Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Huyện ủy, tăng trưởng kinh tế 5
năm qua của Văn Chấn đạt 15% với sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu, nhưng Văn Chấn
vẫn là huyện nông nghiệp và nông nghiệp vẫn là nền tảng của nền kinh tế. Nhìn
lại 5 năm của một nhiệm kỳ lãnh đạo, có thể đánh giá như thế nào về những thành
tựu trong lĩnh vực này?Có sự gắn kết và kết quả ra sao giữa phát triển nông
nghiệp với xây dựng nông thôn mới?
Đồng chí Trần Văn Mộc: Đảng bộ đã tập
trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu nội ngành theo hướng nâng cao giá trị, sản xuất
hàng hóa. Quy hoạch đã đi trước một bước để hình thành ba vùng sản xuất chính.
Nổi bật là, huyện đã quy hoạch phát triển cánh đồng sản xuất lúa hàng hóa tại
các xã: Phù Nham, Thanh Lương, Thạch Lương, Sơn A, Hạnh Sơn và thị trấn Nông
trường Nghĩa Lộ; phát triển vùng lúa năng suất, chất lượng cao tại cánh đồng
Mường Lò, Tú Lệ; mở rộng diện tích và tăng vụ ở vùng cao.
Năm 2015, sản lượng lương thực có hạt đạt
62.662 tấn, vượt mục tiêu đề ra; lương thực bình quân đầu người 412 kg/năm.
Vùng chè 4.454 ha được đầu tư thâm canh và cải tạo, sản lượng chè búp tươi đạt
45.000 tấn, chiếm 50% sản lượng chè toàn tỉnh. Vùng cây ăn quả 2.408 ha, đa
dạng chủng loại, sản lượng quả 12.500 tấn. Văn Chấn thực hiện hiệu quả trồng 2.550
ha cao su thí điểm theo chủ trương của Chính phủ, tỉnh, vượt 111% kế hoạch.
Ngành chăn nuôi đã phát triển một số mô hình theo hướng công nghiệp, bán công
nghiệp.
Tổng đàn gia súc năm 2015 đạt 119.000 con.
Đã phát triển một số mô hình nuôi cá chép lai, rô phi đơn tính, ba ba, cá nước
lạnh với sản lượng khai thác năm 2015 trên 605 tấn, vượt chỉ tiêu đề ra. Huyện
thực hiện có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách, lồng ghép với các chương trình,
dự án và huy động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Hàng năm,
huy động bình quân 100 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã có
16/28 xã đạt từ 5 tiêu chí trở lên, trong đó 8 xã đạt từ 8-12 tiêu chí. Những
kết quả trong lĩnh vực này, đã tạo sự ổn định có tính nền tảng, điều kiện thuận
lợi để phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Phóng viên: Một trong ba đột phá Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện
lần thứ XIX xác định là phát triển công nghiệp, đầu tư xây dựng kết cấu hạ
tầng. Sau 5 năm, kết quả ra sao, tác động thế nào đến tăng trưởng kinh tế, xã
hội địa phương, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Văn Mộc: Có thể thấy trong
những năm qua, nhiều dự án lớn đã đi vào sản xuất có hiệu quả, tăng thêm năng
lực sản xuất, đóng góp cho ngân sách như: Nhà máy Thủy điện Văn Chấn, Nhà máy
Thủy điện Ngòi Hút 2, Nhà máy Tuyển quặng sắt của Công ty THHH Một thành
viên phát triển số I Hải Dương, Nhà máy sản xuất Tinh dầu quế xã Sơn Lương... Văn
Chấn đã thu hút 5 doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Sơn Thịnh, tổng vốn
đăng ký trên 2.000 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 504 tỷ
đồng, vượt 104 tỷ đồng so với mục tiêu đề ra và tăng 279 tỷ đồng so với đầu
nhiệm kỳ. Trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hệ thống kết cấu
hạ tầng ở các xã vùng cao, xã đặc biệt khó khăn; chú trọng phát triển giao thông
nông thôn vùng thấp, vùng trọng điểm kinh tế.
Đồng thời, thực hiện tốt giải phóng mặt
bằng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư và quản lý dự án. Nhờ đó,
trong nhiệm kỳ có 403 công trình được đầu tư xây dựng và 368 công trình hoàn
thành, phát huy hiệu quả. Văn Chấn thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân
dân cùng làm” để kiên cố hóa 100 km đường bê tông xi măng, 4 km đường nhựa, 207
km đường cấp phối, mở mới 110 km đường đất. Trong 5 năm qua, đã có 4 công trình
thủy điện, trong đó 2 công trình với công suất 105 MW hoàn thành, đi vào sản
xuất. 31/31 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng
cơ bản từ năm 2011 - 2015 đạt trên 5.000 tỷ đồng, vượt 15,2% mục tiêu Nghị
quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra.
