Lên Mù Cang Chải, hãy dừng chân tại lưng đèo Khau Phạ để ngắm thung lũng Cao Phạ bát ngát trong màu lúa, bốn bề là núi giăng thành, những dãy núi uy nghi và tráng lệ như ý nghĩa của chính cái tên Khau Phạ - “Sừng Trời”. Đứng từ bên đèo, theo tầm mắt thẳng phía trước, thấy một con đường như sợi chỉ mỏng vắt thẳng lên trời. Nơi xa tít tắp ấy là một bản nhỏ mang tên Lìm Mông.
Bản Lìm Mông - Xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, Tỉnh Yên Bái
Bản Lìm Mông, nằm bên Quốc lộ 32, thuộc xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Để đến với bản Lìm Mông, bạn có thể đi từ Hà Nội, theo đường Quốc lộ 32 tới Yên Bái, sau khi qua Tú Lệ khoảng 5km, tới chân đèo Khau Phạ, có một đường đèo rẽ phải, đó là đường đi vào bản Lìm Mông. Đường đèo khá dốc và vắt vẻo quanh sườn núi, bạn đi tiếp khoảng 3km sẽ đến bản Lìm Mông.
Đường vào Lìm Mông phải vượt qua bản người Thái nằm gần suối Nậm Có, theo đúng tập quán định cư và sinh sống của người Thái, ở gần nguồn nước. Những ngôi nhà sàn bản Lìm Thái nằm rải rác bên đường. Qua cây cầu treo thơ mộng là tới những con đường nhỏ như sợi chỉ dốc ngược lên núi, nơi có bản Lìm Mông giữa lưng chừng núi. Con đường đất đỏ, sống trâu, sống ngựa gập ghềnh bụi mờ trong nắng khô. Những góc cua vừa gắt, vừa dốc đến mức sẽ khiến chiếc xe máy của du khách như muốn trôi tuột lại phía chân dốc. Vào ngày mưa hẳn sẽ là một thử thách không nhỏ cho các tay lái, dù xe có đi số 1 nhưng vẫn chỉ dền dứ mà xoay tít quay vòng vì trơn trượt. Còn vài km nữa mới đến bản Lìm Mông cao cao, du khách muốn lên bản thì cũng phải đành để lại những chiếc xe máy lấm lem bùn đất nơi đầu dốc mà đi bộ ngược lên.
Tới bản Lìm Mông đồng nghĩa với việc du khách đã đến nơi tận cùng rồi, bởi từ đây trở đi sẽ không có đường dân sinh nữa, chỉ là những con đường đi nương, đi rừng mà thôi. Lìm Mông là bản của người Mông, của những trái tim tự do và đầy kiêu hãnh chỉ quen sống nơi núi cao, nơi giao thoa giữa trời và đất. Từ đỉnh Lìm Mông, nhìn về phía Cao Phạ nơi dừng chân của biết bao du khách, một cảm giác đầy mới lạ về những nơi tưởng đã quá thân quen hẳn sẽ khiến không ít người phải sững người trước bức tranh thiên nhiên kì vĩ. Bức tranh tuyệt mĩ ấy được tô điểm bởi những bậc thang loang loáng nước đan xen cùng màu mạ non được tạo nên bởi những bàn tay lao động ngày này qua tháng khác, năm nối năm cứ tích lũy, chắt lọc để tạo nên cuộc sống thanh bình và no ấm nơi vùng cao.
Có hai thời điểm đẹp mà bạn nên đến với Lìm Mông đó là vào tháng 5, tháng 6, mùa đổ nước và khoảng giữa tháng 9 đến tháng 10, mùa lúa chín.
Du khách đến với Lìm Mông vào tháng 5, tháng 6 bắt gặp những cơn mưa đầu mùa bắt đầu trút nước xuống những ngọn núi thì nước được dẫn từ trên núi vào các ruộng bậc thang. Nước tràn vào các thửa ruộng làm cho đất khô cằn trở nên mềm hơn và nở ra giúp bà con có thể cấy lúa. Đây cũng là thời điểm bà con bắt đầu xuống đồng cày cấy chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Chính vì thế ở các ruộng bậc thang miền núi phía Bắc, lúa chỉ có thể trồng được một vụ. Những bậc thang loang loáng nước trong nắng chiều tạo nên một vẻ đẹp khiến cho bao du khách phải ngỡ ngàng.
