Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Đại Minh quy hoạch nghĩa trang theo chuẩn nông thôn mới: Càng khó càng quyết tâm

29/05/2015 14:17:36 Xem cỡ chữ Google
Theo kế hoạch, Đại Minh là một trong ba xã của huyện Yên Bình phấn đấu đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020. Đến tháng 3 năm 2015, xã đã hoàn thành 10 tiêu chí. Trong 9 tiêu chí còn lại, tiêu chí 17 về môi trường là tiêu chí khó khăn nhất đối với địa phương. Nội dung thứ tư “Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch” ở tiêu chí 17 đang trở thành vấn đề cần được quan tâm và nhanh chóng giải quyết của Đại Minh hiện nay.

Đồng chí Phùng Xuân Thủy (bên phải) - Phó chủ tịch UBND xã Đại Minh và Trưởng thôn Minh Thân - ông Vũ Văn Lực kiểm tra diện tích đất của Nghĩa trang Đất Bát mà nhân dân đã sử dụng để trồng bưởi, trồng chè...

Ngổn ngang trăm mối

Điểm d Khoản 2 Điều 19 Chương II của Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT ngày 4/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới quy định: “Nghĩa trang có quy hoạch và quản lý theo quy hoạch: mỗi thôn hoặc liên thôn hoặc xã, liên xã có quy hoạch đất làm nghĩa trang lâu dài phù hợp với tập quán của địa phương (trừ nơi có tập quán an táng không ở nghĩa trang); có quy chế quản lý nghĩa trang; việc táng người chết phải được thực hiện phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại”.

Đại Minh có 15 thôn, 824 hộ, 3.168 khẩu và 98,9% dân số là người Kinh. Có những dòng họ đã sinh sống ở vùng đất bưởi nổi tiếng này từ hơn 100 năm đến 200 năm như họ Nguyễn, Dương, Trần, Phạm, Lỗ... Cả xã có 8 nghĩa trang, trong đó 4 nghĩa trang phục vụ riêng dân cư của chính thôn ấy là Đại Thân 1, Lâm Sinh, Đồng Danh, Tơ Hồng (thôn Khả Lĩnh) và 4 nghĩa trang chung của các thôn là Đại Thân 2 (thôn Đại Thân 2, Phai Tung), Đồng Rằng (thôn Làng Cần, Đầm Thỏn, Cầu Mơ, Cầu 17, Cát Lem), Đất Bát (thôn Minh Thân, Đồng Nếp), Đồng Râm (thôn Quyết Tiến 11, Quyết Tiến 12).

Gia đình ông bà Dương Văn Xuân và Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Đồng Nếp có 10 mộ phần đã cải táng ở ba nơi cách nhau gần một cây số: khu tràn ruộng Cao Bằng, gò Cây Chanh, khu tràn Đồng Róc. Tất cả đều được hung táng tại Nghĩa trang Đất Bát và sau đó gia đình phải tự tìm đất vì nghĩa trang không có diện tích dành cho cải táng. “Rõ ràng là bất tiện chứ vì xa nơi mình ở, không có người trông nom rồi ngày giỗ chạp, thanh minh... đi lại cũng vất vả”, bà Tuyết giãi bày. Nghĩa trang Đất Bát ngay gần đường bê tông, thuận tiện đi lại đối với nhân dân hai thôn Đồng Nếp và Minh Thân. Hiện nay, nghĩa trang này còn hơn 20 mộ hung táng và cũng chỉ đủ đất cho vài mộ nữa.

Theo ông Vũ Văn Lực - Trưởng thôn Minh Thân thì diện tích ban đầu của nghĩa trang có độ 8.000m2. Đó là thời điểm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước song lại không có mốc ranh giới, không có sơ đồ thực địa cũng như không có giấy tờ, văn bản. Theo thời gian, dân số tăng, nhu cầu về đất sản xuất cũng tăng nên người dân đã sử dụng một phần đất của nghĩa trang để trồng keo, bưởi, chè, ngô... Chừng 3.000m2 là diện tích thực tế hiện giờ của nghĩa trang này. Thế nên từ đó đến nay, người dân hai thôn nếu có người thân qua đời thì cũng chỉ có thể hung táng tại đây chứ sau cải táng phải đi tìm đất nơi khác. Vậy là nhà có đồi thì xả đất hạ thấp độ cao, hộ có ruộng bớt đi ít đất sản xuất, gia đình có vườn cố tìm chỗ ưng ý... để có nơi yên nghỉ cho người thân của mình.

Đồng chí Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Yên Bình:

“Định hướng của huyện đối với việc quy hoạch nghĩa trang thực hiện xây dựng nông thôn mới là giao các xã lựa chọn quỹ đất bảo đảm phù hợp. Sau đó, xã báo cáo để huyện kiểm tra thực tế, điều chỉnh quy hoạch, giao các cơ quan chức năng hướng dẫn địa phương lập dự án giải phóng mặt bằng. Các xã cũng cần rà soát hiện trạng nghĩa trang các thôn để đề xuất phương án quy hoạch phù hợp điều kiện thực tế từng nơi”. 

Tơ Hồng là tên gọi của nghĩa trang thôn Khả Lĩnh. Khu đất vỏn vẹn 1,5 sào ấy nằm cách bờ sông Chảy tầm 15m với chưa đầy 10 nấm mộ. Lâu nay, đây cũng chỉ để phục vụ hung táng mà cải táng thì không. Nói về việc mộ phần cải táng không tập trung, Trưởng thôn Trần Quang Khải cũng ngổn ngang: “Cứ mỗi nhà một góc vườn. Cứ mỗi hộ một góc ruộng. Cứ mỗi gia đình một góc đồi. Thế là mất đất sản xuất. Thế là mất cả cảnh quan. Thế là tâm linh không tốt”. Hơn chục năm trước, vấn đề xây dựng một nghĩa trang tập trung vừa để hung táng vừa để cát táng đã được nhân dân Khả Lĩnh bàn đến. Địa điểm được ngắm và vừa ý mọi người là khu Gò Lõi ở ngay sau làng, kín đáo, rộng trên 1ha, đường dễ đi, xa làng chừng 600m và bảo đảm vệ sinh môi trường. Địa bàn thôn Khả Lĩnh có nghĩa địa của chi họ Nguyễn rộng trên một sào, quy tụ 24 mộ phần đã cải táng.

Ông Nguyễn Văn Dũng thuộc đời thứ 11 của chi họ này chân tình rằng: “Đến nay, nghĩa địa của chi họ Nguyễn chúng tôi cũng chỉ còn đất dành cho 3 đời nữa. Vì vậy, nếu thôn quy hoạch nghĩa trang tập trung không chỉ hung táng mà có cả cải táng thì chúng tôi với tinh thần là ủng hộ và sẵn sàng đóng góp xây dựng”.

Người dân khu trung tâm xã Đại Minh đều biết và còn nhớ đến trường hợp anh Nguyễn Thành Phương ở thôn Cầu 17 bị chết đuối ngày 9 tháng 7 năm 2008 (Âm lịch). Năm ấy, lũ lớn, nước mạnh đã san phẳng toàn bộ Nghĩa trang Đồng Rằng. Do nghĩa trang bị ngập nước mấy ngày nên gia đình anh Phương lúc đó đã phải nhờ việc chôn cất tại Nghĩa trang Đất Bát.

Nghĩa trang Đồng Rằng - một điểm mấu chốt và khó khăn nhất hiện nay của Đại Minh. Năm 1990, nơi này vẫn còn là ruộng mạ của dân. Người dân quanh đó thấy tiện nên có người nhà mất tự ý hung táng tại đây dẫn đến xảy ra nhiều va chạm. Năm 2010, UBND xã Đại Minh đã mượn khu đất này để cho nhân dân 5 thôn ở trung tâm xã làm nơi hung táng người thân qua đời. Đồng Rằng cách nhà dân gần nhất chưa đến 50m; gần Trường Mầm non, Trường Tiểu học, Trường Trung học cơ sở xã; gần UBND xã, Trạm Y tế xã; ở vị trí giữa 5 thôn và thường bị ngập nước bởi có một con ngòi chảy qua ngay bên dưới.

 Trưởng thôn Cầu 17 - ông Lê Huy Ninh khẳng định: “Nghĩa trang Đồng Rằng chỉ để hung táng nên người dân đều phải tự lo nơi cải táng. Do vị trí thấp, hay bị ngập, người nhà sợ mất mộ phần nên thôn Cầu 17, Cầu Mơ, Đầm Thỏn không có tình trạng mộ cải táng ở ruộng mà chủ yếu trên đồi rừng. Nhân dân thật mong sớm có quy hoạch một nghĩa trang tập trung!”. Điều này càng có ý nghĩa hơn đối với những gia đình ở thôn Cát Lem vì họ chỉ có đất ở.

