Yên Bái là tỉnh có nguồn khoáng sản phong phú, có điều kiện thuận
lợi trong việc khai thác và chế biến. Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã quan
tâm chỉ đạo việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý hoạt động khoáng
sản. Do đó, tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi
vào nề nếp, công tác thẩm định, cấp giấy phép hoạt động khoáng sản được thực
hiện chặt chẽ, theo đúng các quy định của pháp luật, góp phần quan trọng vào
việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
* BTV: Với nhiệm vụ là cơ quan quản lý nhà nước
về khoáng sản, Sở Tài nguyên & Môi trường đã có những tham mưu gì với UBND
tỉnh trong việc ban hành các văn bản quản lý và tuyên truyền phổ biến pháp luật
về khoáng sản?
* Ông Cao Minh Tuấn
– Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái.
Trong
những năm qua, với nhiệm vụ là cơ quan tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên
Bái thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn. Trên cơ sở
quy định của Luật Khoáng sản và văn bản chỉ đạo của trung ương, Sở Tài nguyên
và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đầy đủ
văn bản quy phạm pháp luật quản lý về khoáng sản phù hợp với thực tế tại địa
phương; xây dựng những văn bản chỉ đạo,
điều hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác
khoáng sản trên địa bàn, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác
quản lý nhà nước về khoáng sản, ví dụ như: Quy định về quản lý hoạt động khoáng
sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái ban hành kèm theo Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND
ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Chương trình hành động thực
hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm
2011 của Bộ Chính trị (về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai
khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030); Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 23 tháng 3 năm 2012 tổ chức triển khai Chỉ
thị số 02/CT-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ (về việc tăng
cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế
biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản); triển khai, thực hiện Nghị quyết
535/NQ-UBTVQH13 ngày 12 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (về kết
quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai
thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái).
Song
song với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tài nguyên và Môi
trường đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái xây dựng các kế hoạch tuyên
truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản và tổ chức thực hiện để mọi tổ chức,
cá nhân nhận thức được các quy định của pháp luật về khoáng sản, từ đó ý thức
được trách nhiệm của mình trong quản lý, bảo vệ khoáng sản; xây dựng các kế
hoạch thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
* BTV: Xin ông cho biết về tình hình hoạt động
khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua? Ông đánh giá như thế nào về
những hoạt động này? Trong quá trình triển khai còn gặp những khó khăn gì thưa
ông?
* Ông Cao Minh Tuấn
– Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái
Công tác quản lý, khai
thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang thực hiện theo đúng quy định của
pháp luật về khoáng sản, đúng theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh
Yên Bái. Qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, giám sát
trong hoạt động khoáng sản kết hợp với tuyên truyền, phố biến pháp luật về
khoáng sản, các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản đã có ý thức hơn trong
việc chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước về khoáng sản.
Hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh
trong thời gian quan đã mang lại những hiệu quả nhất định, như tạo việc làm cho
người lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước qua các khoản thuế, xây dựng
các công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, góp
phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp. Tuy nhiên, cũng như các
hoạt động sản xuất công nghiệp khác, các dự án hoạt động khoáng sản khi đi vào
hoạt động sẽ không tránh khỏi những tác động tiêu cực đến môi trường và cơ sở
hạ tầng trong khu vực.
Hoạt động khai thác khoáng sản được
quy định rất cụ thể và chặt chẽ trong các văn bản quy phạm pháp luật về khoáng
sản, và được nêu rõ trong Giấy phép khai thác khoáng sản, tuy nhiên trong quá
trình hoạt động các doanh nghiệp còn chậm triển khai dự án, trong quá trình hoạt
động chưa chú trọng đến việc thực hiện theo đúng qui định. Nguyên nhân là do nhận thức của chủ
đầu tư trong việc chấp hành pháp luật về khoáng sản và môi trường trong hoạt
động khoáng sản chưa cao, thiếu năng lực về tài chính và kinh nghiệm khi triển
khai hoạt động, thiếu
cán bộ có trình độ chuyên môn sâu về địa chất, khai thác mỏ.
* BTV: Để hoạt
động khoáng sản đảm bảo đúng quy định của pháp luật, Sở Tài nguyên & Môi
trường có giải pháp gì? Đối với
các đơn vị vi phạm pháp luật về khoáng sản sẽ bị xử lý như thế nào?