Du khách đến vào giữa tháng 9, tháng 10 sẽ thấy đây chính là khoảng thời gian đẹp nhất tại Lìm Mông, những thửa ruộng bậc thang như được nhuộm vàng óng bởi những bông lúa chín. Đến Lìm Mông vào dịp mùa lúa chín, du khách sẽ bị mê mẩn bởi vẻ đẹp của sắc vàng trên những thửa ruộng bậc thang nơi đây. Du khách sẽ ngẩn ngơ trước một vẻ đẹp có một không hai của những cánh đồng bậc thang, những thành quả lao động tuyệt vời của bà con dân tộc Mông suốt một năm. Hương lúa mới dịu ngọt như xua tan cái nắng hanh khô gay gắt. Những cánh lúa dài, trĩu hạt, vòng óng. Lúa cấy một mùa đang mang trên mình tấm áo của trù phú và ấm no. Lìm Mông là một trong những địa phương có cánh đồng lúa đẹp nhất Mù Cang Chải, đây cũng là nơi tụ tập của nhiều tay săn ảnh ruộng bậc thang mỗi khi đến mùa lúa.
Vào buổi chiều, Lìm Mông trở nên thơ mộng và đẹp lạ thường, đặc biệt là vào mùa gặt. Những đám mây nối đuôi nhau ngả màu hồng nhạt nơi cuối chân trời. Đàn chim bay mải miết trên những cánh đồng óng ả, mênh mông của mùa gặt hái. Lũ chim sẻ rinh rích trên mái nhà, nơi lúc lỉu những trái bí đỏ đã chín ửng. Gió xào xạc những sóng lúa vàng, lúa xanh dập dờn thoảng hương. Lũ trẻ í ới gọi nhau đưa trâu về nhà. Con đường nghiêng bóng vai gầy của những cô gái người Mông địu con về bản. Bản Lìm Mông thơ mộng chênh vênh nơi lưng chừng núi khiến bao du khách kiếm tìm để khám phá vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng.
11347 lượt xem
Ban Biên tập
Lên Mù Cang Chải, hãy dừng chân tại lưng đèo Khau Phạ để ngắm thung lũng Cao Phạ bát ngát trong màu lúa, bốn bề là núi giăng thành, những dãy núi uy nghi và tráng lệ như ý nghĩa của chính cái tên Khau Phạ - “Sừng Trời”. Đứng từ bên đèo, theo tầm mắt thẳng phía trước, thấy một con đường như sợi chỉ mỏng vắt thẳng lên trời. Nơi xa tít tắp ấy là một bản nhỏ mang tên Lìm Mông.Bản Lìm Mông, nằm bên Quốc lộ 32, thuộc xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Để đến với bản Lìm Mông, bạn có thể đi từ Hà Nội, theo đường Quốc lộ 32 tới Yên Bái, sau khi qua Tú Lệ khoảng 5km, tới chân đèo Khau Phạ, có một đường đèo rẽ phải, đó là đường đi vào bản Lìm Mông. Đường đèo khá dốc và vắt vẻo quanh sườn núi, bạn đi tiếp khoảng 3km sẽ đến bản Lìm Mông.
Đường vào Lìm Mông phải vượt qua bản người Thái nằm gần suối Nậm Có, theo đúng tập quán định cư và sinh sống của người Thái, ở gần nguồn nước. Những ngôi nhà sàn bản Lìm Thái nằm rải rác bên đường. Qua cây cầu treo thơ mộng là tới những con đường nhỏ như sợi chỉ dốc ngược lên núi, nơi có bản Lìm Mông giữa lưng chừng núi. Con đường đất đỏ, sống trâu, sống ngựa gập ghềnh bụi mờ trong nắng khô. Những góc cua vừa gắt, vừa dốc đến mức sẽ khiến chiếc xe máy của du khách như muốn trôi tuột lại phía chân dốc. Vào ngày mưa hẳn sẽ là một thử thách không nhỏ cho các tay lái, dù xe có đi số 1 nhưng vẫn chỉ dền dứ mà xoay tít quay vòng vì trơn trượt. Còn vài km nữa mới đến bản Lìm Mông cao cao, du khách muốn lên bản thì cũng phải đành để lại những chiếc xe máy lấm lem bùn đất nơi đầu dốc mà đi bộ ngược lên.
