Cũng
như rau; thịt, cá, trứng là những món đưa cơm chủ yếu không thể thiếu trong
bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Tuy nhiên, trên các phương tiện thông tin đại
chúng hàng ngày, đều bắt gặp tin tức về việc lực lượng chức năng phát hiện
những vụ kinh doanh nội tạng động vật thối, ngâm thịt lợn bị bệnh hay việc “phù
phép” để biến hoá những thực phẩm “siêu bẩn” với việc tẩy hay sử dụng hoá chất
để trở thành món ăn bắt mắt phục vụ thực khách và gần đây đã liên tiếp xảy ra
các vụ ngộ độc thực phẩm ở quy mô lớn trong các công ty, nhà máy đã khiến người
tiêu dùng không khỏi rùng mình và hoang mang, lo lắng.
Những tiểu thương
bán hàng lâu năm tại chợ Km6, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cho rằng để
phân biệt được thịt lợn sạch với thịt lợn không sạch bằng mắt thường thì có thể
thấy, lợn sạch là thịt hay có nhiều mỡ còn thịt lợn được nuôi bằng cám tăng
trọng thì lớp mỡ rất mỏng, chủ yếu là thịt nạc và kèm theo khẳng định, thịt lợn
và thịt gà ở đây toàn lấy ở nhà dân quanh khu vực thành phố nên người tiêu dùng
có thể yên tâm tin tưởng.
Trước sự lẫn lộn
giữa thực phẩm sạch, bẩn trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng luôn đau đầu
với câu hỏi: Đây có phải là thực phẩm sạch?
Tuy nhiên, những
lời khẳng định đó có chắc chắn là sự đảm bảo, tin tưởng cho khách hàng hay
không thì thực sự là câu hỏi khó trả lời. Thế nên, để chắc ăn, không biết từ
bao giờ, nhiều bà nội trợ đã hình thành thói quen bỏ thực phẩm vào luộc qua
nước sôi để loại bỏ nước bẩn trước khi chế biến. Chưa có cơ sở khoa học nào
khẳng định làm như vậy sẽ loại bỏ hết vi khuẩn nhưng cho đến nay, đó được coi
là là giải pháp tinh thần, tạm thời mang đến sự yên tâm cho người tiêu dùng khi
chế biến và sử dụng thực phẩm tươi sống.
Ngoài thực phẩm
tươi sống thì đồ ăn sẵn hay đồ ăn được chế biến ngay tại chợ cũng là lựa chọn
của những người bận rộn để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, đây là loại đồ ăn
tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe bởi người tiêu dùng không thể biết
được nguồn gốc của nguyên liệu để làm nên thực phẩm chín đó rồi công đoạn chế
biến, cách bảo quản, sử dụng chất phụ gia thực phẩm hay ngày hôm nay không
bán được để sang ngày hôm sau bán tiếp... cũng là mối lo ngại của các bà nội
trợ.
Hiện nay, toàn tỉnh
Yên Bái có trên 4.000 loại hình, cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong
đợt thanh tra, kiểm tra mới đây, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Ất Mùi 2015,
đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 2100
cơ sở, qua đó đã phát hiện 397 cơ sở vi phạm, trong đó có 22 cơ sở bị cảnh cáo,
36 cơ sở bị phạt hành chính với tổng số tiền phạt trên 100 triệu đồng; 39
cơ sở bị tiêu hủy với 563 sản phẩm, trị giá 120 triệu đồng…với chủ yếu những vi
phạm quy định về sử dụng nguyên liệu trong sản xuất, chế biến thực phẩm; vi phạm
quy định sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; vi phạm quy
định về sức khỏe người tiêu dùng; vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATVSTP
trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, chế biến suất ăn sẵn; vi phạm quy định về
điều kiện bảo đảm ATVSTP trong kinh doanh rau và thịt…
Trước sự lẫn lộn
giữa thực phẩm sạch, bẩn trên thị trường hiện nay, nhiều người đã tự tìm cho
mình cách riêng để “săn” được những thực phẩm thật sự sạch, đảm bảo an toàn sức
khoẻ cho bản thân và gia đình. Nhiều người gửi những chỗ tin cậy để mua thực
phẩm từ quê lên như gạo, gà chạy đồi, cá, trứng gà, trứng vịt... rồi để tủ lạnh
dùng dần; có những hộ lại chung nhau nuôi lợn rồi đụng lợn chung...
Nhà hàng Tùng
Dương, thành phố Yên Bái là địa chỉ hút khách trong và ngoài tỉnh không chỉ bởi
những món ăn ngon, đẹp mắt mà còn “có tiếng” bởi đây là nhà hàng có nguồn cung
cấp thực phẩm chính từ trang trại của gia đình nên tạo được uy tín với khách
hàng về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với hình thức chăn nuôi
khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi từ trang trại đến hàng
ăn, nhà hàng Tùng Dương luôn tạo được uy tín với khách hàng.
Nắm bắt được nhu
cầu khách hàng ngày càng kỹ tính trong việc lựa chọn thực phẩm, không những
ngon, bắt mắt mà phải đảm bảo được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà hàng
Tùng Dương đã xây trang trại rộng trên 15 ha ở thôn Bảo Minh, xã Minh Bảo,
thành phố Yên Bái, tự nuôi trồng để có được nguồn thực phẩm sạch. Với trên 250
con lợn nuôi theo phương pháp tự nhiên, được gọi là “lợn cắp nách” cùng rất
nhiều cá, gà, chim và các loại rau, bằng phương pháp nuôi truyền thống, cho ăn
bằng cám nấu, chủ yếu là rau, sắn, ngô, chuối... được thả rông chạy đồi, nhà
hàng luôn chủ động được nguồn thực phẩm phục vụ thực khách. Dù mới sơ khai
nhưng đây cũng là hình thức khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo
chuỗi từ trang trại đến hàng ăn mà hiện nay đang được khuyến khích. Nhưng không
phải ai cũng có điều kiện tự cung cấp thực phẩm sạch cho bữa ăn gia đình nên
chủ yếu người tiêu dùng vẫn trông chờ vào sự may rủi, tìm ở người bán quen để
an ủi mình.
Có thể nói, vấn đề
vệ sinh an toàn thực phẩm luôn làm đau đầu cơ quan chức năng và người tiêu dùng
khi ranh giới giữa 2 khái niệm “sạch – bẩn” còn rất mơ hồ và mong manh. Để giải
bài toán này thì trước tiên phải nâng cao nhận thức từ người sản xuất, người
kinh doanh đến người tiêu dùng, cũng như rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các
ngành chức năng để người tiêu dùng không phải hao tâm tổn tứ mỗi khi đi chợ với
câu hỏi: Đây có phải là thực phẩm an toàn? Và nỗi lo “bệnh từ... miệng” vẫn chưa
bao giờ kết thúc!