* Ông Cao Minh Tuấn
– Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái
Để tiếp tục triển khai các quy định của pháp luật về
khoáng sản có hiệu quả, trong thời gian tới, theo chức năng, nhiệm vụ của mình,
Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục
triển khai, thực
hiện tốt các quy định của pháp luật trong quản lý, hoạt động khoáng sản, các giải pháp, công việc cụ thể như sau:
- Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ về khoáng sản theo đúng quy
định của pháp luật và chỉ đạo của cơ quan cấp trên; việc cấp phép khai thác
khoáng sản phải phải gắn với địa chỉ tiêu thụ hoặc các cơ sở chế biến khoáng
sản;
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành
và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong công tác quản lý khoáng
sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác;
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động khoáng sản, xử lý
nghiêm, đình chỉ hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép đối với các
trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động
khoáng sản;
- Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy
định; triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản sau khi có đủ các điều kiện
cần thiết.
- Thường xuyên trao đổi, phối hợp với cơ quan quản lý về
chuyên môn cấp trung ương để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác
quản lý, hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Đối với các đơn vị vi phạm pháp luật về khoáng sản sẽ xử
lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo Quy định về
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản được Chính phủ ban hành
tại Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013.
* BTV: Thưa ông!
Việc phát triển các khu công nghiệp là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, trong
thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã có giải pháp gì để đảm bảo môi trường tại các
khu vực này?
* Ông Cao Minh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên
Bái
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 05 Khu công nghiệp
và 13 Cụm công nghiệp đã phê duyệt quy hoạch chi tiết. Trên cơ
sở các khu, cụm công nghiệp (KCCN) đã được phê duyệt quy hoạch, hiện nay, có 10 KCCN có dự án, cơ sở đi vào hoạt
động bao gồm: 02 KCN là KCN Bắc Văn Yên, KCN phía Nam; 08 CNN là: Đầm Hồng, Âu
Lâu, Sơn Thịnh, Báo Đáp, Phía Tây cầu Mậu A, Thịnh Hưng, Yên Thế và Tân Lĩnh
với các loại hình sản xuất như chế biến khoáng sản, sản xuất xi măng, sản xuất
sơn đường, chế biến nông sản, lâm sản, sản xuất giấy... Trong những năm qua, để
đảm bảo môi trường tại các KCCN, tỉnh Yên Bái đã thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ
nhất, ngay trong quá trình lập quy hoạch xây dựng các KCCN, cũng như lập dự án
đầu tư đã tính toán và xác định các hạng mục, công trình đảm bảo theo quy định
của pháp luật về bảo vệ môi trường như: tỷ lệ diện tích đất được phủ cây xanh;
bố trí không gian các khu chức năng hợp lý rõ ràng, phù hợp với tính chất hoạt
động; hệ thống xử lý nước thải tập trung; khu tập kết và xử lý chất thải rắn
tập trung.
Thứ hai, làm tốt công
tác phòng ngừa gây ô nhiễm môi trường thông qua công tác đánh giá tác động môi
trường, các KCCN đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có
thẩm quyền phê duyệt (Khu công nghiệp phía Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường
phê duyệt, các KCCN còn lại do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt), các dự án/cơ sở
đầu tư, hoạt động trong các KCCN đều có báo cáo ĐTM hoặc bản cam kết bảo vệ môi
trường hoặc đề án bảo vệ môi trường được phê duyệt/xác nhận. Ngoài ra, các dự
án/cơ sở đầu tư, hoạt động trong các KCCN đều phải có các công trình, biện pháp
bảo vệ môi trường như: xử lý nước thải, khói bụi thải, chất thải rắn, tiếng
ồn,…
Thứ ba, cơ quan quản lý
nhà nước về bảo vệ môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi
phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các
KCCN và cơ sở sản xuất trong KCCN.
Thứ tư, tăng cường công
tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản
xuất, kinh doanh hoạt động trong KCCN để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa
vụ trong công tác bảo vệ môi trường.
Thứ năm, xây dựng và
tăng cường nhân lực cán bộ môi trường, đặc biệt là cán bộ trong Ban quản lý các
KCCN. Đến nay, Ban quản lý các KCN tỉnh đã có 02 cán bộ chuyên môn về môi
trường, một số huyện đã thành lập Ban quản lý CCN thuộc phòng Kinh tế - Hạ
tầng.
* BTV: Xin ông cho biết một số kết quả về thu,
nộp phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn
tỉnh Yên Bái? Trong quá trình triển khai có gặp khó khăn vướng mắc gì? Theo ông
mức phí bảo vệ môi trường mà các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn phải
nộp có bù đắp được những ảnh hưởng về môi trường và sự xuống cấp của hạ tầng giao
thông do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra không? Thưa ông.
