Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn: Tư duy và chính sách

16/04/2015 07:55:52 Xem cỡ chữ Google
Phát triển giáo dục - đào tạo ở tỉnh miền núi có nhiều dân tộc với quá nửa dân số là đồng bào dân tộc thiểu số ở 70 xã vùng cao và 58 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có hai huyện 30a nằm trong 62 huyện nghèo nhất nước như Yên Bái luôn là một khó khăn, thách thức lớn.

Học sinh bán trú ở Mù Cang Chải.

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, các cấp ủy, chính quyền, ngành giáo - dục đào tạo đổi mới tư duy, vào cuộc với quyết tâm cao, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt đã và đang tạo ra chuyển biến tích cực, rõ nét hình thành nền tảng căn bản để giáo dục vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn phát triển đi lên ...

Năm 1995, chúng tôi lên điểm Trường phổ thông cơ sở xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải). Trường trên đỉnh núi. Muốn lên, phải đi bộ hoặc đi ngựa. Điểm trường có một lớp ghép. Lớp có 7 học sinh người Mông. Cô Thủy – người Kinh dưới Văn Chấn, cô Nga – người dân tộc Thái ở Mường Lò (Nghĩa Lộ) ngồi hiên trông mưa, ngóng trò ra lớp và tiếp chúng tôi trong nỗi buồn vời vợi. Tết Mông xong, cô lên lớp, trò vẫn nghỉ. Ngày mùa, cô trên lớp, vẫn có trò nghỉ. Ngày mưa, lớp vắng hơn. Gạt sang một bên những khó khăn, cản trở từ lề thói, phong tục để thấy lý do rất thật như quả núi là quy mô trường lớp quá thiếu thốn. Cho dù giáo viên có “bốn cùng” với dân nhưng đường đi học quá xa, đồng bào còn lo cái ăn cho no bụng hơn cái chữ cho sáng đầu thì để học sinh ra lớp và duy trì số lượng là quá khó.

Mấy năm sau, chúng tôi lên. Hai cô đã bỏ về nhà làm nghề may và uốn sấy tóc. Bảng, phấn, ghế, bàn để lại bản. Những em nhỏ người Mông vẫn dựa lưng ê a trong lớp ghép - một thời kỳ rất khó khăn của giáo dục vùng dân tộc, vùng cao... Phát triển giáo dục - đào tạo ở tỉnh miền núi có nhiều dân tộc với quá nửa dân số là đồng bào dân tộc thiểu số ở 70 xã vùng cao và 58 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có hai huyện 30a nằm trong 62 huyện nghèo nhất nước như Yên Bái luôn là một khó khăn, thách thức lớn. “Cam go” ấy đã thôi thúc sự đổi mới tư duy, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các nhà lãnh đạo, quản lý.

Mô hình bán trú mở ra, từng bước giải quyết những vấn đề cụ thể của giáo dục dân tộc, vùng cao. Còn nhớ, năm 2012 chúng tôi lên công tác tại Nậm Lành - xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn - nơi tỷ lệ hộ nghèo còn 51,2%. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Nậm Lành bấy giờ có 245 học sinh, trong đó  168 em bán trú. Học sinh nhà xa trường nhất gần 17 cây số, gần cũng trên 5 cây số. Tính bình quân, từ nhà đến lớp khoảng 10 cây số. Năm học có 9 tháng. Mỗi tháng các em bán trú về nhà 4 lần để lấy gạo, muối, mắm, rau, măng. Cả đi và về bình quân 80 cây số/em. Như vậy, mỗi học sinh đi bộ 720 cây số/năm. 168 em đi bộ ngót 120.970 km đường rừng tới lớp. Nếu không mở ra bán trú thì các em học ở đâu? Số km đường rừng tới lớp của chúng sẽ lên đến bao nhiêu nữa? Đến bao giờ nhà trường mới có tỷ lệ chuyên cần học sinh đạt 98 - 99%?.

Nghị quyết của Đảng luôn nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển giáo dục dân tộc. Chủ trương là định hướng, quan điểm là chỉ đạo, nhưng để thực hiện được cần có chính sách. Không có chính sách như đi đường dốc trơn không có gậy. Câu chuyện này, trong lần gặp gỡ hiếm hoi đôi năm trước với ông Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo, ông nói sâu sắc: “Vùng cao, dân cư rải rác, giao thông cách trở, phải có nguồn lực cực kỳ to lớn mới đáp ứng được nhu cầu cơ sở vật chất, trường lớp học. Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy - HĐND -UBND đã quan tâm nhưng không thể giải quyết ngay một lúc, phải từng bước và cộng đồng nguồn lực”.

Yên Bái là tỉnh miền núi nghèo nhưng 2/3 ngân sách dành cho giáo dục. Sự quan tâm của tỉnh, trong đó có vai trò tham mưu của ngành GD - ĐT góp phần với tỉnh hoạch định những quyết sách lớn cho sự nghiệp giáo dục ở vùng dân tộc. Trong nhiệm kỳ qua, một loạt chính sách đã được tỉnh ban hành, triển khai thực hiện. Năm 2009, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 22/2009/NQ - HĐND về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT). Hai năm sau, ban hành Đề án phát triển giáo dục mầm non; Nghị quyết 43/2011/NQ - HĐND phê duyệt Đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia với mục tiêu từng bước hỗ trợ cho giáo dục dân tộc.

