Yên Bái là một trong những tỉnh tiên phong
trong cả nước thực hiện sáp nhập giữa TTDN và trung tâm GDTX theo chủ trương
của Chính phủ. Năm 2014, theo các Quyết định số 296, 297, 298, 299, 300, 301,
302 của UBND tỉnh Yên Bái, về việc thành lập các TTDN và GDTX ở 7 huyện, thành
phố: Yên Bình, Trấn Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, thành phố Yên Bái, Văn Chấn, Văn
Yên. Riêng huyện Lục Yên, thị xã Nghĩa Lộ đang tiếp tục khảo sát và sẽ sáp nhập
trong thời gian tới. Theo tổng hợp, hiện nay 7 TTDN và GDTX có tổng số cán bộ,
giáo viên, nhân viên 258 người, trong đó, giáo viên dạy văn hóa 134 người, dạy
nghề 56 người.
Hướng đi đúng
Trước khi sáp nhập, toàn tỉnh có một số địa
phương tồn tại song song cả hai loại hình đào tạo trung tâm GDTX và TTDN. Thực
tế cho thấy, hoạt động của cả hai trung tâm bộc lộ nhiều hạn chế, bởi cả hai
cùng có chức năng dạy bổ túc THPT và dạy nghề, dẫn tới chồng chéo trong tuyển
sinh, hiệu quả hoạt động không cao. Mặt khác, các TTDN thường được đầu tư khá về
cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng số lượng tuyển sinh hàng năm thấp, có khi
chỉ duy trì hoạt động cầm chừng gây lãng phí.
Cụ thể, ở các TTDN: Mù Cang Chải, Yên Bình,
Trạm Tấu và một số ít lớp dạy nghề thường là liên kết với các trường trung cấp
nghề và dạy nghề ngắn hạn. Đối với hoạt động của các TTGDTX cũng gặp một số khó
khăn do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu giáo viên… Do đó, ngày 12/3/2014,
UBND tỉnh đã có các quyết định về việc thành lập TTDN và GDTX ở 7 huyện, thành
phố. Việc hợp nhất hai trung tâm, nhằm thống nhất nguồn đầu tư, giảm đầu mối
quản lý, tập trung cơ sở vật chất, thu hút học sinh, tăng cường năng lực đào
tạo…
Qua tìm hiểu tại TTDN và GDTX huyện Yên
Bình, trung tâm này đã tiếp nhận toàn bộ cơ sở cũ của Trung tâm GDTX cũ để làm
trụ sở và toàn bộ trang thiết bị được tập trung một đầu mối. Ông Phạm Thành
Đạt-Giám đốc Trung tâm cho biết: “Việc sáp nhập hai trung tâm đã giúp tinh giản
bộ máy, giảm bớt đầu mối, tiết kiệm ngân sách, hệ thống phòng làm việc, phòng
học, thiết bị được đầu tư tập trung hơn. Đặc biệt, cơ cấu giáo viên được giải
quyết kịp thời, hỗ trợ và bổ sung cho nhau, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt
động và công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, chức năng đào tạo của Trung tâm cũng
đa dạng hơn, giúp thu hút được nhiều đối tượng người học, đáp ứng tốt nhu cầu
học tập”.
Tương tự, TTDN&GDTX huyện Văn Yên sau
khi hoạt động một thời gian cho thấy, việc sáp nhập là hoàn toàn đúng đắn. Theo
ông Đoàn Văn Hoạt - Giám đốc Trung tâm: việc sáp nhập hai trung tâm là phù hợp
với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương, đáp ứng nhu cầu học tập của
nhân dân, góp phần kiện toàn đội ngũ giáo viên và tăng cường được chất lượng
đào tạo, giáo dục và dạy nghề của Trung tâm. Hiện tại, Trung tâm có 49 cán bộ
quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 39 giáo viên trực tiếp đứng lớp và
nguồn nhân lực cơ bản đủ để trung tâm thực hiện các nhiệm vụ dạy văn hóa, dạy
nghề. Bên cạnh đó, việc sáp nhập cũng giúp tiết kiệm được nhân lực, góp phần
giảm ngân sách cho Nhà nước.
Có thể nói, việc sáp nhập TTDN và trung tâm
GDTX là hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Vì vậy, thời gian
qua, công tác tuyển sinh THPT và dạy nghề, hướng nghiệp năm học 2013-2014 toàn
tỉnh đã có được kết quả đáng khích lệ. Tổng số học sinh vào lớp 10 là 977
người; hướng nghiệp dạy nghề 12.197 người và tăng đáng kể so với trước khi
sáp nhập; các chỉ tiêu về văn hóa và dạy nghề đều vượt kế hoạch.
Vượt lên khó khăn
Đến nay, các TTDN&GDTX ở các đơn vị đã
sáp nhập bước đầu đi vào hoạt động quy củ và có hiệu quả rõ nét, nhưng mô hình
mới này vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Qua khảo sát, tại TTDN&GDTX huyện
Yên Bình vẫn tồn tại hai cơ sở song song do không có cơ sở nào đủ rộng để
chuyển toàn bộ về một mối. Điều này ảnh hướng tới công tác đào tạo của Trung tâm
vì hiện nay hai cơ sở cách nhau vài cây số, việc quản lý, phân công giảng dạy,
thu hút học sinh rất khó khăn.
