Một trong những vấn đề “nóng” được Đoàn ĐBQH Yên Bái tham gia thảo luận sôi nổi là việc sửa đổi Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2015.
Theo quy định của Điều 60, đa phần người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần của sổ họ đã đóng trong suốt quá trình làm việc mà phải tiếp tục đóng cho đến khi hết tuổi lao động để sau này được hưởng lương hưu hàng tháng nhưng do đặc thù của nhiều ngành nghề làm việc nặng nhọc, độc hại, người lao động đã không đồng tình với quy định này, mặc dù quy định mang tính nhân văn, đảm bảo cuộc sống lâu dài cho người lao động khi nghỉ hưu. Để phúc đáp yêu cầu của người lao động, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội sửa đổi điều này.
Đại biểu Nguyễn Công Bình – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái chia sẻ: "Luật chưa được thi hành mà đã phải sửa đổi thì cần phải xem xét quy trình, thủ tục và trình tự của công tác xây dựng luật và vấn đề cần phải được rút kinh nghiệm ngay. Tôi cơ bản đồng tình với việc sửa đổi Điều 60 của Luật này để giải quyết được nguyện vọng của đại đa số người lao động".
Trao đổi với chúng tôi, đại biểu Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết: "Theo tôi, nên giao cho Chính phủ nghiên cứu lấy ý kiến thêm, nhất là ý kiến của công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố phía Nam. Nhà nước cũng cần quan tâm hơn nữa đến những khó khăn ở lao động nông nghiệp, lao động làm việc theo thời vụ bởi đa số lực lượng này có trình độ thấp, dịch vụ xã hội khó khăn. Do vậy, cần cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006".
Không chỉ tích cực tham gia thảo luận tại tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái còn tích cực tham gia nhiều ý kiến thảo luận tại Hội trường.
Qua thảo luận về Dự án Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm đề nghị quy định cụ thể ngay trong Luật về tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND và quy định đối với ĐBQH thì ngoài những tiêu chuẩn chung cần có tiêu chuẩn riêng. Cụ thể, theo đại biểu, quy định tiêu chuẩn người ứng cử ĐBQH phải có trình độ từ đại học trở lên. Đối với đại biểu HĐND các cấp ngoài những tiêu chuẩn chung thì cũng cần quy định trình độ chuyên môn của đại biểu HĐND tỉnh khác với tiêu chuẩn trình độ chuyên môn của HĐND cấp huyện, xã. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quyền khiếu nại, tố cáo của người tự ứng cử trong quá trình thực hiện quyền ứng cử của mình đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận.
Trong 3 tuần làm việc đầu tiên, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đã đóng góp trên 20 ý kiến thảo luận tại tổ và tại hội trường, mỗi dự thảo luật trung bình có từ 1đến 4 ý kiến tham gia.
Đại biểu Nguyễn Công Bình khẳng định: Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đã tích cực tham gia ý kiến vào các dự thảo luật, các ý kiến được Ban soạn thảo các dự án luật đánh giá đạt chất lượng cao, góp phần sửa đổi các dự luật sát hợp với tình hình thực tế, phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Cùng với đó, các vấn đề liên quan trực tiếp đến Yên Bái như giảm nghèo, tỷ lệ lao động qua đào tạo, khó khăn trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương cũng được các đại biểu kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương khi tham gia phát biểu thảo luận tại tổ và trao đổi bên lề kỳ họp.
Trước đó, chuẩn bị cho kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri trình Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết và trả lời các kiến nghị của cử tri. Bên cạnh đó, Đoàn cũng đã tổng hợp các ý kiến của ĐBQH, các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh tham gia vào các dự án luật trước kỳ họp trình Quốc hội xem xét và sửa đổi.
Các ĐBQH Yên Bái - những người đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của cử tri và nhân trong tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ là cầu nối đưa các ý kiến của cử tri, các ý kiến tham gia vào các dự thảo luật đến với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để xem xét, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp nhất và giải quyết thấu đáo các nguyện vọng của cử tri, tạo sự đồng thuận cao giữa Quốc hội và cử tri trong tỉnh.
(Theo Báo Yên Bái)