Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Kinh tế

Nâng cao giá trị gạo Mường Lò bằng “Chỉ dẫn địa lý”

23/10/2017 07:26:33 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Gạo Mường Lò từ lâu đã được biết đến và tạo ra thương hiệu qua sự cảm nhận và định tính của người tiêu dùng. Tuy nhiên chưa có sự công khai về định lượng và các chỉ số khoa học nghiên cứu để thực sự thuyết phục người tiêu dùng khó tính. Để bứt phá, chứng minh và khẳng định thương hiệu của mình cũng như thực hiện chủ trương của Đảng bộ và UBND tỉnh Yên Bái, Thị xã Nghĩa lộ đã phối hợp với huyện Văn Chấn xây dựng chỉ dẫn địa lý “Gạo Mường Lò” để nâng cao danh tiếng, uy tín, chất lượng, giá thành, góp phần duy trì và phát triển bền vững vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại cánh đồng Mường Lò, tỉnh Yên Bái.

Đồng chí Chu Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ, Chủ nhiệm Dự án khoa học Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Gạo Mường Lò” khảo sát chất lượng lúa Hương chiêm và Séng cù trên cánh đồng Mường Lò

Nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, cánh đồng Mường Lò là cánh đồng rộng thứ 2 vùng Tây Bắc, sau cánh đồng Mường Thanh. Với diện tích gần 3.000 ha (trong đó diện tích lúa của huyện Văn Chấn 1.500 ha, thị xã Nghĩa Lộ trên 760 ha), được thiên nhiên ưu đãi về đất, nước, khí hậu, điều kiện sinh thái... đã góp phần tạo nên một nền văn minh lúa nước có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.

Cùng với sự cần cù chịu khó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân nơi đây nên sản lượng lúa mỗi năm từ cánh đồng Mường Lò đạt từ 30.000 - 32.000 tấn thóc, trong đó các loại lúa đặc sản hàng hoá khoảng 10.000 tấn. Với mục tiêu từng bước tăng năng suất, chất lượng lúa gạo Mường Lò, năm 1990 thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn đã đưa vào sản xuất giống lúa Hương Chiêm. Năm 1998 đưa thêm giống lúa Séng cù vào sản xuất. Đây là 2 giống lúa hàng hóa chủ lực, chiếm trên 45% diện tích cánh đồng Mường Lò.

Là hộ gia đình có truyền thống canh tác lúa nước, gia đình chị Lường Thị Hoàn - Thôn Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Qua nhiều năm sản xuất giống lúa Hương chiêm trên diện tích gần 3000 m2 của gia đình cho thấy năng suất khá, chất lượng gạo dẻo thơm, bán được giá. Nên vụ mùa năm 2010 mặc dù kết thúc dự án sản xuất lúa chất lượng cao, không được hỗ trợ giống nữa nhưng gia đình chị vẫn lựa chọn giống này để sản xuất.

Gạo Hương chiêm Mường Lò có hương thơm đặc biệt, hạt nhỏ thon. Gạo Séng Cù có màu trắng ngà, hạt to, hương thơm, mềm dẻo. Cả 2 loại gạo này đều có vị ngon ngọt, giá trị dinh dưỡng cao được nhiều người sành ẩm thực Việt Nam ưa chuộng.

Từ những đặc tính vượt trội này, hai giống lúa Hương Chiêm và Séng Cù dần dần thay thế các giống lúa lai hoặc các giống lúa khác tại Mường Lò. Ngày nay, phần lớn du khách qua Mường Lò đều mua gạo Séng Cù hoặc Hương Chiêm - một đặc sản của cánh đồng Mường Lò về làm quà.... Chị Trần Thu Hà - Người tiêu dùng Thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Tôi thường xuyên sử dụng gạo Mường Lò cho bữa cơm hàng ngày và cũng hay gửi về quê cho người thân, làm quà cho bạn bè khi đến với Nghĩa Lộ. Tuy nhiên tôi thấy gạo Mường Lò chưa có thương hiệu, nhãn mác bao bì cụ thể do đó dù chất lượng rất thơm ngon nhưng khó phân biệt với các loại gạo khác, bản thân cũng không biết phải giới thiệu với gia đình và bạn bè như thế nào”.

Từ những điều kiện thực tế trên cho thấy, chất lượng gạo Mường Lò có mối quan hệ chặt chẽ với giống, các điều kiện địa lý và địa danh “Mường Lò”. Đây chính là cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng chỉ dẫn địa lý “Gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò.

