Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Ngân hàng Chính sách xã hội giải đáp về chương trình tín dụng chính sách

13/04/2015 10:14:21 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong chuyên mục “Giải đáp chính sách” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh số tháng 4/2015, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đã giải đáp các ý kiến của nhân dân về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Minh Hưng - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái giải đáp về thực hiện chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua, bằng nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn,... Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Yên Bái đã đưa nguồn vốn chính sách đến với người dân, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

BTV: Thưa ông, thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai thực hiện những chương trình, tín dụng chính sách nào trên địa bàn tỉnh Yên Bái? Ngân hàng có giải pháp gì để tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận các chương trình vay vốn?

* Ông Nguyễn Minh Hưng - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái:

Trước hết thay mặt cho NHCSXH tỉnh Yên Bái xin được trân trọng cảm ơn Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã dành thời gian cho NHCSXH tỉnh Yên Bái tham gia vào Chuyên mục “Giải đáp chính sách” để trao đổi một số nội dung có liên quan đến hoạt động NHCSXH:

Tôi xin được trả lời câu hỏi như sau:

* Thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng ưu đãi với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hiện nay NHCSXH tỉnh Yên Bái đang triển khai 10 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh Yên Bái bao gồm:

1. Chương trình cho vay hộ nghèo.

2. Chương trình cho vay hộ cận nghèo

3. Chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (SXKDVKK).

4. Chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại vùng khó khăn

5. Chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm (GQVL)

6. Chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn

7. Chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn

8. Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở

9. Chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.

10. Chương trình cho vay Nước sạch & Vệ sinh môi trường (NS&VSMTNT).

* Giải pháp để hộ dân tiếp cận các chương trình tín dụng:

Như chúng ta đều biết người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách hầu hết sinh sống tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện đi lại khó khăn, không có nhiều điều kiện để tiếp xúc với nhiều luồng thông tin. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo được tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã có nhiều giải pháp, biện pháp, đó là:

- Về công tác tuyên truyền: NHCSXH và các tổ chức chính trị xã hội làm ủy thác, các ngành thường xuyên phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng với người nghèo, các đối tượng chính sách: Qua các phương tiện truyền thông như báo, đài, đặc biệt là tuyên truyền trực tiếp tại các cuộc họp ở thôn bản, phát tờ rơi trực tiếp tới người nghèo.

- Với phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội, đến nay NHCSXH đã cùng với các tổ chức chính trị xã hội xây dựng được hệ thống tổ tiết kiệm & vay vốn (TK&VV) tại 100% các thôn, bản tổ dân phố, người dân khi có nhu cầu làm hồ sơ vay vốn, trả lãi, gửi tiền tiết kiệm hoặc hỏi về các chương trình cho vay chỉ cần liên hệ với Ban quản lý tổ TK&VV trực tiếp tại thôn, bản nơi sinh sống mà không phải đến ngân hàng.

- NHCSXH hiện nay đã mở điểm giao dịch trực tiếp tại 100% số xã phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Hàng tháng NHCSXH thành lập các tổ giao dịch lưu động tại xã mỗi tháng thực hiện giao dịch tại xã ít nhất 1 lần theo lịch cố định và thực hiện đầy đủ các chức năng như một ngân hàng thu nhỏ gồm cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm…. Tại điểm giao dịch lưu động niêm yết đầy đủ các thông tin về các chính sách cho vay, danh sách hộ có dư nợ, lịch trực giao dịch hàng tháng của ngân hàng, hòm thư góp ý về hoạt động NHCSXH…

Tại phiên giao dịch hàng tháng cán bộ tín dụng NCHSXH dành thời gian trả lời các ý kiến vướng mắc của người dân và giao ban với các tổ chức hội cấp xã , tổ vay vốn, ban xoá đói giảm nghèo xã.

- NHCSXH đã thiết lập số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến của người dân về hoạt động NHCSXH…

Như vậy, hộ nghèo khi có nhu cầu vay vốn, trả nợ, trả lãi hoặc hỏi về các chính sách của Ngân hàng không cần đến ngân hàng mà liên hệ trực tiếp với cán bộ NHCSXH tại điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn nơi người dân sinh sống.


BTV: Vâng xin cảm ơn ông.

Theo Nghị quyết số 04/2012 của HĐND tỉnh, nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm gần 30% tổng nguồn vốn thực hiện Đề án. Vậy việc bảo đảm vốn cho các chương trình chính sách được thực hiện như thế nào? Theo ông nguồn vốn của NHCSXH đã đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của người dân chưa? Công tác quản lý đối với các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn như thế nào?

