Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Lễ hội truyền thống >> Văn hóa - Xã hội

Lễ hội đình làng Yên Lương, xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái

23/07/2018 21:02:29 Xem cỡ chữ Google
Hàng năm cứ vào ngày 4 tháng 3 âm lịch, nhân dân trong xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái lại tưng bừng mở hội đình Yên Lương cúng tế, ghi nhớ công ơn Thành hoàng làng.

Lễ rước bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa đình Yên Lương

1. Nguồn gốc Lễ hội

Đình Yên Lương còn có tên gọi khác là đình Quan Thương, hay đình Quan Chiêu, được xây dựng vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX, thờ Thành Hoàng làng là cụ Nguyễn Văn Vỉ (còn gọi là cụ Quan Thương). Đình Yên Lương cách trung tâm thành phố Yên Bái 11km, tọa lạc tại địa phận xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Theo gia phả dòng họ Nguyễn sinh sống ở Minh Tiến từ năm 1812, và theo tài liệu ghi chép của các cụ cao tuổi ở địa phương, vào khoảng những năm cuối thế kỷ XIX, cụ Nguyễn Văn Vỉ (còn gọi là cụ Quan Thương) quê xã Mạn Lạn, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ đã đỗ chức quan Thương Tá được triều đình nhà Nguyễn cử làm khẩn chủ hai phủ Lâm Thao, Đoan Hùng (trông coi việc thuế và khai khẩn đất đai). Sau khi Pháp mở rộng xâm lược các tỉnh miền Bắc và triều đình nhà Nguyễn rối ren, cụ Vỉ đã từ quan về quê chiêu dân lập ấp, lập làng mở mang đất đai.

Cụ đưa con cháu lên Đông Cuông để khai phá vùng đất mới, nhưng nhân dân nói Đông Cuông là vùng rừng thiêng nước độc nên cụ lại quay về Thanh Ba. Sau một thời gian, cụ Vỉ thấy vùng Mạn Lạn của huyện Thanh Ba khi ấy vốn là vùng quê nghèo, khó làm ăn nên cụ Vỉ ngẫm thấy những miền đất mình đã đi ngược lên thượng nguồn sông Thao có nhiều nơi đất rộng, bằng phẳng lại chưa có người ở nên có thể đến đó mở làng lập ấp. Từ suy nghĩ này, cụ quyết định đưa 9 hộ trong họ lên vùng Minh Tiến lên khai phá ở làng Yên Lương thuộc tổng Giới Phiên, phủ Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (nay thuộc xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái). Đây là vùng đất màu mỡ được bồi đắp bởi phù sa sông Hồng, nên cụ cùng con cháu định cư, khai phá đất đai lập làng, làm ruộng, tạo thành vùng đất trù phú, sau dần đông dân. Chẳng bao lâu, nhiều người cùng quê và những nơi khác cũng kéo đến đây vỡ đất thành làng xóm đông vui.

Năm 1928, sau khi cụ Nguyễn Văn Vỉ qua đời, triều đình nhà Nguyễn thấy cụ là người đã từng có công trong lúc làm quan, lúc cuối đời lại là người đức độ, không kể gian khó đi mở mang đất đai tìm kế mưu sinh cho dân nghèo, đồng thời, cụ còn kéo theo được nhiều con cháu như cụ đồ Nguyễn Văn Phòng, hương sư Nguyễn Văn Tuấn lên vùng đất mới dạy chữ Hán, chữ quốc ngữ mở mang nền học vấn cho dân để làm nên một vùng quê vừa trù phú, vừa hiếu học, nên phong cho cụ làm thần hoàng làng Yên Lương. Dân làng có trách nhiệm dành đất hương hỏa, xây đình thờ tự cúng tế hàng năm để ghi nhớ công ơn cụ. Hàng năm, đình Yên Lương tổ chức lễ tế vào ngày 4 tháng 3 âm lịch - là ngày mất của cụ và ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm.

Di tích đình Yên Lương được hình thành từ khá sớm, xưa kia đình Yên Lương nằm tọa lạc ngay bên bờ sông Thao, với địa thế và quang cảnh rộng lớn, tổng diện tích hơn 1000m2. Đình xưa được xây dựng bằng gỗ 5 gian, gồm hậu cung, đại bái. Trải qua năm tháng, đình đã bị phá hủy, không còn nguyên gốc. Để có nơi thờ cúng khang trang, xứng với công lao của tiền nhân, dòng họ Nguyễn cùng nhân dân xã Minh Tiến đã tu bổ, tôn tạo lại đình trên nền cũ của đình năm xưa.