Năm 2013, là Quyết định 50/2012/QĐ - UBND về tiêu chí xét duyệt học sinh bán trú. Tỉnh ủy có Chỉ thị số 19-CT/TU  ngày 12/7/2013 về tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTBT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2013 - 2015... Nghị quyết 22/2009/NQ - HĐND có thể coi là một quyết sách có tính đột phá trong sự nghiệp phát triển giáo dục dân tộc Yên Bái. Trong các năm từ 2009 – 2012, Yên Bái đã chuyển đổi 38/72 trường tiểu học, THCS, TH&THCS thành trường PTDTBT; hỗ trợ cho các trường PTDTBT và học sinh bán trú trên 58,9 tỷ đồng, đó là những nỗ lực rất lớn.

Giờ học thể chất của học sinh Trường PTDTBT THCS xã Khao Mang (Mù Cang Chải).

Ông Nguyễn Văn Xa – Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu khẳng định: “Nghị quyết đã “mở” trường, “mở” lớp cho con em đồng bào; các chính sách hỗ trợ đã nâng bước các em tới lớp; học sinh có thêm điều kiện ăn, học, cơ bản không còn tình trạng bỏ học”. Theo Trưởng phòng GD - ĐT huyện Trạm Tấu - Phạm Mạnh Tưởng, tính riêng năm học 2013 – 2014, huyện Trạm Tấu có 10 trường PTDTBT tiểu học và THCS với 139 lớp và 3.566 học sinh, tăng 2.129 học sinh so với năm học trước. 2.394/5.834 học sinh được hưởng chế độ bán trú, so với trước khi thực hiện Nghị quyết đã tăng 2.394 em. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học đạt 99%, tăng 1,7%; học sinh đi học chuyên cần thường xuyên đạt 93 - 98%, tăng 3,43% so với trước khi thực hiện Nghị quyết...

Làm việc với Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thị Minh Lý, chúng tôi biết thêm, từ năm 2011 – 2014, tỉnh đã cấp trên 168,5 tỷ đồng cho các trường phổ thông DTBT và học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ. Toàn tỉnh đã có trên 79.200 học sinh phổ thông là người dân tộc, chiếm 57,2%; tỷ lệ học sinh con em các gia đình chính sách chiếm 49,8%. Yên Bái đã có 9 trường phổ thông DTNT ở cấp THCS, THPT. So với năm 2010 - 2011, học sinh DTNT tăng 33,0%; tỷ lệ học sinh người dân tộc được học tại trường phổ thông DTNT THCS tăng 1,6%, trường THPT tăng 4,4%. Toàn tỉnh đã có 43 trường PTDTBT, trong đó 12 trường tiểu học, 16 trường THCS, 15 trường TH&THCS. Chưa kể, 55 trường có học sinh bán trú với trên 13.800 học sinh hưởng chính sách hỗ trợ - năm 2010 chỉ có 4.799 học sinh diện bán trú dân nuôi. Huy động học sinh ra lớp, chống bỏ học, duy trì số lượng luôn là bài toán “đau đầu” của giáo dục dân tộc, vùng cao những năm trước đây. Đáng mừng là thời kỳ học sinh bỏ học tràn lan, có nơi tới mấy chục phần trăm đã cơ bản chấm dứt. Tính bình quân cả tỉnh ở ba cấp học, hiện chỉ còn 0,5%.

o với năm 2008, tỷ lệ học sinh bỏ học bậc tiểu học giảm 2,58%, THCS giảm 5,72%, THPT giảm 9,10%. Thực tế ở một số nhà trường, trong đó có trường PTDTBT THCS xã Lao Chải (Mù Cang Chải), chúng tôi ghi nhận những kết quả tích cực mà mô hình bán trú đem lại. Từ một cơ sở giáo dục rất khó khăn trong huy động học sinh ra lớp, giữ chuyên cần, duy trì số lượng, năm học 2013 – 2014 nhà trường đã có 11 lớp với 370 học sinh. So với năm học trước, tăng 2 lớp với 60 học sinh; học sinh bán trú tăng 49 em. Phát triển trường PTDTBT cũng đã thúc đẩy nhanh quá trình củng cố, duy trì phổ cập giáo dục. Toàn tỉnh có 180/180 đơn vị cấp xã; 9/9 đơn vị cấp duy trì chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH), 174 đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi. PCGD THCS được củng cố và đẩy mạnh thực hiện theo hướng đảm bảo chất lượng. Tỷ lệ học sinh 15 đến 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt 88,3%, tăng 3,4%. Đến nay, 180 đơn vị cấp xã, 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGD THCS; 175/180 đơn vị cấp xã và 8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGD mầm non.

Bước phát triển của giáo dục dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn những năm qua mang dấu ấn của một nhiệm kỳ lãnh đạo. Những quyết sách riêng của tỉnh cùng với các chính sách của trung ương tạo điều kiện thuận lợi, có tác dụng như những “cú huých” liên tục, mạnh mẽ thúc đẩy giáo dục dân tộc, vùng cao đi lên. Theo chúng tôi, những thành tựu đó có được nhờ sự đổi mới tư duy; giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra một cách khoa học; từng bước tạo nền tảng vững chắc bằng việc giải quyết vấn đề căn bản nhất của giáo dục dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn của Yên Bái - chính sách đã đi vào cuộc sống.

2289 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h