* Ông Nguyễn Minh Hưng - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái:

Trong những năm qua NHCSXH luôn bám sát các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của NHCSXH để xin bổ sung các nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, nguồn vốn của NHCSXH đều tăng trưởng trên 10%, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn từ Trung ương.

Mặc dù tỉnh còn khó khăn song Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã rất quan tâm đến hoạt động tín dụng với người nghèo, đến nay tỉnh đã chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo với nguồn vốn là 12.5 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Yên Bái đến hết tháng 3 năm 2014, đạt 1.800 tỷ đồng trong đó nguồn vốn Trung ương là 1.730 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 96% trên tổng nguồn vốn, nguồn huy động tại địa phương được trung ương cấp bù là 4%. Như vậy theo cơ cấu vốn nguồn vốn của NHCSXH phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn Trung ương.

Theo chúng tôi thì nhu cầu vay vốn luôn biến động do người nghèo biến động, nhu cầu vay vốn thay đổi theo thời gian, thời vụ. Hàng năm NHCSXH, các tổ chức chính trị xã hội làm ủy thác đều tiến hành khảo sát nhu cầu vay vốn các chương trình tín dụng ưu đãi để làm cơ sở thực hiện năm tiếp theo đồng thời qua đó đánh giá mức độ đáp ứng vốn của từng chương trình.

Đến hết năm 2014, việc đáp ứng nhu cầu vốn với mỗi chương trình có khác nhau cụ thể đó là :

- Chương trình cho vay hộ nghèo: đã có tới trên 80% hộ nghèo toàn tỉnh đã được vay vốn, số còn lại phần lớn là hộ chưa có nhu cầu vay vốn, hộ không đủ điều kiện vay vốn, hộ nghèo mới phát sinh, hộ nghèo đã vay vốn và trả nợ.

- Đối với chương trình cho vay HSSV, xuất khẩu lao động, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, hỗ trợ hộ nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đảm bảo đáp ứng 100% nhu cầu.

- Đối với chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, chương trình cho vay hộ cận nghèo và chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm thì nhu cầu vay vốn còn rất lớn so với nguồn vốn hiện nay.

* Công tác quản lý đối với hoạt động tín dụng chính sách được thực hiện chặt chẽ, có sự phối hợp đồng bộ giữa NHCSXH, các ngành đặc biệt là với các tổ chức chính trị xã hội làm uỷ thác, UBND các xã, phường, thị trấn từ khâu xây dựng kế hoạch vốn, phân bổ kế hoạch vốn, bình xét cho vay, thu hồi nợ khi đến hạn. Từ đó tỷ lệ thu hồi vốn rất cao, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm tỷ lệ dưới 1% trên tổng dư nợ.

BTV: Năm 2014, Chính phủ đã đồng ý cho hạ lãi suất, nâng mức cho vay và mở rộng đối tượng cho vay một số chương trình tín dụng, xin được hỏi ông, như vậy hiện nay mức cho vay như vậy đã phù hợp với nhu cầu người dân và thực tế giá cả thị trường như hiện nay chưa?.

* Ông Nguyễn Minh Hưng - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái:

Năm 2014, Chính phủ đã đồng ý cho hạ lãi suất nhiều chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH, nâng mức cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo từ 30 triệu đồng lên tối đa 50 triệu đồng/hộ; mở rộng đối tượng được vay đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo vay vốn sản suất kinh doanh, cải thiện đời sống.

Với mức cho vay đối với hộ nghèo và cận nghèo như hiện nay theo chúng tôi là phù hợp, đáp ứng được nhu cầu và quy mô sản suất, khả năng hấp thụ vốn, khả năng trả nợ của người nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, đối với cho vay vốn giải quyết việc làm mức cho vay tối đa 20 triệu đồng/hộ hay chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn mức tối đa là 30 triệu đồng/hộ còn thấp.

*BTV: Xin ông cho biết, các hộ nghèo ở huyện nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội như thế nào? Mức vay tối đa cho mỗi hộ và lãi suất cho vay là bao nhiêu?

* Ông Nguyễn Minh Hưng - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái:

Hộ nghèo ở huyện nghèo ngoài được thụ hưởng tất cả các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo như các vùng khác còn được vay vốn từ chương trình hộ nghèo với mức vay 10 triệu đồng/hộ, lãi suất là bằng một nửa lãi suất cho vay hộ nghèo (0,3%), thời gian hỗ trợ lãi suất là 3 năm kể từ ngày vay.