Phóng viên: Về công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ đã đạt được những
kết quả chủ yếu nào, nhất là thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị gắn
với thực hiện NQTW 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, thưa đồng chí Bí thư Huyện ủy?
Đồng chí Trần Văn Mộc: Đảng bộ tập trung
nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân
dân; công tác khoa giáo đã có 12/31 xã, thị trấn xây dựng, phát hành cuốn lịch
sử đảng bộ của địa phương mình; hàng năm số đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt
nhiệm vụ đạt trên 85%; tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đạt và vượt chỉ
tiêu đề ra, cơ sở yếu kém giảm dần; bình quân kết nạp 350 đảng viên/năm, vượt
mục tiêu đề ra. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và dân vận của Đảng
được tăng cường.
Đảng bộ quan tâm thực hiện tốt Chỉ thị
03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện NQTW 4 (khóa XI) “Một số vấn đề
xây dựng Đảng hiện nay”. Qua 4 năm, đã có 8 tập thể, 21 cá nhân điển hình được
biểu dương, khen thưởng qua các đợt sơ kết, tổng kết của huyện và tỉnh. Sau kiểm
điểm theo tinh thần NQTW 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy
đã đề ra 15 việc; cấp ủy các chi, đảng bộ trực thuộc đề ra 401 việc cần làm
ngay. Đến nay, những nội dung đề ra sau kiểm điểm đã hoàn thành, tạo ra những
chuyển biến rất tích cực.
Phóng viên: Đánh giá một nhiệm kỳ, theo đồng chí có những bài
học, kinh nghiệm nào được rút ra?
Đồng chí Trần Văn Mộc: Có 5 bài học kinh
nghiệm. Một là, phải thường xuyên quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng gắn
với đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tiếp
tục thực hiện có hiệu quả NQTW 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Hai là, phải đổi
mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tăng cường vai
trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, kiên quyết trong quản lý điều hành, tổ chức
thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp.
Ba là, triển khai thực hiện nghiêm túc và
vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chỉ thị, nghị quyết, cơ chế, chính sách của
Đảng, Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế địa phương; huy động, khai thác có
hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư phát triển gắn với các lĩnh vực bảo đảm an sinh
xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Bốn là, phát huy dân
chủ, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; tăng cường, củng cố đoàn kết
toàn dân, đoàn kết các dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội trong lãnh đạo, chỉ
đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Năm là, lãnh đạo phát triển kinh tế phải tiến
hành đồng bộ với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, cải
cách hành chính và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Huyện ủy, đặt trong bối cảnh,
tình hình chung và riêng, Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Văn Chấn lần thứ XX
tới đây xác định mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát như thế nào? Đâu là những nhiệm
vụ, giải pháp trọng tâm, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Văn Mộc: Đảng bộ xác định
thuận lợi là cơ bản nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen. Mục tiêu
tổng quát đề ra là “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây
dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và truyền thống
đoàn kết, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế, xã
hội bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.
Đảng bộ xác định có 7 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tập trung tái cơ cấu ngành nông-lâm nghiệp; quy hoạch, xây dựng vùng
sản xuất hàng hóa để nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, phát
triển nông nghiệp nông thôn toàn diện, bền vững. Cụ thể, tập trung lãnh đạo,
chỉ đạo xây dựng ổn định vùng sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng cao 900 ha, tập
trung ở Thanh Lương, Thạch Lương, Phù Nham, Hạnh Sơn, Sơn A và thị trấn Nông
trường Nghĩa Lộ. Xây dựng và triển khai Dự án phát triển vùng sản xuất lúa đặc
sản Tú Lệ với diện tích 100 ha; Dự án phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng
diện tích 400 ha gắn với bảo vệ và quảng bá nhãn hiệu “Chè Suối Giàng”.
Triển khai Đề án giao đất, giao rừng gắn
với quy hoạch, xây dựng vùng tre măng Bát độ, Điền trúc, tại một số xã vùng
ngoài. Quy hoạch phát triển và xây dựng thương hiệu “Cam Văn Chấn” và thực hiện
Đề án quy hoạch, phát triển, cải tạo bền vững vùng cây ăn quả cam, quýt bằng
các giống mới, giống chín muộn có giá trị kinh tế cao (diện tích 1.000 ha tập
trung ở Minh An, Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm, thị trấn Nông trường Trần Phú). Cải
tạo vùng nhãn ăn quả bằng các giống chín muộn tại các xã khu vực cánh đồng
Mường Lò.
