Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) có 38
chương, 486 điều. Bộ luật quy định trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy
tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ,
quyền hạn và trách nhiệm của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền
và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp
tác quốc tế trong tố tụng hình sự.
Phát biểu thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ
bản đồng tình, nhất trí với các nội dung và điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình
sự (sửa đổi) vì Bộ luật này phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhằm tăng
tính dân chủ, công khai. Nhiều đại biểu cho rằng nên tăng quyền bào chữa cho
những người am hiểu pháp luật, thành viên ủy ban mặt trận Tổ quốc nếu
chỉ để nguyên luật sư bào chữa thì nhiều địa phương sẽ không đủ người bào chữa cho
bị cáo; đảm bảo quyền lợi cho người bào chữa; không nên có quy định lấy lời
khai ngay để đảm bảo tính dân chủ, tránh bức cung, nhục hình. Các đại biểu tán
thành với việc phải quy định một số cơ quan tiến hành các hoạt động điều tra để
đáp ứng yêu cầu của việc điều tra hiện nay.
Về bắt buộc ghi âm, ghi hình, nhiều đại
biểu khẳng định đây là một hoạt động có tính nhân văn cao, tránh những sai sót
gây bất lợi cho người phạm tội, tuy nhiên chỉ cần quy định ghi âm là đủ, không
nhất thiết phải ghi hình; nên tạo những điều kiện thuận lợi tối đa cho các bị can,
bị cáo để đảm bảo quyền lợi cho các bị can, bị cáo; Bộ luật này cần phải thể
chế hoá Hiến pháp năm 2013 để đảm bảo quyền lợi cho các bị can, bị cáo đúng quy
định của pháp luật, khắc phục được những hạn chế trong pháp luật tố tụng hình
sự hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Công Bình – Phó trưởng đoàn
ĐBQH tỉnh Yên Bái (ảnh trên) đề
nghị bổ sung vào khoản 3, điều 7 nội dung “và trường hợp có lệnh hoặc quyết
định truy nã” để phù hợp với điều 86 của Dự luật và phù hợp với công tác truy
nã hiện nay.
Về thời hạn điều tra (điều 162), đại biểu
Bình cho rằng qua nghiên cứu điều 162, điều 163 còn vênh giữa gia hạn điều
tra và gia hạn tạm giam (thời gian gia hạn tạm giam ít hơn thời gian gia hạn
điều tra) sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, vì chưa hết thời hạn điều tra
đã hết thời hạn tạm giam, do đó cần phải xem xét sửa đổi cho phù hợp.
Trước đó, vào buổi sáng, các đại biểu làm
việc tại Hội trường nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tổ chức cơ quan
điều tra hình sự; thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp
lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
khoá XIII và năm 2015; thảo luận Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Các ý kiến bày tỏ tán thành với kiến nghị
của Chính phủ, trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời
gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, sau một năm nghỉ việc nếu không
tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một
lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định của Luật
Bảo hiểm xã hội năm 2006. Các đại biểu kiến nghị nếu chọn phương án sửa Luật
phải thực hiện theo đúng quy trình, có đánh giá bao nhiêu doanh nghiệp tán
thành với việc sửa Luật, đánh giá tác động từ phía đối tượng chịu sự tác động
của điều luật là người lao động và tăng cường tuyên truyền vận động để người
lao động chấp nhận phương án của điều 60.