BTV: Xin chuyển đến ông câu hỏi về chương trình cho vay học sinh sinh viên: Thưa ông, con trai tôi khi đi học đại học được vay vốn từ chương trình tín dụng đối với học sinh sinh viên, nhưng ngay sau khi tốt nghiệp chưa xin được việc làm thì có lệnh gọi nhập ngũ. Vậy trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự con trai tôi có được gia hạn khoản vay không, nếu được gia hạn thì lãi suất như thế nào?

* Ông Nguyễn Minh Hưng - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái:

Học sinh sinh viên vay vốn từ chương trình HSSV ngay sau khi tốt nghiệp chưa có việc làm có giấy gọi nhập ngũ được kéo dài thời gian trả nợ, miễn lãi trong thời gian phục vụ tại ngũ của sinh viên đó nhưng tối đa không quá 24 tháng kể từ ngày nhập ngũ. Thời gian phục vụ tại ngũ được tính từ  thời gian ghi trên lệnh nhập ngũ đến ngày kết thúc thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự.

BTV: Thưa ông. Được biết có không ít hộ nghèo sau khi vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã thoát nghèo nhưng không bền vững bởi họ chỉ cần gặp một rủi ro về kinh tế hay gia đình có người đau ốm, tai nạn là họ lại có thể tái nghèo. Để tiếp sức cho các hộ gia đình này có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát hẳn nguy cơ tái nghèo, hiện nay Nhà nước có cơ chế chính sách ưu đãi gì không?


* Ông Nguyễn Minh Hưng - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái:

Trong thời gian qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã chung tay góp phần cùng với rất nhiều nguồn vốn đầu tư khác của Chính phủ giúp hộ nghèo thoát nghèo. Tuy nhiên ranh giới giữa hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ không phải là hộ nghèo cận nghèo là rất nhỏ do vậy chỉ cần một tác động nhỏ trong đời sống xã hội là có nguy cơ tái nghèo.

Để giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững cần rất nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau, đối với NHCSXH đã có chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo để giúp hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, các đối tượng khác thoát nghèo mà không phải là hộ cận nghèo có thể vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm, chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Ngoài ra, để giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững NHCSXH VN đang đề nghị Chính phủ có chính sách cho vay đối với hộ mới thoát nghèo.


BTV:  Hiện nay có nhiều ý kiến phản ánh việc xác nhận cho các đối tượng vay vốn, nhiều địa phương triển khai khác nhau, có nơi thì quá chặt, ngược lại có nơi thì lỏng lẻo; cá biệt có một số địa phương khi hộ có nhu cầu vay vốn không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì đều xác nhận là hộ khó khăn về tài chính để được vay vốn… Vậy Ngân hàng có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

* Ông Nguyễn Minh Hưng - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái:

Phải khẳng định là quy trình cho vay hiện nay của NHCSXH là rất thuận lợi cho người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn, thủ tục cho vay đơn giản, nhanh chóng xong lại rất chặt chẽ. Việc bình xét cho vay hiện nay đều được thực hiện công khai, dân chủ từ thôn, bản tổ dân phố có sự chứng kiến của trưởng thôn, các tổ chức chính trị xã hội cấp xã, hộ nghèo tự bình xét cho nhau vay vốn, việc xác nhận đối tượng được ban giảm nghèo các xã, phường thị trấn xét duyệt chặt chẽ.

Đối với mỗi chương trình cho vay của NHCSXH lại có đối tượng được vay khác nhau:

- Chương trình hộ nghèo thì chỉ hộ nghèo mới được vay.

- Nhưng chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn thì cả hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có thu nhập bằng 150% hộ nghèo, hộ có khó khăn đột suất về tài chính vẫn được vay vốn.

- Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường thì hộ chỉ cần ở khu vực nông thôn là được vay vốn.

Trong  thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng với các tổ chức chính trị xã hội, các ngành, UBND các xã  phường tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm túc công tác bình xét cho vay, công khai hoá các hộ có dư nợ, tăng cường công tác tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của người vay. Đề nghị xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ cho vay sai đối tượng thụ hưởng, kiên quyết thu hồi vốn với những hộ không đúng đối tượng.

BTV: Vâng xin cảm ơn câu trả lời của ông. Thưa ông, hiện nay những chính sách ưu đãi tín dụng có được áp dụng đối với các tổ chức, HTX, doanh nghiệp hay không? Ông có thể chia sẻ một số thông tin cũng như kết quả triển khai cho vay ưu đãi đối với nhóm đối tượng này?