* Ông Cao Minh Tuấn
– Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái
- Một số kết quả thu,
nộp phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn
tỉnh Yên Bái:
Thực
hiện Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về phí
bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, Thông tư số 158/2011/TT-BTC
ngày 16 tháng 11 năm 2011 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định số
74/2011/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường
đối với khai thác khoáng sản, Quyết định số 02/2012/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02
năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc điều chỉnh, bổ sung một số
khoản thu phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong đó có phí bảo vệ môi
trường đối với khai thác khoáng sản và Quyết định số 336/QĐ-UBND ngày 20 tháng
3 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành tỷ lệ quy đổi từ số lượng
khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí
bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Trong những năm qua,
tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai thực hiện việc thu nộp phí bảo vệ môi trường
đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, kết quả (Theo báo cáo
của cơ quan thuế -cơ quan thu phí), số tiền phí bảo vệ môi trường đã nộp ngân
sách năm 2011 là 17.976 triệu đồng, năm 2012 là 23.992 triệu đồng, năm 2013 là
38.740 triệu đồng và 6 tháng đầu năm 2014 đã nộp 17.089 triệu đồng.
Số phí bảo vệ môi trường
đối với khai thác khoáng sản thu được tăng đều qua các năm đóng góp đáng kể vào
Ngân sách nhà nước của tỉnh để phục vụ chi hỗ trợ cho công tác bảo vệ môi
trường tại địa phương đạt kết quả.
- Những khó khăn, vướng
mắc:
Phí bảo
vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là một khoản thu thuộc Ngân sách Nhà
nước, số phí thu được nộp 100% vào Ngân sách Nhà nước và được phân chia cho
từng cấp ngân sách theo quy định tại Nghị quyết số 27/2012/NQ-HĐND ngày 12
tháng 12 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái Khóa XVII - Kỳ họp thứ. Cụ
thể như sau:
- Ngân
sách cấp tỉnh được hưởng 20% số thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác
khoáng sản để bổ sung Quỹ Bảo vệ môi trường của tỉnh;
- Ngân
sách cấp huyện được hưởng 50% số thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác
khoáng sản;
- Ngân
sách cấp xã nơi có hoạt động khai thác khoáng sản được hưởng 30% số thu phí bảo
vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; mức trích tối đa không quá 1 tỷ
đồng/xã/năm, đối với những xã có số thu trích vượt trên 1 tỷ đồng thì phần
trích vượt được điều tiết về ngân sách huyện.
Trong quá trình triển khai thu phí bảo vệ môi trường đối
với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn có một số bất cập, tồn tại như:
- Hiện nay, phí bảo vệ môi trường đối
với khai thác khoáng sản được tính theo sản lượng khoáng sản khai thác do đơn
vị khai thác tự kê khai, đây là kẽ hở lớn bởi trên thực tế các đơn vị khai thác
khoáng sản thường kê khai mức sản lượng thấp hơn so với thực tế nhằm trốn một
phần phí phải nộp Ngân sách nhà nước, đặc biệt là một số doanh nghiệp được cấp
phép khai thác các loại khoáng sản quý hiếm và có giá trị kinh tế cao như: chì
kẽm, vàng, đồng, đá quý…
- Chưa có sự thống nhất về việc phân loại khoáng sản. Ví
dụ: theo Nghị định số 74/2011/NĐ-CP của Chính phủ thì felspat được xếp vào nhóm
quặng đá quý. Tuy nhiên, tại Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012
của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản thì
felspat được xếp vào nhóm khoáng chất công nghiệp... Khi tiến hành thu phí, cơ
quan Thuế áp dụng cách phân loại theo Nghị định 74/2011/NĐ-CP nên mức phí các
đơn vị phải nộp cao hơn nếu áp dụng cách phân loại theo Nghị định 15/2012/NĐ-CP
dẫn đến một số đơn vị có thắc mắc, kiến nghị.
- Một số loại khoáng sản kim loại như quặng sắt, đá hoa
trắng do đặc điểm hàm lượng, chất lượng, độ liền khối (đối với đá hoa trắng) ở
các điểm mỏ khác nhau nên khi thực hiện áp dụng mức thu phí đối với quặng
nguyên khai gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, nếu áp mức phí chung theo quy định
đối với tất cả các doanh nghiệp thì một số doanh nghiệp không có khả năng nộp
và sẽ phải dừng khai thác do hàm lượng, chất lượng quặng quá thấp (ví dụ:
trường hợp hàm lượng quặng thu được ở một số mỏ dưới 20% hay các mỏ đá hoa
trắng có độ liền khối, độ trắng thấp,...).
- Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản được
tính trên sản lượng tài nguyên khai thác thực tế thu được nên đã không khuyến
khích các doanh nghiệp tận thu hết tài nguyên được cấp phép khai thác. Số lượng
tài nguyên loại bỏ tại nơi khai thác như nhóm đá hoa trắng còn rất lớn, vừa
thất thu phí, vừa lãng phí tài nguyên trừ một số đơn vị khai thác đã tận thu
các loại đá nứt nẻ, không liền khối để nghiền bột canxi carbonat.
- Theo đánh giá của cơ quan Thuế thì
mức thu phí môi trường của một số loại tài nguyên có giá trị kinh tế cao như:
Đá hoa trắng, đá Block, khoáng sản kim loại còn quá thấp so với lợi nhuận thu
được của các doanh nghiệp khai thác.
- Theo đánh giá của Sở Tài chính thì tỷ lệ phân bổ nguồn
thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên
Bái cho các cấp ngân sách như hiện nay đã đảm bảo hợp lý và khá phù hợp với địa
phương. Tuy nhiên, số phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thu
được chỉ tập trung ở một số huyện, trong đó chỉ tập trung ở một số xã có mỏ
khai thác khoáng sản, nếu không điều hòa số thu giữa các xã, huyện với nhau thì
sẽ dẫn tới tình trạng có xã, huyện thì dư nguồn, chi không hết, trong khi có
xã, huyện có nhiệm vụ chi nhưng lại không có nguồn để thực hiện.
- Về việc mức phí bảo vệ môi trường mà các đơn vị khai
thác khoáng sản trên địa bàn phải nộp có bù đắp được những ảnh hưởng về môi
trường và sự xuống cấp của hạ tầng giao thông do hoạt động khai thác khoáng sản
gây ra không?
Hoạt động khai thác khoáng sản
trên địa bàn tỉnh không tránh khỏi những ảnh hưởng, tác động đến môi trường,
ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân và hạ tầng
giao thông. Tuy nhiên, ngoài tác động của hoạt động vận chuyển khoáng sản thì
hạ tầng giao thông còn chịu tác động của hoạt động vận tải khác. Do vậy, chưa
có cơ sở để đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của hoạt động vận chuyển khoáng
sản đến hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Những ảnh hưởng về môi trường do
hoạt động khai thác khoáng sản của các đơn vị gây ra chủ yếu do trong quá trình
hoạt động khai thác đã chưa tuân thủ đúng các nội dung bảo vệ môi trường cam
kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bản cam kết bảo vệ môi trường
hay Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường đã được phê duyệt/xác nhận. Ngoài ra,
việc vận chuyển khoáng sản từ mỏ về nơi tập kết hoặc chế biến không tuân thủ
quy định về tải trọng cho phép là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuống
cấp của hạ tầng giao thông.
Theo quy định tại Nghị định số
74/2011/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường
đối với khai thác khoáng sản thì số phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai
thác khoáng sản đã thu được chi để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi
trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản, chính vì vậy mà
việc thu phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản sẽ chỉ bù
đắp được một phần trong việc thực hiện công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường
tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.
Do đó, để giảm thiểu ảnh hưởng về
môi trường và hạ tầng giao thông, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các
ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục thường xuyên
kiểm tra, giám sát, nhắc nhở và yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản phải
thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trường hợp vi
phạm gây ảnh hưởng, hậu quả đến môi trường thì phải bị xử lý và thực hiện trách
nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp của
cơ quan chức năng về quản lý giao thông vận tải trong việc xử lý chủ phương
tiện vi phạm về tải trọng trong quá trình hoạt động vận chuyển khoáng sản và
hàng hóa khác trên địa bàn tỉnh.
Theo dõi video Sở Tài nguyên và Môi trường giải đáp về công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh tại đây.
Chuyên
mục “Giải đáp chính sách” được thực
hiện định kỳ hàng tháng trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh. Các câu hỏi, ý kiến
của quý vị cần hỏi các cơ quan chức năng mời gửi đến địa chỉ thư điện tử banbientapcong@yenbai.gov.vn.
|
Tiến Lập - Thanh Bình