Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Nghĩa Lộ 20 năm xây dựng và phát triển

15/05/2015 08:25:52 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sau 20 năm tái thành lập, thị xã Nghĩa Lộ đang bước vào độ tuổi thanh xuân mang trong mình sức sống trẻ trung, năng động của một trung tâm văn hóa - thương mại, dịch vụ khu vực phía Tây tỉnh Yên Bái. Đời sống của nhân dân được nâng cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp. Thị xã đã và đang phát huy được lợi thế và khai thác các tiềm năng, giá trị văn hóa xây dựng thị xã trở thành thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ vào năm 2020.

Nghĩa Lộ hôm nay

Ngày 15/5/1995, thị xã Nghĩa Lộ được tái thành lập theo Nghị định số 31/CP của Chính Phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính trên cơ sở là thị trấn Nghĩa Lộ trực thuộc Huyện Văn Chấn. Trước đó là thị xã Nghĩa Lộ trực thuộc tỉnh Yên Bái được thành lập ngày 8/10/1971 theo Quyết định số 190/CP của Hội đồng chính phủ.

Thị xã Nghĩa Lộ tái thành lập là đô thị loại IV thuộc tỉnh Yên Bái, bao gồm 4 phường: Trung Tâm, Tân An, Pú Trạng, Cầu Thia. Việc thành lập lại thị xã Nghĩa Lộ là một yêu cầu khách quan trong sự vận động và phát triển; phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIII về việc xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành trung tâm kinh tế thương mại, dịch vụ của các huyện phía Tây của tỉnh, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, và nhân dân các dân tộc trên vùng đất này, mở ra một bước ngoặt phát triển mới cho thị xã trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước.

Đến tháng 12 năm 2003 thị xã Nghĩa Lộ được phê duyệt mở rộng địa giới hành chính theo QĐ 167/CP của Thủ tướng Chính Phủ. Sáp nhập thêm 3 xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc của huyện Văn Chấn.

Hiện nay thị xã Nghĩa Lộ có tổng diện tích gần 30 km2, gồm 7 đơn vị hành chính với 100 tổ dân phố, thôn bản. Tổng dân số trên 29 nghìn người, có 17 thành phần dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 48%, dân tộc kinh gần 42% còn lại là các dân tộc khác. Cùng với bề dày về truyền thống lịch sử và bản sắc văn hoá các dân tộc miền núi phía Bắc, thị xã Nghĩa Lộ đã và đang phát huy được lợi thế của mình ngày càng thay da đổi thịt.

Đời sống, trình độ dân trí của nhân dân ngày càng được nâng cao

Là một hộ kinh doanh tại chợ Mường Lò hơn 20 năm nay, bà Trần Thị Thiên Lý – Chủ cửa hàng buôn bán thổ cẩm và các mặt hàng nông cụ sản xuất cảm nhận: "Trước khi thành lập thị xã các hộ kinh doanh như chúng tôi chỉ dựng tạm lều quán để bán hàng, sáng dậy sớm dọn hàng ra chiều xếp hàng về vô cùng khó khăn nhưng từ năm 1998 chợ được xây dựng. Các hộ kinh doanh được tạo điều kiện mua các ki ốt buôn bán và quy hoạch theo từng dãy buôn có bạn, bán có phường nên việc kinh doanh cũng thuận tiện hơn. Hàng hóa tối đến đã có bảo vệ trông coi rất yên tâm."

Vì thế khu trung tâm thương mại Chợ Mường Lò hôm nay sầm uất và nhộn nhịp với gần 400 điểm kinh doanh cố định tạo công ăn việc làm cho gần nghìn lao động địa phương và vãng lai. Chợ được quy hoạch thành khu chợ A với các mặt hàng phục vụ tiêu dùng, phong phú từ quần áo, vải vóc với những gian hàng thổ cẩm truyền thống đến đồ điện, dụng cụ sản xuất và đồ dùng gia đình. Khu chợ C là chợ thực phẩm với những mặt hàng nông lâm, thủy hải sản, gia cầm do chính người dân địa phương sản xuất.