* Ông Nguyễn Minh Hưng - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái:

Trong 10 chương trình tín dụng chính sách hiện nay đang triển khai tại tỉnh Yên Bái có 2 chương trình là chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại vùng khó khăn và chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm có đối tượng thụ hưởng là cả hộ gia đình và HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tổng nguồn vốn 2 chương trình này là rất nhỏ, tổng cả hai nguồn là 78 tỷ đồng, trong khi đó 3 năm gần đây nguồn cho vay vốn giải quyết việc làm (GQVL) Yên Bái không được Trung ương giao tăng trưởng, Nguồn vốn cho vay vốn GQVL trong những năm qua giúp một số doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã có vốn sản xuất, tạo được nhiều việc làm cho lao động tại địa phương.

BTV:  Ông có thể chia sẻ thông tin về kết quả triển khai “xã điểm về tín dụng chính sách” thời gian qua và hướng mở rộng trong thời gian tới? xin mời câu trả lời của ông.

* Ông Nguyễn Minh Hưng - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái:

Năm 2014, NHCSXH xây dựng mô hình xã điểm về tín dụng chính sách với 11 tiêu chí, bước đầu thực hiện thí điểm tại 9 xã trên toàn tỉnh, các xã được lựa chọn làm điểm là các xã có chất lượng trung bình và kém. Đến hết năm 2014, sau khi nghiệm thu, đánh giá toàn bộ 9 xã được chọn làm điểm đều có sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động, đặc biệt là chất lượng tín dụng và nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt, trong đó 5 xã đã đạt được toàn bộ 11 tiêu chí.

Với những kết quả triển khai năm 2014, năm 2015, Chi nhánh đã điều chỉnh lại một số tiêu chí cho phù hợp và triển khai thực hiện mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh với số xã đăng ký 50% số xã trên toàn tỉnh.

BTV: Vâng. Hiện nay nguồn tín dụng ưu đãi đang ngày càng thể hiện vai trò then chốt trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Xin ông cho biết việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn, vướng mắc và hạn chế gì? Đặc biệt là công tác quản lý của chính quyền cấp cơ sở đối với các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Ngân hàng Chính sách xã hội đã có giải pháp gì để khắc phục hạn chế này?

* Ông Nguyễn Minh Hưng - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái:

Hoạt động NHCSXH thời gian vừa qua gặp rất nhiều thuận lợi song cũng còn không ít những khó khăn, vướng mắc:

1. Nguồn vốn: Phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn cấp từ Trung ương nên khó chủ động được nguồn vốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn từ người nghèo, các đối tượng chính sách khác.

2. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh song còn chưa sâu rộng và hiệu quả còn chưa cao do vậy vẫn còn một bộ phận hộ nghèo chưa hiểu và chấp hành tốt quy định trong vay trả.

3. Một số chương trình tín dụng có tỷ lệ nợ quá hạn cao như chương trình cho vay vốn đi lao động nước ngoài và chương trình cho vay vốn GQVL.

4. NHCSXH và các tổ chức chính trị xã hội chưa làm tốt công tác hướng dẫn, giúp đỡ người nghèo cách làm ăn và sự phối hợp giữa vốn vay với khuyến nông, khuyến lâm. Do vậy hiệu quả sử dụng vốn của người nghèo còn chưa cao.

Và giải pháp để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên đó là Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách.

- Bám sát các chương trình phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh để định hướng đầu tư vốn.

- Tranh thủ tối đa sự ủng hộ của NHCSXH để bổ xung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là tuyên truyền trực tiếp tới người dân để người dân hiểu và chấp hành tốt quy định trong vay vốn.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành đối với tín dụng chính sách.

- Thực hiện nghiêm túc công tác bình xét cho vay đảm bảo công khai, dân chủ từ thôn, bản.

- Tăng cường phối hợp giữa vay vốn với hướng dẫn sử dụng vốn, khuyến nông, khuyến lâm để nâng cao hiệu quả vốn vay.

Vâng xin cảm ơn ông Nguyễn Minh Hưng - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Những ưu đãi từ chính sách cho vay vốn đối với hộ nghèo, cận nghèo, học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách được triển khai kịp thời, đúng đối tượng đã phát huy được hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Để phát huy hơn nữa những ưu đãi của chính sách này mỗi đối tượng hỗ trợ cần quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích nguồn vốn được vay để nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu và xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Quý vị có câu hỏi, ý kiến cần các cơ quan chức năng giải đáp xin mời gửi đến chuyên mục "Giải đáp chính sách" trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh qua địa chỉ thư điện tử banbientapcong@yenbai.gov.vn.

Theo dõi video Ngân hàng CSXH giải đáp về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách tại đây.

4125 lượt xem
Lan Hương - Thanh Bình - Tiến Lập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h