Phối hợp, liên kết đầu tư xây dựng cơ sở
sản xuất giống cây ăn quả có múi tại thị trấn Nông trường Trần Phú. Mời gọi các
doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và
chuyển giao kỹ thuật công nghệ phục vụ cho phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp
của huyện và các huyện, thị phía Tây của tỉnh. Thứ hai, ưu tiên các nguồn lực
đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông
các tuyến đường Sơn Lương-Sùng Đô-Nậm Mười; Phù Nham-Suối Quyền; Liên Sơn-An
Lương; tiếp tục kiên cố hóa đường giao thông nông thôn.
Thứ ba, phát triển đô thị theo quy hoạch,
phấn đấu trong nhiệm kỳ hoàn thành trung tâm huyện lỵ mới.
Thứ tư, tiếp tục lấy công nghiệp làm khâu
đột phá, nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp khai thác, chế biến, trọng tâm
là công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, nông-lâm sản, gắn với xử lý môi
trường, hạn chế tối đa lãng phí tài nguyên. Đầu tư mở rộng Cụm công nghiệp Sơn
Thịnh theo quy hoạch của tỉnh và đẩy mạnh thu hút, mời gọi các doanh nghiệp đầu
tư, lấp đầy cụm công nghiệp.
Thứ năm, khai thác tiềm năng du lịch, tạo
điều kiện hoàn thành các hạng mục đầu tư Khu du lịch Suối Giàng, hình thành rõ
nét vùng du lịch sinh thái tạo thành tua du lịch Suối Giàng-An Lương-Mỏ Vàng
(Văn Yên), gắn du lịch sinh thái Suối Giàng với tuyến du lịch Mường Lò-Nghĩa
Lộ-Mù Cang Chải, Văn Chấn về Ba Khe, xuôi Hà Nội và ngược lại. Tạo điều kiện để
đồng bào các dân tộc tiếp cận với kinh doanh dịch vụ và văn hoá du lịch. Mời
gọi đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ các suối nước khoáng: Bản Hốc (xã Sơn
Thịnh), xã Sơn A, xã Tú Lệ.
Thứ sáu, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục
tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, trong đó tăng cường huy động các nguồn
lực, ưu tiên đầu tư cho 3 xã trong lộ trình và các xã có điều kiện thực hiện.
Thứ bảy, phát huy nhân tố con người, vận dụng cơ chế, chính sách, sử dụng nguồn
kinh phí tăng thu của địa phương để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
chủ chốt, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số và tuyển dụng
sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy, có bằng khá trở lên vào các vị trí
chuyên môn của xã, của huyện để tạo nguồn cán bộ kế cận. Cùng với đó, Đảng bộ
tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong
sạch, vững mạnh; củng cố, tăng cường, đảm bảo quốc phòng-an ninh để tạo điều
kiện thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Văn Chấn thành huyện phát
triển toàn diện, bền vững.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí và chúc Đại hội đại
biểu Đảng bộ huyện Văn Chấn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015- 2020 thành công tốt đẹp.
MỘT SỐ KẾT QUẢ CHỦ YẾU TRÊN LĨNH VỰC VĂN
HÓA - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH
1. Giữ vững chuẩn quốc gia phổ cập giáo
dục (PCGD) tiểu học và PCGD trung học cơ sở. 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn
PCGD mầm non trẻ 5 tuổi. Toàn huyện có 27 trường đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ
tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
2. Trên 60% số trạm y tế có bác sỹ; 100%
thôn bản, khu phố có nhân viên y tế; 8/31 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
83% dân số có thẻ bảo hiểm y tế. 98% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ;
tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,09%.
3. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 32,57%;
bình quân mỗi năm giảm 4% số hộ nghèo.
4. Toàn huyện có 71% số hộ, 50% số thôn
bản, khu phố đạt gia đình, thôn bản, khu phố văn hóa; 74% số cơ quan, đơn vị
đạt tiêu chuẩn văn hóa; 100% số xã có đài truyền thanh, được phủ sóng điện
thoại di động.
5. Quốc phòng-an ninh được củng cố, tăng
cường và giữ vững. Hàng năm, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, hội thi, hội
thao, diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập chiến đấu trị an, phòng chống
thiên tai…
|
(Theo Tuấn Anh/Báo Yên Bái)