Bề dày thành tích
Đã bước sang năm thứ 26, kể từ ngày đầu
thành lập. Đó là quãng thời gian chưa dài, song cũng đã đủ để ngôi trường mang
tên Bác-ngôi trường trọng điểm về giáo dục chất lượng cao của tỉnh có được một
chỗ đứng trong hệ thống các trường THPT chuyên của cả nước. Và thành tích đã
được vun đắp, tạo dựng từ lớp lớp các thế hệ thầy cô, học trò nhà trường. Cho
đến năm học này, nhà trường đã giành được 361 giải quốc gia. Tỷ lệ học sinh
cuối cấp thi đỗ vào các trường đại học luôn ổn định trên 95%. Mới nhất là năm
nay, lần đầu tiên Trường có hai học sinh tham gia thi chọn đội tuyển Olympic
châu Á và quốc tế ở hai môn Vật lý, Hóa học. Trong đó, em Trần Quang Huy, lớp
12 Toán đã xuất sắc đạt giải khuyến khích kỳ thi Olympic Vật lý châu Á năm
2015. Sự kiện này chính là một bước tiến quan trọng trong bảng vàng thành tích
của Trường. Bởi đó là sự góp phần thúc đẩy, tạo đà cho chất lượng giáo dục mũi
nhọn và hơn nữa là khích lệ thầy, trò nhà trường thêm tự tin chinh phục các mùa
giải mới.
Thầy giáo Lại Xuân Duy, giáo viên môn Vật
lý - người trực tiếp sát cánh cùng đội tuyển Vật lý của trường, trong đó có cá
nhân em Trần Quang Huy vừa mang về niềm vinh dự cho tỉnh, chia sẻ: “Thực tế, so
với các trường chuyên ở miền xuôi, các thành phố lớn thì mình còn rất nhiều khó
khăn, hạn chế. Những lần đưa các em đi thi giải khu vực, thi quốc gia, đôi khi
cũng tự ti lắm. Nhưng kết quả này chứng minh một điều, không phải là
chúng ta không làm được”. Quả thực, thành tích của em Huy nói riêng và hàng
trăm em đã đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia những năm qua của
trường là niềm vinh dự lớn, nhưng hành trình đến giải lại là cả một câu chuyện
dài.
Yếu tố thành công
Thành tích học sinh giỏi các cấp là kết
tinh của sự nỗ lực vượt bậc và niềm đam mê của chính bản thân mỗi học sinh. Sự
nỗ lực ấy sẽ được khích lệ, nâng tầm, bồi đắp bởi những người thầy giỏi. Đó
không chỉ là sự tận tụy, tâm huyết và trí tuệ mà hơn hết còn cả sự cống hiến và
hy sinh của các thầy, cô giáo khi được Trường phân công đảm nhận bất cứ đội tuyển
nào.
Trong ngôi nhà đi thuê của vợ chồng thầy
Lại Xuân Duy ở phường Minh Tân (thành phố Yên Bái), cái nhiều nhất mà tôi thấy
và cảm nhận được là tài liệu, sách cùng nhiệt huyết của người thầy giỏi. Sự nỗ
lực của thầy và trò cả một chặng đường dài, đã khẳng định một vị trí trong kỳ
thi mang tầm quốc tế.
Nói về người thầy giáo Vật lý đáng kính của
mình, em Huy xúc động chia sẻ: “Thầy Duy là thầy giáo giỏi, tâm huyết, luôn hết
lòng vì học sinh, nhưng thầy cũng vô cùng khiêm tốn, giản dị. Nếu không có
thầy, em cũng không thể có thành công. Em đã học được rất nhiều từ thầy. Nhiều khi
tìm được đề bài hay, thầy trò cùng say sưa giải. Thầy cũng đã phải hy sinh rất
nhiều tâm sức, thời gian dành cho bản thân gia đình để sát cánh cùng học
sinh".
Tôi nhớ thầy Duy đã bộc bạch, bất cứ thầy
cô nào được phân công dạy đội tuyển thì đã mang trên vai một trách nhiệm nặng
nề, nên phải xác định đó là nhiệm vụ chính trị, phải làm hết tinh thần trách
nhiệm. Tôi nhẩm tính, một năm học với rất nhiều kỳ thi, từ giải cấp trường đến
cấp tỉnh, rồi các giải khu vực như: duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ, miền núi và
Trung du phía Bắc, giải quốc gia..., với chất lượng của đội tuyển ở trường
chuyên biệt như Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành thì vấn đề không phải ở
việc có giải mà chính số lượng và chất lượng mới là quan trọng. Chính vì thế,
cần có chiến lược cả về tư duy, phương pháp, kiến thức truyền đạt cho các em.
Quá trình ôn luyện cho các em không chỉ dừng lại ở những đề bài sưu tầm từ
những cuốn sách hay, từ tài liệu của các chuyên gia mà thầy Duy còn tìm kiếm
trên mạng và đặc biệt là dịch tài liệu nước ngoài để có những đề bài hay cho
các em thử sức. Niềm vui chính là việc, thầy trò háo hức với những đề bài hay,
cùng chinh phục khi tìm ra lời giải. Điều thầy Duy luôn tiếc nuối là, mình còn
có rất nhiều hạn chế nên không thể giúp các trò của mình nhiều hơn nữa. Thầy chia
sẻ, đó là sự thiệt thòi bởi việc thiếu hụt nền tảng kiến thức THPT do điều kiện
khách quan mang lại.
