PV: Xin ông cho biết tiềm năng di sản văn
hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc trên địa bàn tỉnh?
Ông Nguyễn Văn Tiến: Hiện nay, trên địa
bàn tỉnh có 714 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 73 di tích đã được xếp
hạng (13 di tích cấp quốc gia, 60 di tích cấp tỉnh), lễ Cấp sắc của người Dao
xã Đại Sơn, tỉnh Yên Bái được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đưa vào
danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 1 di sản văn hóa tiếp tục trình
Bộ VHTTDL đưa vào danh mục bảo tồn văn hóa quốc gia, đó là 6 điệu xòe cổ của
người Thái ở Mường Lò. Hoạt động tu bổ, tôn tạo các di tích bảo đảm đúng tiến
độ, thực hiện đúng Luật Di sản văn hóa và các qui định của pháp luật.
PV: Ông cho biết tầm quan trọng, ý nghĩa
của công tác bảo tồn những giá trị văn hóa các dân tộc trong đời sống cũng như
góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?
Ông Nguyễn Văn Tiến: Văn hoá các dân
tộc thiểu số (DTTS) là một bộ phận cấu thành của nền văn hoá Việt Nam phong phú,
đậm đà bản sắc. Cùng với xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hóa khác
nhau đang xâm nhập vào đời sống xã hội ở vùng DTTS, gây ảnh hưởng mạnh đến văn
hóa truyền thống các DTTS, nhất là nguy cơ phai mờ, biến dạng bản sắc dân tộc.
Do vậy, bảo tồn, phát triển văn hoá các DTTS là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến
lược cần tiếp tục thực hiện thường xuyên và lâu dài.
Ông Nguyễn Văn
Tiến - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
|
Kế thừa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa
VIII), thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển
văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước,
Đảng và Nhà nước đã ban hành những chính sách cụ thể nhằm ưu tiên, phát triển
vùng DTTS và miền núi với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt “Các dân tộc trong đại
gia đình các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp
đỡ nhau cùng tiến bộ” phấn đấu “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam,
với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”.
Quán triệt Nghị quyết Trung ương 9 (khóa
XI), Sở VHTTDL đã đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa các DTTS. Công tác bảo tồn
đã góp phần phát huy những tinh hoa văn hóa vùng đồng bào DTTS, giới thiệu,
quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc vùng đồng bào DTTS tới bạn bè
trong nước và quốc tế, góp phần tăng cường giao lưu, hội nhập, phát triển, khích
lệ đồng bào DTTS giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình trong quá trình toàn
cầu hóa mạnh mẽ hiện nay. Đặc biệt, tăng cường giải pháp đưa công tác bảo tồn
văn hóa các DTTS góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong
những năm qua, việc khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể điển hình của các
DTTS phục vụ du lịch đã và đang đem lại nhiều nguồn thu cho các địa phương, cải
thiện đời sống đồng bào các DTTS.
PV: Ngành VHTTDL đã tham mưu với tỉnh
thực hiện công tác bảo tồn những giá trị văn hóa các DTTS như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Tiến: Sở VHTTDL đã đẩy
mạnh công tác bảo tồn các giá trị văn hóa của các DTTS, góp phần đưa Yên Bái
trở thành một trong những địa phương điển hình trong công tác bảo tồn, phát
triển giá trị văn hoá các DTTS. Sở đã làm tốt công tác tham mưu với Ủy ban nhân
dân tỉnh tăng cường chỉ đạo và ban hành các văn bản thực hiện chính sách dân
tộc, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh,
thực hiện có hiệu quả Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam
đến năm 2020" của Chính phủ; tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và
thực hiện nhiều đề án như: "Bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hóa
các dân tộc 4 huyện phía tây tỉnh Yên Bái"; Đề án tổng thể "Bảo tồn,
khai thác và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 -
2010"; Chiến lược "Bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian các DTTS
tỉnh Yên Bái đến năm 2020", Đề án "Tổng điều tra và kiểm kê di sản
văn hóa các DTTS tỉnh Yên Bái"...
Cùng với đó, Sở VHTTDL đã đẩy mạnh các hoạt
động tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác
dân tộc, khích lệ đồng bào DTTS giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền
thống đặc sắc, từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ các tập quán lạc hậu, xóa đói
giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào. Công
tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các DTTS còn được Sở gắn với phát
triển đời sống văn hóa cơ sở thông qua tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan
văn nghệ, các chương trình giao lưu là những dịp giới thiệu, tôn vinh những nét
đẹp văn hóa truyền thống của các DTTS.
Từ năm 1997 đến năm 2014, Sở đã chỉ đạo các
đơn vị trực thuộc tiến hành bảo tồn 30 di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ hội
"Tăm khảu mảu" của người Tày xã Đồng Khê (Văn Chấn), “Lễ cúng cơm mới
của người Khơ Mú” xã Nghĩa Sơn, (huyện Văn Chấn), “Tết Xíp xí của người Thái
Đen Mường Lò” xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), “Lễ cúng họ Zù Su của người Mông”
xã Pú Luông (huyện Mù Cang Chải)...; phục dựng 4 nhà sàn truyền thống của người
Tày ở các huyện: Yên Bình, Lục Yên; nhà truyền thống của người Mông ở Suối
Giàng, bảo tồn làng cổ Pang Cáng của dân tộc Mông ở Suối Giàng, làng cổ Viềng
Công của dân tộc Thái ở Hạnh Sơn cùng ở huyện Văn Chấn, làng cổ Ngòi Tu của dân
tộc Cao Lan, xã Vĩnh Kiên (Yên Bình)...; phối hợp với các địa phương bảo tồn,
phát triển, khôi phục các làng nghề: nghề làm giấy dó của dân tộc Dao; nghề
rèn, chạm khắc bạc, xe lanh, dệt vải của người Mông, dệt thổ cẩm của người
Thái...
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và
phát huy di sản văn hóa của tỉnh đến năm 2020, Sở VHTTDL đặt trọng tâm thực
hiện một số nội dung, công tác bảo tồn văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh:
triển khai Đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Yên Bái
giai đoạn 2015 - 2025; triển khai kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Yên
Bái giai đoạn 3 (2015-2017); tiếp tục triển khai các dự án bảo tồn văn hóa phi vật
thể của các DTTS; lập danh sách các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai
một và tiến hành đưa vào danh mục bảo tồn văn hóa cấp quốc gia từ 4 - 5 di sản,
trong đó tập trung vào các DTTS Mông, Dao, Tày, Thái...; phối hợp với Ủy ban
nhân dân thành phố Yên Bái triển khai Đề án khảo sát, nghiên cứu, xây dựng hồ
sơ khoa học đề nghị xếp hạng các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố
giai đoạn 2015-2017; tiến hành các hoạt động tu bổ, tôn tạo các di tích trên
địa bàn tỉnh bảo đảm đúng tiến độ, thực hiện đúng Luật Di sản văn hoá và các
qui định của pháp luật; triển khai công tác sưu tầm các hiện vật phục vụ Dự án
trưng bày Nhà Bảo tàng tỉnh.
PV: Xin cảm ơn ông!
(Theo Báo Yên Bái)