Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Ý kiến tham gia vào 10 vấn đề trọng tâm của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

02/04/2015 15:07:47 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Thực hiện Công văn số 46/BCA-V19 ngày 12/01/2015 của Bộ Công an, Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 26/01/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Công an tỉnh Yên Bái đã tổ chức cho các đơn vị chức năng nghiên cứu, tham gia ý kiến vào dự thảo. Theo Đại tá Phạm Ngọc Thắng - Phó Giám đốc Công an tỉnh: Các ý kiến cơ bản nhất trí với bố cục của dự thảo, ngoài ra có một số ý kiến tham gia về một số vấn đề trọng tâm như sau:

Ảnh nguồn hanoi.gov.vn.

 

 

Đại tá Phạm Ngọc Thắng

Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái

* Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự:

Tại khoản 2 Điều 19 dự thảo quy định: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng; trong trường hợp này, Tòa án căn cứ vào tập quán, nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bắng để xem xét, giải quyết”.

Nhất trí với loại ý kiến thứ nhất: Quy định như dự thảo sẽ bảo vệ được quyền và lợi ích họp pháp của cá nhân, pháp nhân một cách kịp thời, theo Điều 102 Hiến pháp đã quy định: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người...nâng cao thẩm quyền của Tòa án là cơ quan tối cao thực hiện quyền tư pháp.

* Về quyền nhân thân:

Dự thảo Bộ Luật tiếp tục quy định các quyền nhân thân cụ thể từ Điều 31 đến Điều 50 và sửa đổi một số điều cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

Nhất trí quy định như dự thảo, theo đó Bộ Luật cần cụ thể hóa các quyền nhân thân được quy định trong Hiến pháp bởi lẽ Bộ luật Dân sự là luật chung, cần quy định cụ thể, chi tiết các quyền nhân thân mà Hiến pháp đã quy định chung.

Tại Điều 40 dự thảo: về quyền xác định lại giới tính

Nhất trí với Phương án 2 quy định tại khoản 4: “Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyến giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật".

Lý do: Đây là vấn đề nhảy cảm, liên quan đến quyền và lợi ích của một con người cụ thể. Việc cho phép của các cơ quan có thẩm quyền sẽ hợp pháp hóa được quyền và nghĩa vụ của những người chuyển giới, đồng thời có điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình quản lý con người.

* Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự:

Nhất trí với loại ý kiến thứ nhất: quy định như dự thảo Bộ Luật: quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân, ngoài ra có một số quy định riêng về việc tham gia quan hệ pháp luật dân sự của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

* Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức:

Khoản 1 Điều 145 dự thảo Bộ Luật quy định: Trường hợp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của hành vi pháp lý mà hình thức này không được tuân theo nhưng chủ thể đã thực hiện xong hoặc đang thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình thì hành vi pháp lý vẫn có hiệu lực. Trong trường hợp chủ thể chưa thực hiện quyền, nghĩa vụ thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án cho phép một hoặc các bên thực hiện quy định về hình thức của hành vi pháp lý trong một thời hạn nhất định, quá thời hạn đó mà không thực hiện thì hành vi đó mới bị vô hiệu.

Nhất trí với ý kiến thứ nhất quy định như dự thảo. Vì quy định như vậy sẽ phù hợp với thực tế ký kết hợp đồng, bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể tham gia giao dịch dân sự.

* Về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu:

Nhất trí với quy định tại điều 148 của dự thảo Bộ Luật: nhằm bảo vệ tốt hơn, công bằng hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người thiện chí, người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự. Theo đó, nếu người thứ ba ngay tình căn cứ vào việc tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà xác lập giao dịch thì người đó được bảo vệ.

* Về hình thức sở hữu:

Tại Điều 213 Dự thảo Bộ luật quy định ba hình thức sở hữu bao gồm: sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung.

Nhất trí với loại ý kiến thứ nhất: quy định 03 hình thức sở hữu như dự thảo Bộ Luật để phù hợp với quy định tại Điều 32 Hiến pháp (Bộ luật Dân sự cần ghi nhận hình thức sở hữu toàn dân). Hình thức sở hữu riêng và sở hữu chung là dựa trên nguyên tắc về chủ thể thực hiện quyền sở hữu (một người thực hiện là quyền sở hữu riêng, nhiều người thực hiện quyền là sở hữu chung).

Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật Dân sự cần quy định rõ hơn hình thức sở hữu toàn dân để có thể xác định được quyền của người dân đối với các loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Vì thực tế trong sở hữu toàn dân thì không tồn tài chủ thể là toàn dân mà chỉ có Nhà nước mới có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản công (với tư cách đại diện toàn dân).

* Về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác:

Tại Điều 182 dự thảo Bộ luật quy định các trường hợp cụ thể về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác.

Nhất trí với loại ý kiến thứ nhất: quy định như Dự thảo Bộ luật vì quy định này giúp phân định rõ ràng hơn thời điểm giao dịch được xác lập (có hiệu lực) với thời điểm quyền sở hữu hoặc vật quyền khác được xác lập, đồng thời quy định như vậy thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước với các quyền của chủ thể quan hệ dân sự trong việc thỏa thuận giữa các bên tham gia.

* Về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi:

Nhất trí với loại ý kiến thứ nhất: quy định tại Điều 443 Dự thảo Bộ luật về việc điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi, vừa đảm bảo các quyền tự do ý chí và tự thỏa thuận giữa các bên tham gia hợp đồng, vừa đảm bảo thẩm quyền của Tòa án trong việc tham gia giải quyết các vụ, việc dân sự, cho phép Tòa án có thể điều chỉnh hợp đồng theo các điều kiện chặt chẽ theo quy định của luật mà không ảnh hưởng đến nguyên tắc tư do định đoạt của các bên và đảm bảo công bằng, bình đẳng lợi ích của các bên trong hợp đồng.

* Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản:

Tại Điều 491 Dự thảo Bộ luật Dân sự: quy định lãi suất do các bên thỏa thuận hoặc do luật định. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng...

Nhất trí với loại ý kiến thứ nhất: đồng ý với quy định như trong dự thảo, quy định mức lãi suất trần dựa trên lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố là để tạo sự thống nhất về xác định lãi suất, ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi. Tuy nhiên Bộ luật cần có quy định rõ về khái niệm lãi suất và các loại lãi suất, trong trường hợp quá hạn thì lãi suất được tính như thế nào?

* Về thời hiệu:

Nhất trí với loại ý kiến thứ nhất: nhất trí với quy định tại Dự thảo Bộ luật Dân sự (từ Điều 167- Điều 180). Tạo công cụ pháp lý tốt hơn để Tòa án bảo vệ các quyền dân sự của cá nhân, tổ chức.

2060 lượt xem
Tiến Lập (Ghi)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h