Di tích đình Yên Lương được khôi phục xây dựng lại với kết cấu vật liệu bê tông cốt thép, lợp ngói vảy, kiến trúc hình chữ “Đinh”, gồm 3 gian đại bái và 1 gian hậu cung được liên kết với nhau hài hòa. Tòa đại bái được xây trên nền cao, được bó vỉa xung quanh rất bề thế và vững chãi. Phía sân đình rộng lớn và thoáng mát, thích hợp làm nơi hội họp cho dân làng và tổ chức lễ hội.

Đặc biệt đình còn lưu giữ một số di vật có giá trị như 2 bài vị có khắc các chữ Hán, lư hương, kiệu rước, đao, kiếm… Đình Yên Lương gắn liền với lịch sử hình thành và định cư của người dân trên mảnh đất cổ Yên Lương, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần trường tồn cùng thời gian.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), đình Yên Lương còn là địa điểm làm việc của xã, nơi du kích - bộ đội luyện tập, nơi tập kết bộ đội - dân công và là nơi cấp cứu thương binh, tập kết trung chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch giải phóng Tây Bắc 1952, Điên Biên Phủ (1953-1954). Thời kỳ bình dân học vụ (1945-1946), thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh giết giặc đói, giết giặc dốt, đình là địa điểm dạy học, xóa mù chữ cho nhân dân trong xã. Năm 1949-1950, đình Yên Lương là nơi tập trung du kích luyện tập, tập kết bộ đội từ bến phà Âu Lâu lên Đình để họp bàn triển khai nhiệm vụ kháng chiến. Năm 1952-1953, đình tiếp tục là địa điểm tập kết lương thực, thực phẩm, bộ đội, thương bệnh binh tham gia chiến dịch Tây Bắc.

2. Thời gian tổ chức Lễ hội

Hàng năm, đình Yên Lương tổ chức lễ hội vào ngày 4 tháng 3 âm lịch và ngày rằm tháng 7 âm lịch.

3. Địa điểm tổ chức Lễ hội

Xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

4.  Phần Lễ hội

Hàng năm vào ngày hội đình, trong làng thường mổ trâu, lợn cúng tế với nhiều ghi lễ trang trọng, mở hội linh đình với nhiều trò chơi dân gian và đón phường hát về biểu diễn. Đến nay nhờ có chính sách bảo tồn phát huy những giá trị lịch sử truyền thống cùng với việc phát triển kinh tế xã hội, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái đã tổ chức nghiên cứu và xếp hạng di tích đình Yên Lương. Con cháu của dòng họ Nguyễn và nhân dân xã Minh Tiến có nhiều người công tác, làm ăn thành đạt đã cùng chung sức với địa phương xây dựng lại ngôi đình thờ thành hoàng rất khang trang, kiên cố.

Những nỗ lực đó sẽ càng góp phần nêu cao đạo lý "Uống ước nhớ nguồn" của nhân dân với công lao của tiền nhân. Đồng thời, cũng là nhân tố đắc lực trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của làng xã Việt Nam từ ngàn xưa để lại.

5. Thông tin liên hệ

- Liên hệ đơn vị tổ chức lễ hội: Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái; Điện thoại: 02166.287.888.

- Liên hệ Công ty Lữ hành: Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Yên Bái - Điện thoại: 02163893985; Giám đốc Công Ty: Ông Đặng Minh Khôi - điện thoại: 0919855220 -  0976079266.

- Cơ sở Lưu trú:

+ Nhà nghỉ 1: Nhà nghỉ Quang Tùng, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên;  Điện thoại:0385601835; Quy mô nhà nghỉ 08 phòng.

+ Nhà nghỉ 2 Nhà  nghỉ 278, thị trấn Cổ Phúc;  Điện thoại:0974835333; Quy mô nhà nghỉ 12 phòng.

- Cơ sở ăn uống:

+ Nhà hàng Việt Thanh:  Khu phố 8 - Thị trấn Cổ Phúc - Trấn Yên - Yên Bái. Điện thoại: 0975.850.072.

+ Nhà hàng Tuấn Phương: Khu phố 6 - Thị trấn Cổ Phúc - Trấn Yên - Yên Bái. Điện thoại: 0916.424.935.

- Phương tiện di chuyển:

+ Đường bộ: Xe khách.

3506 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h