* Cử tri
đề nghị nhà nước xem xét mở rộng đối tượng các hộ thuộc diện trung bình ở vùng
đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo như: vay
vốn cho học sinh, sinh viên học tập… vì trên thực tế khoảng cách chênh lệch về
thu nhập giữa hộ trung bình với hộ cận nghèo và hộ nghèo là không nhiều. Qua đó
hạn chế những thắc mắc, so bì trong nhân dân.
Bộ Tài Chính trả lời:
Các năm vừa qua Nhà nước đã ban hành
nhiều chính sách chế độ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của
nhân dân, qua đó góp phần thu hẹp chênh lệch về mức sống giữa các nhóm dân cư,
giữa các vùng miền, nhất là người có công với cách mạng, người nghèo, người dân
tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa, người
khuyết tật, trẻ mồ côi, người yếu thế trong xã hôị… có cuộc sống ổn định; đồng
thời tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất, xóa đói
giảm nghèo, đảm bảo công bằng xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng, ổn định
chính trị xã hội.
Đối với chính sách cho học sinh,
sinh viên vay vốn được thực hiện theo Quyết định số 157/2001/QĐ-TTg ngày
29/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Đối
tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi gồm:
- Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha
lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao
động.
- Học sinh, sinh viên là thành viên
của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy
định của pháp luật; Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng
150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của
pháp luật.
- Học sinh, sinh viên mà gia đình
gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh
trong thời gian theo học có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
nơi cư trú.
Đối tượng thụ hưởng chính sách vay
vốn nói trên là rất rộng, khoảng 2,2 triệu học sinh, sinh viên, mức cho vay là
1,1 triệu đồng/ tháng/học sinh, sinh viên (được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh
theo Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 19/7/2013 về việc điều chỉnh mức cho vay
đối với học sinh, sinh viên) thì quy mô của chương trình khoảng 40.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn để cho vay bao gồm nguồn cấp từ ngân sách nhà nước, trái phiếu do
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phát hành, NHNN cấp bù lãi suất, phí quản
lý. Tuy nhiên, do khả năng huy động vốn của NHCSXH còn hạn chế, vì vậy Ngân
hàng nhà nước Việt Nam, Kho bạc nhà nước đang phải hỗ trợ tạm ứng cho NHCSXH
có vốn đảm bảo duy trì chương trình này. Việc mở rộng đối tượng cho vay cần có
nguồn lực tài chính để cân đối; trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn,
khả năng huy động vốn của NHCSXH cũng không dễ.
Thời gian tới, nguồn thu từ NSNN còn
hạn hẹp, yêu cầu phải tăng chi đầu tư phát triển, tăng chi trả nợ để đảm bảo an
ninh tài chính quốc gia, tăng chi quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu trong
tình hình hình mới và phải ưu tiên dành nguồn để cải cách tiền lương. Vì vậy,
Bộ Tài chính thấy rằng trong thời gian tới cần tập trung nguồn lực phục vụ tốt
các đối tượng theo quy định hiện hành.
* Đề nghị
Chính phủ nghiên cứu xem xét nâng mức cho vay từ 8 triệu đồng/ hộ được quy định
tại Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 4/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về “
Ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số
đặc biệt khó khăn khăn giai đoạn 2012-2015” lên 12 triệu đồng/hộ để người dân
có thêm nguồn vốn phát triển sản xuất.
Ủy ban Dân tộc trả lời:
Hiện tại do điều kiện ngân sách còn
nhiều khó khăn nên định mức cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn
vay vốn phát triển sản xuất là 8 triệu đồng/hộ (Quy định tại Quyết định sô
54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Ngoài ra, các hộ đồng bào dân tộc
thiểu số đặc biệt khó khăn còn được vay vốn theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP
ngày 4/10/2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác
với mức tối đa là 50 triệu đồng, lãi suất 0,6%/tháng. Vì vậy, một hộ đồng bào
dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được hỗ trợ cho vay tối đa là 58 triệu đồng khi
có nhu cầu phát triển sản xuất.
Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ sẽ hết hiệu lực vào năm 2015, sau năm 2015 nếu nhu cầu của hộ
dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn về vay vốn phát triển sản xuất vẫn còn, Ủy
ban dân tộc sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành Chính sách mới theo hướng tăng
định mức cho vay phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất của người dân, giá cả
tại thời điểm ban hành và tình hình kinh tế xã hội của đất nước.