Đồng chí Phùng Xuân Thủy - Phó chủ tịch UBND xã Đại Minh kể lại: “Năm 2012, ông Vũ Văn Đoàn khi đó là Trưởng thôn Cát Lem đã đề nghị xã xây dựng nghĩa trang vừa có nơi hung táng vừa có nơi cát táng để đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân. Tuy nhiên, địa phương cũng gặp khó khăn trong việc bố trí quỹ đất”. Hộ ông Dương Văn Chiến - thôn Cát Lem có 75m2 nhà ở và kinh doanh. Năm 2003, gia đình phải mua một mảnh ruộng 20m2 tại thôn Đồng Nếp để lo việc cải táng cho con dại. “Dân phố chúng tôi không thừa một chút đất nào. Có một nghĩa trang tập trung là nguyện vọng chính đáng của người dân. Nhà nước hỗ trợ, chúng tôi sẵn lòng đóng góp. Đời người sống cần có nhà yên ổn, mất đi phải có chốn đàng hoàng, ai cũng vậy”, ông Chiến mong mỏi. 

Không thể chậm trễ

Đồng chí Phùng Xuân Thủy - Phó chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết, xã chưa có thống kê nào về số hộ cũng như số mộ phần đã cải táng trên địa bàn. Tháng 4 năm 2015, UBND huyện Yên Bình đã kiểm tra thực tế và có kết luận yêu cầu xã Đại Minh điều chỉnh lại quy hoạch Nghĩa trang Đồng Rằng bảo đảm đạt chuẩn nông thôn mới. Trên cơ sở đó, định hướng của địa phương là quy hoạch nghĩa trang tại khu vực Đầm Thiều thuộc địa bàn thôn Đầm Thỏn có diện tích hơn 3ha. Đối với các nghĩa trang còn lại, xã chủ trương giữ nguyên hiện trạng. Vấn đề khó khăn nhất như đồng chí Phùng Xuân Thủy trao đổi là kinh phí vì liên quan đến mở rộng quỹ đất, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng sẽ không nhỏ, chưa kể xây dựng các hạng mục khác.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh quy hoạch Nghĩa trang Đồng Rằng thì Đại Minh cũng phải quan tâm mở rộng diện tích nghĩa trang các thôn còn lại. Việc này không thể nói là dễ nhưng cũng không phải là khó. Trước hết, điều đó xuất phát từ nhu cầu hết sức chính đáng và bức thiết của nhân dân. Người dân thật sự mong muốn thì khi địa phương có quy hoạch cụ thể, chắc chắn họ sẽ đồng lòng chung sức thực hiện. Quan trọng là từ kết quả huy động sức dân làm nhà văn hóa, làm đường giao thông... xã cần rút kinh nghiệm, tạo sự dân chủ, bảo đảm công bằng, thực hiện một cách cương quyết và nghiêm túc sẽ tập hợp, đoàn kết được nhân dân tiếp tục góp công, góp của.

Theo Quyết định số 30/2014/QĐ-UBND ngày 6/11/2014 của UBND tỉnh Yên Bái bổ sung mức hỗ trợ đối với các xã không thuộc các huyện nghèo xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 xây dựng nghĩa trang, cụ thể: vốn ngân sách Trung ương, tỉnh là 60% và vốn ngân sách cấp huyện, xã và huy động khác là 40%.

Về phía địa phương, cần đẩy mạnh tuyên truyền người dân không mở rộng diện tích nghĩa trang gia đình, dòng họ. Với xu hướng hiện nay, dù chưa có nhưng có thể dự báo rằng, việc hỏa táng sẽ dần đến với người dân nơi đây. Như vậy, nếu không đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và xây dựng các nghĩa trang tập trung thì xã sẽ ngày càng khó quản lý diện tích đất sản xuất cũng như khó đến gần đích nông thôn mới. Nhiệm kỳ mới 2015 - 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đại Minh đã bắt đầu và mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới cần được chú trọng quan tâm. Người dân Đại Minh qua các phương tiện thông tin đại chúng đã biết, đã thấy và đã mong quê mình có nghĩa trang đẹp đẽ như các nơi, ví dụ như Nghĩa trang Đá Bia ở thành phố Yên Bái. Cán bộ lãnh đạo địa phương chắc chắn sẽ càng quyết tâm hơn nữa nếu được nghe ông Cao Văn Độ, 83 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đại Minh giai đoạn 1982 - 1989 hiện ở thôn Minh Thân nói với vợ rằng: “Tôi và bà sẽ cố sống để chờ vào nghĩa trang mới cho có làng có xóm, để sớm chiều cùng nhau tập thể dục dưỡng sinh cho vui vẻ, bà nhé!”.

1826 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h