Từ một thị xã ngày đầu mới tái thành lập có 600 cửa hàng kinh doanh tổng hợp. Đến nay thị xã đã có 1350 cửa hàng kinh doanh và gần 200 nhà hàng, khách sạn, 402 doanh nghiệp, hộ sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và hướng đến một ngành công nghiệp sạch bền vững. Thương mại - dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đầu tầu quan trọng thúc đẩy kinh tế của thị xã tăng trưởng cao đạt 15% trở lên. Thu ngân sách năm sau tăng hơn so với năm trước 10%, năm 2014 thu đạt hơn 26 tỷ đồng tăng 6 lần so năm 1995; thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 4,1%. Hàng năm tạo việc làm cho trên 1.000 lao động tiêu biểu như Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Hoàng  Phát - thị xã Nghĩa Lộ đã mở rộng sản xuất ghạch không nung. Anh Trần Văn Tuấn - Chủ tịch hội đồng quản trị công ty cho biết: "Công ty đã được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, vay vốn nhờ đó công ty đã đi vào hoạt động hiệu quả. Tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, công nhân được đóng BHXH, BHYT đầy đủ. Ngoài ra còn tạo việc là cho hàng chục lao động lúc nông nhàn."

Nếu như trước đây, sản xuất nông nghiệp của thị xã chủ yếu trồng vào cây lúa, với tập quán canh tác lạc hậu, thì hôm nay, trên cánh đồng Mường Lò, nông dân Nghĩa Lộ đã tập trung trồng các giống lúa hàng hóa có chất lượng cao với trên 500ha. Từng bước xây dựng thương hiệu gạo Mường Lò có sức cạnh tranh lớn. Vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính, chiếm trên 80% diện tích đất hai lúa. Giá trị thu nhập trên 1 ha đất 2 vụ lúa năm 2014 đạt 125 triệu tăng 6 lần so năm 1995. Nhiều mô hình kinh tế ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và lồng ghép với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đem lại giá trị kinh tế cao được nhân rộng như: mô hình chăn nuôi lợn hàng hóa; mô hình nuôi chim bồ câu pháp; mô hình trồng rau mầu chất lượng cao vụ đông, mô hình trồng hoa trong nhà lưới, mô hình trồng ngô tím, cà chua, súp lơ xanh, nấm rơm trái vụ, mô hình chuối tiêu hồng.....Gia đình anh Hoàng Văn Tý ở bản Xa, xã Nghĩa Lợi đã mạnh dạn thực hiện mô hình chăn nuôi lợn hàng hóa với quy mô 50 con lợn thịt/lứa. Mỗi năm cho thu nhập 230 - 250 triệu đồng trừ chi phí còn lãi từ 100 -150 triệu đồng. Anh tý cho biết từ hiệu quả của mô hình chăn nuôi lơn hàng hòa với cương vị là trưởng bản anh đã tuyên truyền nhân rộng trong thôn bản và hiện nay bản Xa có 40 hộ chăn nuôi theo hướng hàng hóa với quy mô lớn, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo cho các hộ dân trong thôn bản.

Trình độ dân trí, nhận thức của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Hàng năm, Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT qua các năm đều đạt cao từ 96% trở lên. Số học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề và các trường chuyên nghiệp chiếm 44,5%. Đến nay số đơn vị trường học tăng gấp 2 lần so với năm 1995, thị xã có 13/24 trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục toàn diện được quan tâm, chú trọng đến giáo dục mũi nhọn và công tác đào tạo nghề.


