Chênh vênh cầu tạm
Từ ngày cây cầu treo được xây dựng theo dự
án xóa đói giảm nghèo bị sập, đã gần ba năm nay người dân ở bản người Dao, thôn
Giàng Cài (xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) phải tự làm một cây cầu
tạm để đi. Nhìn những chiếc xe máy chạy trên cầu tròng trành, lắc lư như đu
võng, nhiều người không khỏi giật mình thon thót. Cây cầu cũ ấy có bề mặt mấp
mô được ghép từ nhiều miếng gỗ đã bị mục, chỉ rộng vừa đủ cho một chiếc xe máy
đi qua. Các trụ cầu đều bằng những thanh gỗ nhỏ bé, cũng đang bị mục ruỗng dần,
càng tôn thêm vẻ chênh vênh và nguy hiểm mỗi khi có người đi qua cầu.
Ngồi trên chiếc xe máy cà tàng, sau xe giắt
đủ các đồ nghề làm rẫy, anh Lý Văn Hưng (dân tộc Dao, thôn Giàng Cài) cười nói:
“Ngày nào cũng đi làm nương qua đây. Biết là mất an toàn nhưng không còn đường
nào khác. Do đường lên cầu dốc cao và rất trơn, nên chuyện bị trượt bánh ngã xe
là bình thường. Từ ngày cầu treo bị sập, bà con trong bản đi lại rất khó khăn.
Các cháu, các con đi học vào mùa mưa lũ thì lo lắm. Cầu tạm, lũ có thể cuốn
trôi bất cứ lúc nào”.
"Đề án xây dựng 186 cầu treo
dân sinh ở 28 tỉnh, thành trong phạm vi cả nước của Bộ GTVT trong giai đoạn 1
khi thi công còn nhiều bỡ ngỡ nhưng từ đó sẽ rút kinh nghiệm, cải tiến kỹ
thuật. Ở giai đoạn 1 này, bà con ủng hộ rất nhiệt tình như: hiến đất, tạo
điều kiện cho công nhân xây dựng, làm xe chở vật liệu xây dựng vào công
trình… Dự án cầu treo, cầu dân sinh được các tổ chức nước ngoài rất quan tâm
nên không lo vấn đề vốn. Với riêng Yên Bái, sau khi rà soát thì cũng đã bổ
sung hơn 10 cầu để đảm bảo giao thông cho bà con đi lại”.
Ông Nguyễn Văn Huyện
Tổng cục trưởng
Tổng cục Đường bộ VN
|
Tại bản Mảm 1, xã An Lương, huyện Văn Chấn,
trước kia vào mùa cạn, dân dùng mảng, còn mùa lũ chỉ làm cái cầu phao để đi qua
suối Thia. Anh Hoàng Văn Quyết than thở: “Cách đây ba năm, có thằng chết mới 23
tuổi khi đi làm ruộng ở bản trên, qua suối lúc mưa lũ, nước to. Lúc qua cầu
phao mà con trâu nó lại đi xuống suối, lội xuống kéo trâu lên thế là bị lũ cuốn
đi mất”.
Chiếc cầu phao bập bềnh do người dân ở các
bản đóng góp gỗ, góp công sức để làm tạm cho các con đi học là những thanh gỗ,
cây tre ghép lại với nhau tròng trành trên mặt nước. Nếu hai chiếc xe máy cùng
đi qua có khi còn bị rơi xuống suối. Những đứa trẻ con nô nghịch trên mặt cầu
phao không có lan can bảo vệ cũng rất nguy hiểm. Trẻ con đi học đều phải có bố
hoặc mẹ đưa đi...
Ông Hoàng Văn Cội, Phó Chủ tịch UBND xã An
Lương cho biết: “Lượng người và phương tiện lưu thông qua cầu rất lớn, từ ba
bốn thôn, khoảng 200 hộ dân. Trước kia lưu thông qua suối chủ yếu dùng mảng,
cầu phao. Đã có nhiều người bị thiệt mạng, các thầy cô giáo từ bản trong đi dạy
chữ cũng rất khó khăn”.
Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến với
cầu Háng Giống (xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu). Người dân nơi đây thường chở lá
thuốc từ bản ra chợ bán. Những người bản khác lên bản người Mông lấy, mua cỏ
chau (nhiều nơi gọi là cỏ voi) về dưới xuôi bán… Đứng trên cầu thấy dòng suối
chảy siết dưới chân cầu tạm. Dân bản bảo, vào mùa mưa lũ, dòng suối có thể cuốn
băng cả những hòn đá to bằng con trâu đi. Vì thế cây cầu tạm ở đây cứ xây lên
lại bị lũ cuốn, người dân đi lại rất vất vả.
Chị Hoàng Thị Nhất (Bản Hát, thôn Hát 1, xã
Hát Lìu) kể: “Mình hay qua đây mua cỏ chau của người Mông, đi xe máy qua cầu hay
bị trượt bánh lắm. Có lần một nửa xe trượt khỏi cầu, từ đấy không dám đi xe máy
qua cầu nữa. Mùa mưa lũ người Mông nó cũng không dám cho con đi học chữ đâu”.
Có cầu mới, “dân sung sướng quá”
“Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc. Cả tỉnh
có đến 630km đường giao thông nông thôn, địa hình bị chia cắt, người dân sống
phân tán. Tại các vùng cao, bà con đi lại khó khăn và phải làm những cây cầu
tạm để đi qua những con suối, đường nhỏ, trơn và dốc khiến cho việc đi lại vô
cùng nguy hiểm. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 130 cầu treo xây dựng theo
công nghệ truyền thống. Đến năm 2014 có 11/130 chiếc cầu phải thay mới hoàn
toàn và có tới trên 50% cầu phải bảo dưỡng sửa chữa”, ông Bùi Danh Tú, PGĐ Sở
GTVT Yên Bái chia sẻ.
Ông Tú kể, chiếc cầu treo mới Háng Giống (xã
Bản Mù, huyện Trạm Tấu) đã được xây xong từ tháng ba vừa rồi. Bề mặt cầu với
thiết kế như một miếng lưới phẳng có những cái mắt hình chữ nhật, chiều dài cầu
70m. Với thiết kế này, cầu vừa có thể thoát nước tốt và không sợ bị bẩn. Có cầu
mới với thiết kế đảm bảo, chắc chắn người dân nơi đây bớt đi nỗi lo lắng.
“Các cháu đi học và các bà mẹ cũng an toàn
hơn. Có cầu rồi, tôi sẽ dành dụm tiền mua cái máy cắt cỏ để tăng năng suất”,
chị Nhất ở Bản Hát cười nói.
Còn cây cầu Mảm 1 (xã An Lương, huyện Văn
Trấn) dài 120m nối liền bản Mảm 1, Mảm 2. Người dân ở đây chủ yếu là trồng quế,
sắn, xa hơn nữa có cây thảo quả. Hàng ngày, họ đều chở nông sản qua cây cầu này
đi bán và phải đi lại qua cây cầu tạm nhưng năm nay được sự đầu tư của Nhà
nước, dân bản đã có cây cầu chắc chắn để đi.
“Có cầu mới rồi, dân thấy khoan khoái và sung
sướng quá”, một bà cụ đứng ở chân cầu thốt lên vui sướng. Trên nhịp cầu treo
mới, những đứa trẻ đi học về hồn nhiên nô đùa, cười nói, chạy nhảy mà không sợ
bị ngã xuống nước. Giờ đây, bố mẹ chúng cũng không cần bỏ việc ruộng nương đang
dở để đi đón con. Cũng không sợ con phải nghỉ học khi vào mùa mưa lũ. Những
chiếc xe chở quế, sắn cũng bon bon chạy trên cầu mà không còn sợ cảnh gặp nhau
giữa cầu tiến thoái lưỡng nan nữa.
Đến nay, cầu Mảm 1 và cầu Háng Giống đều đã
được đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan, vui sướng của bà con. Cầu Giàng Cài
mới bước đầu thi công. Được biết, để xây dựng cây cầu này, nhà thầu đã phải
chặt bỏ cả vườn quế hơn trăm cây của gia đình trưởng thôn. Tuy nhiên, trưởng
thôn không những nhiệt tình bàn giao mặt bằng mà hiến luôn đất để làm gương cho
bà con.
Ngày khởi công, chính tay trưởng thôn làm
lễ cúng Giàng, cúng thần cây, làm lễ động thổ… để giúp bà con yên tâm cũng như
giúp nhà thầu thuyết phục bà con để thi công xây dựng cầu ở vị trí gần cây
“Thần”. Trưởng thôn Giàng Cài bảo: “Làm được cầu to cho các cháu đi lại, bà con
đi làm thì còn gì bằng”.