Trong những năm qua, nghề xay xát chế biến gạo ở thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn đã thu hút được trên 50 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia, góp phần tiêu thụ lúa cho người nông dân, là cầu nối cho gạo đặc sản của Mường Lò đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên chất lượng không đồng đều giữa các cơ sở chế biến do lúa nguyên liệu, kỹ thuật canh tác, chế biến và bảo quản khác nhau. Các cơ sở này đều chưa sử dụng nhãn mác hoặc nhãn mác chưa được đăng ký bảo hộ. Quy mô chế biến nhỏ, thiếu công nghệ, chưa hình thành được liên kết theo chuỗi giá trị với người trồng lúa. Hiện nay, gạo Mường Lò đã được phân phối tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh trong nước nhưng do không có dấu hiệu nhận diện nên người tiêu dùng không thể phân biệt được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm…. Chính vì vậy, lợi thế cây lúa đặc sản truyền thống chưa phát huy được hết thế mạnh và hỗ trợ kinh tế của vùng.

Chị Nguyễn Thị Minh Thu - Chủ cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh gạo Minh Thu cho biết: “Gia đình thì sản xuất và kinh doanh gạo nhiều năm nay rồi và thấy gạo Mường Lò được đón nhận rất nhiệt tình. Tuy nhiên chúng tôi gửi đi Hà Nội hay các tỉnh khác chỉ sử dụng bao không nhãn mác, giá cả bấp bênh phụ thuộc nhiều vào thương lái. Do đó, tôi mong muốn thời gian tới gạo Mường Lò có thương hiệu để giá cả ổn định hơn”.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, tháng 8 năm 2016, UBND tỉnh đã giao cho UBND thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với huyện Văn Chấn thực hiện dự án “xây dựng chỉ dẫn địa lý “gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò tỉnh Yên Bái”, với hai loại gạo đề nghị nhà nước bảo hộ là Séng cù và Hương chiêm. Thông qua việc bảo hộ thương hiệu gạo Mường Lò với hình thức chỉ dẫn địa lý, thị xã nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn sẽ có cơ chế, chính sách quản lý, quy hoạch sản xuất, kinh doanh gạo Mường Lò chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đồng thời nâng cao danh tiếng, uy tín, chất lượng, giá thành gạo Mường Lò, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng góp phần ổn định thu nhập cho người dân trồng lúa, từng bước cụ thể hóa mục tiêu đưa nghành nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn phát triển bền vững.

Ông Chu Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Thực hiện dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý “Gạo Mường Lò”, đến nay thị xã Nghĩa Lộ đã phối hợp với huyện Văn Chấn hoàn thiện việc Điều tra, khảo sát vùng gạo và đánh giá sơ bộ về uy tín, giá trị kinh tế - xã hội của “Gạo Mường Lò”. Điều tra phân tích, đánh giá tính đặc thù của “Gạo Mường Lò” thông qua người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng gạo Mường Lò. Xác định chất lượng đặc thù của “Gạo Mường Lò” và các điều kiện tự nhiên, con người ảnh hưởng đến chất lượng đặc thù của gạo Mường Lò; Xây dựng bản đồ xác định phạm vi lãnh thổ tương ứng với chỉ dẫn địa lý; Xây dựng văn bản tài liệu quản lý chỉ dẫn địa lý và lập bộ hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý; Xây dựng hệ thống tem nhãn, bao bì sản phẩm và phương tiện tuyên truyền quảng bá cho Chỉ dẫn địa lý; tổ chức hội thảo….

Trong thời gian tới, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn tiếp tục huy động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kết hợp với nông dân trong việc xây dựng các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, áp dụng chung một quy trình kỹ thuật canh tác lúa, chế biến và bảo quản gạo để đảm bảo độ đồng đều về chất lượng của gạo thành phẩm. Cùng đó, thực hiện quản lý chỉ dẫn địa lý bằng việc tổ chức quản lý chất lượng nội bộ, tổ chức quản lý chất lượng độc lập; giao cho doanh nghiệp quản lý chất lượng sản phẩm; xây dựng các công cụ quản lý chất lượng, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng trên cơ sở bảo tồn nguồn lợi tự nhiên. Đồng thời, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao (Séng Cù, Hương Chiêm) thông qua các hoạt động xây dựng mô hình canh tác, tập huấn kỹ thuật; nâng cao năng lực cho các tác nhân trong chuỗi giá trị. Trong đó, sau khi Nhà nước bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với gạo sản phẩm gạo Séng Cù, Hương Chiêm, UBND thị xã Nghĩa Lộ sẽ phối hợp với UBND huyện Văn Chấn quy hoạch, mở rộng diện tích gieo trồng hai giống lúa này, phấn đấu tăng từ  1,2 - 1,5 lần sản lượng như hiện nay lên khoảng 12.000 - 15.000 tấn.

Với những việc đã và đang thực hiện, tin tưởng rằng, thời gian tới khi thương hiệu gạo Mường Lò được bảo hộ bằng hình thức chỉ dẫn địa lý nhiều người tiêu dùng sẽ biết đến loại gạo đặc sản thơm ngon và gạo Mường Lò thực sự trở thành “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế nông nghiệp thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung.

1149 lượt xem
CTV: Thùy Hương

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h