Lãnh đạo thị xã thăm mô hình sản xuất gạch không nung

Hiện nay 100% tổ dân phố, thôn bản được phủ sóng phát thanh; 97% hộ dân được xem truyền hình Việt Nam, nghe đài tiếng nói Việt Nam và địa phương; 100% cơ quan, đơn vị  sử dụng internet, có 30% hộ gia đình sử dụng internet. Hàng năm 100% cán bộ, công chức, đảng viên và có từ 90% cán bộ hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân được học tập, phổ biến pháp luật, chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Nhờ đó nhân dân trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đã chấp hành nghiêm túc chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp

Nói về sự đổi thay diện mạo cũng như về cơ sở hạ tầng có lẽ không ai cảm nhận sâu sắc bằng Cụ Trần Tính – Cán bộ tiền khởi nghĩa sinh sống lâu năm trên địa bàn thị xã. Ở tuổi ngoài 90 nhưng cụ nhớ như in những ngày mới tái thành lập thị xã các tuyến đường ở thôn bản là đường đất đá, đi lại rất khó khăn muốn vào thôn bản mua thóc lúa, con gà, con vịt cũng ngại chính vì thế mà người dân phải bán rẻ cho thương lái. Bây giờ thì ngược lại có đường bê tông bà con tự mang ra chợ bán vừa được giá, vừa thuận tiện cho việc mua sắm các vật dụng cần thiết cho gia đình. Rồi đến trường học khi tái thành lập thị xã vẫn còn nhiều trường lớp học là vách đất đến nay cơ bản các phòng học kể cả nơi xa xôi nhất như Nà Vặng, Nậm Đông, xã Nghĩa An cũng được kiên cố hóa. 100% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia.

Các trục đường chính như đoạn Quốc Lộ 32 chạy qua thị xã; đường Điện Biên, đường An Hòa, tuyến đường Hoàng Liên Sơn, Nguyễn Thái Học....được trải nhựa, chỉnh trang lát vỉa hè, lắp hệ thống đèn điện chiếu sáng tạo nên sự trang hoàng của một đô thị trẻ. Các trụ sở làm việc, cơ quan đơn vị, trường học, trạm y tế, bệnh viện được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới hiện đại.  Một số công trình lớn, trọng điểm được triển khai như: Trung tâm văn hóa thể thao thị xã, sửa chữa cải tạo khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích lịch sử văn hóa Căng- Đồn Nghĩa Lộ; Tuyến đường tránh Quốc lộ 32...

Xây dựng Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa - du lịch vào năm 2020

Trong sự phát triển đi lên của mình thị xã Nghĩa Lộ đã năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xây dựng một thị xã văn hóa miền núi tiêu biểu phía Bắc của cả nước. Và ánh lửa soi đường chính là Nghị quyết TW5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết TW 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Sau 10 năm triển khai thực hiện đề án xây dựng thị xã văn hoá, thị xã đã đạt được nhiều thành tựu tạo cơ sở cho việc triển khai thực hiện đề án "Xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2013 - 2020".

Đến nay thị xã đã đạt được một số kết quả nổi bật trong việc khôi phục, bảo tồn một số lễ hội gắn với phát triển du lịch như: Lễ công bố quyết định phê duyệt Đề án thị xã văn hoá - du lịch và trình diễn màn đại xoè cổ xác lập kỷ lục Việt Nam, Hội Hạn khuống; tết xíp xí; xên bản, xên mường; bảo tồn nhà sàn truyền thống, các món ăn dân tộc, nghề dệt thổ cẩm  của người Thái.... Thành lập được 50 đội văn nghệ quần chúng, duy trì hoạt động của 48 CLB thể thao. Đền Cầm Hánh được công nhận là di sản văn hoá cấp tỉnh; 6 điệu xòe cổ của dân tộc Thái được đề nghị công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia, Cụm 3 cây đa tía được công nhận cây di sản...

Thị xã đã chú trọng công tác quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển các cơ sở làm dịch vụ du lịch. Khai thác tốt vị trí là thị xã duy nhất trên tuyến đường Quốc lộ 32 từ Hà Nội đến Lai Châu, Lào Cai để phát triển các dịch vụ ăn uống, lưu trú. Đồng thời mở ra hướng đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của bản sắc văn hoá dân tộc, truyền thống lịch sử, cảnh quan sinh thái của vùng Mường Lò. Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin tuyên truyền và các sự kiện văn hoá lớn để quảng bá tiềm năng thế mạnh của thị xã, từng bước xây dựng thương hiệu Du lịch Mường Lò với mô hình du lịch cộng đồng tại 2 xã: Nghĩa An và Nghĩa Lợi, với tổng số 20 hộ tham gia. Năm 2014, tổng lượt khách du lịch đến địa bàn đạt trên 55 nghìn lượt, trong đó khách nước ngoài chiếm 10%, lưu trú trên 2.000 lượt/năm. Chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch, chị Lường Thị Hồng Chung, Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi cho biết: "Mỗi vùng đất, mỗi dân tộc đều có những cảnh sắc thiên nhiên ưu đãi và nét văn hóa độc đáo riêng biệt. Chính điều đó mới tạo nên sức hút và sự khám phá của du khách. Vì vậy mình phải biết giữ gìn các bản sắc văn hóa của dân tộc mình và giới thiệu tới du khách như: Kiến trúc nhà sàn, các phong tục tập quán tốt đẹp, các món ăn như: Pa pỉnh tộp, thịt trâu sấy, xôi ngũ sắc, cơm lam.."..

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được tăng cường cả về chiều sâu và chiều rộng. Đến nay tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 80%; tỷ lệ tổ dân phố, thôn, bản đạt 60%; Có 79/100 tổ dân phố, thôn bản không có người nghiện ma túy. 7/7 xã, phường trên địa bàn đã tổ chức ra mắt xây dựng xã văn hoá nông thôn mới và phường văn minh đô thị.

Quân sự quốc phòng ngày càng được được củng cố, xây dựng thị xã trở thành khu vực phòng thủ vững chắc.Tình hình ANCT, TTATXH đảm bảo giữ vững. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng bộ, đồng thuận, ủng hộ với sự điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị  của địa phương. Nói về một số bài học, kinh nghiệm chủ yếu trong lãnh chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ để đạt được những thành tựu sau 20 năm tái thành lập thị xã, bà Lò Thị Huân - UVBCH Đảng bộ tỉnh - Bí thư Thị Ủy Nghĩa Lộ - Chủ tịch HĐND thị xã cho rằng: "Phải biết tranh thủ thời cơ, vận dụng sáng tạo, phù hợp đúng đắn chủ trương, nghị quyết của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước vào điều kiện thực tế địa phương.

Luôn chăm lo, củng cố, xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trên địa bàn; phát huy mạnh nguồn nội lực gắn với tranh thủ sự giúp đỡ hỗ trợ của Tỉnh, Trung ương và các nguồn lực từ bên ngoài để xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; nâng cao năng lực chỉ đạo, quản lý điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền; vai trò vận động quần chúng của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, làm tốt công tác dân vận, nêu gương nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa sâu rộng, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong hệ thống chính trị và các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân và các dân tộc trên địa bàn.

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ đã được Đảng, nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương lao động hạng Ba, huân chương lao động hạng Nhì do Nhà nước trao tặng, cờ thi đua của Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đây sẽ là động lực để thị xã tự tin bước vào giai đoạn mới, giai đoạn thanh xuân, tràn đầy nhiệt huyết và quyết tâm xây dựng thành công thị xã văn hóa - du lịch; Trung tâm Văn hóa - thương mại - dịch vụ khu vực phía tây của tỉnh; Xây dựng thị xã cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2020. Trước mắt tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ lần thứ XIII NK 2015 - 2020 và chuẩn bị tốt mọi điều kiện để mở rộng địa giới hành chính, đáp ứng niềm mong mỏi kỳ vọng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn thị xã./.

2154 lượt xem
Thu Hằng - Đài TT - TH thị xã Nghĩa Lộ

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h