Củng cố, phát triển mạng lưới trường lớp
Giai đoạn 2010 - 2015, ngành giáo dục và
đào tạo tham mưu cho UBND huyện rà soát, điều chỉnh quy mô mạng lưới trường lớp
học, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, từng bước nâng cao chất lượng giáo
dục. Năm học 2009 - 2010, toàn huyện có 33 trường trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào
tạo (GD-ĐT), trong đó có 8 trường tiểu học, 7 trường tiểu học và trung học cơ
sở. Năm học 2014 - 2015, có 36 trường trực thuộc, trong đó có 9 trường tiểu
học; 6 trường tiểu học và trung học cơ sở; 7 trường tiểu học và 4 trường có lớp
tiểu học chuyển sang mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT). So với
năm 2010, tách và thành lập thêm 1 trường tiểu học; thực hiện co cụm 89 điểm
trường tiểu học xuống còn 85 điểm là các điểm trường Trống Tông xã Chế Cu Nha,
điểm trường Phình Ngài, Háng Cơ xã Nậm Có, điểm trường Tà Tê xã Lao Chải. Đầu
tư xây dựng cơ sở vật chất được quan tâm.
Trong 4 năm qua, đã có 298 phòng và
26 hạng mục phụ trợ được đầu tư, tổng kinh phí trên 83,9 tỷ đồng từ nguồn ngân
sách, trái phiếu Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia; 30a; ODA; tài trợ;
xã hội hóa và nhân dân đóng góp. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất có trọng
điểm, khai thác tối đa, hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất được đầu tư. Các đơn vị
trường quan tâm cải tạo khuôn viên, xây dựng môi trường giáo dục sạch, đẹp, an
toàn, thân thiện đã tạo chuyển biến trong huy động học sinh đến trường và nâng
cao tỷ lệ chuyên cần; nâng cao nhận thức của nhân dân về giáo dục, việc huy
động và đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường học đạt nhiều kết quả
tốt.
Duy trì số lượng, nâng cao chất lượng
Năm 2014, toàn huyện có 334 lớp tiểu học,
7.777 học sinh, đạt 99,5% kế hoạch giao. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào học lớp
1 đạt 97,5%; trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học năm học 2013-2014 đạt
81,1 %. Phòng GD-ĐT tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo thực hiện đổi mới công tác quản
lý dạy và học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình; triển khai các
biện pháp giảm tỉ lệ học sinh yếu nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục.
Đặc biệt, đã quan tâm đến đối tượng học
sinh dân tộc thiểu số trong việc tăng cường tiếng Việt, chuẩn bị tiếng Việt cho
trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1. Ngành cũng chỉ đạo nâng cao hiệu
quả hoạt động giáo dục của các trường phổ thông dân tộc bán trú; chấn chỉnh nề
nếp, kỷ cương trong dạy và học, kiểm tra việc bàn giao chất lượng giáo dục và việc
rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh ở các đơn vị trường. Đội ngũ cán bộ quản
lý, giáo viên, nhân viên đã cơ bản đáp ứng về số lượng; việc chuẩn hóa giáo
viên ở các cấp học từng bước đáp ứng yêu cầu về đổi mới và nâng cao chất lượng
giáo dục. Toàn ngành đã có 539 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cấp tiểu
học. Giáo viên có trình độ chuẩn trở lên đạt 100%, trong đó trình độ trên
chuẩn đạt 55,1%.
Thực hiện mục tiêu phổ cập, hàng năm ngành
tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học tham gia học tập đào tạo nâng
cao trình độ chuyên môn. Phòng GD-ĐT liên kết với Trường Cao đẳng Sư phạm Yên
Bái mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục, các lớp cao đẳng tiểu học
tại huyện. Năm 2014, đã mở 1 lớp cao đẳng tiểu học tại huyện, kết thúc khóa học
vào hè 2015 với tổng số 70 giáo viên; mở lớp bồi dưỡng tiếng Mông cho 50 cán
bộ, giáo viên; bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn cho 100% cán bộ quản lý,
giáo viên, nhân viên tiểu học trong hè và năm học.
Nhờ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt,
năm 2014, Mù Cang Chải đã có 14/14 đơn vị xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn
PCGDTH. Trong đó, duy trì đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 1 ở 8 đơn vị là
Mồ Dề, Kim Nọi, Khao Mang, Lao Chải, Hồ Bốn, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Púng
Luông, Cao Phạ. Xã Nậm Khắt và Chế Tạo được công nhận mới đạt chuẩn PCGDTH đúng
độ tuổi mức độ 1. Thị trấn Mù Cang Chải và xã Chế Cu Nha duy trì đạt
chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 2. Xã La Pán Tẩn được công nhận mới đạt chuẩn
PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 2.
Đồng chí Hoàng Văn Đồng – Trưởng phòng
GD-ĐT huyện cho biết: “Hết năm 2014, huyện đã có 13/14 đơn vị đạt chuẩn PCGDTH
đúng độ tuổi, đạt 92,9%; duy trì PCGDTH xã Nậm Có và phấn đấu thực hiện đạt chuẩn
PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 1 trong năm 2015”. Đáng mừng là tỷ lệ huy động trẻ 6
tuổi vào học lớp 1 đã đạt 97,5%; trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu
học năm học 2013 – 2014 đạt 81,1 %. Tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,43, đã đảm bảo số
lượng giáo viên để dạy đủ các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp
tiểu học. Mạng lưới trường, lớp phù hợp, tạo điều kiện cho trẻ em đi học thuận
lợi. Tổng số phòng học của 332/334 lớp đạt tỷ lệ 0,99 phòng/lớp, phòng
học cơ đảm bảo các yêu cầu về giảng dạy và học tập.
