Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Dấu ấn của người trẻ

31/03/2015 11:12:10 Xem cỡ chữ Google
Gần gũi người dân, đưa ra nhiều sáng kiến tâm huyết mang lại lợi ích cho dân, nhiều trí thức trẻ được cử về làm cán bộ ở những vùng đất xa xôi của tỉnh Yên Bái đang nỗ lực giúp người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.

Anh Đàm Đức Đông, Phó Chủ tịch xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái giờ đã rất giỏi tiếng Mông.

Từ xóa bỏ hủ tục...

Anh Đàm Đức Đông, sinh năm 1989 là người ngoại tỉnh duy nhất trong số 20 trí thức trẻ đang giữ cương vị Phó Chủ tịch xã tại tỉnh Yên Bái. Chàng trai miền quan họ Bắc Ninh, tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, năm 2012 về công tác tại Hồ Bốn - không chỉ là nơi xa nhất của huyện Mù Cang Chải, mà còn là xã khó khăn nhất về kinh tế của tỉnh Yên Bái. "Bất ngờ, vào khoảng cuối tháng 4-2011, trên chuyến xe buýt 205 tôi đã nghe được thông tin tuyển 600 trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã trong bản tin thời sự lúc 18 giờ trên VOV. Là một người trưởng thành từ các phong trào thanh niên, vì vậy ngay lập tức tôi có ý nghĩ là mình sẽ tham gia dự án. Rồi tôi bắt đầu tìm hiểu, thật may mắn tôi đủ điều kiện tham gia. Nơi mà tôi nghĩ đến đầu tiên đó là Mù Cang Chải...", anh Đông kể.

Thời gian đầu với Đàm Đức Đông thật sự khó khăn. Cả xã có 21 cán bộ, công chức mà chỉ mỗi mình anh là người dưới xuôi lên làm việc, chưa hiểu tiếng địa phương, lại là người trẻ nhất vốn chưa có kinh nghiệm làm việc trong các cơ quan nhà nước. Xác định việc học tiếng rất quan trọng, nên anh đăng ký học một lớp tiếng Mông. Bây giờ khi đi họp ở bản anh vẫn nói tiếng phổ thông thi thoảng lại nói tiếng Mông để cho nhân dân hiểu.

Nhận ra ở xã vùng cao Hồ Bốn đồng bào dân tộc địa phương vẫn còn những hủ tục lạc hậu, chẳng hạn như trong lễ cưới, phía nhà gái vẫn giữ lệ thách cưới với lượng tiền mặt cao. Tùy theo uy tín của mỗi dòng họ, tiền sính lễ thách cưới lên tới hàng chục triệu đồng khiến nhiều chàng trai phải lao đao. Trong việc tang ma, đồng bào qua nhiều đời vẫn quen với tập tục người chết không có áo quan. Chưa kể đám tang người dân thường tổ chức ăn uống trong nhiều ngày, với những chi phí hết sức tốn kém. Trong khi đó, có gần 80% hộ dân ở Hồ Bốn vẫn nằm trong diện nghèo, thiếu ăn. "Nhận thấy hủ tục lạc hậu là rào cản lớn trong đời sống của người dân địa phương, tôi bàn với các cán bộ ở thôn bản vận động bà con xóa bỏ các hủ tục còn lạc hậu đang là gánh nặng kinh tế cho mỗi gia đình". Nhờ đó hiện nay, người dân ở Hồ Bốn đã tự nguyện thực hiện việc thách cưới không quá 10 triệu đồng. Đám tang không còn tổ chức ăn uống dài ngày như trước mà gọn nhẹ hơn, người chết cũng đã được mặc áo quan. Ông Thào A Chờ - Trưởng bản Háng A, xã Hồ Bốn cho biết: "Từ xã vào bản có 12 cây số thôi nhưng đường khó đi lắm, vậy mà Phó Chủ tịch Đông rất chịu khó đến từng nhà để nói về chủ trương của Đảng và Nhà nước. Có hôm trời tối không về được anh ấy đành tá túc nhà bà con dân bản. Cán bộ Đông công tác nơi này lâu dài chắc chắn đời sống của bà con sẽ ngày càng thay đổi".

