Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Kỷ niệm 115 năm Ngày thành lập tỉnh Yên Bái (11/4/1900 - 11/4/2015): Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển vững chắc, toàn diện, giàu đẹp, văn minh

08/04/2015 16:01:07 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Yên Bái là một tỉnh miền núi, nhiều dân tộc, nằm phía Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong các thời kỳ dựng nước và giữ nước. Ngày 11 tháng 4 năm 1900 được ghi dấu ấn chính thức, Yên Bái là một tỉnh có địa giới hành chính gồm có Phủ Trấn Yên, Châu Văn Chấn, Văn Bàn và thị xã tỉnh lỵ đặt tại làng Yên Bái.

Cùng dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam, nhân dân các dân tộc Yên Bái đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất.

Đầu năm 1930, trên địa bàn Yên Bái đã diễn ra cuộc khởi nghĩa của tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng do chí sỹ yêu nước Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa không thành công nhưng đã gây được tiếng vang lớn trong nước, thế giới, cổ vũ, bồi đắp thêm tinh thần yêu nước cho đồng bào các dân tộc.

Ngay sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, uy tín và ảnh hưởng của Đảng đã tác động rất nhanh đến Yên Bái, thức tỉnh tinh thần yêu nước, định hướng con đường đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân .

Năm 1940, những cán bộ cách mạng của Xứ uỷ Bắc Kỳ được cử lên Yên Bái đã xây dựng được một số cơ sở cách mạng ở Trấn Yên và thị xã Yên Bái. Thành lập các tổ chức cứu quốc, tập hợp hàng ngàn hội viên. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), khí thế cách mạng của quần chúng khắp nơi trong tỉnh dâng cao. Ngày 7/5/1945, Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở thị xã Yên Bái.

Ngày 30/6/1945, Xứ uỷ Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban Cán sự liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ. Sự kiện thành lập Ban Cán sự Đảng liên tỉnh đã mở ra bước ngoặt mới cho phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương. Ngày 6/7/1945, lực lượng vũ trang Yên Bái ra đời làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.

Dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự  Đảng, lực lượng vũ trang cách mạng và quần chúng đã  vùng lên lần lượt giải phóng các Châu Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình và thị xã Yên Bái. Ngày 22/8/1945 tại thị xã Yên Bái, chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái đã ra mắt trước sự chứng kiến hân hoan của hàng vạn quần chúng nhân dân.

Sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám, Yên Bái đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách của nạn  “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và quân dân các dân tộc Yên Bái đã bảo vệ vững chắc chính quyền non trẻ, củng cố lực lượng vũ trang, cô lập bọn phản động Việt Quốc, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi, chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1947, thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng, thôn tính 2/3 diện tích tỉnh ta. Yên Bái đã thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” kết hợp vừa kháng chiến vừa kiến quốc xây dựng hậu phương. Quân và dân Yên Bái đã đóng góp sức người, sức của và phối hợp với bộ đội chủ lực mở chiến dịch  Sông Thao, Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt. Đặc biệt, trong chiến dịch Tây Bắc đã đập tan hoàn toàn phân khu Nghĩa Lộ, giải phóng hoàn toàn tỉnh Yên Bái. Ngay sau khi được giải phóng, toàn tỉnh lại đồn sức mở con đường huyết mạnh nối liền căn cứ địa Việt Bắc với chiến trường Tây Bắc, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại.

Hoà bình lập lại, Yên Bái bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và triển kinh tế - xã hội, thiết lập quan hệ sản xuất mới, tập trung sức xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội tiêu biểu công trình xây dựng nhà máy Thuỷ điện Thác Bà.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, quân dân Yên Bái đã hưởng ứng và thực hiện tốt các phong trào “tay cày, tay súng” “Tay búa, tay súng”, “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, “ba giỏi”... làm tròn nghĩa vụ của hậu phương với tiền tuyến lớn, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Bước vào giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, tỉnh Yên Bái đã đạt được một số thành quả về lĩnh vực kinh tế - xã hội, lần lượt làm thất bại  âm mưu phá hoại, xâm lược, gây mất ổn định của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia.

Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã năng động, sáng tạo trong việc cụ thể hoá đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương, phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tạo thế và lực mới. Trong những năm gần đây, với ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, Yên Bái đã vươn lên đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện.

Đặc biệt, trong thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tạo được những chuyển biến tích cực về nhận thức trong Đảng, trong xã hội, từng bước hình thành phong trào làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có tác động lớn đến việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị ở các ngành, địa phương, đơn  vị; góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về  tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và  toàn xã hội.

Kỷ niệm 115 năm ngày thành lập tỉnh là dịp ôn lại một chặng đường vẻ vang đấu tranh, xây dựng, trưởng thành, tự hào, phấn khởi trước những thành tích đã đạt được trong thời gian qua. Tin tưởng rằng, với những thành tựu và kinh nghiệm đã có, phát huy truyền thống quý báu, nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, phấn đấu và sáng tạo hơn nữa,  tỉnh Yên Bái sẽ phát triển vững chắc, toàn diện, giàu đẹp, văn minh./,

2765 lượt xem
Hà Ngọc Lan - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h