Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Góp phần đưa sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo lên tầm cao mới

25/03/2015 14:52:54 Xem cỡ chữ Google
5 năm qua, ngành Giáo dục - Đào tạo Yên Bái đã coi đổi mới phương pháp dạy học là nội dung chủ yếu của phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chung vui với học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh trong ngày khai giảng năm học 2013 - 2014.

Hội nghị điển hình tiên tiến ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Yên Bái diễn ra cùng với các sự kiện quan trọng của cả nước trong năm 2015, đặc biệt là phong trào thi đua sôi nổi của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái phấn đấu quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Thành công của Hội nghị điển hình tiên tiến các khối thi đua trong ngành vừa qua đã khẳng định các phong trào thi đua đã góp phần động viên, khuyến khích các tập thể và cá nhân toàn ngành phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

5 năm qua, ngành GD&ĐT Yên Bái tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy học, trọng tâm là đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, coi đổi mới phương pháp dạy học là nội dung chủ yếu của phong trào. Tiêu biểu trong công tác quản lý, chỉ đạo dạy và học là các đồng chí: Bùi Văn Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, Nguyễn Quang Hợp - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành...

Các thầy cô giáo tiêu biểu có nhiều thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi, nhiều năm liên tục có học sinh giỏi quốc gia là Hà Thị Bái, Phạm Thị Hồng - giáo viên Trường THPT Chu Văn An; Lại Xuân Duy, Lục Thị Thu Hoài, Đoàn Thanh Mai - giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành; Nguyễn Thị Bích - giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ; Tống Văn Thành - giáo viên Trường THPT Nguyễn Lương Bằng; Lưu Hồng Quân - giáo viên Trường THPT Thác Bà; Lê Trung Dũng - giáo viên Trường THPT Sơn Thịnh... Các học sinh đạt giải nhì trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia: Lê Thị Phương Nga, Đinh Thị Phương Anh, Ngô Thị Thu Hà, Trần Quang Huy, Nguyễn Đình Khải, Đoàn Vĩnh Khải, Nguyễn Nhật Hồng - học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành; Nguyễn Thị Hương Lan, Phan Thu Phương - học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ; Tần Thị Thảo, Lý Thị Hoàn - học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) THPT tỉnh Yên Bái... Đỗ thủ khoa các trường đại học là Nguyễn Hải Linh - học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Lê Phương Thảo - học sinh Trường THPT Chu Văn An.

Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã có 90% số trường có khuôn viên cây xanh, thoáng mát, sạch đẹp, trồng được 90.845 cây xanh và 482 trường có công trình hợp vệ sinh, chiếm tỷ lệ 84%. Các nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện an toàn giao thông; đưa hoạt động đổi mới phương pháp dạy học vào trong nhà trường; tiếp tục triển khai tích hợp nội dung bảo vệ môi trường, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh. 560/575 trường xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa; 550/575 trường đưa các trò chơi dân gian vào hoạt động tập thể, vui chơi giải trí; 09/09 huyện, thị, thành phố tổ chức hội thi văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian.

Trong hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, có 342 trường nhận chăm sóc 9 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 43 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; 117 nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ; 1.043 mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng. Nhiều tập thể, cá nhân có những sáng kiến, cách làm hay, có hiệu quả như “Kho thóc khuyến học” của huyện Trạm Tấu, “Lớp học thân thiện” của thị xã Nghĩa Lộ, xây dựng Phòng truyền thống của Trường THCS Hán Đà (Yên Bình), tổ chức rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh nội trú của Trường PTDTNT THPT Miền Tây, Trường PTDTNT THCS Mù Cang Chải...

Tiêu biểu là Trường Tiểu học Kim Đồng, Trường Mầm non Sơn Ca (thành phố Yên Bái); Trường Tiểu học Kim Đồng (thị xã Nghĩa Lộ), Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Văn Yên); Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trạm Tấu, Trường PTDTNT THPT tỉnh Yên Bái... Cá nhân có ông Đặng Quang Thành - Hiệu trưởng Trường THCS Hán Đà (Yên Bình), bà Lê Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bích Ngọc (Lục Yên), ông Nguyễn Quang Hưng - giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ, bà Nguyễn Ngọc Oanh - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Yên Bái) đã được Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh tặng bằng khen.

Đặc biệt, em Thang Thị Cử - học sinh lớp 6, Trường THCS Mường Lai nhặt được 40 triệu đồng trả lại người đánh mất đã được Trung ương Đoàn tặng bằng khen. Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và phong trào kết nghĩa “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” đã có trên 50 nghìn nữ cán bộ, nhà giáo và lao động đạt danh hiệu “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” các cấp; 98% số đơn vị trường học đã có vườn hoa hoặc vườn rau công đoàn; tích cực trồng cây xanh, xây dựng, cải tạo khuôn viên xanh - sạch - đẹp. Các phòng giáo dục và đào tạo, trường học chủ động giao lưu kết nghĩa, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công tác chuyên môn, hỗ trợ vật chất và tinh thần, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiêu biểu là Phòng GD&ĐT thành phố Yên Bái, Phòng GD&ĐT Mù Cang Chải.

Ngành GD&ĐT cũng có nhiều đóng góp tích cực vào phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tính đến hết năm 2014, chỉ tiêu về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã đạt 85,7% kế hoạch mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu là Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành với phong trào tự học, tự rèn theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Trường THPT Hoàng Quốc Việt với phong trào mỗi giáo viên đỡ đầu1 học sinh vùng chiến khu có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều tấm gương tiêu biểu của cán bộ quản lý, giáo viên như cô Phan Thị Kim Tinh - Trường Tiểu học số 1 xã Yên Thành (Yên Bình) vận động được trên 90% số học sinh ở vùng sâu, vùng xa ra ở trọ gần trường, tiện cho việc học tập; cô Lại Thị Hiền - Trường Mầm non Suối Giàng (Văn Chấn) vận động đưa trẻ ra lớp, 100% cháu được học cả ngày; cô Lò Thị Én Xuân - Trường Tiểu học xã Nậm Mười (Văn Chấn) 14 năm gắn bó với học sinh vùng cao, có nhiều đổi mới trong công tác giảng dạy...

Những “bông hoa đẹp” trong cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” là các cô giáo: Lương Thị Thu Hương - Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Cao Phạ (Mù Cang Chải), Nguyễn Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thái Học (Lục Yên), Phan Thị Kim Tinh - giáo viên Trường Tiểu học số 1 xã Yên Thành (Yên Bình), Lại Thị Hiền - giáo viên Trường Mầm non Suối Giàng (Văn Chấn)...

Các đồng chí: Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thăm Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái.

Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” được toàn thể cán bộ, giáo viên tích cực hưởng ứng. Hầu hết cán bộ, giáo viên sử dụng thành thạo máy vi tính phục vụ giảng dạy, quản lý, cập nhật kiến thức. Phong trào dự giờ thăm lớp, trao đổi kinh nghiệm, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh; phong trào nghiên cứu khoa học, tự làm đồ dùng dạy học và tích cực khai thác, sử dụng thiết bị dạy học được duy trì thường xuyên. Bình quân mỗi năm, có khoảng 2.500 lượt người tại tỉnh và khoảng 15.000 lượt người ở các huyện được bồi dưỡng, tập huấn, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT.

Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trở lên đạt 99,22%, trong đó tỷ lệ trên chuẩn đạt 56,34%. Thực hiện cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục vùng cao, vùng sâu, vùng xa”, 100% số trường phổ thông bảo đảm “3 đủ” (không để học sinh bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu sách vở), học sinh bán trú hưởng đúng chế độ, chất lượng học tập và cuộc sống được nâng lên. Trong 5 năm qua, việc huy động các nguồn xã hội hóa đã hỗ trợ học sinh gần 5 tỷ đồng; hỗ trợ các trường trên 20 tỷ đồng. Ngoài ra, phải kể đến các đóng góp phi vật chất: ý tưởng, ủng hộ, tham gia bằng công sức của các lực lượng xã hội... như mô hình "Kho thóc khuyến học" của huyện Trạm Tấu đã huy động gần 18 tấn thóc và trên 184 triệu đồng để tạo điều kiện cho các cháu đến trường; nhiều cán bộ, giáo viên đóng góp vào “Kho thóc khuyến học” từ 50 - 100kg thóc. Các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ học sinh, giáo viên vùng cao, vùng khó khăn gần 500 triệu đồng...

Có thể khẳng định, các phong trào thi đua thực sự là động lực thúc đẩy toàn ngành thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nổi bật là mạng lưới trường học được sắp xếp, củng cố, phát triển phù hợp. Toàn tỉnh có 587 cơ sở giáo dục và dạy nghề; tỷ lệ học sinh hoàn thành khóa học tăng 9,2% so với năm 2010; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN đạt từ 4 đến 5%, vào học bổ túc THPT đạt 10%. Toàn tỉnh có 180/180 đơn vị cấp xã, 9/9 đơn vị cấp huyện duy trì chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH); 174 đơn vị cấp xã (96,7%) đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi (tăng 8 xã).

PCGD THCS có 180 đơn vị cấp xã, 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn (tăng 2 xã). Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi có 175/180 đơn vị cấp xã và 8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hiện đang chỉ đạo rà soát, chuẩn bị các điều kiện đề nghị Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn vào giữa năm 2015. Toàn tỉnh có 178 trường đạt chuẩn quốc gia; 9 trường PTDTNT, 43 trường PTDTBT và 55 trường có học sinh bán trú. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức được chú trọng. 395 người đã và đang tham gia đào tạo (385 thạc sỹ, 10 tiến sỹ); tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trở lên đạt 99,22%, trong đó tỷ lệ trên chuẩn đạt 56,34%,so với năm 2010 đạt chuẩn tăng 0,35%, trong đó trên chuẩn tăng 17,34%...

Phát huy truyền thống vẻ vang và những thành tích đạt được trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh xác định nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2015 - 2020 là triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ chính trị của ngành, góp phần đưa sự nghiệp GD&ĐT lên tầm cao mới, khẳng định vai trò, vị thế của GD&ĐT Yên Bái so với cả nước.

Mục tiêu trước mắt, cơ bản và các nhiệm vụ chủ yếu là tiếp tục hoàn thiện các văn bản triển khai, hướng dẫn của ngành về công tác thi đua, khen thưởng; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành và địa phương để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, chống hình thức.

Tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” gắn với nội dung yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Đảng và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29 của Bộ GD&ĐT. Thực hiện đổi mới công tác khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, giáo viên, nhân viên; đặc biệt quan tâm các đối tượng vùng sâu, vùng xa.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng. Kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm ổn định, thống nhất để thực hiện chức năng, nhiệm vụ.Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức để nâng cao năng lực tham mưu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng để đáp ứng yêu cầu đổi mới về công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới. Tập trung chỉ đạo, xây dựng điển hình tiên tiến và nhân điển hình tiên tiến.

Qua thực tế chỉ đạo, lãnh đạo các đơn vị, tổ chức theo dõi, phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố mới trong từng phong trào thi đua để xây dựng thành mô hình, cá nhân điển hình nhân rộng trong đơn vị, trong toàn ngành học tập. Ngoài ra, xây dựng hệ thống mạng lưới thông tin tuyên truyền từ Sở đến các đơn vị, trường học để kịp thời tuyên truyền, biểu dương những thành tích, nhân tố mới trong ngành.  

Trần Xuân Hưng (Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Yên Bái)

2613 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h