Cùng khó khăn đó, TTDN&GDTX huyện Mù
Cang Chải, tuy đã về một nơi nhưng cơ sở vật chất, nhà bán trú học sinh, nhà
công vụ cho giáo viên, nhà xưởng thực hành, phòng học còn thiếu thốn; trang thiết
bị, đồ dùng học tập còn thiếu và chưa đồng bộ nên ảnh hưởng nhiều đến dạy và
học… Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên dạy nghề của Trung tâm còn thiếu và trình độ
chuyên môn chưa đồng đều, việc sắp xếp công việc cho giáo viên nghề cũng còn
nhiều bất cập.
Khi các trung tâm đã đi vào hoạt động được
một thời gian khá dài, nhưng hiện nay hoạt động chuyên môn của các đơn vị lại
dựa trên sự quản lý của 2 bộ là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương
binh và Xã hội. Đồng thời, các trung tâm phải chịu sự chi phối, quản lý của 3
đầu mối: ngành lao động, ngành giáo dục, UBND cấp huyện, thị. Đến thời điểm này,
phần lớn các đơn vị đã xây dựng được quy chế tổ chức và hoạt động phù hợp với
điều kiện thực tế của địa phương, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn chung từ cấp
bộ. Điều này ảnh hưởng đến đội ngũ giáo viên về quy định, chế độ của giáo viên
dạy nghề và giáo viên dạy văn hóa khác nhau hoàn toàn như chế độ phụ cấp, số
tiết đứng lớp, thi đua khen thưởng, nghỉ phép, nghỉ hè… Trong khi đó, trung
ương chưa có quy chế hoạt động cho việc sáp nhập này, nhưng các trung tâm đã có
sắp xếp, bố trí hợp lý.
Ông Phạm Thành Đạt-Giám đốc TTDN&GDTX
huyện Yên Bình cho biết thêm: sau khi sáp nhập, trung tâm đã bố trí, sắp xếp
nhân sự phù hợp với công việc cho mỗi cán bộ, giáo viên và về cơ bản vẫn giữ
nguyên vị trí, nhiệm vụ công tác, hạn chế xáo trộn gây ảnh hưởng đến tư tưởng,
hiệu quả công việc. Tuy nhiên, hiện vẫn thiếu giáo viên một số bộ môn, đội ngũ
của giáo viên khối GDTX và dạy nghề đều gặp khó khăn khi chuyển sang dạy ở 2
lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, giáo viên ở khối GDTX chỉ cần thêm chứng chỉ nghề
thì có thể dạy nghề, ngược lại giáo viên dạy nghề thì phải đào tạo từ đầu nên
việc bố trí công tác cho giáo viên dạy nghề bước đầu cũng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, giáo viên dạy nghề của Trung tâm chưa đủ cơ cấu giáo viên cơ hữu đến
các ngành nghề đào tạo nên muốn mở lớp thì phải thuê giáo viên trường khác và
mỗi năm thuê khoảng 10 giáo viên, sẽ chi mất gần 60 triệu đồng…
Mặt khác, trước đây các trung tâm GDTX do
ngành giáo dục và đào tạo quản lý, TTDN do ngành lao động, thương binh và xã
hội quản lý. Nay, TTDN&GDTX chịu sự quản lý của cả hai ngành, trong đó, Sở
Giáo dục và Đào tạo quản lý toàn diện trung tâm, trực tiếp quản lý về nhân sự,
cơ sở vật chất, trang thiết bị, quản lý chuyên môn về GDTX và hướng nghiệp. Còn
ngành lao động, quản lý về dạy nghề, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động.
Chính vì vậy, đến nay vẫn chưa có sự thống nhất cao, nên hoạt động các trung
tâm chưa thực sự phát huy hết khả năng.
Để chủ trương thực sự hiệu quả
Với những ưu điểm vượt trội khi sáp
nhập và để chủ trương thực sự phát huy hiệu quả, ông Lê Văn Lương - Phó giám
đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Phải khẳng định rẳng, đây là
chủ trương đúng đắn nhằm tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, trong đó tái cơ cấu
các cơ quan hành chính sự nghiệp nói riêng, giảm dần đầu mối quản lý, tạo động lực
cho phát triển kinh tế. Khi sáp nhập thì trung tâm sẽ có nhiệm vụ đặc thù của
công tác lao động xã hội và giáo dục thường xuyên. Do đó, Sở chỉ đạo các đơn vị
tập trung rà soát sắp xếp lại lại tổ chức và có kế hoạch đào tạo bổ sung, để
đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Về quy chế tổ chức hoạt động, trong khi
chưa có hướng dẫn của các ngành trung ương nên tỉnh, ngành lao động sẽ có hướng
dẫn xây dựng quy chế hoạt động cho các trung tâm căn cứ vào điều kiện cụ thể
của địa phương. Mặt khác, các địa phương cần khảo sát nhu cầu học nghề của
người lao động, cùng vơi TTDN và GDTX trên địa bàn, đổi mới phương pháp đào tạo,
mở rộng chương trình liên kết, hợp tác với các trường có chức năng đào tạo nghề
và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn để tạo môi trường thực hành và cơ
hội việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp”.
(Theo Báo Yên Bái)