Dự Hội nghị, tại điểm cầu Trung ương còn có các đồng chí Vũ Văn Ninh - Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương giảm nghèo bền vững; Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; các Bộ, cơ quan là thành viên Ban chỉ đạo: lãnh đạo UBND 30 tỉnh có huyện nghèo của cả nước. Tại điểm cầu Yên Bái có lãnh đạo các Sở: Lao động Thương binh và Xã hội, Tài chính, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Tư pháp; Ban Dân tộc tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; UBND các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải.
Ngày 27/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30a về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (nay là 64 huyện do quá trình điều chỉnh địa giới hành chính các huyện nghèo và thành lập các huyện mới). Mục tiêu chung mà Nghị quyết 30a đặt ra là tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, đảm bảo đến năm 2020 ngang bằng các huyện khác trong khu vực. Để thực hiện mục tiêu đề ra, cùng với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo chung, Chính phủ đã ban hành 4 nhóm chính sách đặc thù hỗ trợ các huyện nghèo. Sau 6 năm thực hiện, Nghị quyết 30a đã khẳng định đây là một chủ trương lớn, một quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân được nhân dân đồng tình ủng hộ, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số mong đợi và tích cực tham gia, đã và đang được tổ chức thực hiện có hiệu quả trên nhiều mặt. Cụ thể, nguồn lực phân bổ và huy động hỗ trợ các huyện nghèo theo Chương trình 30a trong 6 năm (chưa kể kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo chung như mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ nhà ở v.v…) là 20.189 tỷ đồng. Về mục tiêu giảm nghèo, giai đoạn 2009 - 2010, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 62 huyện nghèo đã giảm xuống còn 35% theo chuẩn nghèo cũ, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Giai đoạn 2011 - 2014, tổng số hộ nghèo tại 64 huyện nghèo đã giảm gần 38% so với số lượng hộ nghèo đầu giai đoạn từ 337.939 hộ nghèo còn 234.743 hộ nghèo cuối năm 2014. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo cơ bản đều đạt mức giảm bình quân khoảng 6%/năm, cao hơn mục tiêu 4% của Nghị quyết 30a. Về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, sau 6 năm đã có sự thay đổi rõ rệt, kinh tế từng bước phát triển; thu ngân sách trên địa bàn tăng; thu nhập bình quân đầu người được cải thiện; tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2014 đạt 30%; 100% số trung tâm xã và trên 90% số thôn bản đã có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; y tế, giáo dục được nâng lên; hệ thống chính quyền cơ sở được củng cố, tăng cường; an ninh quốc phòng được đảm bảo...
Tuy nhiên, đến cuối năm 2014, tỷ lệ nghèo bình quân của 64 huyện nghèo còn cao gấp 5,5 lần so với tỷ lệ bình quân của cả nước. Một số huyện tỷ lệ hộ nghèo còn cao trên 50%, cá biệt có huyện cao trên 60-70%; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo tăng...
Đại biểu Yên Bái theo dõi Hội nghị trực tuyến
Riêng tỉnh Yên Bái, sau hơn 5 năm thực hiện trên 2 địa bàn huyện nghèo Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã đạt được những kết quả bước đầu. Cơ cấu, cây trồng, vật nuôi chuyển dịch heo hướng sản xuất hàng hóa, diện mạo nông thôn vùng khó khăn được thay đổi, đường xá đi lại thuận lợi hơn, trường học, trạm xá được mới nâng cấp và xây mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, chấm dứt tình trạng đói kinh niên. Đội ngũ cán bộ xã, thôn được đào tạo bồi dưỡng, người lao động được đào tạo nghề phù hợp, nhận thức của người dân được nâng lên. Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo tại Trạm Tấu còn 66,7%, Mù Cang Chải còn 66,35%, dự kiến đến cuối năm 2014 tỷ lệ hộ giảm 6%/huyện, còn khoảng 60% mỗi huyện. Đạt kết quả tỉnh giao.
Tại Hội nghị, các huyện Lào Cai, Bắc Kạn, Hà Giang, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Ban Chỉ đạo Tây Bắc... đã phát biểu đóng góp ý kiến đánh giá toàn diện kết quả đạt được, chỉ ra những yếu kém trong thực hiện Nghị quyết và đề xuất những cách làm hay, phương hướng, nhiệm vụ nhằm thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Cũng tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo đã công bố quyết định khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ cho 7 tập thể, 1 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết.
Định hướng trong thời gian tới, giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục thực hiện các chương trình và chính sách giảm nghèo để đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững; tập trung ưu tiên đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới; tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sự liên kết vùng, khu vực giữa các vùng nghèo với các vùng phát triển; thực hiện phân cấp, trao quyền tối tối đa cho địa phương, cơ sở nhằm tăng tính tụ chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong điều hành, tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương... Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo ngang bằng mức trung bình của tỉnh; tỷ lệ lao động nông thôn qus đào tạo đạt trên 40%; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 14-15 triệu đồng/người/năm, có ít nhất 6 huyện thoát khỏi huyện nghèo. Đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo ngang bằng mức trung bình của khu vực; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần so với năm 2015, ít nhất 50% thoát khỏi tình trạng huyện nghèo.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những kết quả thực hiện Nghị quyết 30a và biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thời gian qua và đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đề cao trách nhiệm hơn nữa để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 30a. Cùng với đó, rà soát lại kết quả đạt được, xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện tốt. Đồng chí yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Đặc biệt các thành viên Chính phủ, Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức của ngành mình để nâng cao công tác giảm nghèo và có hiệu quả hơn nữa; các bộ, ngành theo chức năng trách nhiệm của mình phải hết sức quan tâm đến nhiệm vụ giảm nghèo bền vững; các địa phương phải đưa cụ thể mục tiêu, giải pháp giảm nghèo bền vững vào Nghị quyết đảng bộ.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Chỉ đạo rà soát để hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt là hoàn thiện, bổ sung thêm chính sách giao đất giao rừng, quản lý rừng, cơ chế hoạt động của các nông, lâm trường; có chính sách hỗ trợ về vốn, giống cho đồng bào dân tộc ở những vùng khó khăn phát triển chăn nuôi; chính sách về cho vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế; có chính sách doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn. Bên cạnh đó, cần giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho không, thay thế dần bằng các chính sách hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất, đơn giản về thủ tục đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Các Bộ, ngành, Trung ương hoàn thiện cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 30a và tăng cường nguồn lực đầu tư cho các hộ nghèo đẩy nhanh nhiệm vụ giảm nghèo, sử dụng lồng ghép và đầu tư có hiệu quả. Rà soát và phân cấp cho địa phương phù hợp. Chú ý khâu tổ chức, thực hiện, kiểm tra thanh tra, đôn đốc gắn liền thực hiện Nghị quyết. Cùng với đó làm tốt công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết 30a đề ra./.