Sinh năm 1979, Lại Xuân Duy học cấp 2 tại
một xã vùng cao của tỉnh, học hết lớp 8, nhà trường không tổ chức được lớp 9 do
không đủ học sinh. Nghỉ ở nhà một năm, thầy Duy mới tiếp tục học lớp 9. Học
xong lớp 9, cả xã chẳng có ai đi học cấp 3, thầy lại nghỉ một năm và năm sau
thì đi học bổ túc 2 năm 3 lớp. Chính vì thế, chàng sinh viên khoa Vật lý Trường
Đại học Sư phạm Hà Nội II đã nỗ lực vượt bậc và chinh phục khối kiến thức vô
tận khi còn ngồi trên giảng đường. Vậy mà, thầy vẫn luôn cảm thấy hạn chế và
thiếu hụt kiến thức. Về Trường Chuyên, thầy Duy lại phải đầu tư nhiều thời gian
hơn để nghiên cứu học hỏi, bổ sung kiến thức từ đồng nghiệp và các loại tài
liệu… Có lẽ, vì thế mà sự thành công hôm nay từ khởi đầu không thuận lợi ấy
càng khiến các đồng nghiệp và học trò kính trọng, nể phục hơn.
Tuy vậy, bên cạnh niềm đam mê, quyết tâm
chinh phục kiến thức, chinh phục giải của thầy và trò, còn rất cần sự ủng hộ
của gia đình. Không ít gia đình có tư tưởng không cho con vào đội tuyển vì sẽ
phải vất vả và mất thời gian. Hoặc có những em rất giỏi, rất có khả năng nhưng
khi đã dành giải quốc gia, có một "vé" tuyển thẳng đại học là có tư
tưởng dừng lại thay vì quyết tâm tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới. Để rồi, có
những trường hợp vì tư tưởng của bố mẹ các em không được thực hiện ước mơ của mình,
không được lựa chọn những gì mình thích, nhất là việc chọn trường, chọn khối.
Đây cũng là hạn chế giảm đi những cơ hội cọ sát và chinh phục giải cao hơn của
học sinh giỏi tỉnh nhà. Chính vì vậy, mới thấy con đường gặt hái thành công là
cả một chặng đường dài, cộng hưởng nhiều yếu tố.
Về một chiến lược phát triển
Hơn hết, chất lượng giáo dục, thành tích
các kỳ thi có vai trò quan trọng của sự quan tâm đầu tư, định hướng đúng
đắn của tập thể, Ban giám hiệu nhà trường. Bởi thế, câu chuyện về chất lượng
giáo dục mũi nhọn của trường đã được xây dựng như một chiến lược để phát triển.
Vậy nhưng, điều mà thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Hợp khẳng định, trước hết
không phải chỉ là chất lượng mũi nhọn mà là câu chuyện về một môi trường giáo dục
toàn diện. Điều đó vô cùng quan trọng để có những thế hệ học trò giỏi giang,
năng động để đào tạo cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao.
Vì thế, từ ý thức tổ chức kỷ luật, kỹ năng
sống đến vấn đề chấp hành Luật Giao thông đường bộ đều được nhà trường quan
tâm. Chỉ đơn cử như việc quy định phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, học sinh
nào không chấp hành, khi bị phát hiện sẽ nhận xếp loại hạnh kiểm trung bình và
điều đó đồng nghĩa với việc phải ra khỏi trường. Vì thế, học sinh chấp hành rất
nghiêm túc.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng học tập,
các phong trào văn nghệ, thể thao, hoạt động từ thiện nhân đạo được nhà trường,
thầy cô giáo định hướng rõ ràng và học sinh nhiệt tình hưởng ứng. Các hoạt động
thiện nguyện như tới: Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trường SOS của tỉnh để giao lưu,
hòa đồng với các bạn khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong các hoạt
động tập thể là việc làm luôn được khích lệ. Điều đó, cùng với việc bồi đắp
kiến thức, giúp các em dần trưởng thành, trân trọng cuộc sống, biết sẻ chia và
yêu thương.
Cũng phải nói rằng, dù còn là một tỉnh
nghèo, song trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh và Sở giáo dục và Đào tạo luôn
quan tâm tới hoạt động chuyên môn của trường. Trong đó, mỗi năm, từ nguồn ngân
sách tỉnh đã đầu tư 750 triệu đồng cho bồi dưỡng học sinh giỏi. Từ nguồn xã hội
hoá nhà trường xây dựng Quỹ Khuyến học khuyến tài nhằm bồi dưỡng tài năng; trao
học bổng cho các em đoạt học sinh giỏi mỗi năm từ 400 đến 500 triệu đồng, đồng
thời, đầu tư cho đội ngũ giáo viên tiếp tục học tập nâng cao trình độ. Hiện
tại, 20/64 cán bộ, giáo viên của Trường có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ. Với định
hướng mở rộng, vươn tầm quốc tế, nhờ sự giúp đỡ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt
Nam, từ năm học tới trường sẽ có một trợ giảng người Mỹ đến hỗ trợ giảng
dạy bộ môn Tiếng Anh. Đó sẽ là cơ hội, để bổ sung các kỹ năng còn nhiều hạn chế
của môn học này từ lâu nay. Đó cũng là một trong những định hướng rất chiến
lược của Trường.
Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, kết thúc
năm học 2014-2015, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, sẽ chuyển sang địa điểm
mới với quy mô lớn hơn. Cơ sở vật chất và trang thiết bị sẽ được hoàn thiện,
tiếp tục bổ sung những môn chuyên hiện tại chưa tổ chức được, đó là các môn
chuyên: Sử, Địa và Tin. Dù rằng, trước mắt sẽ phải khắc phục những khó khăn khi
chuyển sang cơ sở mới chưa hoàn thiện hết các hạng mục thiết kế, song về lâu
dài, đó sẽ là những điều kiện thuận lợi để Trường tiếp tục khẳng định những
thành công, xứng đáng là nôi giáo dục, đào tạo chất lượng cao vinh dự mang tên
Bác Hồ kính yêu.