Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Đào tạo nghề góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

10/05/2015 08:50:16 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong những năm qua, công tác phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển về quy mô, chất lượng. Việc đào tạo nghề cho người lao động được chú trọng quan tâm, tỷ lệ lao động qua đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên.

Giờ thực hành của học sinh lớp điện – Trường Trung cấp nghề DTNT Nghĩa Lộ

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh đã có 30.000 lao động nông thôn được hỗ trợ hoc nghề, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 74%. Chất lượng, hiệu quả dạy nghề đã đạt được những kết quả tích cực tạo chuyển biến về chất lượng lao động nông thôn cũng như chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, góp phần giảm nghèo và tạo việc làm đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tạo được nhiều việc làm mới, nhiều lao động nông thôn chưa mặn mà với học nghề. Nguyên nhân dân đến tình trạng này đó là công tác khảo sát nắm bắt thông tin về nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, của địa phương còn chưa sát; đào tạo nghề còn dàn trải chưa phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất của địa phương. Bên cạnh đó, việc tổ chức dạy nghề ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề trong năm 2015 và những năm tiếp theo, đáp ứng nhu cầu xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Tỉnh Yên Bái sẽ tiến hành sáp nhập trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp dạy nghề cấp huyện theo Thông báo số 1893 ngày 19/3/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn sáp nhập các trung tâm trên địa bàn cấp huyện. Theo đó tỉnh sẽ sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Hướng nghiệp dạy nghề thị xã Nghĩa Lộ vào trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ và Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Hướng nghiệp dạy nghề Hồ Tùng Mậu, huyện Lục Yên vào trường Trung cấp nghề Lục Yên với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Theo ông Hoàng Đức Vượng – Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh: Việc sáp nhập các trung tâm vào các trường Trung cấp nghề thì đầu mối giảm đi nhưng sẽ có chất lượng cao hơn và mạnh hơn đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Luật giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2015 và Luật Dạy nghề hết hiệu lực. Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề sẽ có sự đổi mới về tổ chức quản lý đào tạo, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ là hệ thống mở, linh hoạt, đảm bảo liên thông giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng nghề hoặc nghề khác. Bên sự đổi mới về công tác quản lý đào tạo sẽ có sự đổi mới về tuyển sinh, chương trình đào tạo, đổi mới về chính sách với người học, đổi mới chính sách với nhà giáo.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh đó là tập trung chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề nâng cao chất lượng hiệu quả dạy nghề để cải thiện chỉ số về đào tạo lao động, đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương, đảm bảo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Hướng dẫn các đơn vị dạy nghề triển khai dạy nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các cơ sở dạy nghề cũng cần phải chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh để khảo sát, thu thập thông tin về nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề để ký kết thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp để sử dụng nguồn nhân lực sau khi đào tạo nghề; Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề; quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả thiết bị dạy nghề.

Đối với việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng cần tổ chức dạy nghề theo đúng chương trình, đảm bảo về thời lượng của chương trình đào tạo; sử dụng giáo viên có trình độ, có năng lực và kinh nghiệm; đảm bảo đầy đủ về trang thiết bị, dụng cụ vật tư thực hành…Tăng cường phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp để hỗ trợ cung cấp thông tin, giưới thiệu việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo nghề.

Ông Nguyễn Bình Minh – Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ chia sẻ: Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề thì chúng tôi vẫn tập trung vào 3 yếu tố quyết định đó là giáo viên dạy nghề phải đảm bảo chuẩn giáo viên dạy nghề cũng như kỹ năng nghề, tâm huyết với nghề, các thầy cô phải giới thiệu hướng dẫn các công nghệ để cho các em hành nghề, tạo kỹ năng nghề. Yếu tố thứ hai đó là trang thiết bị dạy nghề và cuối cùng là giáo trình học nghề phải đảm bảo phù hợp với nhận thức của học viên, phù hợp với nhu cầu của sản xuất, của xã hội; Giáo trình phải đảm bảo 30% lý thuyết và 70% là thực hành. Ngoài ra, một vấn đề cần phải quan tâm nữa trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đó là đào tạo về kỹ năng trách nhiệm xã hội và giao tiếp.

Xác định phát triển nguồn nhân lực là nhân tố quyết định thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội, tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực phục vụ CNH, HĐH giai đoạn 2011 – 2020. Theo đó, phát triển nguồn nhân lực toàn diện, đảm bảo sự đồng bộ cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu lao động; tập trung nâng cao trình độ học vấn, trình độ nghề cho lao động đáp ứng nhu cầu chuyển dịch kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng lao động trong công nghiệp, dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%. Trong đó đào tạo nghề đạt 30%(trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề đạt 9%), đào tạo chuyên nghiệp đạt 15%; tiếp tục phát triển mạng lưới giáo dục nghề đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu học nghề, phổ cập nghề cho người lao động. Nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở dạy nghề, các trung tâm giới thiệu việc làm; ưu tiên đào tạo nhân lực là người dân tộc thiểu số và lao động ở vùng đặc biệt khó khăn, mở rộng diện đào tạo nghề cho lao động chính sách; tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn theo hướng toàn diện và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

1788 lượt xem
Tiến Lập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h