Tới bản Lìm Mông đồng nghĩa với việc du khách đã đến nơi tận cùng rồi, bởi từ đây trở đi sẽ không có đường dân sinh nữa, chỉ là những con đường đi nương, đi rừng mà thôi. Lìm Mông là bản của người Mông, của những trái tim tự do và đầy kiêu hãnh chỉ quen sống nơi núi cao, nơi giao thoa giữa trời và đất. Từ đỉnh Lìm Mông, nhìn về phía Cao Phạ nơi dừng chân của biết bao du khách, một cảm giác đầy mới lạ về những nơi tưởng đã quá thân quen hẳn sẽ khiến không ít người phải sững người trước bức tranh thiên nhiên kì vĩ. Bức tranh tuyệt mĩ ấy được tô điểm bởi những bậc thang loang loáng nước đan xen cùng màu mạ non được tạo nên bởi những bàn tay lao động ngày này qua tháng khác, năm nối năm cứ tích lũy, chắt lọc để tạo nên cuộc sống thanh bình và no ấm nơi vùng cao.
Có hai thời điểm đẹp mà bạn nên đến với Lìm Mông đó là vào tháng 5, tháng 6, mùa đổ nước và khoảng giữa tháng 9 đến tháng 10, mùa lúa chín.
Du khách đến với Lìm Mông vào tháng 5, tháng 6 bắt gặp những cơn mưa đầu mùa bắt đầu trút nước xuống những ngọn núi thì nước được dẫn từ trên núi vào các ruộng bậc thang. Nước tràn vào các thửa ruộng làm cho đất khô cằn trở nên mềm hơn và nở ra giúp bà con có thể cấy lúa. Đây cũng là thời điểm bà con bắt đầu xuống đồng cày cấy chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Chính vì thế ở các ruộng bậc thang miền núi phía Bắc, lúa chỉ có thể trồng được một vụ. Những bậc thang loang loáng nước trong nắng chiều tạo nên một vẻ đẹp khiến cho bao du khách phải ngỡ ngàng.
Du khách đến vào giữa tháng 9, tháng 10 sẽ thấy đây chính là khoảng thời gian đẹp nhất tại Lìm Mông, những thửa ruộng bậc thang như được nhuộm vàng óng bởi những bông lúa chín. Đến Lìm Mông vào dịp mùa lúa chín, du khách sẽ bị mê mẩn bởi vẻ đẹp của sắc vàng trên những thửa ruộng bậc thang nơi đây. Du khách sẽ ngẩn ngơ trước một vẻ đẹp có một không hai của những cánh đồng bậc thang, những thành quả lao động tuyệt vời của bà con dân tộc Mông suốt một năm. Hương lúa mới dịu ngọt như xua tan cái nắng hanh khô gay gắt. Những cánh lúa dài, trĩu hạt, vòng óng. Lúa cấy một mùa đang mang trên mình tấm áo của trù phú và ấm no. Lìm Mông là một trong những địa phương có cánh đồng lúa đẹp nhất Mù Cang Chải, đây cũng là nơi tụ tập của nhiều tay săn ảnh ruộng bậc thang mỗi khi đến mùa lúa.
Vào buổi chiều, Lìm Mông trở nên thơ mộng và đẹp lạ thường, đặc biệt là vào mùa gặt. Những đám mây nối đuôi nhau ngả màu hồng nhạt nơi cuối chân trời. Đàn chim bay mải miết trên những cánh đồng óng ả, mênh mông của mùa gặt hái. Lũ chim sẻ rinh rích trên mái nhà, nơi lúc lỉu những trái bí đỏ đã chín ửng. Gió xào xạc những sóng lúa vàng, lúa xanh dập dờn thoảng hương. Lũ trẻ í ới gọi nhau đưa trâu về nhà. Con đường nghiêng bóng vai gầy của những cô gái người Mông địu con về bản. Bản Lìm Mông thơ mộng chênh vênh nơi lưng chừng núi khiến bao du khách kiếm tìm để khám phá vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng.