Báo cáo về kết quả công tác nghiên cứu khoa
học trong 5 năm qua (2010-2014), Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Lê Văn Lân cho
biết Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã triển khai nghiên cứu nhiều đề tài, chuyên đề khoa
học cấp Bộ và cấp Ban Đảng Trung ương trên các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã
hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, công tác dân tộc-tôn giáo, xây dựng hệ thống
chính trị.
Các đề tài được Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì
như “Nâng cao hiệu quả ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách xóa đói
giảm nghèo tại địa bàn vùng cao Tây Bắc”; “Thực trạng và giải pháp phát triển
đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc”, Đề án “Củng cố, xây dựng
hệ thống chính trị cơ sở các địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc”… đã được thực hiện
và được đánh giá cao.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ
tiếp tục tập trung nghiên cứu các vấn đề trọng tâm như phát huy tiềm năng thế
mạnh, đưa khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế-xã hội của vùng, chú trọng
đến công tác xóa đói giảm nghèo, bên cạnh đó, các đề tài còn tập trung vào việc
đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã
hội…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy
ban Dân tộc Phạm Văn Hùng nhấn mạnh tuy không phải là cơ quan chuyên trách
nghiên cứu nhưng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã có ý thức coi trọng công tác khoa học
công nghệ. Các chương trình phối hợp giữa Ủy ban Dân tộc và Ban Chỉ đạo Tây Bắc
rất thiết thực và hiệu quả. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo cần kết nối các cơ quan
nghiên cứu với nhau để có thông tin, luận cứ khoa học, góp phần xây dựng chính
sách.
Từ góc độ của một nhà nghiên cứu, GS.TS
Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQG Hà
Nội) cho rằng, thế mạnh của Hội đồng Khoa học Ban Chỉ đạo Tây Bắc là sự tâm
huyết và trách nhiệm. Nếu biết phát huy thì sẽ tạo được lợi thế mà ít cơ quan
có được.
Ông Đặng Đức Long, Vụ trưởng, Giám đốc
Trung tâm Thông tin Kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng trong công tác
nghiên cứu khoa học, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã vượt qua những khó khăn về nhân lực
và kinh phí để đạt được thành công bước đầu. Theo ông Long Hội đồng Khoa học
Ban Chỉ đạo Tây Bắc cần tăng cường công tác kết nối, đặc biệt là với Hội đồng Khoa
học các Ban Đảng Trung ương hay Viện Hàn lân Khoa học và Công nghệ. Ban Kinh tế
Trung ương đang có nhiều chương trình có thể hợp tác với Ban chỉ đạo Tây Bắc,do
đó rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa hai bên.
Đại diện Vụ Kế hoạch-Tài chính, Văn phòng
Chính phủ bày tỏ sự ủng hộ về mặt kinh phí với những đề tài nghiên cứu khoa học
của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, đồng thời mong muốn Ban cập nhật các văn bản mới để
đảm bảo mức chi của các đề tài nghiên cứu khoa học
Ông Nguyễn Văn Kính, Vụ trưởng Vụ An ninh
quốc phòng, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đề nghị, Hội đồng Khoa học của Ban tiếp tục bồi
dưỡng cho cán bộ, công chức năng lực nghiên cứu khoa học; tăng cường phối hợp
với các cơ quan nghiên cứu để nâng cao hiệu quả. Đồng thời phải áp dụng hiệu
quả các đề tài vào thực tiễn…
Tại Hội nghị, ông Trương Xuân Cừ, Phó
Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng Tây Bắc hiện còn nhiều khó khăn trong phát
triển KT-XH. Nếu không đưa khoa học công nghệ vào thì không thể phát triển bứt
phá. Vì vậy, những góp ý, hiến kế của các đại biểu về công tác nghiên cứu
khoa học nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc là rất quan
trọng. Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục nghiên cứu bộ máy tổ chức
nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng nghiên cứu và tăng
cường phối hợp hơn nữa với các bộ ban ngành Trung ương, các cơ quan khoa học và
các nhà khoa học.
(Theo Trung Tú/Chinhphu.vn)