Thực tế, qua các đợt giám sát tại một số
địa phương, các nghị quyết của HĐND tỉnh đã cơ bản tháo gỡ nhiều khó khăn trong
công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS - KHHGĐ), xây dựng chuẩn quốc gia
về y tế và công tác khám bệnh chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tuy
nhiên, vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần tiếp tục được quan tâm giải quyết.
Trước hết đối với công tác DS - KHHGĐ, cùng
với các chính sách của trung ương, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 27 về Thực
hiện Chiến lược DS và chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) tỉnh Yên Bái giai
đoạn 2011 - 2015, Nghị quyết 29/2012/NQ-HĐND ngày 12/12/2012 của HĐND tỉnh về
một số chính sách hỗ trợ công tác DS - KHHGĐ tỉnh giai đoạn 2012 - 2016. Nhờ đó,
công tác DS - KHHGĐ ở các địa phương đã được triển khai một cách thuận lợi, tỷ
lệ phát triển dân số tự nhiên đã giảm; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi
sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng khá: huyện Mù Cang
Chải tỷ lệ này tăng từ 50,5% năm 2010 lên 67% năm 2014; huyện Văn Yên đạt
74,5%.
Hàng năm, công tác tuyên truyền nhằm nâng
cao nhận thức của nhân dân về công tác DS- KHHGĐ được đẩy mạnh dưới nhiều hình
thức; mô hình các câu lạc bộ SKSS, tư vấn tiền hôn nhân, câu lạc bộ “Mẹ và con
gái”, “Cha và con trai” được thành lập và đi vào hoạt động đã tác động thiết
thực đến nhận thức của nhân dân, đồng thời cũng là cầu nối chuyển tải các thông
điệp quan trọng của chương trình dân số đến mọi đối tương. Cùng với đó, các
chiến dịch cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ được tổ chức rầm rộ, thuận lợi đã thu hút
số lượng lớn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các dịch vụ.
Đối với xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia
về y tế theo các quyết định của Bộ Y tế, Nghị quyết 14 năm 2012 của HĐND tỉnh
về xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 -
2015 và Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai
đoạn 2012 - 2015 của UBND tỉnh đã mang lại bước chuyển quan trọng cả về nhận
thức và hành động đối với trạm y tế xã. Các trạm y tế đã đăng ký duy trì, xây
dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đã được xây mới và nâng cấp sửa chữa đã
đáp ứng tiêu chí quốc gia về y tế.
Có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thu
gom và xử lý rác thải y tế theo quy định. Các hoạt động chuyên môn tại các trạm
y tế xã đã từng bước được củng cố đi vào nề nếp, đồng thời nâng cao được chất
lượng khám bệnh, chữa bệnh (KB,CB), chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Về
kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về giá một số dịch vụ KB, CB trong
các cơ sở KB, CB của Nhà nước đã mang lại những thuận lợi nhất định trong công
tác KB, CB ở các địa phương.
Theo đó, việc tính chi phí KB, CB và thu
viện phí chính xác, nhanh chóng giảm thiểu sự chờ đợi của bệnh nhân. Nguồn kinh
phí thu từ dịch vụ KB, CB đã tạo điều kiện giúp các cơ sở y tế nâng cao khả
năng phục vụ bệnh nhân, tăng nguồn thu đầu tư trở lại các trang thiết bị,
phương tiện phục vụ công tác KB, CB. Điển hình, tại Trung tâm Y tế huyện Văn
Yên nguồn này đã đầu tư duy tu bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất; mua
ghế phòng chờ, chăn màn quần áo, đệm… phục vụ người bệnh. Năm 2013, số tiền đầu
tư trở lại là trên 1,5 tỷ đồng; năm 2014 là trên 930 triệu đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hiệu
quả từ các nghị quyết này thì vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục được quan tâm
giải quyết bằng việc bổ sung các chính sách mới phù hợp hơn để đáp ứng yêu cầu
thực tiễn. Đó là, công tác DS - KHHGĐ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình
trạng sinh con thứ ba tăng và mất cân bằng giới tính khi sinh; tình trạng tảo
hôn, hôn nhân cận huyết thống. Có những địa phương tình trạng sinh con thứ ba
trở nên phổ biến, thậm chí có cả cán bộ, đảng viên vi phạm (theo báo cáo của
huyện Mù Cang Chải). Hoặc là, ở huyện Văn Yên hầu hết các xã, thị trấn đều để xảy
ra tình trạng sinh con thứ ba.
Trong khi đó, cán bộ làm công tác dân số,
cộng tác viên dân số chế độ thù lao thấp không mặn mà với công việc; nguồn lực
dành cho các hoạt động truyền thông, các chiến dịch, hoạt động của các câu lạc
bộ… hết sức hạn chế và hầu như không có kinh phí để hoạt động. Bởi vậy, các địa
phương đều đề nghị, để công tác DS- KHHGĐ được thuận lợi rất cần được đầu tư
nguồn lực cho các hoạt động, đồng thời đưa cán bộ chuyên trách dân số vào biên
chế nhà nước. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ đối với công tác dân số ở vùng đặc
biệt khó khăn. Việc thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế ở các địa phương còn
rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Nhiều trạm y tế đã xuống cấp hoặc không
đủ số phòng theo quy định, thiếu trang thiết bị y tế, thiếu cán bộ, bác sĩ…
Đối với các trung tâm y tế tuyến huyện, mặc
dù các nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành như nghị quyết về chính sách thu hút,
hỗ trợ đào tạo trong lĩnh vực y tế đã tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực. Song, do thiếu cán bộ đảm đương nhiệm vụ chuyên môn nhất
là ở các bệnh viện, do vậy ít cán bộ được cử đi học tập nâng cao trình độ nên
cũng chưa tranh thủ được chính sách quan tâm ưu đãi của tỉnh. Hoặc là, đã có
chính sách thu hút nhưng vẫn không thu hút được cán bộ nhất là với vùng cao.
Hầu hết các bệnh viện thuộc trung tâm y tế còn trong tình trạng quá tải do
thiếu cán bộ, bác sĩ, thiếu cơ sở vật chất… Những khó khăn, tồn tại đó
rất cần có các giải pháp, chính sách đồng bộ, kịp thời tháo gỡ nhằm đảm bảo các
điều kiện cho hoạt động của lĩnh vực y tế nói riêng và các mặt đời sống, xã hội
của tỉnh nói chung.
(Theo Báo Yên Bái)