Phát triển trường phổ thông dân tộc
bán trú đã thu hút học sinh ra lớp, tăng tỷ lệ chuyên cần.
Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học và
Trung học cơ sở xã Mồ Dề trong tiết kiểm tra cuối kỳ.
Duy trì đạt chuẩn vững chắc
Đồng chí Lương Thị Xuyến – Phó chủ tịch
UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo PCGD - chống mù chữ và xây dựng xã hội học tập
huyện Mù Cang Chải cho biết: “Huyện tiếp tục chỉ đạo duy trì 10 đơn vị đã đạt
chuẩn PCGDTHĐĐT mức độ 1, duy trì 3 đơn vị đạt chuẩn PCGDTHĐĐT mức độ 2 và phấn
đấu năm 2015 thêm 1 đơn vị (xã Nậm Có) đạt chuẩn PCGDTH ĐĐT mức độ 1; duy trì
100% đơn vị đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi, giữ vững kết quả đạt chuẩn trong năm
2015 và những năm tiếp theo. Ngành GD-ĐT tiếp tục củng cố, xây dựng, hoàn thiện
mạng lưới trường, lớp phù hợp, tạo điều kiện cho trẻ em đi học thuận lợi; đảm
bảo đủ số phòng học đạt tỷ lệ 1 phòng học/lớp; phòng học bảo đảm an toàn, đáp ứng
các yêu cầu về dạy và học. Các trường học có thư viện, phòng y tế học đường,
phòng thiết bị giáo dục, phòng truyền thống và hoạt động Đội; có sân chơi, sân
tập an toàn được sử dụng thường xuyên”.
Về đội ngũ, mục tiêu đề ra là đáp ứng đủ số
lượng giáo viên để dạy các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông cấp
tiểu học với tỷ lệ 1,2 giáo viên/lớp đối với trường tiểu học tổ chức dạy học 5
buổi/tuần và 1,3 giáo viên/lớp đối với trường tiểu học tổ chức dạy học trên 5 buổi/tuần.
100% giáo viên được hưởng chế độ chính sách theo quy định hiện hành; tiếp tục
nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực của cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Đối với các đơn vị đạt chuẩn PCGDTH đúng độ
tuổi mức độ 1, bảo đảm huy động từ 95% trở lên số trẻ em 6 tuổi lớp vào lớp 1,
có 80% số trẻ trong độ tuổi 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, số trẻ em
ở độ tuổi 11 tuổi còn lại đang học các lớp tiểu học. Các đơn vị đạt chuẩn PCGDTH
đúng độ tuổi mức độ 2, duy trì bảo đảm tỉ lệ huy động từ 98% trở lên trẻ em 6
tuổi vào lớp 1; 90% trở lên số trẻ trong độ tuổi 11 tuổi hoàn thành chương
trình tiểu học; 50% trở lên số học sinh học 9 - 10 buổi/tuần; đảm bảo
100% trẻ em thuộc diện chính sách trong các cơ sở giáo dục tiểu học được hưởng
các chế độ theo quy định hiện hành.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đề
ra, UBND huyện tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận
thức, trách nhiệm cho các cơ quan đơn vị, cộng đồng dân cư, các ngành, các cấp
về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của công tác PCGD, đặc biệt là công tác PCGDTH
đúng độ tuổi; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý,
giáo viên, của chính quyền địa phương, đặc biệt là trách nhiệm, nhiệm vụ của
các thành viên trong ban chỉ đạo cấp xã. Các đơn vị trường học tích cực và chủ
động tham mưu về các hoạt động, nhiệm vụ của ban chỉ đạo trong công tác thực
hiện PCGDTH đúng độ tuổi hàng năm; củng cố duy trì các điểm trường, thực hiện
xây dựng đủ phòng học, phòng học bảo đảm cho các lớp học; xóa phòng học tạm;
tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, tạo điều kiện cho giáo viên được tham gia
học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin
trong công tác chăm sóc giáo dục học sinh đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội
hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực tập trung xây dựng, củng cố cơ sở vật
chất, mua sắm trang thiết bị bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn để hoàn thành
mục tiêu phổ cập PCGDTH đúng độ tuổi.
Ông Hoàng Văn Đồng – Trưởng phòng Giáo
dục và Đào tạo:
“Cần quán triệt, triển khai sâu rộng
trong các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động từ cấp huyện đến các
xã, thị trấn và là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội của địa phương đồng thời chỉ đạo các đơn vị củng cố, kiện toàn ban chỉ
đạo; xây dựng kế hoạch cho giai đoạn và hàng năm phù hợp. Cần có sự phối hợp
chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền vận động
trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Ngành GD-ĐT
tăng cường đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi
mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học đối với cấp tiểu học; chỉ đạo,
kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác điều tra, huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp.
Hiệu trưởng các trường chủ động tham mưu, đề xuất những giải pháp hợp lý,
thực hiện tốt và sáng tạo nghị quyết của cấp ủy Đảng và chính quyền địa
phương; bảo đảm các chế độ chính sách cho giáo viên và học sinh”.
|