Chị Nguyễn Thị Thanh Lam, sinh năm 1989, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, được trúng tuyển về làm Phó Chủ tịch xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải. Với cô gái người Kinh trẻ tuổi vừa ra trường nhận nhiệm vụ ở mảnh đất rẻo cao dẫu có không ít trở ngại nhưng chị đã nỗ lực để sớm trở thành người cán bộ trẻ được dân tin yêu. Từ sự gắn bó, gần gũi người dân chị sớm nhận ra một sự thật đầy lo lắng, đó là còn nhiều người tin rằng bị ốm đau, bệnh tật là do ma hành, nên không chịu đến trạm y tế khám, chữa bệnh khi ốm đau mà tổ chức cúng ma "chữa bệnh tại nhà". Nắm bắt thông tin này kịp thời chị đã vào từng thôn, bản vận động người dân khi có bệnh thì hãy tìm đến bác sĩ. Nhờ sự vận động không ngưng nghỉ ấy, chị đã cùng chính quyền địa phương xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2014. Một sự thật khác khiến chị day dứt, đó là địa phương còn có nhiều phụ nữ độ tuổi 8X, 9X không biết chữ. Tên tuổi của chính mình họ còn không tự viết, tự đọc làm sao họ có thể tiếp cận với tri thức, với khoa học và sẽ còn những đói nghèo, bất bình đẳng cùng nhiều hệ lụy khác bủa vây họ. "Để xứng đáng với kỳ vọng của người dân, trước hết phải gần dân, phải làm được những công việc cụ thể để giúp dân. Muốn xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân không còn cách nào khác là phải xóa mù cho phụ nữ", chị Thanh Lam nói. Trong năm 2015, chị đang đề xuất được thực hiện đề án trồng thử nghiệm giống sâm Ngọc Linh mà qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu các đặc điểm về điều kiện tự nhiên chị thấy địa phương mình thích hợp giống cây này.

... đến giúp dân thoát nghèo

Nhiều cán bộ trẻ được tăng cường về làm cán bộ tại các xã thuộc hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái mà chúng tôi gặp, đưa ra một điểm chung, đó là nơi họ đến công tác còn quá khó khăn, từ đường, điện, trường, trạm y tế, cũng như đời sống kinh tế của nhân dân. Chính điều này đòi hỏi bản thân các cán bộ trẻ phải có lòng nhiệt huyết, phải dấn thân, cống hiến sức trẻ hết mình mới mong hoàn thành nhiệm vụ.

Xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nhiều cán bộ trẻ chú trọng việc nâng cao ý thức của người dân tự vươn lên để thoát nghèo và làm giàu, tránh sự trông chờ và ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ đây nhiều cán bộ trẻ đã để lại những dấu ấn bằng việc đưa ra những đề án có tính thực tiễn cao. Với phương thức làm giàu từ rừng, anh Hoàng Minh Thuật, Phó Chủ tịch xã Bản Công đã vận động người dân trồng 130 ha cây sơn tra. Anh Hà Chánh Thảo, Phó Chủ tịch xã Pá Hu, đã vận động bà con trồng cây ngô trên đất dốc với phương thức mới, cho năng suất cao. Tại xã Phình Hồ, Phó Chủ tịch Đặng Phúc Long chủ động nghiên cứu điều kiện đất đai, khí hậu, cùng với sự giúp đỡ của Công ty Dược liệu đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm các loại cây thuốc quý như đương quy, đẳng sâm trên diện tích khoảng 2,5 ha.

Ông Nông Việt Yên, Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái cho biết, hai mươi trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã tại Yên Bái cách đây ba năm, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1983, trẻ nhất sinh năm 1989. Chưa có nhiều kinh nghiệm công tác, lại khác biệt về điều kiện sống, phong tục tập quán, cũng như ngôn ngữ giao tiếp phần nào ảnh hưởng tới việc quản lý, điều hành, triển khai các nhiệm vụ. Vượt qua các rào cản ấy, các cán bộ trẻ luôn biết lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của người dân, đưa ra được những giải pháp giúp dân xóa đói, giảm nghèo, cũng như nâng cao dân trí.

Tăng cường trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch xã đã tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, tăng cường nguồn nhân lực có trình độ cho các xã đặc biệt khó khăn. Thực tế, nhiều địa phương đã khởi sắc, một phần nhờ vào sự cống hiến của đội ngũ cán bộ trẻ...

 

1959 lượt xem
(Theo Báo Nhân Dân)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h