn, tốt lành.
* Pa Pỉnh Tộp – cá suối nướng
Pa pỉnh tộp (cá nướng) là món ăn cổ truyền của đồng bào dân tộc Thái. Pa tỉnh tộp có thể làm từ bất cứ loại cá nước ngọt nào. Thế nhưng, để làm được món pa pỉnh tộp thơm ngon, người Thái thường chọn loại cá suối (cá sỉnh) hoặc cá chép thật béo và còn tươi sống. Pa pỉnh tộp được người Thái ướp bằng ớt bột khô nên khi nướng cá có mùi thơm đặc trưng. Sau khi tẩm ướp con cá, để khoảng 5 - 10 phút, đem nhồi vào bụng cá những loại gia vị, rau thơm đã được thái nhỏ như: gừng, tỏi, sả, hành, rau thơm rừng (hom mu chưn) và mầm măng của cây sa nhân. Gấp úp đôi con cá lại, xoa một lớp bột riềng và thính gạo ra ngoài vỏ cá rồi kẹp vào gắp nướng.
Que gắp nướng (híp pỉnh) phải làm bằng cây tre bương dày, còn tươi, chẻ thành đôi hoặc ba, bốn chạc để kẹp con cá cho chắc chắn. Sau đó phải nướng cá trên than của cây củi gỗ núi đá. Khi nướng cá, cần phải kiên trì hơ cho con cá chín dần, chín đều, không nóng vội dí sát cá vào bếp lửa, cá sẽ cháy sém bên ngoài nhưng chưa đủ độ chín thơm bên trong. Khi gỡ cá ra đĩa, người Thái có sáng kiến dùng sợi chỉ vuốt dọc theo chiều gắp, con cá được gỡ ra vẫn nguyên vẹn, không vỡ nát.
Pa pỉnh pộp khi chín vàng rộm, thơm lừng, mang đầy đủ từng vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, vị thơm của sả, riềng, cả các loại rau thơm hòa quyện một cách hoàn hảo. Món này thường được ăn cùng với cơm gạo mới, xôi dẻo.
* Món rêu đá
Rêu đá là món ăn đặc sản mà chỉ vùng Tây Bắc mới có. Rêu đá là sản vật đất trời ban cho người Thái. Rêu đá thường mọc ở những khe suối, chúng bám chặt trên các tảng đá, bởi vậy bà con dân tộc Thái thường dùng dao tách những sợi rêu sau đó dùng chày gỗ đập rêu, nhào rêu cho bung lớp cát bám vào. Món rêu đá có thể chế biến ra nhiều món như rêu hấp, canh rêu, nộm rêu, rêu nướng nhưng ngon nhất vẫn là rêu non, được bỏ vào lá chuối, lá dong kẹp tre nướng trên than hồng, khi chín rêu có vị thơm phức. Người Thái có thể dùng rêu nướng không hoặc nướng cùng với cá suối, thịt lợn, thịt gà và ớt. Trong bữa cơm thịnh soạn đón khách quý của người Thái, rêu đá là món ăn không thể thiếu, cùng với măng chua, thịt trâu gác bếp và gà bản. Những món ăn khi được thưởng thức du khách sẽ nhớ mãi không quên.
* Món thịt trâu sấy khô
Thịt trâu sấy khô là món ăn đặc sản của người Thái Mường Lò. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng núi, đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá. Với miếng thịt trâu thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, song lại không gây khó chịu. Các kỹ thuật chế biến đều là bí quyết gia truyền, song sản phẩm khá thuần nhất. Người làm dùng cách tẩm ướp thịt với các gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén - một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc. Các gia vị này thậm chí còn nhìn thấy rất rõ trên từng miếng thịt. Miếng thịt khô nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng. Khi ăn, món này được chế biến hoàn toàn tự nhiên, không có chất bảo quản nhưng vẫn để dự trữ được trong thời gian khá dài (khoảng một tháng).
Thanh Bình