Ngày 21/3, tại thị xã Nghĩa Lộ, đồng chí
Phạm Duy Cường – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc để nghe
báo cáo tình hình triển khai thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử
dụng đất, định hướng phát triển không gian đô thị thị xã Nghĩa Lộ, giai đoạn
2015 – 2020 và Đề án thực hiện chia tách huyện Văn Chấn.
Cùng đi có đồng chí Lê Văn Tạo – Ủy
viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo đại
diện một số sở, ban, ngành của tỉnh cùng lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn.
Tại thị xã Nghĩa Lộ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường
và đoàn công tác của tỉnh đã đi thị sát kiểm tra, nắm tình hình việc quy hoạch
tổng thể mặt bằng sử dụng đất và tiến độ thi công tuyến đường tránh quốc lộ 32,
đoạn qua thị xã Nghĩa Lộ, kết hợp với tuyến đường nông thôn 3. Tuyến đường
tránh quốc lộ 32, đoạn qua thị xã Nghĩa Lộ, kết hợp với tuyến đường nông thôn 3
nằm trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đi qua xã Nghĩa Lợi, phường Cầu Thia và phường
Trung Tâm. Công trình đường nối từ đường tránh quốc lộ 32 đoạn qua thị xã Nghĩa
Lộ có điểm đầu nối với cầu Thia mới xã Phù Nham, huyện Văn Chấn và điểm cuối đấu
nối với quốc lộ 32 đi Mù Cang Chải. Quy mô công trình được thiết kế theo tiêu
chuẩn đường cấp IV đồng bằng, chiều rộng nền đường là 9 m, chiều rộng mặt nền
đường là 7 m với tổng chiều dài toàn tuyến là 3,6 km.
Công trình đường giao thông nông thôn 3
được thiết kế nâng cấp, cải tạo theo quy mô đường loại B nông thôn, có bề rộng
nền đường 4 m, trong đó, bề rộng mặt đường 3 m, được cứng hóa bằng bê tông xi
măng với tổng chiều dài 36,6 km. Việc quy hoạch hai bên tuyến đường tránh quốc
lộ 32 đoạn qua thị xã Nghĩa Lộ kết hợp với đường giao thông nông thôn 3 nhằm
giảm thiểu lưu lượng giao thông qua trung tâm thị xã, xây dựng khu ở đồng bộ,
đảm bảo các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Không gian kiến trúc
hài hòa với cảnh quan chung đô thị; khai thác sử dụng đất có hiệu quả, đồng
thời đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Qua kiểm tra, nắm tình hình thực tế tại cơ
sở và làm việc với cán bộ chủ chốt của thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn, đồng
chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Dự án công trình đường tránh
quốc lộ 32, đoạn qua thị xã Nghĩa Lộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây
là cơ hội thuận lợi và tạo động lực để thị xã Nghĩa Lộ thúc đẩy kinh tế - văn
hóa - xã hội và phát triển ngành nghề thương mại, du lịch và dịch vụ…
Đồng chí Phạm Duy Cường làm việc với
cán bộ chủ chốt thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn.
Đồng chí đề nghị, các ngành chức năng của
tỉnh và thị xã Nghĩa Lộ cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các tuyến đường phát
sinh vào quy hoạch; khẩn trương lập quy hoạch, kế hoạch tổng thể sử dụng đất trong
5 năm giai đoạn 2015 – 2020, trước mắt có phương án, kế hoạch sử dụng đất trong
năm 2015 để trình kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh sắp tới. Thị xã Nghĩa Lộ cần
sớm bố trí, sắp xếp một cách hợp lý để di chuyển chợ và bến xe ra khỏi khu vực
dân cư đồng thời đồng ý về chủ trương để thị xã Nghĩa Lộ triển khai xây dựng
tuyến đường giao thông vành đai ven suối Thia nhằm mở rộng phát triển quỹ đất
dân cư.
Đồng chí Phạm Duy Cường cũng yêu cầu: cấp
ủy, chính quyền thị xã Nghĩa Lộ cần tập trung làm tốt công tác quản lý quy
hoạch quỹ đất, chống lấn chiếm, tái lấn chiếm; đồng thời, tăng cường công tác tuyên
truyền vận động nhân dân làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, bố trí
tái định cư và có chính sách hỗ trợ người dân bị mất đất chuyển đổi nghề
nghiệp, tạo việc làm cho người lao động… nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao
trong nhân dân.
Đối với việc điều chỉnh quy hoạch định
hướng phát triển không gian đô thị sau mở rộng địa giới hành chính thị xã Nghĩa
Lộ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thị xã Nghĩa Lộ cần chủ
động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh để bổ sung, điều chỉnh quy hoạch
địa giới hành chính đảm bảo hợp lý, lâu dài và phù hợp với quy hoạch; nghiên
cứu xây dựng các phân khu chức năng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí dành
quỹ đất hợp lý để mở rộng các khu vui chơi, giả trí…; phối hợp thực hiện liên
kết vùng trong phát triển kinh tế, kết nối giữa các trung tâm xã, phường nhằm
phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Về triển khai Đề án chia tách huyện Văn
Chấn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc thực hiện Đề
án chia tách huyện Văn Chấn là một chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao hiệu lực,
hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền và gần gũi
nhân dân hơn; đồng thời đây là tầm nhìn chiến lược nhằm thúc đấy phát triển
kinh tế-xã hội một cách lâu dài và bền vững.
Đồng chí yêu cầu, các ngành, cấp ủy, chính
quyền các cấp cần tiếp tục phát huy tinh thần, trí tuệ tập thể tổ chức các cuộc
hội thảo trưng cầu ý kiến nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân
về các phương án chia tách huyện, vị trí đặt địa điểm trung tâm huyện, cách đặt
tên gọi huyện mới… Đồng chí cũng đề nghị Ban soạn thảo chủ trì xây dựng lựa
chọn các phương án chia tách địa giới hành chính đảm bảo hài hòa, hiệu quả và
bền vững, sát với tình hình thực tiễn của địa phương.
(Theo Báo Yên Bái)